Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL về phương pháp, hình thức tuyên truyền sinh động giúp người nghe dễ cảm nhận, tiếp thu; góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, giảm tình trạng vi phạm pháp luật do không am hiểu pháp luật.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Hải Dương   

Đơn vị xử lý: Bộ tư pháp   

Lĩnh vực: Bộ tư pháp   

Trả lời:

Tại công văn số 6765/BTP-VP ngày 16/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhiều Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chương trình, Kế hoạch và văn bản về công tác PBGDPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ban hành, đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong cả nước, trong đó phải kể đến Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và nhiều Chương trình, kế hoạch PBGDPL của các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương... Tuy nhiên, đúng như cử tri phản ánh, công tác này chưa có sự đổi mới, đa dạng, phù hợp với các đối tượng, địa bàn nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Những hạn chế, bất cập trên xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu là:

- Thể chế về PBGDPL đang được hoàn thiện nên chưa tạo sự chuyển biến đồng bộ trong cả nước.

- Một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đến công tác PBGDPL, nhất là phổ biến những chính sách pháp luật mới liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

- Kinh phí, điều kiện bảo đảm cho hoạt động PBGDPL của các địa phương còn thiếu. Hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp chưa hiệu quả.

2. Với trách nhiệm là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về PBGDPL, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều giải pháp nhằm tăng cường, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Về hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành các Thông tư, Thông tư liên tịch liên quan;

- Về kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ trung ương đến cấp huyện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL TW. Hội đồng này đã họp phiên thứ nhất vào cuối tháng 7/2013, cũng đã cho ý kiến về việc hướng dẫn việc kiện toàn Hội đồng cấp tỉnh và cấp huyện trong những tháng tới.

- Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 07 Đề án trọng tâm về PBGDPL giai đoạn 2013-2016, cụ thể là: (1) Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn ; (2) Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư; (3) Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo; (4) Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; (5) Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam; (6) Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam; (7) Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.

- Để tăng cường các điều kiện bảo đảm, đáp ứng một cách đầy đủ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai trên diện rộng, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính có Công văn hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2014.

- Bộ Tư pháp định kỳ hàng tháng đã ra thông cáo báo chí về các văn bản pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, thực hiện quy định tại Điều 8 của Luật, Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng Hướng dẫn việc tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên vào ngày 9/11/2013 tới đây.

3. Về việc phổ biến, tổ chức học tập rộng rãi Hiến pháp, Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, trong phạm vi chức năng, quyền hạn được của mình, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ triển khai thực hiện và tổ chức phổ biến, tổ chức học tập rộng rãi để cho mọi công dân được thực hiện nghiêm túc.

Bộ Tư pháp xin ghi nhận những kiến nghị của cử tri và sẽ khẩn trương hoàn thiện thể chế, triển khai các hoạt động cụ thể nêu trên nhằm tạo chuyển biến cơ bản, đồng bộ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: