Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri kiến nghị Nhà nước cần có nhiều chính sách hơn nữa đối với ngư dân bám biển để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam như

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Hải Phòng    Ninh Thuận    Đồng Nai    Thanh Hóa   

Đơn vị xử lý: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn   

Lĩnh vực: Thủy sản   

Trả lời:

Tại công văn số 337/BNN-TCTS ngày 27/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Thời gian vừa qua Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân như:

1. Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân, trong đó có hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản, hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ dầu, thời gian thực hiện từ năm 2008 đến năm 2010. Về cơ bản, chính sách đã kịp thời giúp ngư dân khắc phục khó khăn để bám biển sản xuất, duy trì khai thác thuỷ, hải sản, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống ngư dân, góp phần vào an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảm bảo ổn định nguồn thực phẩm cũng như nguyên liệu cho các nhà máy chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần ổn định giá tiêu dùng trong nước, kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống xã hội. Qua ba năm triển khai thực hiện Quyết định số 289/QĐ-TTg, công tác quản lý tàu cá được tăng cường, đại bộ phận tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đánh giá được thực trạng năng lực đánh bắt, cơ cấu tàu thuyền và loại nghề khai thác hải sản, tạo điều kiện cho công tác quản lý, lập quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi, sắp xếp bố trí lại lực lượng sản xuất nghề cá tại địa phương.

Trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, Bộ Tài chính đã cấp kinh phí cho 21 tỉnh để thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289/QĐ-TTg năm 2008 - 2010 là 1.881.489,61 triệu đồng, đạt 99,2% tổng số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương theo chế độ quy định. Tổng kinh phí các tỉnh đã chi hỗ trợ cho ngư dân  là 1.927.816,05 triệu đồng, đạt 96% tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 289/QĐ-TTg năm 2008 - 2010. Hầu hết các chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289 đã hỗ trợ được các nhu cầu thiết yếu đối với ngư dân trong quá trình khai thác đánh bắt hải sản.

2. Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, trong đó có hỗ trợ kinh phí tiền dầu, kinh phí mua bảo hiểm, trang bị máy thông tin liên lạc cho các tàu cá và xây dựng trạm quan sát tại các địa phương. Đến nay theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có trên 6.037 tàu cá của 20/28 tỉnh, thành phố ven biển được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đủ điều kiên tham gia hoạt động trên các vùng biển xa theo quy định. Tính đến tháng 6/2013, cả nước đã hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2011/QĐ-TTg khoảng 760.000 triệu đồng, trong đó: hỗ trợ chi phí nhiên liệu: 673.000 triệu đồng; hỗ trợ bảo hiểm: 10.000 triệu đồng; hỗ trợ máy thông tin liên lạc trên tàu được 2.203 chiếc (tương đương 69.716 triệu đồng); hỗ trợ xây dựng được 15 trạm bờ, tương đương 4.496 triệu đồng; hỗ trợ khôi phục lại sản xuất được 01 trường hợp với 500 triệu đồng; đã có 15.298 thuyền viên được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên, v.v…

3. Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010, Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, trong đó có hỗ trợ lãi suất vay cho việc đầu tư các trang biết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đóng mới tàu thu mua chế biến hải sản. Tuy nhiên, triển khai trong lĩnh vực thủy sản còn gặp phải một số khó khăn như: Yêu cầu các máy móc, thiết bị được hỗ trợ phải đảm bảo yếu tố nội địa hóa 60% trở lên …, những khó khăn, vướng mắc đó đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2013/-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, trong đó cóhỗ trợ mức vay tối đa để mua các loại máy thiết bị, bằng 100% giá trị hàng hóa; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu và 50% lãi suất vốn vay trong năm thứ ba đối với các loại máy, thiết bị dò cá, thu, thả lưới, câu, thông tin liên lạc, hầm cấp đông, thùng bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, sản xuất nước đá, làm nước biển thành nước ngọt sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ.

4. Quyết định 1787/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách thí điểm ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác hải sản xa bờ tại Quảng Ngãi. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi để thực hiện Quyết định.

5. Chính sách hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển: Ngày 25/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 118/2007/QĐ-TTg về ban hành một số chính sách hỗ trợ rủi ro thiên tai trên biển đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ven biển khắc phục rủi ro do thiên tai gây ra như: bão lốc, áp thấp nhiệt đới, sóng thần, v.v... xảy ra trên biển, ven biển, hải đảo với một số nội dung cụ thể như: hỗ trợ chi phí mua vé phương tiện về nơi cư trú đối với các trường hợp gặp rủi ro xa nơi cư trú; hỗ trợ các chi phí vận chuyển cấp cứu người từ biển vào đất liền; bảo quản xác nạn nhân; thông tin tìm kiếm người mất tích trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 30 ngày; hỗ trợ thiệt hại đối với các phương tiện sản xuất bị mất, bị hư hỏng nặng; hỗ trợ chi phí trục vớt phương tiện sản xuất bị chìm hoặc bị trôi dạt; hỗ trợ con giống thủy sản đối với các diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại, khi khôi phục sản xuất; hỗ trợ cấp máy thông tin liên lạc, phao cứu sinh đối với tàu, thuyền đánh bắt xa bờ bị chìm, hư hỏng nặng, khi khôi phục sản xuất; hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chi phí sửa chữa đối với các tàu, thuyền tham gia cứu hộ, cứu nạn người và tàu, thuyền bị rủi ro do thiên tai trên biển, v.v… Triển khai thực hiện Quyết định, nhiều tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đã nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước để khôi phục sản xuất khi không may gặp phải rủi ro trên biển, chính sách này được ngư dân hết sức ủng hộ. Hiện nay, các chính sách ban hành theo quyết định này vẫn được các địa phương tích cực triển khai.

6. Chính sách hỗ trợ trang thiết bị thông tin và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển:

- Dự án thông tin giai đoạn I: Trong những năm gần đây tình hình thời tiết diễn biến ngày càng khắc nghiệt, phức tạp; bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt xuất hiện ngày càng nhiều với cường độ mạnh, mức độ ảnh hưởng rộng, thời gian xuất hiện thường sớm hơn và kết thúc cũng muộn hơn đã ảnh hưởng xấu khai thác hải sản trên biển. Nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho ngư dân khi khai thác trên biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 459/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm hỗ trợ máy thu trực canh cho ngư dân lắp đặt trên tàu cá (SSB). Hiện nay, đã hoàn thành giai đoạn thí điểm lắp đặt 7.000 máy thu trực canh cho ngư dân. Máy thu trực canh được lắp đặt đã hỗ trợ ngư dân rất nhiều trong việc tiếp nhận thông tin về dự báo thời tiết trên biển và công tác phòng tránh trú bão, đa số ngư dân đánh giá cao việc lắp đặt thiết bị này.

- Dự án MOVIMAR (hỗ trợ thiết bị giám sát tàu cá): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành triển khai dự án MOVIMAR để gắn thiết bị (chíp) cho 3.000 tàu cá của ngư dân các thiết bị thu tín hiệu từ vệ tinh; các tàu cá được trang bị các thiết bị này sẽ nhận được thông tin dự báo thời tiết; dự báo ngư trường; tự động báo vị trí tàu về bờ 2 giờ/lần; các thông tin hướng dẫn tránh trú bão, v.v…, đến nay đã có 1.944 tàu cá được lắp đặt thiết bị. Từ tháng 5/2013 đến nay, khi bản tin dự báo thời tiết được gửi đến ngư dân kèm theo hình ảnh đường đi, tốc độ, cấp độ, vùng ảnh hưởng của bão đối với tàu cá, các tàu khai thác hải sản đã chủ động tránh được bão, đa số các tàu di chuyển ra ngoài vùng ảnh hưởng của bão mà không phải chạy vào bờ tránh bão như trước đây đã làm lợi cho ngư dân hàng trăm tỷ đồng.

Những cơ chế, hính sách hỗ trợ ngư dân được ban hành và triển khai trong thời gian vừa qua đã mang lại những hiệu quả tích cực cho Ngành Thủy sản, tạo điều kiện để ngư dân ổn định cuộc, sống bám biển khai thác và kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong thời gian tới, Thực hiện Quyết định 375/QĐ-TTg ngày 01/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng Dự án thông tin nghề cá giai đoạn II trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ Tài chính tiếp tục dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, thay máy tàu cá hoạt động trên vùng khơi, vùng biển cả (Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 717/TTr-BTC ngày 27/11/2012 và văn bản số 478/BTC-TCNH ngày 04/7/2013 gửi Thủ tướng Chính phủ).

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: