Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn 2128/9040 phòng học, 752/1998 nhà công vụ cho giáo viên chưa được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ từ chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để triển khai thực hiện. Đề nghị quan tâm bố trí vốn để hoàn thành đầu tư số phòng học và nhà công vụ còn lại theo đề án đã được phê duyệt, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Thanh Hóa   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Cơ sở vật chất ngành giáo dục   

Trả lời:

Trả lời (Công văn số  964/BGDĐT-VP ngày 05/ 3/2014):

Ngày đăng: 10/06/2014

Theo Quyết định số 2186/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ vốn thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2012, tổng số vốn thực hiện Đề án của tỉnh Thanh Hóa là 1.646,794 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ là 1.317,435 tỷ đồng (tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ 80% vốn trái phiếu Chính phủ đề thực hiện Đề án), ngân sách địa phương là 216,232 tỷ đồng và huy động khác là 113,127 tỷ đồng, với số phòng học đầu tư xây dựng giai đoạn 2008-2012 là 9.040 phòng và diện tích nhà công vụ là 125.184m2 (5.216 phòng).

Số vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ năm 2008-2013 cho tỉnh Thanh Hóa là 1.560,335 tỷ đồng (gồm cả 242,900 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 bổ sung hỗ trợ địa phương trả nợ khối lượng các công trình đã được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013).

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 6.918 phòng học (đạt 76,5% kế hoạch cả giai đoạn) và 1.246 phòng nhà công vụ cho giáo viên (đạt 23,9% kế hoạch cả giai đoạn), với tổng số vốn đã huy động để đầu tư xây dựng là 1.655,909 tỷ đồng (bao gồm: vốn trái phiếu Chính phủ là 1.560,335 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 62,872 tỷ đồng và huy động khác là 32,702 tỷ đồng). Số vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ đã được phân bổ hết. Tuy nhiên, vốn ngân sách địa phương để thực hiện Đề án chỉ đạt 29,1% kế hoạch và huy động khác đạt 28,9% kế hoạch được giao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện Đề án, do biến động về giá nên tổng mức đầu tư Đề án tăng lên rất lớn và việc huy động nguồn vốn ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa đầu tư xây dựng hết được số phòng học và nhà công vụ theo kế hoạch.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định triển khai Đề án Kiên cố hóa giai đoạn 2014-2017 và lộ trình đến năm 2020 với mục tiêu: Thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành danh mục công trình của Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Đầu tư xây mới cho đủ 1 lớp/phòng đối với trường tiểu học; đầu tư xây dựng mới để thay thế toàn bộ số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm của các trường mầm non, phổ thông; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thuộc khu phục vụ học tập: phòng học bộ môn, phòng thiết bị, phòng hiệu bộ, phòng học đa năng, phòng thư viện, phòng y tế.

Việc bổ sung danh mục, tiếp tục hỗ trợ kinh phí để thực hiện đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp trong Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2017 và lộ trình đến năm 2020. Việc bố trí vốn theo đề nghị của cử tri phải chờ quyết định của Quốc hội sau khi Đề án được Chính phủ phê duyệt.