Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri cho rằng việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua chưa chặt chẽ (qua các vụ việc vận chuyển trái phép thịt thối với số lượng lớn; mua bán, sử dụng hóa chất chế biến, bảo quản thực phẩm tràn lan; hàng hóa, thực phẩm Trung Quốc bán tràn ngập thị trường Việt Nam, nhưng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… được báo chí phát hiện trong thời gian gần đây). Đề nghị có biện pháp quản lý hiệu quả hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để đảm bảo tốt nhất sức khỏe nhân dân.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Long An    An Giang    Hòa Bình   

Đơn vị xử lý: Bộ y tế   

Lĩnh vực: Vệ sinh, an toàn thực phẩm   

Trả lời:

Tại công văn số 5468/BYT-VPB1 ngày 04/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Một số biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

Trong những năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và đã đạt được thành quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong một số lĩnh vực:

- Về xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đây là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thực phẩm. Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), các Nghị định về xử phạt trong lĩnh vực ATTP, Nghị định về sản xuất, kinh doanh rượu… Trong phạm vi quyền hạn của mình, các Bộ đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia về ATTP.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý về ATTP đã từng bước được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế. Nhiều chương trình, đề án quan trọng đã được phê duyệt như Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012-2015, Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, Đề án truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm …

- Về công tác thông tin truyền thông, công tác này được duy trì thường xuyên và theo từng chiến dịch với sự vào cuộc tích cực của các phương tiện truyền thông, có sự phối hợp với các cơ quan chức năng đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Tháng cao điểm về ATTP và Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013 được triển khai có hiệu quả: 98,6% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan, 89,3% chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP. Phong trào vận động các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết thực hiện ba không “Không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục” được triển khai sâu rộng trong phạm vi cả nước.

- Cùng với việc ban hành các văn bản, thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức cho các đối tượng, công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh.

Đối với các sản phẩm không đảm bảo ATTP, ngoài việc xử phạt, các đoàn thanh tra đã kiên quyết tiêu hủy các sản phẩm này như gà nhập khẩu trái phép, thực phẩm, phụ gia thực phẩm hết hạn, không bảo đảm an toàn. Ngoài các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, các Bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Đã xử lý kịp thời các thông tin về mối nguy từ thực phẩm nhập khẩu như sản phẩm sữa dê Danlait có nguồn gốc từ Pháp, vấn đề thịt ngựa trong chuỗi thực phẩm ở Châu Âu, hạt hướng dương Trung Quốc có chất gây suy giảm trí nhớ, sữa Meiji của Nhật bị nhiễm phóng xạ, acid malecic trong hạt trân châu có nguồn gốc từ Đài Loan, sử dụng hóa chất trong ngô tại một số tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long. Việc kiểm soát và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch đã được các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, giải quyết triệt để.

Có thể nói công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với các ban ngành liên quan mang lại hiệu quả tích cực góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều vi phạm về ATTP được phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết và công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc kiểm tra, xử lý gia cầm nhập khẩu trái phép đã được triển khai nghiêm túc tại nhiều địa phương, nhất là tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Bắc Giang. Trong Tháng hàng động, công tác này đã có hiệu quả tốt đối với việc chấn chỉnh, giúp các doanh nghiệp cải thiện điều kiện ATTP và chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về ATTP.

2. Một số kết quả đạt được và khó khăn, tồn tại

a. Một số kết quả đạt được

Với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, các địa phương, tình hình NĐTP trong thời gian qua đã giảm so với năm trước:

- Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn quốc ghi nhận có 87 vụ NĐTP với  1.856 người mắc, 1.649 người đi viện và 18 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ 2012, số vụ ngộ độc giảm 4 vụ, số mắc giảm 620 người, số người đi viện giảm 275 người và tử vong giảm 4 người, đặc biệt NĐTP tại gia đình, trường học, bếp ăn tập thể giảm đáng kể cả về số vụ, mắc, tử vong.

- Về nguyên nhân có 44/87 vụ do vi sinh vật, 18/87 vụ do độc tố tự nhiên, 3/87 vụ do hóa chất và 22/87 vụ chưa xác định rõ căn nguyên.

Nguyên nhân gây tử vong chủ yếu do vi sinh vật và độc tố tự nhiên có trong cá nóc, sắn, bánh trôi ngô, rượu chứa methanol.

b. Một số tồn tại, khó khăn

Tuy nhiên công tác bảo đảm ATTP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

- Tình hình vi phạm về kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn diễn biến phức tạp, nhiều loại thuốc ngoài danh mục vẫn lưu hành.

- Tỷ lệ vi phạm về điều kiện ATTP đối với những người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn cao.

- Tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm còn phổ biến, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

- Việc xử lý các vi phạm còn chưa kiên quyết, tại tuyến xã hầu hết không xử phạt mà chủ yếu chỉ là nhắc nhở.

- Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về quảng cáo thực phẩm còn chưa nhiều.

Các câu hỏi cùng địa phương: