Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Nhiều công trình Dự án thuỷ lợi do tỉnh và Trung ương làm chủ đầu tư đều thực hiện chậm, do đặc điểm sông rạch vùng Bạc Liêu bị bồi lấp nhưng đầu tư nạo vét thiếu giải pháp lâu dài, nên công trình đầu tư xong sử dụng trong thời gian ngắn thì bị bồi lắng cạn dòng kênh, sông. Đề nghị cần có giải pháp căn bản tránh lãng phí và phải bảo đảm được sử dụng lâu dài.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Bạc Liêu   

Đơn vị xử lý: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn   

Lĩnh vực: Thủy lợi, đê kè   

Trả lời:

Tại công văn số 733   /BNN-TCTL ngày 03/3/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Tỉnh Bạc Liêu, cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu long, có hệ thống kênh mương chịu tác động trực tiếp của việc bồi lắng phù sa cuối nguồn sông Mê Kông. Trong thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư nhiều dự án, công trình thuỷ lợi để thực hiện mục tiêu nạo vét, thau chua rửa mặn, phân vùng mặn ngọt và phục vụ nuôi trồng thuỷ sản của địa phương. Một số dự án đang được thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2015, như dự án: Hệ thống công trình phân ranh mặn ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu (Tổng mức đầu tư 664,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, những năm gần đây, do khó khăn về vốn đầu tư, kinh phí hàng năm được bố trí hạn chế, tập trung ưu tiên cho các dự án có thể hoàn thành đưa vào phục vụ ngay cho sản xuất và đời sống, một số dự án phải giãn tiến độ thực hiện. 

Đối với việc giải quyết kênh rạch bị bồi lắng, do kinh phí còn hạn chế, các dự án đầu tư chỉ giải quyết được việc nạo vét những vị trí, đoạn kênh rạch bị bồi lấp nặng để kịp thời phục vụ sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ tổ chức nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế và xử lý bồi lắng hệ thống kênh, đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, an toàn, thuận lợi  cho công tác quản lý, khai thác và ổn định lâu dài.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang cho nghiên cứu giải pháp công nghệ áp dụng mô hình “Ngân hàng đất” (sử dụng bãi đổ thải lâu dài, xử lý bùn đất bồi lắng,  dùng vật liệu nạo vét vào nhiều mục đích) và sử dụng các thiết bị thích hợp vào công tác nạo vét kênh. Những ưu điểm của giải pháp nạo vét này là giảm chi phí, bảo vệ môi trường và có khả năng xã hội hoá công tác nạo vét bằng việc đầu tư theo phương thức công – tư. Nghiên cứu này sẽ được thực hiện thí điểm trong Tiểu dự án Đông Nàng Rền, tỉnh Bạc Liêu và một số dự án khác; sau đó sẽ có đánh giá, rút kinh nghiệm để có thể cho triển khai áp dụng rộng rãi.

Các câu hỏi cùng địa phương: