Nội dung giáo dục về chủ quyền biển đảo, bảo vệ và khai thác hợp lí tài nguyên biển đảo trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã được đề cập khá toàn diện: lịch sử về chủ quyền vùng biển, đảo của nước ta; các bộ phận hợp thành vùng biển nước ta; chủ quyền của các đảo và quần đảo; nguồn tài nguyên biển, vấn đề khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; vấn đề phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng ở Biển Đông,... Hình thức giáo dục đa dạng và phong phú: các bài dạy chính khóa, các tiết ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa, dạy học với di sản. Cụ thể như sau:
1. Giáo dục về biển đảo trong chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa
- Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện đổi mới từ đầu những năm 2000 và hoàn thành việc đổi mới chương trình vào năm 2007. So với chương trình cũ, chương trình lần này đề cập đến nội dung kiến thức về chủ quyền biển đảo đa dạng và toàn diện hơn. Nội dung kiến thức về chủ quyền biển đảo được giảng dạy ở hai bộ môn Địa lí và Lịch sử như sau:
Môn Địa lí:
Địa lí 8: Bài 23 - Vị trí địa lí, hình dạng lãnh thổ; Bài 24 - Vùng biển Việt Nam; Bài đọc thêm; Bài 43 - Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Địa lí 9: liên tục từ các bài 38 đến 40 đề cập đến kiến thức biển đảo, phát triển kinh tế biển đảo, bảo vệ môi trường biển đảo.
Địa lí 12: Bài 2 - Vị trí, phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Bài 8 - Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển; Bài 24 - Vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp; Bài 35 - Vấn đề phát triển kinh tế, xã hội ở Bắc Trung Bộ; Bài 36 - Vấn đề phát triển kinh tế, xã hội ở Duyên hải Nam Trung Bộ; Bài 42 - Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông.
Môn Lịch sử:
Lịch sử 7: Bài 16 - Sự sụp đổ của nhà Trần cuối thế kỉ XIV; Bài 20 - Nước Đại Việt thời Lê sơ (1428 - 1527); Bài 25 - Phong trào nông dân Tây Sơn; Bài 27 - Chế độ phong kiến Nhà Nguyễn.
Lịch sử 9: Bài 27 - Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953 - 1954); Bài 30 - Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1973 - 1975).
Lịch sử 10: Bài 25- Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn.
Lịch sử 12: Bài 23 - Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc.
- Dự kiến chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, nội dung giáo dục về biển đảo sẽ được kế thừa các nội dung hiện hành, bổ sung thêm nội dung và các minh chứng về chủ quyền biển đảo của nước ta; về hình thức tổ chức dạy học các nội dung về biển đảo đa dạng hơn: dạy học trên lớp, dạy học với các di sản, dạy học tại thực địa, dạy học theo dự án,...
2. Giáo dục biển đảo trong Chương trình giáo dục địa phương
Cả 63 tỉnh nói chung, đặc biệt 28 tỉnh ven biển nói riêng đã xây dựng các chương trình giảng dạy địa phương của mình, các nội dung giảng dạy địa phương gồm: lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, thành phố; địa lí tỉnh, thành phố (vị trí địa lí, giới hạn lãnh thổ phần đất liền, phần biển đảo,... tài nguyên thiên nhiên, dân cư và lao động,...).
3. Chương trình ngoại khóa, sinh hoạt tập thể
- Các cơ sở giáo dục đã lồng ghép các nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo vào nội dung sinh hoạt. Một số tỉnh ven biển còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo quê hương, điển hình như thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa, ...
- Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động hưởng ứngtuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.
Để tăng cường công tác giáo dục về biển đảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Quyết định số 1461/QĐ-GDĐT ngày 14/4/2011 về việc xây dựng và thực hiện Đề án tăng cường công tác giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo vào chương trình giáo dục các cấp học và các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2011-2015. Xây dựng các tài liệu hướng dẫn dạy học tích hợp về giáo dục biển, hải đảo vào các chương trình dạy học và đào tạo.