Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri đề nghị có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động quảng cáo trên các kênh truyền hình của Nhà nước, vì hiện nay, có nhiều chương trình đang phát tin tức bị xen quảng cáo quá nhiều.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Tây Ninh   

Đơn vị xử lý: Bộ thông tin và truyền thông   

Lĩnh vực: Bộ thông tin và truyền thông   

Trả lời:

Tại công văn số 2654/BTTTT-VP ngày 10/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Thời gian qua, hoạt động quảng cáo trên truyền hình đã góp phần tăng nguồn thu đáng kể cho các Đài truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để các đài đầu tư trở lại cho việc hoạt động sản xuất chương trình, nâng cao chất lượng chương trình truyền hình. Nhờ vào nguồn thu từ quảng cáo, nhiều đài đã tự cân đối được chi phí để chi trả tiền lương, kinh phí sản xuất chương trình, giảm bớt được gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nhiều Đài Phát thanh - Truyền hình đã thực hiện theo cơ chế tự chủ tài chính và nguồn thu từ quảng cáo là nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của các Đài. Đồng thời, hoạt động quảng cáo nói chung, quảng cáo trên truyền hình nói riêng cũng góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Luật Báo chí, Luật Quảng cáo quy định rõ các nội dung thông tin quảng cáo được phép đăng tải trên báo chí nói chung và phát thanh - truyền hình nói riêng trong đó quy định cụ thể về thời lượng, thời gian quảng cáo…Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức, vị trí, thời lượng, diện tích quảng cáo trên phương tiện của mình. Cụ thể:

- Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

- Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.

- Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình sau:

+ Chương trình thời sự;

+ Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

- Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.

- Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.

Hiện nay, thời lượng phát sóng quảng cáo của một kênh chương trình trên tổng thời lượng phát sóng trong ngày của kênh chương trình đó của các Đài Phát thanh - Truyền hình nói chung, trên Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng hầu như chưa vượt mức quy định. Tuy nhiên, mật độ quảng cáo trong từng chương trình cụ thể thường tập trung vào thời điểm có nhiều người xem nên dễ gây cảm giác cho người xem là các đài phát thanh, truyền hình quảng cáo quá thời lượng cho phép.

Cũng theo các quy định pháp luật về quảng cáo, sản phẩm trước khi quảng cáo trên báo chí phải có đầy đủ giấy chứng nhận tiêu chuẩn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm quảng cáo phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm của mình. Cơ quan báo chí trước khi cho đăng, phát sản phẩm quảng cáo phải kiểm tra, xác minh các giấy chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm quảng cáo, bảo đảm sản phẩm quảng cáo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Nếu quảng cáo không đúng sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nếu người tiêu dùng có khiếu kiện thì sẽ tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do có sự tham gia của quá nhiều các bộ, ngành vào quản lý nội dung quảng cáo trên truyền hình nên đã tạo ra nhiều kẽ hở trong việc thẩm định hồ sơ quảng cáo. Các sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên truyền hình một phần là do các doanh nghiệp quảng cáo trên truyền hình lợi dụng các kẽ hở này để cố tình thực hiện các hành vi vi phạm.

Mặt khác, cũng phải khẳng định rằng, trong các sai phạm của hoạt động quảng cáo trên truyền hình có phần trách nhiệm quan trọng của lãnh đạo các đài truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình trong việc chưa kiểm soát tốt nội dung các chương trình quảng cáo.

* Về ý kiến cho rằng nhiều chương trình đang phát tin tức bị xen quảng cáo

Trong thời gian qua, một số Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương đã có sự đầu tư nâng cao chất lượng các chương trình thời sự chính trị, chính luận đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền, có sức chiến đấu cao; nội dung thông tin phong phú, phản ánh kịp thời, nhanh nhạy các sự kiện, vấn đề nóng xảy ra trong đời sống xã hội… Trong khung chương trình phát sóng, các chương trình tin tức thời sự chính trị, chính luận đều được các đài bố trí chiếm tỷ trọng lớn trên tổng thời lượng phát sóng một ngày của kênh chương trình. Trung bình chiếm khoảng 20% tổng thời lượng phát sóng và thường được phát vào các khung giờ: 7 giờ - 8 giờ sáng; 11giờ -12 giờ trưa; 19 giờ - 20 giờ tối.

Trên thực tế, thông thường sau phần tin tức thời sự, các Đài Phát thanh - Truyền hình phát quảng cáo rồi mới đến chương trình khác, ví dụ như chương trình dự báo thời tiết. Chương trình thời sự được hiểu là kết thúc sau các tin tức thời sự; không bao gồm quảng cáo và chương trình khác (ví dụ như dự báo thời tiết). Chính vì vậy, người xem có cảm giác chương trình đang phát tin tức bị xen quảng cáo.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: