Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị đưa chương trình giáo dục về an toàn giao thông vào các trường học. Bên cạnh các bài học lý thuyết bắt buộc, thì phải có tiết học thực hành; trong đó, chú trọng giáo dục đạo đức, văn hóa giao thông. Từ đó hình thành ý thức chấp hành tốt pháp luật giao thông cho học sinh ngay từ các bậc học phổ thông.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Bắc Giang   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chương trình giáo dục   

Trả lời:

Tại công văn số 6023/BGDĐT-VP ngày 30/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng và các Nghị quyết Quốc hội, của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa giáo dục an toàn giao thông vào chương trình chính khóa của các cấp học từ năm học 2002-2003, với chương trình giáo dục cụ thể như sau:

- Đối với trường mầm non: Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ theo tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo” chung cho cả 3 độ tuổi (trẻ 3- 4 tuổi, trẻ 4-5 tuổi, trẻ 5-6 tuổi), thời lượng chiếm 3-4 tuần/năm học và đồng thời được tích hợp vào các chủ đề  khác trong năm.

- Đối với học sinh tiểu học: Đưa vào giảng dạy chính khóa thông qua các bài học trong các môn Tự nhiên - Xã hội từ lớp 1 đến lớp 3, lồng ghép vào môn đạo đức ở lớp 4 và lồng ghép vào môn khoa học ở lớp 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn tài liệu riêng với 6 bài học cho mỗi khối.

- Đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông: Dạy tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông vào các bài học có nội dung giáo dục pháp luật của môn giáo dục công dân lớp 6, môn địa lý lớp 9, 10, 12 và đầu năm học có dành 02 tiết ngoại khóa giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh THCS, THPT.

- Đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: Tài liệu giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp và được đưa vào phổ biến cho học sinh, sinh viên và được thực hiện trong “Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên đầu khóa học, đầu năm học”, với thời lượng 04 tiết.

- Ngoài ra, hàng năm phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên các cấp học. Ví dụ như: Tổ chức ngày hội giao lưu tìm hiểu kiến thức an toàn giao thông cấp quốc gia cho các em nhỏ cùng giao lưu, học hỏi với tinh thần “Học mà chơi, chơi mà học” thông qua các hình thức như: Thơ, ca, vẽ tranh về an toàn giao thông... để nâng cao hiểu biết và kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông; tổ chức cuộc thi lái xe mô tô an toàn cho học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ, TCCN...

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học.

2. Để triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học tốt hơn nữa trong những năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến rà soát, biên tập tài liệu và đưa vào giảng dạy chính khóa sau năm 2015, nội dung cụ thể như sau:

- Đối với trường mầm non: Biên tập sửa đổi, bổ sung nội dung tài liệu, đồ dùng học tập phong phú, đa dạng, đẹp, dễ sử dụng và hấp dẫn hơn với các cháu như: tài liệu, học cụ, đồ dụng đồ chơi  về giáo dục “An toàn giao thông”; Sách  hướng dẫn giáo viên viết  theo hướng gợi  mở, cho mỗi nội dung đưa ra các hoạt động đa dạng để giáo viên tự lựa chọn các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đạt mục đích đã đề ra.

- Đối với học sinh tiểu học: Giáo dục an toàn giao thông chính khóa đưa vào giảng dạy qua các bài học trong các môn Tự nhiên - Xã hội từ lớp 1 đến lớp 3, môn đạo đức ở lớp 4 và môn khoa học ở lớp 5 (mỗi lớp dành thời lượng giảng dạy khoảng 04 đến 05 tiết về giáo dục an toàn giao thông cho học sinh với các chủ đề phù hợp với học sinh); giáo dục ngoại khóa dành 02 tiết giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh vào đầu năm học mới.

- Đối với học sinh THCS, THPT: Xây dựng tài liệu hướng dẫn giảng dạy an toàn giao thông lồng ghép vào môn giáo dục công dân với nội dung về tình hình, nguyên nhân, biện pháp khắc phục tai nạn giao thông, biển báo giao thông, những quy định mới về thực hiện an toàn giao thông theo luật định nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông của học sinh, thời lượng 04 tiết học cho mỗi lớp; đầu năm học có dành 02 tiết ngoại khóa giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh.

- Đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: Biên tập bổ sung nội dung giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên lồng ghép vào môn pháp luật đại cương với thời lượng là 04 tiết.

Ngày 5/8/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Chương trình số 235/CTr-UBATGTQG-BGDĐT phối hợp với Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học giai đoạn 2013-2018, nhằm tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông trong học sinh, sinh viên; góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh, sinh viên, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên; Rà soát và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chương trình, nội dung tài liệu giáo dục về an toàn giao thông trong chương trình chính khóa của các cấp học đảm bảo đủ nội dung, đủ thời lượng và phù hợp với lứa tuổi đưa vào giảng dạy chính khóa từ sau năm 2015. Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an tổ chức thí điểm các lớp phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh lớp 12 và sinh viên, cấp chứng chỉ An toàn giao thông cho học sinh, sinh viên khi hoàn thành khóa học, sau này, nếu  các học sinh, sinh viên này thi lấy bằng lái xe mô tô thì không phải thi phần lý thuyết. Thông qua đó, giúp học sinh, sinh viên có ý thức về an toàn giao thông.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: