Hành vi tăng giá bất hợp lý hàng hóa, dịch vụ trong đó bao gồm cả các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu quan trọng là đầu vào cho sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống nhân dân được xử lý theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn như sau:
“Điều 13. Hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:
a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều này.”
Đồng thời, đối với một số mặt hàng cụ thể còn có những quy định về cơ chế điều tiết giá các mặt hàng này. Ví dụ: xăng dầu được quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; LPG (gas) được quy định tại Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh dầu mỏ khí hóa lỏng... Trong các văn bản quy phạm pháp luật đó, đã quy định quyền lợi, nghĩa vụ của các thương nhân kinh doanh đầu mối...
Cụ thể, với mặt hàng xăng dầu: theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Doanh nghiệp được quyền quyết định giá bán xăng dầu trong nước nhưng chỉ được quyết định trong biên độ Nhà nước cho phép (7%), mức giá tính toán phải theo nguyên tắc, căn cứ, phương pháp và công thức do nhà nước quy định; điều chỉnh giá phải theo trình tự, thủ tục nhà nước đề ra và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để giám sát, kiểm soát. Đồng thời, theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP: Trường hợp Thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; trong đó có hành vi tăng, giảm giá bán không đúng quy định hoặc có hành vi liên kết độc quyền về giá, tùy theo mức độ vi phạm, bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành...