Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Tình trạng dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm dịch nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch, tránh để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng ảnh hưởng đến người chăn nuôi và sức khỏe nhân dân.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Sóc Trăng    Bắc Ninh   

Đơn vị xử lý: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn   

Lĩnh vực: Vật tư nông nghiệp, giống, chăn nuôi, khoa học kỹ thuật   

Trả lời:

Tại công văn số 3052 /BNN-TY ngày 03/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Về công tác kiểm dịch, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh:

 Từ cuối năm 2012 đến nay, công tác phòng chống dịch bệnh động vật trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và các địa phương, nên tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát đặc biệt là các bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc và bệnh Tai xanh ở lợn, cụ thể:

- Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 phê duyệt "Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép".

 - Đầu năm 2013, các nước giáp biên giới với nước ta đã xảy ra nhiều ca tử vong trên người xét nghiệm phát hiện nhiễm vi rút cúm A như Trung Quốc (H7N9), Cămpuchia (H5N1). Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 487/CĐ-TTg ngày 04/4/2013, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, theo đó các Bộ, ngành và địa phương cần tăng cường các biện pháp kiểm soát vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 08/CĐ-BNN-TY ngày 02 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

- Trước khi có Công điện số 487/CĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm soát phản ứng nhanh với dịch bệnh nêu trên, kịp thời ban hành Công điện số 04/CĐ-BNN-TY ngày 05/02/2013 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Cúm gia cầm; Công điện số 07/CĐ-BNN-TY ngày 07/3/2013 về việc tăng cường phòng chống dịch Cúm gia cầm tại các tỉnh biên giới giáp Căm-pu-chia và Công điện số 08/CĐ-BNN-TY ngày 02/4/2013 về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

- Trong thời gian từ tháng 6/2012 đến tháng 4/2013 Cục Thú y cũng đã chỉ đạo xét nghiệm 1.234 mẫu được lấy từ gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đều âm tính với cúm H5N1 và H7N9. Từ tháng 5 năm 2013 đến nay, Cục Thú y đã tổ chức triển khai giám sát cúm H7N9 tại 60 chợ, điểm buôn bán gia cầm nhập lậu tại 9 tỉnh (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hưng Yên và Lạng Sơn); đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm trên 1.320 gia cầm với số mẫu gộp là 264 mẫu, kết quả không có mẫu nào dương tính với vi rút Cúm H7N9.

Như vậy, tính đến nay, tổng số xét nghiệm 2.554 mẫu gia cầm nhập lậu, gia cầm loại thải đều chưa phát hiện thấy vi rút cúm A/H7N9.

Sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự vào cuộc và triển khai tích cực của ngành Thú y, của các Bộ, ngành và địa phương nên đã ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ trong nước, góp phần ngăn ngừa các loại mầm bệnh nguy hiểm xâm nhập vào nước ta, đặc biệt là vi rút cúm H7N9, vi rút LMLM typ A, Asia1 và hạn chế được thiệt hại kinh tế, giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Bộ cũng đang triển khai chương trình giám sát chủ động vi rút cúm H5N1 và H7N9 lây qua biên giới phía Bắc, chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm dịch bệnh không để dịch lây lan diện rộng.

2. Về giám sát phát hiện ổ dịch và xử lý kịp thời:

Tùy theo tình hình dịch trong nước và trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các Chỉ thị, Công điện yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức giám sát phát hiện sớm ổ dịch để xử lý. Đồng thời, Bộ đã cử lãnh đạo Bộ, lãnh đạo và cán bộ chuyên môn các đơn vị trực thuộc Bộ trực tiếp hỗ trợ một số địa phương chống dịch, cung cấp vắc xin hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xuất cấp vắc xin, hóa chất khử trùng để xử lý ổ dịch, ngăn ngừa kịp thời dịch lây lan.

3. Về chủ động giám sát lưu hành vi rút:

Để cảnh báo sớm và phục vụ kế hoạch chủ động phòng chống dịch của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo ngành Thú y tăng cường lấy mẫu giám sát lưu hành một số loại bệnh (giám sát Cúm gia cầm tại các chợ), chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế như FAO, OIE tiến hành nghiên cứu lưu hành vi rút cúm trên đàn chim hoang và trong các trang trại chăn nuôi lợn, nghiên cứu dịch tễ học bệnh LMLM tại các khu vực có nguy cơ..., để cảnh báo sớm và xây dựng mô hình phòng, chống dịch. Đồng thời chỉ đạo Cục Thú y tiến hành phân tích sự biến đổi của tác nhân gây bệnh, xác định chủng loại vắc xin còn hiệu lực để phục vụ công tác phòng chống dịch cho phù hợp với mỗi địa phương. Thực tế hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định được loại vắc xin phù hợp để phòng chống các bệnh chính, chủ yếu gây thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi là bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng và Tai xanh ở lợn.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: