Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri cho rằng, Quốc hội là người ban hành pháp luật, nhưng điều hành việc hướng dẫn tổ chức thực hiện chậm, gây khó khăn cho việc đưa luật vào cuộc sống. Giám sát việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Quốc hội cần phải tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân suy thoái, biến chất, thiếu tuân thủ pháp luật, đánh mất niềm tin nhân dân đối với cơ quan công quyền.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Quảng Bình   

Đơn vị xử lý: Văn phòng Quốc hội   

Lĩnh vực: Văn phòng Quốc hội   

Trả lời:

Ngày đăng: 10/06/2014

Trong những năm vừa qua, công tác giám sát, khảo sát tình hình triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan nhà nước khác là hoạt động thường xuyên, liên tục của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Thông qua hoạt động này, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã phát hiện những quy định còn chưa phù hợp, những nội dung trái với văn bản gốc, hoặc chưa rõ ràng, chưa thống nhất để kịp thời điều chỉnh, đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, hoặc bãi bỏ văn bản nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật.

Tuy nhiên, do nguồn lực của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có hạn, trong khi yêu cầu thực tế cuộc sống rất cao nên hoạt động giám sát còn chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Một số dự án luật chưa thật sự bám sát, phản ánh đúng nhu cầu của cuộc sống, tính dự báo không cao, tính khả thi, phù hợp với thực tế còn hạn chế, dẫn đến một số quy định của luật, pháp lệnh chưa đi vào cuộc sống, phải sửa đổi, bổ sung; có những quy định phải sửa đổi, bổ sung ngay sau một thời gian ngắn ban hành. Bên cạnh đó, việc giám sát văn bản hiện nay chủ yếu được tiến hành kết hợp trong quá trình giám sát các chuyên đề và mới tập trung vào tiến độ ban hành, số lượng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết mà chưa đi sâu vào nội dung cụ thể của từng văn bản. Điều kiện về tổ chức bộ máy, năng lực cán bộ (về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát văn bản), cơ chế phối hợp trong hoạt động giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước chưa cho phép Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có thể giám sát việc ban hành toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành hàng năm với số lượng quá lớn. Hơn nữa, chưa có “chế tài” cụ thể để xử lý đối với các trường hợp không tuân thủ theo đúng quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành có những sai phạm.

Thực hiện Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm đi vào cuộc sống. Theo đó, các cơ quan trình dự án luật, dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo phải nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật; không đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội các dự án luật, dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo không thực hiện đúng quy định; đồng thời, yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trình dự án luật, dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo đó.

Triển khai tinh thần Nghị quyết trên và từ tình hình thực tế, tháng 7/2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị báo cáo về kết quả tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và những đề xuất, kiến nghị.

Tiếp đó, tại phiên họp thứ 21 (tháng 9/2013), Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc Chính phủ, các cơ quan hữu quan triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Hoạt động này sẽ được tiến hành thường xuyên hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong dịp Quốc hội tiến hành tổng kết, sửa đổi một số đạo luật quan trọng như Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Văn phòng Quốc hội sẽ nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị sửa đổi những quy định liên quan theo hướng xác định cụ thể nội dung giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội; quy định về trình tự, thủ tục, hình thức giám sát văn bản tại kỳ họp Quốc hội để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực phụ trách; quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, chế tài xử lý đối với các cơ quan khi triển khai thi hành pháp luật không nghiêm. Xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hàng năm bắt buộc phải có chương trình giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm khắc phục tình trạng luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống do phải chờ các văn bản hướng dẫn…

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: