Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, kịp thời sửa đổi bổ sung Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp theo hướng tăng cường vai trò của cơ quan Nhà nước trong kiểm tra, xử lý vi phạm về điều chỉnh giá xăng dầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch việc điều chỉnh giá xăng dầu, việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Đồng Nai   

Đơn vị xử lý: Bộ tài chính   

Lĩnh vực: Giá   

Trả lời:

Tại công văn số 7855/BCT-KH ngày 30/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

a) Chỉ đạo của Chính phủ về việc thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP

Ngày 19 tháng 02 năm 2013, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 75/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi tắt là Nghị định 84), theo đó Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Việc xây dựng Nghị định được thực hiện theo đúng quy định: đăng lên trang thông tin điện tử Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức các cuộc họp, hội thảo, lấy ý kiến góp ý của các Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương…

Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung tới 23/35 điều và bổ sung mới 2 điều so với Nghị định số 84/2009/NĐ-CP. Sau khi gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến của các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP thay vì sửa đổi, bổ sung Nghị định này. Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ý kiến đề xuất của 3 bộ ngành trên.

 Ngày 03 tháng 7 năm 2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5401/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2013.

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở hợp nhất nội dung Nghị định 84/2009/NĐ-CP và những nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP sau khi tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, doanh nghiệp, đơn vị liên quan; đồng thời để bảo đảm thuận tiện trong công tác quản lý, tra cứu văn bản, Bộ Công Thương xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP. Ngày 14 tháng 8 năm 2013, Bộ Công Thương đã gửi Công văn số 7221/BCT-TTTN đề nghị Bộ Tư pháp sớm có ý kiến thẩm định Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để Bộ Công Thương kịp hoàn thiện, trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2013, đúng thời gian yêu cầu của Chính phủ.

b) Để tăng cường vai trò của nhà nước và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP đã quy định một số nội dung:

- Từng trường hợp cụ thể khi điều chỉnh giá xăng dầu, thương nhân đầu mối, Liên bộ Tài chính - Công Thương, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chỉ đạo thực hiện các công việc cần thiết, thời gian bao lâu, thủ tục tiến hành như thế nào... nhằm tạo ra sự rõ ràng, minh bạch trong điều hành giá, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng dể hiểu, dễ giám sát (Điều 31).

- Bổ sung một điều riêng về công khai, minh bạch (Điều 32), theo đó quy định:

+ Bộ Tài chính và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đăng tải trên trang thông tin điện tử của mình những thông tin về giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ hiện hành; số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước; điều chỉnh mức trích, mức chi Quỹ Bình ổn giá và công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính của các thương nhân đầu mối khi đã được kiểm toán.

+ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá công khai, minh bạch, đúng quy định tại Nghị định.

- Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Nghị định quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 34) với nội dung chủ yếu:

+ Quyền của người tiêu dùng được cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ thông tin về điều hành giá xăng dầu (giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu, công thức tính giá cơ sở, biện pháp và thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá do Thủ tướng Chính phủ quyết định, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, báo cáo tài chính trong năm tài chính đã kiểm toán của thương nhân đầu mối, tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu, được cung cấp hóa đơn khi mua xăng dầu.

+ Người tiêu dùng được có ý kiến với thương nhân kinh doanh xăng dầu về giá cả, số lượng, chất lượng xăng dầu, phong cách phục vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu.

+ Người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi mua xăng dầu không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, giá cả hoặc nội dung khác mà thương nhân kinh doanh xăng dầu đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

+ Người tiêu dùng được quyền kiểm tra số lượng, chủng loại, giá cả... xăng dầu trước, trong và sau khi mua; có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua xăng dầu và yêu cầu thương nhân kinh doanh xăng dầu xuất hóa đơn bán hàng cho mình; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường khi sử dụng xăng dầu.

+ Người tiêu dùng có quyền thông tin kịp thời cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện xăng dầu lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn, chất lượng, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của thương nhân kinh doanh xăng dầu xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

+ Người tiêu dùng thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, các văn bản hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: