Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỬ TRI GỬI TỚI KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XIV

Gửi bởi: BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ   

Kỳ họp: Quốc hội Khóa XIV   

Trả lời:

1. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Đề nghị nghiên cứu, có hướng dẫn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KH&CN được hưởng kinh phí chi đầu tư phát triển KH&CN từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN (về nội dung chi ngân sách nhà nước cho KH&CN, đối với chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN không phân biệt thành phần kinh tế).

Trả lời: (Tại Công văn số 2798/BKHCN - KHTC ngày 7/9/2018)

- Tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định:

“1. Chi đầu tư phát triển KH&CN

Chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN không phân biệt thành phần kinh tế theo các nội dung sau:

 a) Xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN bao gồm: Phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm, trạm thực nghiệm; trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn và đánh giá sự phù hợp; các cơ sở thiết kế, chế tạo, thử nghiệm chuyên dụng; các cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; tổ chức trung gian của thị trường KH&CN;

b) Xây dựng khu nghiên cứu và phát triển cho các khu công nghệ cao;

c) Xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về KH&CN;

d) Các hoạt động đầu tư khác phục vụ phát triển KH&CN.”

- Tại  Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN quy định:

“4. Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN có giá trị đồng thời là Giấy đăng ký hoạt động KH&CN”.

 Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận KH&CN thì không phải đăng ký hoạt động KH&CN và được quyền đề xuất tham gia vào nội dung chi đầu tư phát triển KH&CN. 

- Tại  Điểm a Khoản 2 Điều 12 Luật ngân sách nhà nước năm 2015 quy định:

 “2. Chi ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật này; đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng các điều kiện trong từng trường hợp sau đây:

 a) Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng;”

- Tại Khoản 15 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 quy định:

 “15. Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.”

Căn cứ vào những quy định trên, doanh nghiệp KH&CN có thể đề xuất dự án sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn chi đầu tư phát triển KH&CN thông qua dự án đầu tư phát triển để  xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu của doanh nghiệp KH&CN (như Phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm, trạm thực nghiệm; trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, cơ sở thiết kế, chế tạo, thử nghiệm chuyên dụng…) và thực hiện các bước theo quy trình đối với dự án đầu tư phát triển.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể của hoạt động đổi mới sáng tạo và không ngừng nâng cao khả năng hấp thu công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN để đổi mới, phát triển công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ năm 2010 đến nay, thông qua các Chương trình KH&CN cấp quốc gia: Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm; Các nhiệm vụ thuộc Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia; Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia; Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về KH&CN… đã hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế chủ trì, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN.

Thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nêu trên, kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp đã thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh, từng bước làm chủ công nghệ, tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh trên thị trường và có những đóng góp đáng kể trong tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ và không ngừng nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế  Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN (Tờ trình số 3840/TTr-BKHCN ngày 15/11/2017). Trong đó các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về đất đai, tín dụng đầu tư,… được dự thảo trên cơ sở kế thừa Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP và được cụ thể hóa từ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định số 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng như hoạt động thực tiễn triển khai pháp luật về doanh nghiệp KH&CN.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và chỉnh lý dự thảo Nghị định để trình ký ban hành.

2. Cử tri tp Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ánh, hiện nay Đề tài nghiên cứu khoa học không đi vào cuộc sống đang gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Cụ thể là, đề tài nghiên cứu không đi vào cuộc sống, có những đề tài cấp bộ, cấp nhà nước với kinh phí lên đến 2-3 tỷ đồng/đề tài; tuy nhiên sau khi nghiệm thu xong thì không ứng dụng được. Cử tri kiến nghị, cần xem xét theo hướng: "Khi các cá nhân, cơ quan chức năng được giao để triển khai đề tài khoa học thì cần phải có luận chứng giải trình tính khả thi của đề tài, đề tài có được ứng dụng và đi vào đời sống xã hội để phát triển đất nước được bao nhiêu %".

Trả lời: (Tại Công văn số 2367/BKHCN - KHTC ngày 1/8/2018)

Quá trình từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai ứng dụng vào thực tế tạo thành chuỗi nghiên cứu của khoa học, công nghệ. Đặc thù của khoa học là có độ trễ, có rủi ro là thử rồi sai, có nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ tính công ích[1]. Có những nhiệm vụ sau khi nghiên cứu phải chờ một thời gian để hoàn thiện và chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng mới có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để khoa học, công nghệ phục vụ kinh tế - xã hội hay nối với các chính sách kinh tế vĩ mô, hạn chế tối đa lãng phí ngân sách nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

1. Đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, việc giải trình khả năng ứng dụng và phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu trong mẫu thuyết minh nhiệm vụ KH&CN (Phụ lục B1-2a-TMĐTCN) đã được quy định cụ thể như sau:

“a. Khả năng về thị trường (nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nêu tên và nhu cầu khách hàng cụ thể nếu có; điều kiện cần thiết để có thể đưa sản phẩm ra thị trường?)

b. Khả năng về ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh (khả năng cạnh tranh về giá thành và chất lượng sản phẩm)

c. Khả năng liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu và triển khai ứng dụng sản phẩm.

d. Mô tả phương thức chuyển giao (chuyển giao công nghệ trọn gói, chuyển giao công nghệ có đào tạo, chuyển giao theo hình thức trả dần theo tỷ lệ % của doanh thu; liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hoặc góp vốn với đơn vị phối hợp nghiên cứu hoặc với cơ sở sẽ áp dụng kết quả nghiên cứu theo tỷ lệ đã thỏa thuận để cùng triển khai sản xuất; tự thành lập doanh nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu tạo ra…).

đ. Phạm vi và địa chỉ (dự kiến) ứng dụng các kết quả của đề tài.”

Ngoài ra, ngày 11/6/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN quy định việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN trong đó quy định về báo cáo ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN sau khi nghiệm thu để làm cơ sở theo dõi, đánh giá hiệu quả của nhiệm vụ, thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa. Tính từ ngày được nghiệm thu chính thức, định kỳ 12 tháng một lần và trong giai đoạn 5 năm liên tiếp, tổ chức chủ trì, sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có trách nhiệm báo cáo về ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN .

2. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và cụ thể để chủ động đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, tạo giá trị gia tăng thông qua KH&CN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là thông qua việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến KH&CN để tháo gỡ các nội dung chưa đồng bộ, vướng mắc, tạo hành lang thông thoáng thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo.

3. Tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu và giá trị kinh tế cao; Tái cấu trúc các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng thông qua KH&CN và đổi mới sáng tạo. Cơ chế, chính sách khoa học và công nghệ trong thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong mọi ngành/lĩnh vực. Dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động nghiên cứu ứng dụng sang khu vực doanh nghiệp. Chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giải quyết các khó khăn, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiếp cận nguồn vốn.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số các chương trình để nhằm hỗ trợ, hoàn thiện kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống: Chương trình phát triển thị trường KH&CN; Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm,…

4. Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng tỷ lệ đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo từ xã hội đạt mức cao hơn so với đầu tư từ ngân sách nhà nước; phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KH&CN, tăng cường các dự án theo hình thức PPP. Xây dựng tỷ lệ hợp lý chi cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển thực nghiệm và thương mại hóa; Đầu tư  đủ, tới ngưỡng cho các nhiệm vụ KH&CN để đủ điều kiện thương mại hóa.

5. Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường công nghệ, tổ chức trung gian. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin các nhiệm vụ KH&CN để giới thiệu và đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào cuộc sống.

3. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) bổ sung chỉnh sửa Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 của Bộ KH&CN về quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó chỉnh sửa: cơ quan Chủ trì dự án không cần phải là tổ chức khoa học và công nghệ (vì dự án triển khai chỉ ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật chứ không phải nghiên cứu).

Trả lời: (Tại Công văn số 2365 /BKHCN-KHTC ngày 1/8/2018)

Kiến nghị của cử tri đã được Bộ KH&CN nghiên cứu, tiếp thu. Theo đó, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước thay thế Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 của Bộ KH&CN về quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, trong Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 tại điểm a khoản 1 Điều 5 chỉ quy định đối với các tổ chức đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia cung cấp: "Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức chủ trì", đã bỏ quy định "Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN của tổ chức chủ trì".

4. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Cử tri Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, sớm có cơ chế ưu đãi đầu tư cho các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) đã nghiêm túc thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị ban đầu nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao, tạo cơ sở ban đầu để Viện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trả lời: (Tại Công văn số 2366 /BKHCN-KHTC ngày 1/8/2018)

Ngày 14/6/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập (thay thế Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP). Nội dung Nghị đinh đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức KH&CN công lập sẽ được phân loại dựa trên mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư[2]. Theo cách phân loại này, các tổ chức KH&CN công lập sẽ căn cứ vào nguồn thu của đơn vị để tự xác định tổ chức mình thuộc loại nào để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt phương án tự chủ của tổ chức, tránh tình trạng bắt buộc các tổ chức KH&CN công lập có chức năng nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH&CN phải tự bảo đảm chi thường xuyên tại một thời điểm nhất định như quy định cũ tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP.

Thứ hai, trao quyền tự chủ (về nhân lực, tài chính, tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng tài sản) phụ thuộc vào mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư của tổ chức KH&CN công lập. Quy định này sẽ tạo được sự bình đẳng giữa các tổ chức KH&CN công lập và khuyến khích các tổ chức KH&CN công lập phấn đấu thu hút nhiều nguồn tài chính (ngoài ngân sách nhà nước) phục vụ hoạt động KH&CN và các hoạt động khác giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước. Tổ chức KH&CN được trao quyền tự chủ cao nhất sẽ có điều kiện để thu hút đội ngũ nhân lực trình độ cao, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai của tổ chức.

Thứ ba, cho phép tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp hoặc chuyển thành doanh nghiệp. Tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ khuyến khích các tổ chức KH&CN phấn đấu để trở thành tổ chức tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.

Thứ tư, điều chỉnh một số quy định để cơ chế tự chủ đồng bộ với các quy định khác có liên quan, theo đó quy định cho phép tổ chức KH&CN công lập được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng phù hợp với quy định của Luật đất đai; quy định về xác định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch viên chức theo hạng chức danh nghề nghiệp, xác định số lượng người làm việc trong tổ chức KH&CN công lập, tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức phù hợp với quy định của luật Viên chức và các văn bản có liên quan; quy định về việc cho phép tổ chức KH&CN công lập đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, thuê nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN công lập và thuê chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN công lập phù hợp với Luật KH&CN năm 2013.

Nghị định số 54/2016/NĐ-CP đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện[3]. Nghị định 54/2016/NĐ-CP sẽ được thực hiện đồng bộ bắt đầu từ 01/01/2019. Các tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đều nhận được ưu đãi về thuế, tín dụng và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành

Ngày 03/7/2017, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã chuyển từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Bộ Công thương) về trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) là điều kiện thuận lợi để Viện có thể mở rộng nghiên cứu các loại cây trồng khác nhất là cây phục vụ cho vùng khô hạn Nam Trung bộ. Để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị ban đầu nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, Viện có thể lập thành các dự án cụ thể báo cáo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt.

Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang được giao triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Viện có thể nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ thuộc khuôn khổ của Chương trình để góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và cơ sở vật chất của mình.

5. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị xem xét, bổ sung nội dung: “Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa để thay đổi nhãn mác đúng quy định hoặc chuyển mục đích sử dụng…” đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4, Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ để đảm bảo phù hợp trong quá trình thực hiện.

Trả lời: (Tại Công văn số 2430/BKHCN-TĐC ngày 6/8/2018)

Theo quy định tại Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 thì “Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng” là một trong các biện pháp khắc phục hậu quả. Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính quy định việc quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào hậu quả gây ra hoặc có khả năng thực tế gây ra hậu quả. Do đó trong quá trình xây dựng Nghị định số 119/2017/NĐ-CP có nhiều ý kiến cho rằng các hành vi quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP là chưa gây ra hậu quả hoặc chưa xác định được khả năng thực tế gây ra hậu quả và đề nghị không quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm tại các khoản này.

Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ thấy rằng thực tiễn triển khai xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 31 cần có biện pháp khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm tính răn đe và ngăn chặn kịp thời hậu quả có thể xảy ra nếu không buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa. Do vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ xin tiếp thu, nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

6. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng” chưa có quy định để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “sản xuất sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng”. Do đó, trong nhiều trường hợp cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sản xuất sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng không thể xử phạt được do pháp luật chưa có quy định.

Trả lời: (Tại Công văn số 2431/BKHCN-TĐC ngày 6/8/2018)

Ngày 01/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thay thế Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013.

Tại điểm a khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP đã quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “sản xuất sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng”.

7. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Khoản 9 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định biện pháp khắc phục hậu quả “ buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 20” áp dụng quy định này, khi xử phạt chủ đại lý kinh doanh phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, người ra quyết định xử phạt buộc chủ đại lý trả lại phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng cho nhà sản xuất để thực hiện tái chế. Tuy nhiên, việc nhà sản xuất thực hiện tái chế phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng hay đem phân bón đi tiêu thụ tại nơi khác thì người ra quyết định xử phạt không thể biết được. Do đó, công tác kiểm soát tái chế sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng hiện nay chưa đạt được hiệu quả.

Trả lời: (Tại Công văn số 2431/BKHCN-TĐC ngày 6/8/2018)

Ngày 01/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thay thế Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013.

Theo quy định tại khoản 9 Điều 10, khoản 12 Điều 12 và khoản 9 Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì người bán hàng phải có nghĩa vụ thông tin cho người sản xuất, người nhập khẩu và người mua khi phát hiện hàng hóa gây mất an toàn hoặc hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; người nhập khẩu, người sản xuất phải có nghĩa vụ thu hồi, xử lý (như tiêu hủy, tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng) sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

Theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu hay tái chế là trách nhiệm của người nhập khẩu, người sản xuất.Trường hợp, sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng thì người nhập khẩu, người sản xuất phải thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và tuân thủ các biện pháp quản lý chất lượng theo quy định; trường hợp sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì người nhập khẩu, người sản xuất phải thực hiện công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuậtdo tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định, hoặc kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân trên cơ sở kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm được chỉ địnhvà tuân thủ các biện pháp quản lý chất lượng theo quy định.

Hàng hóa chỉ được lưu thông trên thị trường khi được người nhập khẩu, người sản xuất đã công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, tự áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng nhằm duy trì chất lượng của hàng hóa do mình bán và chịu sự kiểm tra nhà nước, xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa theo quy định.

Đối với phân bón, việc quản lý nhà nước đối với chất lượng phân bón trong sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và lưu hành tại Việt Nam đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 và đã giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

8. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy định chính thức hoặc có Thông tư hướng dẫn phương pháp lấy mẫu để đánh giá chính xác chất lượng, xác định tạp chất của củ mì (sắn).

Trả lời: (Tại Công văn số 2431/BKHCN-TĐC ngày 6/8/2018)

Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy đinh chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tại khoản 14 sửa đổi Điều 32 đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất lượng đối với rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả trong đó có củ mì - sắn (điểm b khoản 2)

Trong hệ thống TCVN hiện hành chưa có TCVN quy định về phương pháp lấy mẫu, phương pháp xác định hàm lượng tinh bột và phương pháp xác định tạp chất của sắn tươi. Do vậy, trong thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến phương pháp lấy mẫu, phương pháp xác định hàm lượng tinh bột và phương pháp xác định tạp chất của sắn tươi.

[1] Để đến nay Việt Nam sản xuất được một số loại vắc xin và trở thành một trong bốn nước trên thế giới tự sản xuất được vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Virus Rota, bắt đầu từ năm 1998 đã triển khai những nghiên cứu thăm dò và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, đến cuối năm 2017 mới làm chủ hoàn toàn công nghệ và tự sản xuất được vắc xin đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Như vậy mất 20 năm.

[2] Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

[3] Thông tư số 01/2017/TT-BKHCN ngày 12/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thông tư số 90/2017/TT-BKHCN ngày 30/8/2017 Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.