Để ngăn chặn tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm lưu hành trên thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Công an, Hải quan và chính quyền địa phương tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia và Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về phần mình, Bộ Y tế đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp như:
- Tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012, trong đó có các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý về ATTP, bao gồm việc phê duyệt và triển khai một số đề án quan trọng như: Đề án nâng cao năng lực truyền thông; Đề án cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ; Đề án phòng chống gia cầm nhập khẩu trái phép...
- Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó đã quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính và mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Tăng cường công tác thông tin- giáo dục- truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cả người sản xuất (bao gồm nuôi trồng, chế biến, bảo quản, cung cấp) và người tiêu dùng thực phẩm.
- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, bao gồm cả xử lý hình sự.
Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp trên, nên đã bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền Giáp Ngọ 2014, số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, không có vụ ngộ độc lớn xảy ra.
Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội sau Tết Nguyễn đán Giáp Ngọ, ngày 7/2, Bộ Y tế đã có công điện số 449/CĐ-BYT về việc chủ động triển khai công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm sau Tết Giáp Ngọ năm 2014 gửi Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ, yêu cầu thực hiện nghiêm túc kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội; tập trung vào một số trọng tâm như: kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh thực phẩm tại các khu vực lễ hội. Đồng thời tập trung thanh tra, kiểm tra phát hiện sớm ca ngộ độc; điều tra, xử lý và khắc phục khi có vụ ngộ độc xảy ra.