Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn 2128/9040 phòng học, 752/1998 nhà công vụ cho giáo viên chưa được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ từ chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để triển khai thực hiện. Đề nghị quan tâm bố trí vốn để hoàn thành đầu tư số phòng học và nhà công vụ còn lại theo đề án đã được phê duyệt, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.
Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo
Đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm việc “chạy trường, chạy lớp” gây bức xúc trong nhiều phụ huynh học sinh.
Năm học 2013 - 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương không chấm điểm đối với học sinh lớp 1. Đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động của chủ trương này vì không chấm điểm sẽ không có cơ sở đánh giá thực chất chất lượng học sinh (đặc biệt với môn Toán và Tiếng Việt).
Đề nghị có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Đề nghị sớm phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2015 để các địa phương triển khai thực hiện.
Đề nghị đưa giáo dục mầm non vào hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên giáo dục mầm non như giáo dục phổ thông.
Chương trình quá tải so với từng cấp học; việc giao chỉ tiêu cho giáo dục phổ thông (tỷ lệ học sinh khá giỏi, lên lớp...) nên trường học chạy theo thành tích, chưa quan tâm đến chất lượng; cho phép mở nhiều ngành nghề đào tạo nhưng không gắn với nhu cầu của xã hội, gây lãng phí. Đồng thời đề nghị đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy bắt buộc đối với học sinh phổ thông (vì hiện nay tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước do không biết bơi ngày càng nhiều).
Trong những năm qua, một bộ phận khá lớn học sinh, thanh niên ít quan tâm tìm hiểu, học tập vững kiến thức về lịch sử Việt Nam. Đề nghị quan tâm hơn nữa, có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc đổi mới phương pháp và nội dung giảng dạy đối với bộ môn Lịch sử; xây dựng chương trình giáo dục phổ thông toàn diện, trong đó chú trọng tăng cường nội dung, thời lượng và thay đổi phương pháp giáo dục đối với môn học Lịch sử.
Đề nghị tăng mức hỗ trợ kinh phí đầu tư kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo hàng năm, tăng nguồn vốn ODA, vốn tài trợ khác cho các tỉnh có số lượng xã, thôn thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ cao, đông học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất.
Giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hoàn thiện thể chất và rèn luyện thói quen, tư duy cho trẻ. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, cần có sự hỗ trợ về vốn đầu tư phát triển để xây dựng phòng học và phòng chức năng. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng phòng học và phòng chức năng ngành học mầm non, vì nguồn kinh phí ngân sách địa phương rất hạn hẹp, không đảm bảo việc cân đối hằng năm đầu tư cho giáo dục.