Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Trong thời gian qua, tình hình lạm phát có chiều hướng ngày càng gia tăng; một số mặt hàng thiết yếu như giá điện, giá xăng dầu tiếp tục tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nhân dân. Bên cạnh đó, Luật Giá đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 nhưng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện chậm được ban hành, nên tình trạng nâng giá, ép giá, chưa niêm yết giá một số mặt hàng vẫn đang diễn ra. Cử tri đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Thừa Thiên Huế   

Đơn vị xử lý: Bộ tài chính   

Lĩnh vực: Giá   

Trả lời:

Tại công văn số 1053/BTC-QLG ngày 21/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Về quản lý giá mặt hàng điện, xăng dầu

Luật Giá có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 đã khẳng định nguyên tắc quản lý giá của nước ta đó là: (i) Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; (ii) Nhà nước thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Thực hiện nguyên tắc trên, trong điều hành giá đối với những mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp đều đã xây dựng những phương án cụ thể phù hợp với các mục tiêu kiểm soát lạm phát trong từng thời kỳ; khi điều chỉnh giá các mặt hàng đó đều tính toán xem mức độ tác động đến sản xuất và đời sống để có những biện pháp thích hợp hạn chế tác động bất lợi của nó đến nền kinh tế thông qua việc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thị trường; đối với mặt hàng điện, xăng dầu cụ thể như sau:

Đối với giá xăng dầu: Hiện nay, giá xăng dầu trong nước được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định số 84/2009/NĐ-CP), với nguyên tắc cơ bản là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc: quy định công thức tính giá cơ sở tính theo bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước. Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP: khi giá cơ sở tăng cao vượt biên độ thuộc thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính và Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Trong thời gian vừa qua, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện việc giám sát và điều hành giá xăng dầu trong nước tuân thủ theo đúng quy định và mục tiêu nêu trên.

Đối với giá điện: Theo quy định tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực thì về quản lý nhà nước đối với giá điện, Bộ Công Thương chủ trì; Bộ Tài chính phối hợp theo quy định. Trong năm 2013, giá bán điện chỉ được điều chỉnh tăng một lần, tỷ lệ tăng 5% từ 1/8/2013 (1.437 đ/kwh lên mức 1.508,85 đ/kwh (Thông tư số 19/2013/TT-BCT ngày 31/7/2013 của Bộ Công Thương). Trên thực tế, song song với việc điều chỉnh giá điện, để hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đến an sinh xã hội, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ riêng đối với các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp và hộ nghèo. Cụ thể: (i) Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện là 30.000 đồng/hộ/tháng (Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Biểu giá bán lẻ điện). (ii) Trong các đợt điều chỉnh giá điện bình quân vừa qua (01/7/2012, 22/12/2012, 01/8/2013), để giảm bớt tác động tăng giá điện, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt được giữ ổn định đối với bậc thang đầu tiên (0 – 50 kwh) cho hộ nghèo và thu nhập thấp (993 đ/kwh).

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc tăng giá điện, xăng dầu để tăng giá bất hợp lý các mặt hàng làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân.

2. Về tình hình ban hành các nghị định quy định chi tiết Luật Giá

Ngày 06/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá; Ngày 24/9/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Theo đó, khung khuôn khổ pháp lý về quản lý giá về cơ bản đã đầy đủ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang gấp rút ban hành các Thông tư hướng dẫn các Nghị định trên. Bộ Tài chính cũng đã tổ chức 03 Hội nghị tại 03 miền Bắc, Trung và Nam để tuyên truyền và phổ biến các quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn; đồng thời đề nghị Sở Tài chính các địa phương chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đúng các quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn trong quản lý giá tại địa phương, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, trong đó có hành vi không niêm yết giá và tăng giá bất hợp lý.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực: