1. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri lo lắng trong thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực như: tình hình tội phạm, pháp phạm hình sự còn diễn biến phức tạp; bạo hành trẻ em; tình trạng bạo hành đối với giáo viên, bác sĩ, phòng chống cháy nổ,…Cử tri đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm mang tính răn đe.
Trả lời: (Tại Công văn số 1929 /BCA-V01 ngày 22/8/2018 của Bộ Công an)
Trong những năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 06 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra 25.806 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2017), hầu hết các loại tội phạm đều giảm về số vụ (giết người giảm 3,8%, giết người, cướp tài sản giảm 30,77%, cố ý gây thương tích giảm 3,33%, trộm cắp tài sản giảm 5,98%, cướp tài sản giảm 7,89%, cướp giật tài sản giảm 6,33%…); lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 20.516 vụ, đạt tỷ lệ 79,5%, bắt, xử lý 45.503 đối tượng; triệt phá 1.028 băng, ổ, nhóm; nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được điều tra, khám phá nhanh, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật, được dư luận đánh giá cao.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, các vụ cháy, nổ còn xảy ra nhiều. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa, giải quyết triệt để các vụ bạo hành trẻ em, giáo viên, bác sĩ…, phòng, chống cháy nổ, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:
(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm như: Kết luận số 05-KL/TW ngày 15-7-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
(2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư văn hóa, các mô hình tự quản về an ninh, trật tự; quản lý, giáo dục các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội; chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, để phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm. Trong đó, chủ động, phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể, cơ quan bảo vệ pháp luật hướng dẫn và tổ chức thực hiện những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Tăng cường lực lượng Công an cơ sở, bám dân, đặc biệt là Công an xã, phường kịp thời phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm.
(3) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý nhân, hộ khẩu. Tập trung các biện pháp quản lý chặt chẽ các trang web bạo lực, đồ chơi bạo lực, sách truyện đến các game onile bạo lực… qua đó góp phần hạn chế những suy nghĩ và lối sống lệch lạc của một bộ phận người dân, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia tăng trong xã hội.
(4) Triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc và kiểm soát tình hình; thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, tội phạm giết người, tội cướp tài sản, tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bạo hành, xâm hại trẻ em... Tổ chức tiếp nhận, giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm; duy trì các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; trong đó xây dựng quy trình điều tra các vụ xâm hại trẻ em. Tập trung điều tra làm rõ các vụ án, nhất là các vụ gây bức xúc dư luận, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử công khai, lưu động một số vụ điển hình nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
(5) Phối hợp với các ngành Y tế, Giáo dục... đánh giá đúng thực trạng việc tổ chức công tác bảo vệ và năng lực của lực lượng bảo vệ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, tổ dân phố để có kế hoạch củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này, nhất là: Tập huấn kỹ năng xử lý, phản ứng nhanh với các tình huống bạo hành, gây rối, truy sát…; trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ theo quy định của pháp luật; tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao nảy sinh phức tạp về an ninh, trật tự cần tăng cường lực lượng bảo vệ, thường xuyên tuần tra kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phức tạp xảy ra; lắp đặt hệ thống camera giám sát, chuông báo động hỗ trợ cho công tác bảo vệ; khi phát hiện có tình trạng bạo lực trong xã hội phải thông báo kịp thời cho Công an cơ sở để chủ động phối hợp điều tra ban đầu, ngăn chặn các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi.
(6) Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá, điều tra cơ bản điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các công trình công cộng, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, siêu cao tầng, cơ sở karaoke, cơ sở kinh doanh xăng dầu, các loại hóa chất dễ cháy, nổ,... công khai danh sách các cơ sở mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy và kiên quyết xử lý tất cả các cơ sở vi phạm.
(7) Phối hợp nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
(8) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là đối với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Cảnh sát khu vực Đông Nam Á (ASEANAPOL), các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các thiết chế song phương, đa phương khác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
2. Cử tri TP Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ảnh, hiện nay các công trình công do các nhà thầu người Trung Quốc trúng thầu thực hiện rất chậm, không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thi công sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là lao động người Trung Quốc vào cư trú, kết hôn với người Việt Nam sau đó sinh con, đẻ cháu đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, chính trị tại Việt Nam. Cử tri kiến nghị cần xem xét, đánh giá toàn diện vấn đề này.
Trả lời: (Tại Công văn số 1960 /BCA-V01ngày 22/8/2018 của Bộ Công an)
Thời gian qua, nhiều dự án tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây lắp) do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Trong quá trình thực hiện một số dự án đã phát sinh những vấn đề phức tạp như cử tri phản ánh.
Để nâng cao giải pháp trong quản lý trên lĩnh vực này, từ năm 2015, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã có nhiều chủ trương, giải pháp chấn chỉnh công tác này như sửa đổi Luật đấu thầu và các văn bản có liên quan, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, hiện nay các sai phạm như đã nêu trên đã có chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, các ngành tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập trong các quy định của pháp luật liên quan đến vay vốn ODA, tổng thầu EPC, hoạt động xuất nhập cảnh, việc cấp phép, quản lý hoạt động đối với nhà thầu, lao động người nước ngoài, trong đó có nhà thầu Trung Quốc.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình lĩnh vực này, kiến nghị những vấn đề liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, hạn chế các vi phạm xảy ra.
3. Cử tri An Giang kiến nghị: Trong xã hội hiện nay, về văn hóa ứng xử và đạo đức của con người đang bị xuống cấp trầm trọng, đã xảy ra nhiều trường hợp như học sinh và phụ huynh đánh thầy giáo, người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ….Đề nghị ngành chức năng nghiên cứu biện pháp xử lý xử phạt và phạt nặng đối với người vi phạm.
Trả lời: (Tại Công văn số 2032 /BCA-V01 ngày 22/8/2018 của Bộ Công an)
Thời gian qua, việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn tại nhiều địa phương diễn ra rất phức tạp, có xu hướng gia tăng gây bức xúc trong dư luận, nhất là trong môi trường giáo dục, y tế. Nguyên nhân chủ yếu là do: Tình hình kinh tế còn khó khăn, số người lao động chưa có việc làm nhiều, tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội; Đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, nhất là trong thanh, thiếu niên rất đáng lo ngại; Tác động tiêu cực của ấn phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang ở độ tuổi phát triển về nhận thức, tâm, sinh lý; Số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều, tiềm ẩn yếu tố làm nảy sinh tội phạm; Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn hạn chế; Hệ thống pháp luật phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều bất cập...
Ghi nhận ý kiến của cử tri, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các công tác trọng tâm sau:
(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Bộ Công an về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
(2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư văn hóa, các mô hình tự quản về an ninh, trật tự; quản lý, giáo dục các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội; chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, để phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm.
(3) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý nhân, hộ khẩu. Tập trung các biện pháp quản lý chặt chẽ các trang web bạo lực, đồ chơi bạo lực, sách truyện đến các game onile bạo lực… qua đó góp phần hạn chế những suy nghĩ và lối sống lệch lạc của một bộ phận người dân, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia tăng trong xã hội.
(4) Tập trung điều tra làm rõ các vụ đối tượng sử dụng bạo lực, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử công khai, lưu động một số vụ điển hình để răn đe, phòng ngừa chung. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc và kiểm soát tình hình; thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là, trấn áp các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, tội phạm giết người, tội cướp tài sản, tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng,... Tổ chức tiếp nhận, giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm; duy trì các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm.
(5) Phối hợp với các ngành Y tế, Giáo dục... đánh giá đúng thực trạng việc tổ chức công tác bảo vệ và năng lực của lực lượng bảo vệ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, tổ dân phố để có kế hoạch củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này.
4. Cử tri Đồng Nai kiến nghị: Cử tri đề nghị cần xem xét sửa đổi quy định pháp luật không cho lực lượng Công an làm kinh tế. Vì thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều sai phạm tại một số đơn vị, điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ, chức năng của các lực lượng trên.
Trả lời: (Tại Công văn số 1965/BCA-V01 ngày 22/8/2018 của Bộ Công an)
Theo quy định của pháp luật, Bộ Công an không có chức năng làm kinh tế, nhưng có một số hoạt động kinh tế nghiệp vụ để phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Trong các hoạt động này, nếu có vi phạm Bộ Công an đã và sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định; đồng thời có các biện pháp quản lý chặt chẽ không để xảy ra các vi phạm tương tự.
5. Cử tri Long An kiến nghị: Tình trạng tội phạm bạo hành gia đình, xâm hại, giao cấu trẻ em ngày càng tăng. Nhiều vụ án xảy ra có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện sự suy đồi đạo đức, coi thường tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đề nghị tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền và tăng hình thức xử phạt để răn đe, giáo dục.
Trả lời: (Tại Công văn số 1927 /BCA-V01 ngày 22/8/2018 của Bộ Công an)
Thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra phức tạp. Năm 2017, phát hiện 15.92 vụ (giảm 3% vụ so với năm 2016), gồm 1.757 đối tượng gây án, xâm hại 1642 em, trong đó xâm hại tình dục là 1.370 vụ, chiếm 86%. Sáu tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 721 vụ xâm hại trẻ em (tăng 12,1%) với 853 đối tượng phạm tội, xâm hại 797 em, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục chiếm 84%. Riêng hiếp dâm trẻ em xảy ra 204 vụ (tăng 04 vụ, 1,49% so với cùng kỳ năm 2017). Nạn nhân bị xâm hại tình dục chủ yếu là các cháu gái (chiếm trên 80%); đối tượng xâm hại phần lớn chưa có tiền án, tiền sự, thường có mối quan hệ quen thân với nạn nhân.
Nguyên nhân chủ yếu, là do: Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật hiệu quả chưa cao; Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm chưa thực sự sâu rộng. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục trẻ em chưa chặt chẽ; nhiều gia đình thiếu quan tâm, thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc bảo vệ con cái; việc giáo dục trong nhà trường về giới tính, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh khi có nguy cơ bị xâm hại còn hạn chế... Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo tố giác về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em một số nơi còn chưa kịp thời; Việc tố cáo, trình báo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường chậm nên công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không khắc phục được, ảnh hưởng tới kết quả điều tra, xử lý tội phạm. Xâm hại tình dục trẻ em là vụ việc có tính nhạy cảm nên nạn nhân và người thân thường giấu kín, không tố giác, có trường hợp đối tượng thực hiện hành vi nhiều lần, trong thời gian dài mới bị phát hiện, có trường hợp nạn nhân và gia đình thiếu hợp tác với Cơ quan điều tra trong việc cung cấp chứng cứ, xử lý tội phạm. Hầu hết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại tình dục còn nhỏ tuổi, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý dễ bị tác động, hoảng loạn về tinh thần nên khai báo chưa chính xác. Một số vụ nạn nhân thường khai báo không thống nhất, khai báo theo sự hướng dẫn của cha mẹ, người thân…nên gây khó khăn cho công tác điều tra.
Trước tình hình trên, Chính phủ và các ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp về bảo vệ trẻ em. Ngày 6/8/2018, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề này, trong đó đã đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường thực hiện công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em nói riêng.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt các công tác trọng tâm, sau:
(1) Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
(2) Đẩy mạnh thực hiện chuyên đề đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Thiết lập đường dây nóng, điện thoại, email, hộp thư tố giác tội phạm tại nơi công cộng, nơi có nguy cơ xảy ra các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, tăng cường vận động quần chúng nhân dân kịp thời tố giác tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em để nâng cao tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.
(3) Tổ chức hướng dẫn, đào tạo cho lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, tập trung vào hướng dẫn và tổ chức thực hiện nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, yêu cầu và biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, người làm chứng; đào tạo, bồi dưỡng nội dung về quyền trẻ em, về tâm lý học, khoa học giáo dục cho điều tra viên giải quyết các vụ án có liên quan đến trẻ em. Xây dựng quy định áp dụng điều tra riêng đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em để thống nhất tổ chức thực hiện.
(4) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm liên quan đến trẻ em… Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm… tại các câu lạc bộ, nhà văn hóa, nhà trường, nơi công cộng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phát hiện, tố cáo các hành vi xâm hại tình dục trẻ em…
6. Cử tri Khánh Hòa kiến nghị: Thời gian vừa qua, tình trạng giáo viên, bác sĩ bị phụ huynh học sinh, người nhà bệnh nhân... hành hung, xúc phạm diễn ra gây bức xúc trong dư luận. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp xử lý nghiêm minh những trường hợp hành hung, xúc phạm giáo viên, bác sĩ nói riêng và người thi hành công vụ nói chung đồng thời có biện pháp tăng cường an ninh trật tự tại các trường học, cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo an toàn cho việc dạy và học, việc khám chữa bệnh
Trả lời: (Tại Công văn số 1951 /BCA-V01 ngày 22/8/2018 của Bộ Công an)
Thời gian qua, xảy ra một số vụ sử dụng bạo lực hành hung các y, bác sỹ trong các cơ sở y tế gây bức xúc dư luận. Nguyên nhân chủ yếu là do một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thiếu kiểm soát bản thân, côn đồ, hung hãn coi thường tính mạng, sức khỏe người khác, ý thức kém về hành xử nơi cộng cộng; một số y, bác sĩ có thái độ ứng xử chưa chuẩn mực gây tâm lý bức xúc cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; lực lượng làm công tác bảo vệ tại các cơ sở khám chữa bệnh cón ít, chưa chuyên nghiệp, phản ứng chậm trong các tình huống bất ngờ...
Trong lĩnh vực y tế, Bộ Công an và Bộ Y tế đã có Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT, ngày 26/9/2013 trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đã sơ kết 05 năm thực hiện Quy chế đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã ban hành nhiều kế hoạch phối hợp thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các bệnh viện, cơ sở y tế, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng...
Trong thời gian tới, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trên, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau:
(1) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế, trong đó có những nội dung phối hợp rất cụ thể về công tác bảo đảm an toàn tại các cơ sở khám chữa bệnh.
(2) Tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình, thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gây rối, hành hung bác sỹ, nhân viên y tế tại các bệnh viện và khu vực xung quanh.
(3) Phối hợp với ngành Y tế đánh giá thực trạng công tác bảo vệ và năng lực của lực lượng bảo vệ tại các cơ sở khám chữa bệnh để có kế hoạch củng cố, tổ chức tập huấn kỹ năng xử lý, phản ứng nhanh với các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra; trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ theo quy định của pháp luật; tăng cường lực lượng bảo vệ, lắp đặt hệ thống camera giám sát, chuông báo động tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao nảy sinh phức tạp về an ninh, trật tự.
(4) Thống nhất với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân nghi do đánh nhau phải thông báo ngay cho cơ quan Công an cơ sở để tổ chức điều tra; đồng thời, phối hợp ngăn chặn các đối tượng bên ngoài kéo đến hành hung, truy sát, uy hiếp nạn nhân và nhân viên y tế. Khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các vụ việc đối tượng hành hung, truy sát bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh.
(5) Tăng cường các lực lượng tổ chức điều khiển giao thông và giữ gìn trật tự tại các khu vực cổng bệnh viện có lượng người tập trung đông, lưu lượng tham gia giao thông lớn; phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trong khuôn viên bệnh viện. Tiến hành kiểm tra, giám sát vấn đề an ninh, trật tự định kỳ và đột xuất tại các bệnh viện.
7. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri lo lắng trong thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Cử tri đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường công tác đấu tranh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm mang tính răn đe.
Trả lời: (Tại Công văn số 1928 /BCA-V01 ngày 22/8/2018 của Bộ Công an)
Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng, phương tiện, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; mở nhiều cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, như: Chạy quá tốc độ; chở quá tải trọng; chở quá số người quy định; vi phạm nồng độ cồn; tránh, vượt sai quy định; xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật... Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã phát hiện, xử lý 2.066.334 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 1.324 tỷ 22 triệu đồng. Do triển khai quyết liệt các biện pháp nên tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (giảm 7,5% số vụ; 0,48% số người chết; 9,18% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2017). Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra vẫn nghiêm trọng, các vi phạm vẫn diễn ra phổ biến như cử tri phản ánh.
Thời gian tới, để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp trọng tâm sau:
(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”..., nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tham mưu sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, từ đó đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong những năm tiếp theo. Phối hợp với các bộ, ban, ngành nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho các tầng lớp nhân dân.
(2) Mở các cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các hành vi, như: phương tiện chở quá trọng tải; chở quá số người quy định; quá khổ giới hạn; vi phạm nồng độ cồn; chạy quá tốc độ; tránh, vượt sai quy định; xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; chống người thi hành công vụ.
(3) Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát xác định các “điểm đen” về tai nạn giao thông, các điểm ùn tắc giao thông, các bất hợp lý về tổ chức giao thông để có giải pháp khắc phục. Kiến nghị cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả việc sát hạch cấp giấy phép lái xe và quản lý lái xe.
(4) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông; chú trọng công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
(5) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình hiện nay, như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính...
8. Cử tri Gia Lai kiến nghị: Đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo.
Trả lời: (Tại Công văn số 3789/BGDĐT-KHTC ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập[1] và Chính phủ đã tổ chức lấy phiếu ý kiến của các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định chưa thông qua do cần phải điều chỉnh lại một số nội dung theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngày 14/8/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện dự thảo Nghị định và tiếp tục có Tờ trình số 702/TTr-BGDĐT trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định.
Bộ cũng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.
9. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần xây dựng phát triển kinh tế đất nước.
Trả lời: (Tại Công văn số 3788/BGDĐT-GDĐH ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần xây dựng phát triển kinh tế đất nước, cụ thể là:
- Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển giáo dục đại học. Báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành Nghị định tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập… nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học.
- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên theo các quy chuẩn chất lượng, phù hợp với Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật Quy hoạch[2]; xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035; kế hoạch và giải pháp tăng cường số lượng các trường đại học Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế.
- Cùng với việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động nhằm tăng cường quản lý quy hoạch mạng lưới, gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội và làm cơ sở cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh như: Định kỳ công khai minh bạch kết quả kiểm định chất lượng trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo; rà soát các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên rà soát, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng; tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, các sản phẩm khoa học công nghệ của trường.
Đối với tuyển sinh nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường; đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành tuyển sinh đào tạo giáo viên ở các trình độ.
- Đẩy mạnh hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài; đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, tập trung vào kiểm định chương trình đào tạo.
- Tăng cường đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học, các trường tự xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo; ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành, vùng đặc thù để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả…
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các trường thực hiện:
+ Đầu tư các yếu tố đảm bảo chất lượng, trong đó tập trung phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ.
+ Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển tư duy sáng tạo của học viên; quản lý chất lượng tổng thể bao gồm quản lý các điều kiện đầu vào, quản lý quá trình đào tạo và quản lý chất lượng đầu ra phù hợp với khung trình độ quốc gia; triển khai các giải pháp nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
+ Nghiên cứu, đào tạo các ngành nghề và phương thức đào tạo đáp ứng mô hình tăng trưởng của nền kinh tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; mở rộng và tăng dần quy mô các chương trình đào tạo chất lượng cao, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế với các trường nước ngoài uy tín; đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ các trình độ đào tạo, bảo đảm năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, giáo viên, giảng viên dạy các môn khoa học, môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ cho các trình độ đào tạo.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng lại hệ thống chế tài xử phạt nặng hơn đối với vi phạm chất lượng giáo dục đại học và xử lý nghiêm đối với vi phạm; công bố công khai kết quả kiểm định, kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để rút kinh nghiệm và phòng ngừa chung.
10. Cử tri Vĩnh Phúc kiến nghị: Đề nghị Chính phủ hướng dẫn cụ thể về đối tượng chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các vùng thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006, Nghị định 19/2013/NĐ- CP ngày 23/02/2013, Nghị định 116/2010/NĐ-CP.
Trả lời: (Tại Công văn số 3789/BGDĐT- NGCBQLGD ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định đối tượng áp dụng chế độ chính sách. Các địa phương căn cứ quy định tại các Nghị định trên để thực hiện cho phù hợp.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 27/6/2018, trong đó giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên cơ sở hợp nhất Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 64/2009/NĐ-CP và trình Chính phủ trong năm 2018.
11. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri lo lắng trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội; tình trạng bạo lực trong học đường. Cử tri đề nghị cần chú ý công tác giáo dục nhân cách, giáo dục truyền thống lịch sử, tư tưởng lập trường và nhận thức của thế hệ trẻ trong thời gian tới
Trả lời: (Tại Công văn số 4024/BGDĐT-VP ngày 5/9/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Phần lớn học sinh, sinh viên là những công dân có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; gương mẫu, tích cực học tập rèn luyện và tu dưỡng bản thân; có tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia các hoạt động tập thể; luôn đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, biết trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, tự tin hội nhập văn hóa thế giới; nỗ lực vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ; có đạo đức, lối sống văn hóa, đời sống tinh thần lành mạnh; yêu quê hương, đất nước; biết phê phán những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi thiếu văn hóa, trái thuần phong mỹ tục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp chấp hành tốt các quy định về đạo đức nhà giáo, không ngừng học tập, tu dưỡng, có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống trong sáng, mẫu mực, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh, giáo viên có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống như ý kiến của cử tri.
Để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của học sinh, giáo viên trong nhà trường hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể là:
1. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020[3]; quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường[4]; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em[5].
Hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào trong quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học.
Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường (Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông) và các hoạt động văn hóa trong trường học (Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT ngày 18/10/2017 quy định tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục).
2. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh; tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc giáo dục học sinh, sinh viên khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội một cách hiệu quả.
Chỉ đạo xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trong đó chú trọng nội dung môn Đạo đức, Giáo dục công dân và dạy đạo đức lối sống thông qua việc giáo dục chuyển đổi hành vi và trải nghiệm cho học sinh; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân nhằm phát triển phẩm chất năng lực người học.
3. Ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Theo đó, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo: (i) Phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức; (ii) Hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra; (iii) Tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; (iv) Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm; (v) Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục.
4. Ban hành các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở giáo dục phổ thông trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; rà soát, hướng dẫn nội dung bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm.
5. Đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.
6. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng văn hóa nhà trường; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tăng cường thực hiện nền nếp, kỷ cương trường học; xây dựng và thực hiện tiêu chí đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục.
7. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; kịp thời nắm bắt các thông tin xử lý tại địa phương và tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng, tuyên truyền rộng rãi trong toàn ngành các tấm gương người tốt, việc tốt.
12. Cử tri Quảng Ngãi kiến nghị: Hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu ban hành quy định hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật từng ngành để làm cơ sở cho các cơ quan cấp tỉnh xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng, đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó xác định giá dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập).
Trả lời: (Tại Công văn số 3764/BGDĐT-KHTC ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến của các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo và dự kiến Thông tư sẽ được ban hành vào quý IV năm 2018.
13. Cử tri Tây Ninh kiến nghị: Hiện nay, trên khu vực biên giới Campuchia - Việt Nam đã được phân giới cắm mốc, có nhiều hộ dân có đất nông nghiệp được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, đã canh tác nhiều năm ổn định, sau khi phân giới cắm mốc thì bị mất đất, đề nghị Chính phủ sớm cho chủ trương giải quyết vấn đề trên để địa phương có cơ sở thực hiện trong thời gian tới.
Trả lời: (Tại Công văn số 3014/BNG-UBBG ngày 15/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
- Tại Điểm 11 Mục II Chỉ thị số 07/2006/CT-TTg ngày 06/3/2006 về việc tổ chức thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Tây Nam “giải quyết các vấn đề liên quan đến dân cư, đất đai, nhà cửa, công trình... trong quá trình phân giới, cắm mốc và sau khi hoàn thành phân giới, căm mốc”.
- Tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 327/2009/TT-BTC ngày 09/10/2009 quy định chế độ chi tiêu phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, Bộ Tài chính đã quy định được chi bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện các chính sách tái định cư liên quan đến công tác phân giới, cắm mốc.
- Tại Điểm 5 Chỉ thị số 199/CT-TTg ngày 11/02/2011 về việc thúc đẩy công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia “Chủ động đề xuất các biện pháp giải quyết những vấn đề liên quan đến dân cư, đất đai, nhà cửa, tài sản, công trình dân sinh... trong quá trình phân giới, cắm mốc và sau phân giới, cắm mốc; báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới, cắm mốc trên đất liền xem xét, quyết định”.
Căn cứ các quy định trên, ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia có dân cư, đất đai, nhà cửa, công trình... bị ảnh hưởng trong và sau phân giới, cắm mốc có trách nhiệm xây dựng đề án đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân và báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền (thông qua cơ quan thường trực là Bộ Ngoại giao). Sau khi trao đổi và thống nhất với các bộ, ngành hữu quan, Bộ Ngoại giao sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hiện nay, công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đang bước vào giai đoạn cuối (giai đoạn pháp lý hóa thành quả đạt được). Do đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới thúc đẩy việc rà soát, thống kê, xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi kết quả phân giới, cắm mốc.
14. Cử tri Quảng Trị kiến nghị: Cử tri Lực lượng vũ trang tỉnh kiến nghị: Pháp lệnh Động viên Công nghiệp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 25/2/2003 sau nhiều năm thực hiện đã xuất hiện nhiều bất cập. Đề nghị xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, điều chỉnh phù hợp và thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các văn bản liên quan về quản lý, huy động các doanh nghiệp công nghiệp phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Đối với các Doanh nghiệp công nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động.
Trả lời: (Tại Công văn số 8790/BQP-TM ngày 11/8/2018 của Bộ Quốc phòng)
Ngày 04/6/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003; theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành 04 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về Động viên công nghiệp được ban hành tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ; là cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua. Sau 15 năm triển khai thực hiện, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều tác động ảnh hưởng; đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đổi mới phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa; các ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế nhưng cũng thường xuyên biến động do doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh, sáp nhập, chia tách, giải thể, chuyển giao quyền sở hữu, phá sản. Yêu cầu nhiệm vụ quân sự quốc phòng, huy động mọi nguồn lực của đất nước trong chiến lược bảo đảm vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang ngày càng cao và mở rộng. Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được giá trị và tính đúng đắn của Pháp lệnh Động viên công nghiệp.
Tuy nhiên, do Pháp lệnh Động viên công nghiệp đã ban hành từ năm 2003, nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, nhất là yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phát triển ở trình độ ngày càng cao hơn. Một số nội dung chưa quy định thống nhất hoặc quy định chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ ... với hệ thống pháp luật của Nhà nước; vì vậy, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập như ý kiến của cử tri đã phản ánh nêu trên.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quốc phòng; nghiên cứu, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; trong đó, có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng nâng Pháp lệnh Động viên công nghiệp thành Luật Động viên công nghiệp.
Ngày 20/7/2018, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, địa phương và nghiên cứu hoàn chỉnh Dự án Luật Động viên công nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, trong các kỳ họp tới theo quyết định.
15. Cử tri Đồng Nai kiến nghị: Cử tri đề nghị cần xem xét sửa đổi quy định pháp luật không cho lực lượng Quân đội làm kinh tế. Vì thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều sai phạm tại một số đơn vị, điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ, chức năng của các lực lượng trên.
Trả lời: (Tại Công văn số 8193/BQP-KTe ngày 29/7/2018 của Bộ Quốc phòng)
Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một trong những chức năng cơ bản thể hiện bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất"; đồng thời, thể hiện quan điểm của Đảng về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, Quân đội luôn tích cực, chủ động thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất” và đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; các dự án phát triển kinh tế, xã hội trong các khu vực phòng thủ phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, nhất là ở những vị trí trọng yếu, chiến lược. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng và phát triển bền vững kinh tế, xã hội khu vực dọc biên giới và biển, đảo…”.
Điều 25, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: “Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Ngày 25/9/2012, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 520-NQ/QUTW về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020; trong đó, xác định: "Sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng là một trong những chức năng, nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của quân đội; phấn đấu là một nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước", với mục tiêu "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của quân đội góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở bố trí lực lượng sản xuất theo cơ cấu ngành, vùng lãnh thổ phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nên thế trận quốc phòng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên các địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo..., phát triển năng lực sản xuất quốc phòng, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội".
Với chức năng đội quân sản xuất, Quân đội duy trì hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, không làm kinh tế đơn thuần. Các hình thức lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội hiện nay bao gồm:
(1) Quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, tập trung chính vào nhiệm vụ triển khai xây dựng các Khu kinh tế - quốc phòng trên phạm vi cả nước với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tổ chức phát triển sản xuất, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo; trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh, hình thành các cụm làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới trên đất liền, trên biển, đảo trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới và Xóa đói, giảm nghèo bền vững) của Nhà nước.
(2) Các doanh nghiệp Quân đội là các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng sản xuất vũ khí, khí tài quân sự, đảm bảo kỹ thuật là các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật, gắn sản xuất kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Quân đội, cũng là các lực lượng tham gia đội hình chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi có tình huống. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang quyết liệt thực hiện Đề án Cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp Quân đội, chỉ duy trì các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp có ít hoặc không có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sẽ cổ phần hóa và thoái vốn triệt để, thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng: Công nghiệp quốc phòng là nòng cốt phát triển công nghiệp quốc gia.
Đến năm 2020 các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, đảm bảo yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng của đất nước; các công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là các doanh nghiệp có ngành nghề đặc thù, có thể huy động cho quốc phòng khi có tình huống và phù hợp với quy định của Nhà nước. Đồng thời tham gia hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm kết hợp nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế với đối ngoại quốc phòng, xây dựng và củng cố quốc phòng, thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ xa.
(3) Các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu tận dụng năng lực nhàn rỗi, phát huy khả năng thế mạnh của từng đơn vị, cung cấp nguồn nhân lực và dịch vụ có chất lượng cho xã hội, góp phần bảo đảm chi phí thường xuyên, tăng cường các hoạt động sự nghiệp, bổ sung kinh phí huấn luyện, giảm chi ngân sách, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên và người lao động. Các đơn vị tổ chức lao động sản xuất, tăng gia quanh bếp, quanh vườn tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm, sản phẩm tại chỗ nhằm trực tiếp cải thiện và nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Như vậy có thể khẳng định, Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là chủ trương nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong việc tổ chức và phát huy vai trò Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.
16. Cử tri Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách về nhà ở, đất ở cho cán bộ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội.
Trả lời: (Tại Công văn số 8192/BQP-CT ngày 29/7/2018 của Bộ Quốc phòng)
1. Về nhà ở chính sách, nhà ở công vụ
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 196/2010/TT-BQP ngày 26/11/2010 và Thông tư số 177/2011/TT-BQP ngày 19/9/2011 quy định về thực hiện chính sách nhà ở đối với sĩ quan, QNCN, công nhân và VCQP.
- Quá trình triển khai thực hiện, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà ở chính sách và nhà ở công vụ, góp phần ổn định hậu phương gia đình cán bộ. Song, do nhu cầu về nhà ở lớn, trải rộng trên toàn quốc, trong khi nguồn vốn đầu tư có hạn nên chưa thể đáp ứng theo nhu cầu.
- Thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở chính sách, nhà ở xã hội để từng bước giải quyết khó khăn về nhà ở đối với cán bộ, sĩ quan, QNCN, công nhân và VCQP đang công tác trong Quân đội.
2. Về phụ cấp nhà ở
Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét, ban hành.
17. Cử tri Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri cho rằng thực tế hiện nay Chính phủ ban hành rất nhiều nghị định, các bộ ban hành rất nhiều thông tư về cùng một lĩnh vực, trong đó có những nghị định, thông tư ban hành sau sửa đổi, bổ sung cho nhiều nghị định, thông tư đã ban hành trước đó nên khó cho việc thực hiện pháp luật. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hợp nhất các nghị định, các thông tư hướng dẫn để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, áp dụng pháp luật.
Trả lời: (Tại Công văn số 3014/BTP-VP ngày 14/8/2018 của Bộ Tư pháp)
Để đảm bảo hệ thống pháp luật của nhà nước công khai, minh bạch, giúp cho người dân, tổ chức dễ tiếp cận, tìm kiếm, tra cứu, áp dụng VBQPPL (QPPL), với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Hợp nhất VBQPPL và Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL vào năm 2012. Theo Pháp lệnh Hợp nhất, các VBQPPL do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành (trừ Hiến pháp) ngay sau khi được sửa đổi, bổ sung thì các nội dung sửa đổi, bổ sung trong văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản đã được ban hành trước đó đều phải đưa vào văn bản được sửa đổi, bổ sung, giúp cho người áp dụng, tìm hiểu chỉ cần tra cứu duy nhất một văn bản (là văn bản hợp nhất). Theo Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, các QPPL đang còn hiệu lực trong các VBQPPL do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành (trừ Hiến pháp) đều phải được rà soát, tập hợp, sắp xếp theo từng chủ đề và đề mục, tạo thành Bộ Pháp điển để phục vụ cho việc tra cứu, sử dụng VBQPPL pháp luật.
Như vậy, với việc thực hiện hợp nhất và pháp điển QPPL, VBQPPL do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành (trong đó có nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ như cử tri đề cập) khi được sửa đổi, bổ sung đều được tập hợp, thể hiện tập trung, thống nhất trong một văn bản (văn bản hợp nhất); đồng thời các QPPL trong các VBQPPL do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành đang còn hiệu lực đều được rà soát, tập hợp, thể hiện theo từng lĩnh vực, nhóm quan hệ xã hội trong Bộ Pháp điển chính thức của nhà nước, tạo thuận lợi cho việc tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thường xuyên, tích cực theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện việc hợp nhất VBQPPL và pháp điển QPPL theo quy định. Hiện nay, về cơ bản, các bộ, ngành ở Trung ương đã chủ động, tích cực thực hiện công tác hợp nhất VBQPPL bảo đảm chất lượng, đúng thời gian theo quy định của Pháp lệnh Hợp nhất VBQPPL. Văn bản hợp nhất được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (địa chỉ: www.vbpl.vn).
Đối với việc pháp điển QPPL, hiện nay Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống QPPL đối với các chủ đề: chủ đề Đất đai và 35 đề mục[6]; tương trợ tư pháp; văn thư, lưu trữ và 28 đề mục[7] trong Bộ Pháp điển. Kết quả pháp điển đã được Chính phủ thông qua được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (địa chỉ: www.phapdien.moj.gov.vn) để mọi cá nhân, tổ chức có thể truy cập, khai thác các quy định của pháp luật về các lĩnh vực, nhóm quan hệ xã hội quan tâm. Đối với các đề mục đã được pháp điển xong nhưng chưa được Chính phủ thông qua, Bộ Tư pháp tạm thời đăng tải trên mục Kết quả pháp điển đã thẩm định trên Cổng thông tin điện tử pháp điển để giúp các cá nhân, tổ chức tham khảo, sử dụng trước các đề mục này. Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Pháp điển sẽ được hoàn thành vào năm 2023 với 45 chủ đề và 265 đề mục.
18. Cử tri TP Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ảnh hiện nay Luật, Pháp lệnh do Quốc hội ban hành nhưng văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tình trạng chậm trễ. Điều này dẫn đến Luật không đi vào cuộc sống. Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo nghiêm túc hơn nữa để khắc phục tình trạng này.
Trả lời: (Tại Công văn số 3014/BTP-VP ngày 14/8/2018 của Bộ Tư pháp)
Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặc biệt là văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Qua đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm dần so với các năm trước (năm 2015 nợ 33 văn bản, năm 2016 nợ 14 văn bản và năm 2017 nợ 09 văn bản). Mặc dù Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã quy định “văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết - khoản 2 Điều 11” nhưng thực tế vẫn còn tình trạng chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết như cử tri kiến nghị.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như:
- Hàng tháng, quý Chính phủ đăng tải công khai tình trạng ban hành văn bản, danh mục văn bản nợ ban hành trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
- Tại các Phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, kiểm điểm trực tiếp các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và coi đó là một trong những tiêu chí để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ; nội dung này cũng đã được nhấn mạnh tại trong các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
- Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 160/LĐCP ngày 16/4/2018 đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, trực tiếp chỉ đạo công tác này, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản; thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo văn bản với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Trong thời gian tới, cùng với việc cùng các Bộ, ngành thực hiện nghiêm các các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
- Tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, 01 năm báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đăng tải công khai tình hình xây dựng, ban hành, nợ đọng văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tư pháp.
- Cử cán bộ phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng luật, pháp lệnh từ trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng cho đến giao đoạn soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh để kiểm soát phạm vi, nội dung giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm tính khả thi.
- Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng dự án luật, pháp lệnh phải thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015, theo đó phải chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh để bảo đảm tiến độ và chất lượng, hướng đến khắc phục triệt để tình trạng nợ ban hành văn bản; dự kiến hợp lý thời điểm bắt đầu có hiệu lực của luật, pháp lệnh để có đủ thời gian cho việc ban hành văn bản quy định chi tiết; tiếp tục thực hiện nguyên tắc ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao để hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết.
19. Cử tri Bắc Ninh kiến nghị: Hiện nay một số luật đã có hiệu lực nhưng rất khó thực hiện do việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chậm, đề nghị Chính phủ rà soát và chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật đã có hiệu lực để luật sớm đi vào cuộc sống.
Trả lời: (Tại Công văn số 3014/BTP-VP ngày 14/8/2018 của Bộ Tư pháp)
Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặc biệt là văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Qua đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm dần so với các năm trước (năm 2015 nợ 33 văn bản, năm 2016 nợ 14 văn bản và năm 2017 nợ 09 văn bản). Mặc dù Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã quy định “văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết - khoản 2 Điều 11” nhưng thực tế vẫn còn tình trạng chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết như cử tri kiến nghị.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như:
- Hàng tháng, quý Chính phủ đăng tải công khai tình trạng ban hành văn bản, danh mục văn bản nợ ban hành trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
- Tại các Phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, kiểm điểm trực tiếp các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và coi đó là một trong những tiêu chí để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ; nội dung này cũng đã được nhấn mạnh tại trong các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
- Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 160/LĐCP ngày 16/4/2018 đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, trực tiếp chỉ đạo công tác này, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản; thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo văn bản với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cùng với các Bộ, ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
- Tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, 01 năm báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đăng tải công khai tình hình xây dựng, ban hành, nợ đọng văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tư pháp.
- Cử cán bộ phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng luật, pháp lệnh từ trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng cho đến giao đoạn soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh để kiểm soát phạm vi, nội dung giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm tính khả thi.
- Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng dự án luật, pháp lệnh phải thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015, theo đó phải chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh để bảo đảm tiến độ và chất lượng, hướng đến khắc phục triệt để tình trạng nợ ban hành văn bản; dự kiến hợp lý thời điểm bắt đầu có hiệu lực của luật, pháp lệnh để có đủ thời gian cho việc ban hành văn bản quy định chi tiết; tiếp tục thực hiện nguyên tắc ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao để hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết.
20. Cử tri Thái Bình kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong công tác xây dựng và ban hành Luật, để Luật có tính khả thi, sát với thực tế.
Trả lời: (Tại Công văn số 3014/BTP-VP ngày 14/8/2018 của Bộ Tư pháp)
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) đã có nhiều quy định mới nhằm năng cao chất lượng của VBQPPL, đặc biệt là bảo đảm để luật có tính khả thi và sát với thực tế hơn. Luật năm 2015 đã quy định tách bạch quy trình chính sách và quy trình soạn thảo, theo đó phải xây dựng và đánh giá tác động của chính sách trước khi soạn thảo văn bản.
Thực hiện nhiệm vụ được Luật năm 2015 giao, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng của VBQPPL nói chung và của luật nói riêng. Cụ thể như sau:
- Về phía Chính phủ: Theo quy trình mới, Chính phủ chỉ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án đã được xác định rõ nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định và được tập thể Chính phủ thông qua các chính sách. Từ năm 2013 đến nay, Chính phủ coi việc trình dự án luật không đúng thời hạn, không bảo đảm chất lượng là một trong những tiêu chuẩn đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và cũng là một trong những tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm.
- Về phía Thủ tướng Chính phủ: Khi phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì phải tập trung thời gian, nguồn lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án luật, khắc phục tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo không đúng thời hạn, trường hợp không bảo đảm tiến độ, chất lượng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và coi đó là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều ý kiến chỉ đạo cụ thể gắn với nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Về phía Bộ Tư pháp:
Ngay sau khi Luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều công việc cụ thể để bảo đảm thi hành Luật một cách có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử như giải đáp trực tiếp và trả lời bằng văn bản các khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trog việc áp dụng Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP: Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình xây dựng các luật và tình hình thực hiện Luật năm 2015; hướng dẫn lập đề nghị xây dựng VBQPPL và soạn thảo dự án, dự thảo VBQPPL; xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật; tổ chức các hội nghị tập huấn và các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xây dựng chính sách; đánh giá tác động của chính sách; soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; tổ chức các Hội nghị giao ban về công tác xây dựng pháp luật, pháp chế, đề xuất các phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật...
- Về phía các bộ, cơ quan ngang bộ:
Nhiều bộ, cơ quan ngang bộ đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật năm 2015, tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu về Luật năm 2015 cho cán bộ, công chức trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật. Nhìn chung, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tuân thủ tương đối nghiêm quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, đặc biệt là đã thực hiện tương đối đầy đủ các bước của quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định như tổng kết thi hành pháp luật, khảo sát, nghiên cứu lý luận để xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách; tổ chức lấy ý kiến; tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Mặc dù có những chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng luật nhưng trong thời gian qua, một số luật được ban hành còn chưa sát thực tế, tính khả thi thấp, đúng như kiến nghị của cử tri.
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật nói chung và luật nói riêng, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ cần thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1362/TTg-PL ngày 08/9/2017, đặc biệt là các ý kiến chỉ đạo như sau:
- Đối với các luật, pháp lệnh có nội dung sửa đổi, bổ sung lớn, phức tạp, làm thay đổi các chính sách thì bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định của Luật năm 2015.
- Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, cần chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, có ý kiến khác nhau cần phải được xử lý kịp thời, thống nhất ngay từ đầu để bảo đảm chất lượng và tiến độ của dự án.
- Phân công, cử lãnh đạo, chuyên viên tham dự đầy đủ, đúng thành phần tham gia các hoạt động trong quá trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh.
- Phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ kịp thời báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề mới thuộc nội dung của dự án luật, pháp lệnh khác với quan điểm chỉ đạo, chính sách của dự án đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Tăng cường theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động, sự tham gia và ý thức trách nhiệm của từng thành viên Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh. Trong báo cáo hằng quý gửi Bộ Tư pháp về tình hình, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải có nội dung báo cáo về tình hình và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban soạn thảo.
21. Cử tri Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp không quá một lần/năm, cụ thể về đối tượng, lĩnh vực, thời gian tiến hành (thanh tra chuyên ngành). Đối với các công tác kiểm tra chuyên ngành mang tính kỹ thuật liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, người lao động và doanh nghiệp như: Phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng, ô nhiễm môi trường…. cần kiểm tra, giám sát thường xuyên thì phải có quy định riêng, không thể điều chỉnh chung theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời: (Tại Công văn số 1229/TTCP-PC ngày 31/7/2018 của Thanh tra Chính phủ)
Nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên tinh thần thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch kiểm tra thanh tra hàng năm không để tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp. Đồng thời, Chỉ thị nêu rõ: “Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định, thanh, kiểm tra; trưởng đoàn thanh, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh, kiểm tra đột xuất”.
Như vậy, việc thanh, kiểm tra không quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp áp dụng đối với thanh tra theo kế hoạch. Ngoài hoạt động thanh tra theo kế hoạch, để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực chuyên ngành, cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện đối tượng thanh tra (doanh nghiệp) có dấu hiệu vi phạm pháp luật (khoản 4, điều 37 Luật Thanh tra). Quy định này nhằm đảm bảo việc nắm thông tin giám sát thường xuyên và kiểm tra kịp thời, hạn chế được nguy cơ gây phiền hà cho doanh nghiệp, đồng thời giúp ngăn chặn kịp thời những hậu quả xấu đối với xã hội, qua đó đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực theo quy định của pháp luật về thanh tra.
22. Cử tri Long An kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả trong thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng.
Trả lời: (Tại Công văn số 1377/TTCP-C.IV ngày 20/8/2018 của Thanh tra Chính phủ)
Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao và luôn xác định phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, phải thực hiện kiên quyết, kiên trì, liên tục nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Trong những năm qua, công tác PCTN đã đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và nỗ lực của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng trong PCTN và sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng đã được điều tra, khám phá, xử lý nghiêm, qua đó giúp Chính phủ, các ngành, các cấp nhận diện được nhiều sơ hơ, bất cập cả trong cơ chế, chính sách và nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát… từ đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ngày càng hiệu quả hơn.
Để thực hiện nghiêm các quy định của Luật PCTN, nâng cao hiệu quả công tác PCTN, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Hoàn chỉnh dự án Luật PCTN (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 6, qua đó góp phần xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Trên cơ sở Luật PCTN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và có kế hoạch cụ thể để tổ chức thi hành Luật PCTN bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là những quy định mới sau khi Luật PCTN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; tiếp tục đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng. Tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm các quy định của Luật PCTN gắn với việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của Đảng về PCTN.
3. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý thị trường tài chính, tiền tệ; cấp phép đầu tư; đầu tư xây dựng cơ bản; giáo dục, y tế…. Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ. Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ; đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất.
4. Tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.
5. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp nhất là những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo; xác định rõ ràng trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án lớn thua lỗ, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; thu hồi triệt để tài sản tham nhũng.
6. Tích cực phát huy vai trò của xã hội trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng, báo chí và nhân dân. Có biện pháp bảo vệ hữu hiệu, biểu dương, khen thưởng xứng đáng những tổ chức, cá nhân dũng cảm, lập thành tích xuất sắc trong công tác PCTN; tiến tới xây dựng văn hóa liêm chính, văn hóa chống tham nhũng trong đời sống xã hội.
23. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri còn lo lắng về tình trạng hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Cử tri đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm cơ sở sản xuất hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Trả lời: (Tại Công văn số 6472 /BCT-KH ngày 14/8/2018 của Bộ Công thương)
Để chỉ đạo, điều hành chung công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực với thành viên là các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Việc phân công trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó:
- Các Bộ ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực Bộ ngành mình quản lý: Lực lượng Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới vào thị trường nội địa; Lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ chống đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… trên thị trường nội địa;…
- Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, địa phương mình quản lý.
Như vậy, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường thì sự phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, các lực lượng chức năng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là việc kiểm soát ngăn chặn hàng hoá vi phạm ngay từ khu vực cửa khẩu tuyến biên giới đường bộ, đường biển.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, trong đó đáng chú ý là:
- Kế hoạch số 216/KH-BCĐ389 ngày 10 tháng 01 năm 2018 về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
- Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.
- Văn bản chỉ đạo số 1544/BCT-QLTT ngày 28 tháng 02 năm 2018 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng.
- Kế hoạch số 2915/KH-BCĐ389 ngày 16 tháng 4 năm 2018 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018.
- Văn bản chỉ đạo số số 5172/BCT-QLTT ngày 29 tháng 6 năm 2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Ngoài ra, Bộ Công Thương ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Quản lý thị trường cả nước tổ chức triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương giao. Đồng thời, đã triển khai các Đoàn công tác thực hiện đôn đốc triển khai Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; rà soát các vụ việc xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng; đôn đốc công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán tại một số địa bàn trọng điểm; tổ chức Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng tại các tỉnh, thành phố; kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn thực phẩm...
Đáng chú ý, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm theo Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 24/01/2018 của Bộ Công Thương, cụ thể: đã tổ chức làm việc, phối hợp với các Cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Bộ Công an… để triển khai các chuyên đề hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm trên thị trường như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm...; Triển khai nhiều đoàn công tác để chỉ đạo, đôn đốc xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm, bước đầu được ghi nhận và đánh giá tốt trong dư luận xã hội, góp phần ngăn chặn giảm thiểu các đối tượng công khai sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS: đã chuyển cơ quan công an để điều tra hình sự; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hoá tại Kiên Giang, Long An, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mỹ phẩm - thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương; kiểm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm đối với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị số 02/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu; Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý hoá chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm; Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-BCT; Kế hoạch số 216/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Quyết định số 334/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn đến năm 2020; Kế hoạch số 05/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo số 5172/BCT-QLTT của Bộ Công Thương về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...
- Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.
- Chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Thông qua thực tiễn kiểm tra, xử lý vi phạm, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT, Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương; coi trọng công tác xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động trong toàn lực lượng; xây dựng phương pháp làm việc khoa học chuyên nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức trong kiểm tra, kiểm soát thị trường để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nêu cao tinh thần phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết xử lý các công chức gây phiền hà cho doanh nghiệp; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật.
- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, tổng hợp báo cáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
24. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị Chính phủ đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh trình Đề án thực hiện thí điểm phát triển Khu hợp tác phát triển kinh tế biên giới Móng Cái ( Việt Nam )và Đông Hưng (Trung Quốc) nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực này đồng thời kết nối phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn ( khi được Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Nghị quyết thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn). Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu XD Đề án, hoàn thiện theo chỉ đạo của Chính phủ; lập Quy hoạch Khu Hợp tác phát triển kinh tế biên giới Móng Cái, có văn bản báo cáo Chính phủ từ năm 2011. Đến nay Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo tỉnh thực hiện đối với Khu hợp tác phát triển kinh tế biên giới. Tuy nhiên để phát huy tiềm năng lợi thế của vùng này và nhằm phát triển kinh tế cửa khẩu Việt Trung tại Móng Cái, tạo điều kiện phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch...với sự tham gia của một số tỉnh có hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu... tỉnh Quảng Ninh đang thu hút đầu tư phát triển theo quy hoạch; phía Đông Hưng Trung Quốc đã và đang đầu tư hạ tầng đồng bộ, chuẩn bị khai thác dịch vụ, phát triển kinh tế vùng biên giới. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã tiếp xúc cử tri tại Móng Cái và nhiều lần nhận được ý kiến của cử tri đề nghị Chính phủ có chỉ đạo và chính sách phù hợp phát triển kinh tế Khu hợp tác phát triển kinh tế biên giới Móng Cái, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện để đáp ứng mong muốn chính đáng của cử tri và tạo điều kiện phát triển kinh tế, tỉnh, vùng và Quốc gia trong thời gian tới
Trả lời: (Tại Công văn số 6453 /BCT-KH ngày 14/8/2018 của Bộ Công thương)
Ngày 12 tháng 11 năm 2017, được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán Thỏa thuận khung về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào Quý I năm 2018, Bộ Công Thương đã gửi Dự thảo về Thỏa thuận khung về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung của phía Việt Nam cho phía Trung Quốc và hiện đang chờ ý kiến phản hồi của phía bạn để thống nhất các phương án. Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng đã thành lập Đoàn đàm phán sẵn sàng trao đổi với phía Trung Quốc thống nhất Thỏa thuận này.
Riêng nhóm nội dung lựa chọn địa điểm xây dựng thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới trong đó có việc lựa chọn Khu hợp tác kinh tế qua biên giói Móng Cái – Đông Hưng sẽ do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở kết quả đàm phán giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
25. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Hiện tại, PVN đang tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc 05 dự án yếu kém, gồm: 03 dự án nhiên liệu sinh học (dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án Nhà máy nhiên liệu học Quảng Ngãi, dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước), dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ, Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) theo đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ- TTg ngày 29/9/2017. Với mục tiêu theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: “đến cuối năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp nêu trên; đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017 là “Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án nêu trên”, vậy các doanh nghiệp có được bỏ vốn không? Hiện nay, PVN và các đơn vị thành viên rất khó khăn trong việc hỗ trợ vốn (theo tỷ lệ tham gia vào dự án) để xử lý các khó khăn của dự án theo chủ trương.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, đề nghị Chính phủ quy định rõ việc nhà nước không cấp vốn từ ngân sách nhưng các cổ đông được sử dụng các nguồn lực để cứu dự án theo quy định; quy định giải pháp bảo đảm khuyến khích nhân sự tốt, giải pháp sáng tạo để khôi phục dự án (miễn trách nhiệm các cá nhân tham gia xử lý các dự án yếu kém); quy định cơ chế phù hợp để PVN có thể hỗ trợ vốn để xử lý 05 dự án yếu kém nêu trên
Trả lời: (Tại Công văn số 6473/BCT-KH ngày 14/8/2018 của Bộ Công thương)
Tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, quan điểm xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả như sau: “Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp”.
Tại Thông báo số 428/TB-VPCP ngày 13 tháng 9 năm 2017 về Kết luận tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo như sau: “Về kinh phí khởi động lại Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất cồn sinh học Ethanol Dung Quất do các cổ đông của các doanh nghiệp này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật”.
Tại thông báo số 17/TB-BCT ngày 19 tháng 01 năm 2018 của Bộ Công Thương về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã kết luận “Về chi phí thực hiện xử lý các tồn tại, PVN và các cổ đông góp vốn vào các dự án nghiên cứu thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo các phương án xử lý và chủ động quyết định phương án tốt nhất phù hợp với Đề án được duyệt để triển khai thực hiện”.
Như vậy, việc PVN và các cổ đông các dự án góp kinh phí để duy trì/bảo quản Nhà máy và vận hành tại nhà máy do PVN và các cổ đông tự quyết định trên nguyên tắc lựa chọn và thực hiện phương án tốt nhất đối với Dự án, phù hợp với quy định pháp luật.
26. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Hiện nay, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành khoảng 85% tiến độ, chỉ còn vào khoảng 15% nữa là sẽ về đích. Ngày 24/11/2017, Lãnh đạo PVN đã báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi báo cáo đến Ban Bí thư. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết sớm các nội dung đề xuất của lãnh đạo PVN.
Trả lời: (Tại Công văn số 6479/BCT-KH ngày 14/8/2018 của Bộ Công thương)
Trên cơ sở kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (tại Công văn số 7490/DKVN-HĐTV ngày 24 tháng 11 năm 2017 và Công văn số 145/DKVN-TC ngày 05 tháng 01 năm 2018), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan xem xét, giải quyết kiến nghị của PVN (tại Công văn số 1855/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 02 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ và Công văn số 13446/VPCP-CN ngày 18 tháng 02 năm 2017). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã gửi xin ý kiến các Bộ, cơ quan về báo cáo, kiến nghị của PVN (tại Công văn số 12253/BCT-ĐL ngày 28 tháng 12 năm 2017 và Công văn số 1764/BCT-ĐL ngày 08 tháng 3 năm 2018) và có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 01 tháng 8 năm 2018 tại Công văn số 6047/BCT-ĐL ngày 1 tháng 8 năm 2018 và hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
27. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri còn lo lắng về Tình trạng hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ
Trả lời: (Tại Công văn số 6472 /BCT-KH ngày 14/8/2018 của Bộ Công thương)
Để chỉ đạo, điều hành chung công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực với thành viên là các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Việc phân công trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó:
- Các Bộ ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực Bộ ngành mình quản lý: Lực lượng Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới vào thị trường nội địa; Lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ chống đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… trên thị trường nội địa;…
- Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, địa phương mình quản lý.
Như vậy, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường thì sự phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, các lực lượng chức năng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là việc kiểm soát ngăn chặn hàng hoá vi phạm ngay từ khu vực cửa khẩu tuyến biên giới đường bộ, đường biển.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, trong đó đáng chú ý là:
- Kế hoạch số 216/KH-BCĐ389 ngày 10 tháng 01 năm 2018 về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
- Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.
- Văn bản chỉ đạo số 1544/BCT-QLTT ngày 28 tháng 02 năm 2018 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng.
- Kế hoạch số 2915/KH-BCĐ389 ngày 16 tháng 4 năm 2018 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018.
- Văn bản chỉ đạo số số 5172/BCT-QLTT ngày 29 tháng 6 năm 2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Ngoài ra, Bộ Công Thương ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Quản lý thị trường cả nước tổ chức triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương giao. Đồng thời, đã triển khai các Đoàn công tác thực hiện đôn đốc triển khai Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; rà soát các vụ việc xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng; đôn đốc công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán tại một số địa bàn trọng điểm; tổ chức Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng tại các tỉnh, thành phố; kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn thực phẩm...
Đáng chú ý, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm theo Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 24/01/2018 của Bộ Công Thương, cụ thể: đã tổ chức làm việc, phối hợp với các Cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Bộ Công an… để triển khai các chuyên đề hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm trên thị trường như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm...; Triển khai nhiều đoàn công tác để chỉ đạo, đôn đốc xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm, bước đầu được ghi nhận và đánh giá tốt trong dư luận xã hội, góp phần ngăn chặn giảm thiểu các đối tượng công khai sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS: đã chuyển cơ quan công an để điều tra hình sự; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hoá tại Kiên Giang, Long An, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mỹ phẩm - thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương; kiểm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm đối với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị số 02/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu; Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý hoá chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm; Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-BCT; Kế hoạch số 216/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Quyết định số 334/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn đến năm 2020; Kế hoạch số 05/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo số 5172/BCT-QLTT của Bộ Công Thương về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...
- Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.
- Chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Thông qua thực tiễn kiểm tra, xử lý vi phạm, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT, Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương; coi trọng công tác xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động trong toàn lực lượng; xây dựng phương pháp làm việc khoa học chuyên nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức trong kiểm tra, kiểm soát thị trường để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nêu cao tinh thần phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết xử lý các công chức gây phiền hà cho doanh nghiệp; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật.
- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, tổng hợp báo cáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
28. Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị: Cử tri Lực lượng vũ trang tỉnh kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài về; ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt hàng hóa liên quan đến các các lĩnh vực thuộc động viên công nghiệp như cơ khí, luyện kim, điện tử, hóa chất...
Trả lời: (Tại Công văn số 6450 /BCT-KH ngày 14/8/2018 của Bộ Công thương)
Để chỉ đạo, điều hành chung công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực với thành viên là các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Việc phân công trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó:
- Các Bộ ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực Bộ ngành mình quản lý: Lực lượng Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới vào thị trường nội địa; Lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ chống đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ…trên thị trường nội địa;…
- Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, địa phương mình quản lý.
Như vậy, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường thì sự phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, các lực lượng chức năng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là việc kiểm soát ngăn chặn hàng hoá vi phạm ngay từ khu vực cửa khẩu tuyến biên giới đường bộ, đường biển.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương, riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Quản lý thị trường đã kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, trong đó đáng chú ý là:
- Kế hoạch số 216/KH-BCĐ389 ngày 10/01/2018 về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
- Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 24/01/2018 của Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.
- Văn bản chỉ đạo số 1544/BCT-QLTT ngày 28/02/2018 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng.
- Kế hoạch số 2915/KH-BCĐ389 ngày 16/4/2018 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018.
- Văn bản chỉ đạo số số 5172/BCT-QLTT ngày 29/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Quản lý thị trường cả nước tổ chức triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương giao. Đồng thời, đã triển khai các Đoàn công tác thực hiện đôn đốc triển khai Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; rà soát các vụ việc xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng; đôn đốc công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán tại một số địa bàn trọng điểm; tổ chức Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng tại các tỉnh, thành phố; kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn thực phẩm...
Đáng chú ý, trong thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm theo Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 24/01/2018 của Bộ Công Thương, cụ thể: đã tổ chức làm việc, phối hợp với các Cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an… để triển khai các chuyên đề hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm trên thị trường như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm...; Triển khai nhiều đoàn công tác để chỉ đạo, đôn đốc xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm, bước đầu tạo được uy tín và tiếng vang trong dư luận xã hội, góp phần ngăn chặn giảm thiểu các đối tượng công khai sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS: đã chuyển cơ quan công an để điều tra hình sự; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hoá tại Kiên Giang, Long An, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mỹ phẩm- thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương; kiểm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm đối với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị số 02/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu; Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý hoá chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm; Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-BCT; Kế hoạch số 216/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Quyết định số 334/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn đến năm 2020; Kế hoạch số 05/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo số 5172/BCT-QLTT của Bộ Công Thương về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...
- Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.
- Chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Thông qua thực tiễn kiểm tra, xử lý vi phạm, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT, Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương; coi trọng công tác xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động trong toàn lực lượng; xây dựng phương pháp làm việc khoa học chuyên nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức trong kiểm tra, kiểm soát thị trường để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng Quản lý thị trường cần tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nêu cao tinh thần phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết xử lý các công chức gây phiền hà cho doanh nghiệp; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật.
- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, tổng hợp báo cáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
29. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu ban hành quy định hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật từng ngành để làm cơ sở cho các cơ quan cấp tỉnh xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng, đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó xác định giá dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập).
Trả lời: (Tại Công văn số 6478/BCT-KH ngày 14/8/2018 của Bộ Công thương)
Triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 573/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2017 ban hành danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ ban hành Quyết định quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.
30. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Cử tri và nhân dân trong tỉnh kiến nghị Nhà nước chú trọng công tác quy hoạch phát triển các cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trả lời: (Tại Công văn số 6455 /BCT-KH ngày 14/8/2018 của Bộ Công thương)
1. Đối với cụm công nghiệp
Để khắc phục tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo về công tác quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tại nhiều địa phương trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (trước đây là Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý cụm công nghiệp).
Theo đó, tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 42 của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định căn cứ, nội dung, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của các địa phương để quản lý chặt chẽ công tác lập quy hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của các địa phương. Đồng thời việc quản lý quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn các địa phương, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trên cả nước thực hiện công tác quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
Về phía Bộ Công Thương sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác quản lý quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP để phù hợp với Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019) và tình hình thực tế tại các địa phương.
2. Đối với các làng nghề
Để khắc phục tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo về công tác quy hoạch phát triển các làng nghề tại nhiều địa phương trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 về phát triển ngành nghề nông thôn.
Theo đó, tại Khoản 2 Điều 23 của Nghị định, Chính phủ đã quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố “Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, quy hoạch phát triển, bảo vệ môi trường làng nghề, ngành nghề nông thôn và định hướng bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; định kỳ 5 năm một lần, rà soát, thống kê, phân loại, lập quy hoạch (hoặc kế hoạch quản lý) phát triển ngành nghề nông thôn tại địa phương cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn”. Qua đó quản lý chặt chẽ hơn công tác quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn của các địa phương.
Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý quy hoạch phát triển các làng nghề trên địa bàn, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trên cả nước thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các chính sách, quy hoạch phát triển, bảo vệ môi trường theo đúng quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
31. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị có chế tài xử lý nghiêm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trả lời: (Tại Công văn số 7139 ngày 05/9/2018 của Bộ Công thương)
Hiện nay, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm tại các văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản đầy đủ, phục vụ có hiệu quả cho công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường, cụ thể như: Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;...
Đối với kiến nghị của cử tri cần nêu rõ các nội dung đề xuất xây dựng, sửa đổi hoặc bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để các cơ quan chức năng có cơ sở xem xét, giải quyết.
32. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri lo lắng trong thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực như: vấn đề quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường,...Cử tri đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm mang tính răn đe.
Trả lời: (Tại Công văn số 4341/BTNMT-PC ngày 14/8/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Đối với lĩnh vực đất đai, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tổ chức chỉ đạo, thực hiện Đề án “Tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020” trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là: năm 2016 - 2017, Bộ đã tập trung chỉ đạo thực hiện thanh tra việc quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các địa phương xử lý, khắc phục các tồn tại, sai phạm phát hiện qua thanh tra (Báo cáo số 29/BC-BTNMT ngày 16/5/2018); năm 2018 đang tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; năm 2019 sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai; năm 2020, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong đó chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng và kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất tại các Dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cử tri theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương để việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời đề nghị cử tri phản ánh rõ vụ việc vi phạm cho Ủy ban nhân dân các cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường để thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.
Đối với lĩnh vực môi trường, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở, dự án gây ô nhiễm môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm, xác định đây là công tác trọng tâm trong định hướng hoạt động hàng năm của Bộ. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là cao nhất trong các lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính theo quy đinh của Luật xử phạt vi phạm hành chính (mức phạt tiền từ cảnh cáo đến 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức). Trong năm 2017, toàn ngành môi trường đã thực hiện 701 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với 2.565 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 700 tổ chức, cá nhân với số tiền 82 tỷ 80 triệu đồng, truy thu 239 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình[8] Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn. Đối với các dự án vi phạm yêu cầu về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương yêu cầu các chủ đầu tư có giải pháp khắc phục, cải tạo, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường. Đặc biệt, thiết lập và thường trực đường dây nóng về môi trường từ trung ương đến địa phương nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm của doanh nghiệp (từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, tiếp nhận trên 700 thông tin, chuyển cho địa phương xử lý, kết quả các địa phương đã xác minh, xử lý gần 350 vụ việc).
Đồng thời, Bộ đã rà soát, đề xuất Chính phủ để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường và luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung vào các khu chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; đảm bảo tỷ lệ các khu công nghiệp theo quy hoạch phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 85%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong 15% khu công nghiệp còn lại phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên toàn quốc phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Bộ đã chỉ đạo, yêu cầu trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải xem xét chặt chẽ toàn bộ vấn đề công nghệ, quy trình xử lý để yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải, đảm bảo giảm tối đa khả năng xảy ra ô nhiễm hoặc các vấn đề sự cố; xây lắp các công trình ứng phó sự cố như hồ sinh học, hồ sự cố; yêu cầu các đơn vị có nguồn thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để theo dõi, giám sát.
33. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Cử tri và nhân dân trong tỉnh kiến nghị Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao chế tài xử lý khi phát hiện vi phạm; tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường.
Trả lời: (Tại Công văn số 4778/BTNMT-PC ngày 5/9/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
- Về vấn đề tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường:
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, sửa đổi Luật bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa Luật bảo vệ môi trường và một số luật khác có liên quan, theo đó, đã trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và đã được Chính phủ đồng ý[9] về mặt chính sách. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung liên quan để xem xét việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung gồm: sửa đổi các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường; đơn giản hoá, liên thông các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường; sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; bổ sung quy định về sàng lọc, tăng cường kiểm soát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, vv.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2014 nhằm khắc phục những bất cập, nhất là các quy định về các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước, biện pháp kỹ thuật kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải; đồng thời đơn giản hoá về điều kiện và cách thức thực hiện; bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường; lồng ghép việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Dự thảo Nghị định đã trình[10] Chính phủ để xem xét, ban hành, theo đó, dự kiến sửa đổi 04 Nghị định[11] hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Các vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung gồm: (1) quy định chi tiết những nội dung đã được quy định tại Luật bảo vệ môi trường nhưng chưa được quy định trong các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường về: thời gian thực hiện chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường; tham vấn chuyên gia, nhà khoa học đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường; cơ chế quản lý đối với dự án không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đi vào vận hành sau ngày 01/4/2015; quy định địa điểm của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường trong môi trường thí nghiệm; xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón; (2) sửa đổi, bổ sung những nội dung đã được quy định tại các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường nhưng chưa phù hợp với thực tiễn hoặc với Luật bảo vệ môi trường về: đối tượng thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện các điều chỉnh so với đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường của dự án; cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án; quản lý nước thải; quản lý khí thải; ký quỹ nhập khẩu phế liệu; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; (3) những nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản về: đánh giá sơ bộ tác động môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; xả nước thải vào nguồn tiếp nhận, sức chịu tải của môi trường nước và hạn ngạch xả nước thải; (4) cắt, giảm các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh: thủ tục phê duyệt kế hoạch thu dọn vệ sinh lòng hồ; xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; quan trắc môi trường; xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xác nhận hệ thống quản lý môi trường; chứng chỉ quản lý chất thải nguy hại; điều kiện của tổ chức thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (Điều 9 Nghị định 18/2015/NĐ-CP); điều kiện của tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường (Điều 13 Nghị định 18/2015/NĐ-CP); điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực quan trắc tại hiện trường (Điều 8 Nghị định 127/2014/NĐ-CP); điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực phân tích môi trường (Điều 8 Nghị định 127/2014/NĐ-CP).
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
- Về vấn đề nâng cao chế tài xử lý khi phát hiện vi phạm; tăng cường nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường:
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở, dự án gây ô nhiễm môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm, xác định là công tác trọng tâm trong định hướng hoạt động hàng năm của Bộ. Đồng thời, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là cao nhất trong các lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (mức phạt tiền từ cảnh cáo đến 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức). Trong năm 2017, toàn ngành môi trường đã thực hiện 701 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với 2.565 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 700 tổ chức, cá nhân với số tiền 82 tỷ 80 triệu đồng, truy thu 239 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình[12] Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn. Đối với các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương yêu cầu các chủ đầu tư có giải pháp khắc phục, cải tạo, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường. Đặc biệt, thiết lập và thường trực đường dây nóng về môi trường từ trung ương đến địa phương nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm của doanh nghiệp (từ tháng 10/2017 đến tháng 8/2018, tiếp nhận trên 850 thông tin, chuyển cho địa phương xử lý, kết quả các địa phương đã xác minh, xử lý gần 390 vụ việc).
Đồng thời, Bộ đã tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung vào các khu chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; đảm bảo tỷ lệ các khu công nghiệp theo quy hoạch phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 85%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong 15% khu công nghiệp còn lại phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên toàn quốc phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Bộ đã chỉ đạo, yêu cầu trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải xem xét chặt chẽ toàn bộ vấn đề công nghệ, quy trình xử lý để yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải, đảm bảo giảm tối đa khả năng xảy ra ô nhiễm hoặc các vấn đề sự cố môi trường; xây lắp các công trình ứng phó sự cố như hồ sinh học, hồ sự cố; yêu cầu các đơn vị có nguồn thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để theo dõi, giám sát.
34. Cử tri TP Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri cho rằng, thời gian qua Quốc hội ban hành rất nhiều Luật nhưng việc thi hành pháp luật trên thực tế không nghiêm, không hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều hành vi vi phạm pháp luật xử lý còn nhẹ nên có biểu hiện “nhờn” luật, như tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép tràn lan. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo khắc phục tình trạng này, nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật được áp dụng nghiêm, có hiệu quả trên thực tế.
Trả lời: (Tại Công văn số 4778/BTNMT-PC ngày 5/9/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Đối với vấn đề khai thác cát, sỏi trái phép, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản, thanh tra trách nhiệm đối với các tổ chức hành chính và người đứng đầu trong quản lý nhà nước về khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường. Trong năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ đã chủ trì tổ chức 02 Hội nghị (vào tháng 3, tháng 7) với các bộ, ngành liên quan và các địa phương để chỉ đạo nhiều giải pháp phòng chống vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế quản lý khoáng sản từ công tác cấp phép đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản nói chung, cát, sỏi nói riêng như: Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khoáng sản; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 quy định quy trình, phương pháp xác định và các biểu mẫu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế nhằm ngăn chặn tình trạng khai báo không đúng sản lượng khai thác thực tế, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều giải pháp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, lòng sông, nhất là hoạt động khai thác cát trái phép; nhiều địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông như: thành phố Hồ Chí Minh xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu; tỉnh Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng, tỉnh An Giang với Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long với thành phố Cần Thơ... Trong những năm gần đây, Bộ đã phối hợp với địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra về hoạt động khai thác khoáng sản, cụ thể: đã thực hiện trên 3.000 cuộc kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý hơn 2.000 trường hợp khai thác khác cát, sỏi trái phép, xử phạt vi phạm hành chính hơn 40 tỷ đồng.
Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý cát, sỏi lòng sông để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, nội dung dự thảo quy định rõ trách nhiệm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; quy định chặt chẽ, thống nhất từ giai đoạn lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cho đến công tác quản lý bến bãi, vận chuyển, mua bán cát, sỏi lòng sông. Trong thời gian Nghị định của Chính phủ chưa ban hành, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong năm 2018, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã nêu tại Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 25/7/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.
Ngày 18/6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai, trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển tại những khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Công an tập trung xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi và lập bến bãi tập kết trái phép, lấn chiếm lòng sông, bãi sông.
35. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương tiếp tục có các chính sách phù hợp để các doanh nghiệp, tư nhân tích tụ ruộng đất, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao.
Trả lời: (Tại Công văn số 4778/BTNMT-PC ngày 5/9/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngoài các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nghiên cứu, chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường.…, Nghị định của Chính phủ đã quy định cụ thể về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ tập trung đất đai, đặc biệt là hỗ trợ một phần tiền thuê đất trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng phương thức tập trung đất đai thông qua thuê đất trực tiếp của người sử dụng đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với trường hợp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để xây dựng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định về việc Nhà nước không thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi dự án của nhà đầu tư đang trong chu kỳ sản xuất, trừ trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, Bộ đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các chính sách quy định cụ thể nhằm thúc đẩy về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao. Mặt khác, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai thực hiện Đề án về “Điều tra, đánh giá, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội”. Kết quả thực hiện đề án là cơ sở quan trọng hoàn thiện các quy định cụ thể về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trong thời gian tới.
36. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri lo lắng trong thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực như: vấn đề quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường. Cử tri đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường công tác đấu tranh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm mang tính răn đe.
Trả lời: (Tại Công văn số 4341/BTNMT-PC ngày 14/8/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Đối với lĩnh vực đất đai, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tổ chức chỉ đạo, thực hiện Đề án “Tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020” trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là: năm 2016 - 2017, Bộ đã tập trung chỉ đạo thực hiện thanh tra việc quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các địa phương xử lý, khắc phục các tồn tại, sai phạm phát hiện qua thanh tra (Báo cáo số 29/BC-BTNMT ngày 16/5/2018); năm 2018 đang tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; năm 2019 sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai; năm 2020, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong đó chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng và kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất tại các Dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cử tri theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương để việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời đề nghị cử tri phản ánh rõ vụ việc vi phạm cho Ủy ban nhân dân các cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường để thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.
Đối với lĩnh vực môi trường, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở, dự án gây ô nhiễm môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm, xác định đây là công tác trọng tâm trong định hướng hoạt động hàng năm của Bộ. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là cao nhất trong các lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính theo quy đinh của Luật xử phạt vi phạm hành chính (mức phạt tiền từ cảnh cáo đến 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức). Trong năm 2017, toàn ngành môi trường đã thực hiện 701 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với 2.565 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 700 tổ chức, cá nhân với số tiền 82 tỷ 80 triệu đồng, truy thu 239 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình[13] Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn. Đối với các dự án vi phạm yêu cầu về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương yêu cầu các chủ đầu tư có giải pháp khắc phục, cải tạo, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường. Đặc biệt, thiết lập và thường trực đường dây nóng về môi trường từ trung ương đến địa phương nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm của doanh nghiệp (từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, tiếp nhận trên 700 thông tin, chuyển cho địa phương xử lý, kết quả các địa phương đã xác minh, xử lý gần 350 vụ việc).
Đồng thời, Bộ đã rà soát, đề xuất Chính phủ để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường và luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung vào các khu chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; đảm bảo tỷ lệ các khu công nghiệp theo quy hoạch phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 85%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong 15% khu công nghiệp còn lại phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên toàn quốc phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Bộ đã chỉ đạo, yêu cầu trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải xem xét chặt chẽ toàn bộ vấn đề công nghệ, quy trình xử lý để yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải, đảm bảo giảm tối đa khả năng xảy ra ô nhiễm hoặc các vấn đề sự cố; xây lắp các công trình ứng phó sự cố như hồ sinh học, hồ sự cố; yêu cầu các đơn vị có nguồn thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để theo dõi, giám sát.
37. Cử tri TP Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ cần tăng cường việc công khai, minh bạch trong vấn đề quản lý sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị tiến hành giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện vấn đề nêu trên.
Trả lời: (Tại Công văn số 4341/BTNMT-PC ngày 14/8/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Pháp luật về đất đai đã quy định việc công khai, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước về đất đai như: (1) công khai các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định tại Điều 196 của Luật Đất đai; (2) công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi chung là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP); (3) công khai nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại Điều 43 của Luật Đất đai; Điều 8 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 48 của Luật Đất đai; (4) công khai việc thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Đất đai và khoản 3 Điều 66 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; (5) công khai để lấy ý kiến người sử dụng đất bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 69; khoản 1 và khoản 2 Điều 86 của Luật Đất đai; (6) công khai quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật Đất đai; (7) công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 71 của Luật Đất đai; (8) công khai việc đấu giá đất theo quy định của pháp luật về đấu giá; công khai bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 114 của Luật Đất đai; (9) công khai việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 82 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; (10) công khai diện tích đất chưa cho thuê, cho thuê lại trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 51 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; (11) công khai các trường hợp vi phạm và tình hình xử lý vi phạm pháp luật đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; (12) công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai đã xây dựng (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Đất đai.
Để đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai theo quy định trên đây, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện nhiều biện pháp, như:
- Đã tổ chức thường xuyên việc kiểm tra thi hành Luật Đất đai tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trong đó có việc thực hiện quy định về công khai trong từng lĩnh vực hoạt động quản lý đất đai ở các cấp; đã phát hiện những trường hợp tồn tại, vi phạm và đã chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện ở các địa phương.
- Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai (theo Quyết định số 3169/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2014 và được thông báo lại tại Công văn số 1416/BTNMT-VP ngày 21/4/2016); chỉ đạo cơ quan quản lý đất đai ở các cấp lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai ở địa phương. Kết quả, từ năm 2015 đến nay, đã tiếp nhận 1.205 trường hợp phản ánh sai phạm trong quản lý, sử dụng đất và đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương kiểm tra giải quyết theo thẩm quyền. Kết quả giải quyết từ năm 2015 đến nay, đã nhận được báo cáo kết quả giải quyết đối với 623 trường hợp.
- Đã thực hiện công khai tình hình sử dụng đất và quỹ đất chưa cho thuê tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các địa phương trong cả nước trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.
- Đã ban hành văn bản chỉ đạo[14] các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý đất đai. Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai đã rà soát và đăng tải công khai hơn 400 trường hợp các tổ chức vi phạm pháp luật đất đai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai do các tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về.
Hiện nay, Bộ đã và đang tiếp tục triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổng hợp và đăng tải công khai các trường hợp tổ chức vi phạm pháp luật đất đai; tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Tổng cục Quản lý đất đai và thông tin do báo chí phản ánh; xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cử tri theo dõi, giám sát các hoạt động quản lý đất đai của các địa phương, nhất là việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai nên trên để công tác quản lý đất đai ngày càng minh bạch, hiệu quả.
38. Cử tri An Giang kiến nghị: Cử tri cho rằng công tác tuyên truyền trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù đối với 2 dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng hiệu quả chưa cao. Đề nghị cần tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi cố tình xuyên tạc đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xã hội
Trả lời: (Tại Công văn số 2182 /BCA-V01 ngày 12/9/2018 của Bộ Công an)
Thời gian qua, lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và cho ý kiến về dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng không gian mạng, nhất là hệ thống cổng thông tin, blog, mạng xã hội để tán phát thông tin xuyên tạc, sai trái, phá hoại tư tưởng, đả kích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động người dân, tụ tập đông người, có những hành động quá khích, chống người thi nhành công vụ, hủy hoại tài sản Nhà nước, gây rối trật tự công cộng...
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương sử dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xử lý hàng chục trang web, phát hiện, điều tra, xử lý nhiều đối tượng sử dụng tên miền quốc gia vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Thời gian tới, để bảo đảm an ninh mạng, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:
- Tham mưu cho Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5. Đây là công cụ pháp lý quan trọng trong bảo đảm an ninh mạng, đấu tranh với những hành vi vi phạm trên không gian mạng.
- Triển khai quyết liệt các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động sử dụng Internet để phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ; vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng; phản bác các luận điệu sai trái, định hướng dư luận, vạch mặt số đối tượng chống phá; tập trung xác minh, điều tra, làm rõ hành vi phạm tội, lập hồ sơ đề nghị truy tố các đối tượng theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm soát chặt chẽ việc cấp, bán tên miền quốc gia (.vn), việc cấp giấy xác nhận đối với các trang mạng xã hội, các trang web có tên miền trong nước, xử lý kiên quyết đối với chủ sở hữu các trang mạng có sai phạm.
- Phối hợp với các bộ, ngành tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của quần chúng nhân dân trước những âm mưu, luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
39. Cử tri Ninh Bình, Khánh Hòa, Long An, Phú Thọ, Phú Yên, Đắk Nông, Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Thái Bình, Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Hà Nội, Bình Định, Đắk Lắk kiến nghị: Thời gian gần đây tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương có những diễn biết phức tạp, một số phần tử mất mãn, phản động đã kích động lôi kéo người dân, tụ tập đông người, có những hành động quá khích, chống đối người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân có ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng của người dân. Cử tri đề nghị:
- Cần có công tác tuyên truyền rộng hơn, nghiêm trị kẻ gây rối.
- Toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ưong đến cơ sở phải tăng cường hơn nữa công tác dân vận, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp Nhân dân để giải quyết, xử lý, không để những phần tử xấu lợi dụng, kích động Nhân dân để xảy ra những hành vi tự phát như thời gian vừa qua.
- Xem xét trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền nơi xảy ra vụ việc vì sự chủ quan, bị động như thời gian qua.
Trả lời: (Tại Công văn số 2177 /BCA-V01 ngày 12/9/2018 của Bộ Công an)
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; triệt để lợi dụng các “sự kiện” nhạy cảm hoặc cố tình tạo ra các “sự kiện”… để xuyên tạc tạo sự hoài nghi, hình thành tâm trạng bức xúc trong một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân từ đó kích động tập trung đông người, tuần hành gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, cực đoan, khủng bố phá hoại. Nổi lên là, lợi dụng những dư luận trái chiều về dự án Luật an ninh mạng, Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc các đối tượng đã kích động người dân biểu tình, tuần hành, gây rối an ninh, trật tự ở một số địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng (đáng lưu ý phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy được thuê mướn tham gia biểu tình, với hành vi rất manh động, liều lĩnh)...
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã tham mưu và chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, tập trung tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; chủ động có các phương án phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra tình hình phức tạp tại các địa bàn trọng điểm; kịp thời xử lý các vụ việc tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, xử lý nghiêm số đối tượng cầm đầu, quá khích.
Bộ Công an nhận thấy những kiến nghị của cử tri là rất xác đáng, trong thời gian tới Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu và chỉ đạo triển khai toàn diện các nội dung công tác bảo đảm an ninh trật tự; trong đó, có những vấn đề cử tri đã đề nghị.
40. Cử tri Phú Thọ kiến nghị: Cử tri lo lắng trong thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực như: Tình hình tội phạm pháp luật hình sự còn diễn biến phức tạp; bạo hành trẻ em; tình trạng bạo hành đối với giáo viên, bác sĩ; phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông... Cử tri đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm mang tính răn đe.
Trả lời: (Tại Công văn số 1929 /BCA-V01 ngày 22/8/2018 của Bộ Công an)
Trong những năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 06 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra 25.806 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2017), hầu hết các loại tội phạm đều giảm về số vụ (giết người giảm 3,8%, giết người, cướp tài sản giảm 30,77%, cố ý gây thương tích giảm 3,33%, trộm cắp tài sản giảm 5,98%, cướp tài sản giảm 7,89%, cướp giật tài sản giảm 6,33%…); lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 20.516 vụ, đạt tỷ lệ 79,5%, bắt, xử lý 45.503 đối tượng; triệt phá 1.028 băng, ổ, nhóm; nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được điều tra, khám phá nhanh, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật, được dư luận đánh giá cao.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, các vụ cháy, nổ còn xảy ra nhiều. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa, giải quyết triệt để các vụ bạo hành trẻ em, giáo viên, bác sĩ…, phòng, chống cháy nổ, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:
(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm như: Kết luận số 05-KL/TW ngày 15-7-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
(2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư văn hóa, các mô hình tự quản về an ninh, trật tự; quản lý, giáo dục các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội; chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, để phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm. Trong đó, chủ động, phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể, cơ quan bảo vệ pháp luật hướng dẫn và tổ chức thực hiện những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Tăng cường lực lượng Công an cơ sở, bám dân, đặc biệt là Công an xã, phường kịp thời phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm.
(3) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý nhân, hộ khẩu. Tập trung các biện pháp quản lý chặt chẽ các trang web bạo lực, đồ chơi bạo lực, sách truyện đến các game onile bạo lực… qua đó góp phần hạn chế những suy nghĩ và lối sống lệch lạc của một bộ phận người dân, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia tăng trong xã hội.
(4) Triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc và kiểm soát tình hình; thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, tội phạm giết người, tội cướp tài sản, tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bạo hành, xâm hại trẻ em... Tổ chức tiếp nhận, giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm; duy trì các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; trong đó xây dựng quy trình điều tra các vụ xâm hại trẻ em. Tập trung điều tra làm rõ các vụ án, nhất là các vụ gây bức xúc dư luận, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử công khai, lưu động một số vụ điển hình nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
(5) Phối hợp với các ngành Y tế, Giáo dục... đánh giá đúng thực trạng việc tổ chức công tác bảo vệ và năng lực của lực lượng bảo vệ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, tổ dân phố để có kế hoạch củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này, nhất là: Tập huấn kỹ năng xử lý, phản ứng nhanh với các tình huống bạo hành, gây rối, truy sát…; trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ theo quy định của pháp luật; tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao nảy sinh phức tạp về an ninh, trật tự cần tăng cường lực lượng bảo vệ, thường xuyên tuần tra kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phức tạp xảy ra; lắp đặt hệ thống camera giám sát, chuông báo động hỗ trợ cho công tác bảo vệ; khi phát hiện có tình trạng bạo lực trong xã hội phải thông báo kịp thời cho Công an cơ sở để chủ động phối hợp điều tra ban đầu, ngăn chặn các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi.
(6) Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá, điều tra cơ bản điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các công trình công cộng, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, siêu cao tầng, cơ sở karaoke, cơ sở kinh doanh xăng dầu, các loại hóa chất dễ cháy, nổ,... công khai danh sách các cơ sở mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy và kiên quyết xử lý tất cả các cơ sở vi phạm.
(7) Phối hợp nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
(8) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là đối với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Cảnh sát khu vực Đông Nam Á (ASEANAPOL), các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các thiết chế song phương, đa phương khác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
41. Cử tri Tây Ninh kiến nghị: Liên quan đến tình hình An ninh – Trật tự xã hội xảy ra ở nhiều địa phương vừa qua. Đề nghị Chính phủ, Bộ Công an có giải trình rõ việc chính quyền địa phương có một số nơi hữu khuynh hay không? Vì một số phần tử quá khích đã lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, hàng trăm người đã tập trung trước cổng UBND tỉnh Bình Thuận biểu tình chống người thi hành công vụ, trong khi lực lượng công an có đủ phương tiện trấn áp tội phạm, giải tán đám đông, mà lại chủ trương không trấn áp mạnh các đối tượng biểu tình, quá khích để các đối tượng này manh động đập phá trụ sở, đốt xe, bắt lực lượng công an…
Trả lời: (Tại Công văn số 2203 /BCA-V01 ngày 12/9/2018 của Bộ Công an)
Vừa qua, lợi dụng những dư luận trái chiều về dự án Luật an ninh mạng, Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc các đối tượng phản động, phần tử xấu đã kích động người dân biểu tình, tuần hành, gây rối an ninh, trật tự ở một số địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là ở Bình Thuận. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã tham mưu và chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, tập trung tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; chủ động có các phương án phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra tình hình phức tạp tại các địa bàn trọng điểm; kịp thời xử lý các vụ việc tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, xử lý nghiêm số đối tượng cầm đầu, quá khích.
Riêng vụ việc tại Bình Thuận, lực lượng Công an đã kiên trì thuyết phục vận động quần chúng nhân dân; không sử dụng những biện pháp trấn áp mạnh đối với số quần chúng nhân dân do chưa nắm được đầy đủ thông tin bị các phần tử xấu xuyên tạc, kích động dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, chỉ tập trung trấn áp số đối tượng manh động, quá khích có hành vi đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến nhanh, số đối tượng quá khích hoạt động manh động (trong đó có nhiều đối tượng hình sự, ma túy được thuê mướn tham gia biểu tình, với hành vi rất liều lĩnh) nên một số đối tượng đã đập phá trụ sở, đốt xe của lực lượng Công an, gây hậu quả nghiêm trọng như cử tri đã phản ánh.
Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo rút kinh nghiệm việc giải quyết các vụ việc nêu trên, đồng thời, triển khai toàn diện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự theo kết luận của Bộ Chính trị, không để xảy ra tình hình phức tạp trong thời gian tới.
42. Cử tri Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị xử lý nghiêm việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, chặt phá rừng, giết người cướp tài sản.
Trả lời: (Tại Công văn số 2197/BCA-V01 ngày 12/9/2018 của Bộ Công an)
Thời gian qua, lực lượng Công an đã triển khai quyết liệt các chương trình, kế hoạch, biện pháp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm giết người cướp tài sản, tội phạm ma túy, tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng… và đã đạt được những kết quả quan trọng. 06 tháng đầu năm 2018, tội phạm giết người, cướp tài sản xảy ra 20 vụ (giảm 30,77 % so với cùng kỳ năm 2017), hầu hết các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được điều tra khám phá kịp thời; phát hiện, xử lý 12.446 vụ, 18.004 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 932,488 kg heroin, 528,953 kg và 812.461 viên ma túy tổng hợp (nhiều hơn 9,91% số vụ, 4,61% số đối tượng, thu giữ nhiều hơn 145,76% kg hêroin, 86,30% viên ma túy tổng hợp so với cùng kỳ năm 2017), triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng cầm đầu nguy hiểm, làm chuyển biến căn bản ở một số địa bàn trọng điểm về ma túy; phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ liên quan đến khai thác, chặt phá rừng trái phép, đáng chú ý, triệt phá băng nhóm của Phan Hữu Phượng tại Đắk Nông được dư luận đánh giá cao.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, trong đó: tội phạm giết người cướp tài sản, tội phạm ma túy, tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
(2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm giết người cướp tài sản, tội phạm ma túy, tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân để chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm này. Phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
(3) Chú trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa ngay từ gia đình, ở cơ sở là biện pháp phòng ngừa căn bản nhất. Rà soát, đánh giá ảnh hưởng của các chính sách phát triển, nhất là chính sách ở lĩnh vực nhạy cảm tác động, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, tình cảm, đạo đức nhân cách cá nhân, làm rạn vỡ các mối quan hệ giữa con người với con người và quá trình thực hiện các chính sách này, đề xuất khắc phục những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong thực hiện chính sách. Tăng cường lực lượng Công an cơ sở, bám dân, đặc biệt là Công an xã, phường, kịp thời phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc xã hội ở cơ sở, ngăn chặn tội phạm xảy ra.
(4) Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, quản lý chặt chẽ các đối có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy, đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng nghi vấn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.... Lập hồ sơ đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng những đối tượng có đủ điều kiện.
(5) Tổ chức tiếp nhận, giải quyết kịp thời các tố giác, tin báo về tội phạm; duy trì đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm. Triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tập trung củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý nghiêm các vụ giết người cướp tài sản, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép... ; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tội phạm.
(6) Rà soát lại cơ chế phối hợp để sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng, nhất là Công an, Hải Quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển; lực lượng Kiểm Lâm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
43. Cử tri Trà Vinh kiến nghị: Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, đề nghị tịch thu phần tài sản khi phát hiện việc kê khai không trung thực, không rõ nguồn gốc, che giấu tài sản; xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng tham nhũng; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản đối với các hành vi tham nhũng vì hiện nay số lượng thu hồi được rất ít.
Trả lời: (Tại Công văn số 2192 /BCA-V01 ngày 12/9/2018 của Bộ Công an)
Trong những năm qua, Bộ Công an đã chủ động tham mưu với Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với tội phạm tham nhũng và đạt được kết quả quan trọng; nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm”, không làm oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại luôn được các cơ quan tố tụng đặc biệt quan tâm; đã áp dụng kịp thời các biện pháp kê biên, thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả do tội phạm tham nhũng gây ra. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thời gian qua nhìn chung hiệu quả còn chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân chủ yếu là do: Đối tượng phạm tội tham nhũng là những người có chức vụ, có ảnh hưởng và quan hệ rộng, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản. Các vụ án thường xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản tinh vi, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Quy định pháp luật về tài sản hoặc tiền bị tịch thu từ tội phạm còn bất cập, gây khó khăn cho việc phát hiện thu hồi. Đối với các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thì việc điều tra giải quyết rất khó khăn do nhiều nước Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp...
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Công an sẽ trao đổi với đơn vị chức năng trong quá trình xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần nghiên cứu những nội dung kiến nghị của cử tri về vấn đề liên quan đến xử lý tài sản kê khai không trung thực, không rõ nguồn gốc, che dấu tài sản; xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tình trạng tham nhũng; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản đối với hành vi tham nhũng...
Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời tiếp tục áp dụng đồng bộ các biện pháp để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng như kiến nghị của cử tri.
44. Cử tri Bà Rịa Vũng Tàu kiến nghị: Cử tri đề nghị: Đối với các trường hợp gây rối, phá hoại tại một số nơi trong thời gian vừa qua cần xem xét, áp dụng với các tội danh phản quốc, lật đổ chế độ, tội phạm chính trị…để xử lý nghiêm.
Trả lời: (Tại Công văn số 2185/BCA-V01 ngày 12/9/2018 của Bộ Công an)
Vừa qua, lợi dụng những dư luận trái chiều về dự án Luật an ninh mạng, Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc các đối tượng phản động, phần tử xấu đã kích động người dân biểu tình, tuần hành, gây rối an ninh, trật tự ở một số địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã tham mưu và chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, tập trung tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; chủ động có các phương án phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra tình hình phức tạp tại các địa bàn trọng điểm; xử lý các vụ việc tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, nhất là số đối tượng cầm đầu, quá khích.
Bộ Công an ghi nhận ý kiến của cử tri về việc đề nghị phải xử lý nghiêm các đối tượng liên quan trong vụ việc trên. Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng cụ thể cần căn cứ vào hành vi phạm tội và các quy định của Bộ Luật hình sự để xác định tội danh cho phù hợp, không để bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội.
45. Cử tri Cao Bằng kiến nghị: Để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Minh: Cử tri kiến nghị với các ban, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ sớm có kết luận cụ thể về tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Minh (vì Đoàn khảo sát liên ngành của Trung ương đã khảo sát xong từ năm 2017, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức) để các địa phương hiểu rõ hơn chủ trương của Chính phủ về tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Minh và có biện pháp công tác phù hợp. Nhất là đối với việc tháo dỡ các “Nhà đòn”, Chính phủ cần có kết luận cụ thể để thực hiện cho thống nhất giữa các địa phương, tránh tình trạng địa phương này tháo dỡ, địa phương khác không tháo dỡ... không thống nhất.
Trả lời: (Tại Công văn số 2186 /BCA-V01 ngày 12/9/2018 của Bộ Công an)
Vấn đề cử tri nêu, hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu đề xuất Chính phủ kết luận cụ thể về nội dung này. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để sớm tham mưu cho Chính phủ có kết luận chính thức để các địa phương triển khai thực hiện.
46. Cử tri Cao Bằng kiến nghị: Những năm qua, mặc dù các địa phương biên giới đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, nhưng hoạt động này vẫn xảy ra tương đối phức tạp, khó kiểm soát. Cử tri kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn một số doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân phối hợp với phía Trung Quốc tiếp nhận tuyển dụng lao động Việt Nam sang Trung Quốc và đề nghị Bộ Công an cho phép các doanh nghiệp này được tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành biên giới của công dân các xã nội địa có nhu cầu sang Trung Quốc lao động theo mùa vụ. (Vì hiện nay, theo Thông tư số 67 năm 2013 của Bộ Công an quy định chỉ cấp giấy thông hành xuất nhập cảnh biên giới cho công dân thường trú tại các xã, thị trấn biên giới, do đó chưa giải quyết được nhu cầu xuất cảnh làm thuê của công dân các xã nội địa. Bằng cách cho phép doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng lao động có thể tạo điều kiện cho người dân được xuất cảnh lao động hợp pháp, đồng thời thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan chức năng).
Trả lời: (Tại Công văn số 2189/BCA-V01 ngày 12/9/2018 của Bộ Công an)
Việc các doanh nghiệp cho công dân các xã nội địa Việt Nam sang Trung Quốc lao động cần thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 67/2013/TT-BCA ngày 11/12/2013 của Bộ Công an để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam khi có nhu cầu xuất cảnh sang Trung Quốc lao động; hạn chế tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; tạo điều kiện thuận lợi trong công tác bảo hộ công dân lao động, sinh sống ở nước ngoài, phù hợp với Hiệp định quản lý biên giới đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Căn cứ quy định tại Thông tư số 67/2013/TT-BCA ngày 11/12/2013 của Bộ Công an thì các doanh nghiệp tuyển dụng lao động không có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam. Những công dân ở các xã nội địa khi có nhu cầu xuất cảnh sang Trung Quốc với mục đích lao động làm thuê sẽ không được cấp giấy thông hành mà phải sử dụng các loại giấy tờ khác phù hợp với các quy định của Nhà nước và của ngành Công an về công tác quản lý xuất nhập cảnh.
Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các địa phương có liên quan rà soát và có giải pháp tổng thể đối với vấn đề người lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Trong khi chờ các giải pháp tổng thể, đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương có liên quan thực hiện đúng các quy định về cấp giấy thông hành qua lại biên giới Việt - Trung theo nội dung Thông tư số 67/2013/TT-BCA ngày 11/12/2013 của Bộ Công an.
47. Cử tri Cao Bằng kiến nghị: Cao Bằng là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích trồng cây thuốc lá lớn, nhưng thời gian qua, tình hình nhập lậu nguyên liệu thuốc lá từ biên giới qua Cao Bằng lại rất phức tạp. Trong khi đó lực lượng bộ đội Biên phòng mặc dù bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu thuốc lá nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt. Khi phát hiện, bắt giữ hàng hóa vi phạm lại phải làm thủ tục, hoàn thiện hồ sơ chuyển sang cơ quan khác có thẩm quyền, dẫn đến mất rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tang vật vi phạm.
Tương tự như vậy, đối với hành vi buôn lậu pháo qua biên giới, bộ đội Biên phòng cũng không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp trên. Cử tri đề nghị Chính phủ bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Biên phòng đối với hành vi buôn lậu trái phép nguyên liệu thuốc lá và pháo qua biên giới.
Trả lời: (Tại Công văn số 8659/BQP-TM ngày 9/8/2018 của Bộ Quốc phòng)
- Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng; được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1, Khoản 22 Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 và sửa đổi Điều 25, thì Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với “hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu” (có số lượng là 500 bao). Tuy nhiên, đối với “hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính....”.
- Về thẩm quyền xử lý hình sự: Tại Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm), Bộ Luật hình sự năm 2015; được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 quy định đối với hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định: “Xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu và pháo nổ”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 thì Bộ đội Biên phòng không có thẩm quyền điều tra đối với các tội danh quy định tại Điều 190 và Điều 191, Bộ Luật hình sự. Vì vậy, khi các đơn vị Bộ đội Biên phòng bắt giữ các vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu và pháo nổ phải bàn giao cho cơ quan chức năng điều tra theo thẩm quyền nên đã gây khó khăn, hạn chế trong việc mở rộng, phát hiện, điều tra đường dây, tổ chức tội phạm liên quan đến buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu và pháo nổ. Trong khi đó, mặt hàng này chủ yếu được phát hiện, bắt giữ ở khu vực biên giới.
Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Cao Bằng nêu trên là có cơ sở. Vấn đề này, Bộ Quốc phòng đã báo cáo, kiến nghị và đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
48. Cử tri Ninh Bình kiến nghị: Cử tri phản ánh tình hình Biển Đông diễn ra rất phức tạp, Trung Quốc đưa phương tiện quân sự ra các đảo tập trận trên biển Đông. Do đó, cử tri đề nghị Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng vững mạnh đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Trả lời: (Tại Công văn số 8658/BQP-TM ngày 9/8/2018 của Bộ Quốc phòng)
1. Công tác tuyên truyền biển, đảo
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm công tác tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chính phủ đã xây dựng Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện Đề án (Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/5/2013 và Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 22/11/2017); hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành hướng dẫn về công tác tuyên truyền biển, đảo; ngày 10/9/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 140/2104/TT-BQP về Quy chế tuyên truyền về Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1, thềm lục địa và các vùng biển, đảo khác của Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã quán triệt và tích cực, chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được xác định trong Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 22/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, cụ thể:
Chủ động cung cấp, xác minh thông tin nhanh chóng, kịp thời cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan về vấn đề, sự việc nảy sinh liên quan đến biển, đảo; tham mưu các biện pháp thông tin, đấu tranh dư luận, đấu tranh thông qua các kênh ngoại giao; cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động quân sự của Việt Nam và các bên liên quan trên Biển Đông bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, thể hiện rõ lập trường, thiện chí của Việt Nam. Trên cơ sở đó, tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tổ chức các chuyến thăm huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DKI, các đảo ven bờ cho đại biểu, phóng viên trong và ngoài nước, kiều bào ta ở nước ngoài; thông qua đó khẳng định chủ quyền biển, đảo; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp các hình thức, biện pháp, lực lượng để nâng cao ý thức, năng lực, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Bộ Quốc phòng đã giao Tổng cục Chính trị chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, xây dựng và triển khai thực hiện Dự án “Biên soạn các tài liệu hướng dẫn Lực lượng vũ trang tham gia tuyên truyền bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo”; biên soạn tài liệu giáo dục chính trị cho các đối tượng. Chỉ đạo Cục Tuyên huấn tổ chức hội nghị bồi dưỡng báo cáo viên tại 4 khu vực (Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên); trong đó, thường xuyên cung cấp thông tin, bồi dưỡng nội dung, phương pháp tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và cập nhật, đưa nội dung vào Bản tin Thông báo nội bộ để gửi tới các chi bộ trong toàn quân. Chỉ đạo các cơ quan báo chí trong quân đội thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, tuyên truyền về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; bảo đảm thông tin kịp thời, minh bạch, chuẩn xác, đúng mức độ và phát huy hiệu quả trong đấu tranh, định hướng dư luận.
Hằng năm, các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; nhất là, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức nhiều chương trình truyền hình, phát thanh, giao lưu văn học, nghệ thuật về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Báo chí quân đội đã đăng tải hơn 8000 tin, bài, tư liệu, phóng sự, giao lưu truyền hình tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Truyền hình Hải quân phối hợp với 52 địa phương phát sóng chuyên mục “Truyền hình Hải quân” tháng 01 lần; trong đó, trọng tâm là các thông tin về tình hình và các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo; báo in Hải quân phát hành đến 4.430 địa chỉ trong cả nước. Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đã phối hợp mở các đợt sáng tác văn học, nghệ thuật, phối hợp tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu về chủ đề biển, đảo. Nghiên cứu, biên soạn, thu thập, xuất bản sách, tài liệu, in phát hành phục vụ tuyên truyền biển, đảo.
Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao trong việc chỉ đạo, định hướng tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo bảo đảm đúng đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tuân thủ luật pháp quốc tế, khẳng định lập trường nhất quán, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, tạo được sự ủng hộ của dư luận, cộng đồng quốc tế. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ven biển tuyên truyền hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển, tiến hành các hoạt động hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển ...; đây là những hoạt động hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thông qua các hoạt động đối ngoại quốc phòng. Tích cực thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề Biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tăng cường thông tin, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên các báo điện tử bằng nhiều thứ tiếng; qua đó, khẳng định lập trường nhất quán; trách nhiệm, năng lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề khu vực; tạo sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
2. Công tác xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Bộ Quốc phòng đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ phát triển lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và lực lượng vũ trang các quân khu ven biển để vừa tăng cường sức mạnh quản lý, bảo vệ biển, đảo; vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ngư dân ta trên biển, nhất là trên các vùng biển xa bờ; xây dựng công trình dân sinh kết hợp quốc phòng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các đảo gần bờ để ngư dân ổn định đời sống, yên tâm bám biển sản xuất. Phát triển lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc từ bờ đến các tàu của ngư dân làm ăn trên biển để nắm tình hình, sẵn sàng hỗ trợ khi ngư dân có yêu cầu; tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển có hiệu quả. Hằng năm, bố trí ngân sách đầu tư mua sắm, cải tiến vũ khí, trang bị cho quân đội nói chung và lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư nói riêng; kết hợp mua sắm trang thiết bị mới với sản xuất, nâng cấp, sửa chữa trong nước, đồng thời đầu tư phát triển ngành công nghiệp quốc phòng để phát huy khả năng tự chủ sản xuất các loại vũ khí, phương tiện, trang thiết bị cho quân đội; tăng cường công tác tuần tra, tuần tiễu, huấn luyện, diễn tập nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ trước các tình huống xảy ra.
49. Cử tri Hòa Bình kiến nghị: Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có chế độ ưu đãi về đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách cho người dân,…như vùng CT229 đối với những xã đã được Đảng, Nhà nước công nhận là xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (07 xã thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã được công nhận).
Trả lời: (Tại Công văn số 9760/BQP-TM ngày 4/9/2018 của Bộ Quốc phòng)
Tỉnh Hòa Bình có một số xã được Thủ tướng Chính phủ quyết định quy hoạch vùng CT229 theo đề nghị của Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo quy định tại Quy chế quản lý, bảo vệ và xây dựng các vùng CT229 ban hành kèm theo Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 25/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ, thì các xã vùng CT229 bị hạn chế nhất định về hoạt động đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội; vì vậy, Nhà nước đã có chính sách ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực trong nước. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, vùng CT229 tỉnh Hòa Bình được bố trí khoảng 199,41 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc phòng, an ninh trên địa bàn trọng điểm; đến năm 2018, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng CT229 tỉnh Hòa Bình đã được cấp 131,09 tỷ đồng đạt 65% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ bình quân đầu tư phát triển chung từ ngân sách nhà nước.
Hiện nay, hầu hết các xã trong toàn quốc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; do vậy, việc cử tri tỉnh Hòa Bình đề nghị 07 xã Anh hùng thuộc huyện Đà Bắc được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi như các xã vùng CT229 là không phù hợp. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để đưa các xã nêu trên được hưởng chế độ, chính sách của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) và Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
50. Cử tri Long An kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh về tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm,…Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm.
Trả lời: (Tại Công văn số 1495/TTCP-KHTH ngày 6/9/2018 của Thanh tra Chính phủ)
Vấn đề này đã và đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Để phát hiện, xử lý các hành vi pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan về lợi ích với nhau (thường gọi là lợi ích nhóm) là việc được Chính phủ và ngành thanh tra quan tâm thực hiện. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành thanh tra đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng[15]. Việc xử lý tình trạng lợi ích nhóm là một nhiệm vụ khó khăn hiện nay vì các đối tượng đều là những người có chức vụ, quyền hạn, có mối quan hệ thân quen, bền chặt, khăng khít, có điều kiện để cản trở việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Hiện nay các quy định của pháp luật về lợi ích nhóm và xử lý tình trạng này đang còn thiếu, cũng gây khó khăn cho quá trình phát hiện, xử lý.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hạn chế tình trạng lợi ích nhóm.
51. Cử tri Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị kiểm tra, giám sát việc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Trả lời: (Tại Công văn số 1495/TTCP-KHTH ngày 6/9/2018 của Thanh tra Chính phủ)
Ngày 14/3/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra số 355/KL-TTCP Thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu. Kết luận đã được Thanh tra Chính phủ công khai theo quy định của pháp luật.
Một số kết quả thực hiện kết luận thanh tra:
- Đại diện cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG đã chuyển về tài khoản của Mobifone 8.505 tỷ đồng[16]. Hiện nay, Mobifone chưa chuyển lại số cổ phần đã mua cho Nhóm cổ đông đã chuyển nhượng (đang chờ các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn).
- Về xử lý tại Mobifone: Ngày 20/3/2019, Mobifone đã nộp 1,3 tỷ đồng thuế Thu nhập doanh nghiệp vào Ngân sách nhà nước (chưa thực hiện xử lý, thu hồi số tiền 1,54 tỷ đồng chi phí đã chi cho 02 công ty tư vấn). Về Xử lý hành chính đối với tập thể cá nhân thuộc Mobifone, Thanh tra Chính phủ chưa nhận được báo cáo kết quả thực hiện của Mobifone.
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã có ý kiến để Mobifone xử lý, thu hồi số tiền đã thanh toán cho AVG; ban hành Quyết định số 990/QĐ-BTTTT ngày 26/6/2018 hủy bỏ Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone. Đang chờ có hướng dẫn để phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thống nhất việc chỉ đạo Mobifone xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh sau khi hủy bỏ Quyết định phê duyệt Dự án.
- Về xử lý hành chính, các Bộ: Thông tin truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Văn phòng Chính phủ đều phải thực hiện kiểm điểm trách nhiệm để xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm, khuyết điểm được nêu tại Kết luận thanh tra, đến nay, Thanh tra Chính phủ chưa nhận được báo cáo từ các Bộ.
- Thanh tra Chính phủ đã chuyển cho Bộ Công an (C46) hồ sơ, tài liệu liên quan đến Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã giao Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra đang thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thực hiện khi có yêu cầu.
52. Cử tri TP Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ảnh, Công ty cổ phần tập đoàn Mường Thanh có nhiều dự án, công trình trên phạm cả nước; tuy nhiên, ở đâu cũng phát hiện các dự án, công trình của Tập đoàn này có vi phạm. Cử tri đề nghị Chính phủ cho biết nguồn gốc, tư cách pháp nhân của Tập đoàn này? Có ai đang “chống lưng” cho Tập đoàn này hay không?
Trả lời: (Tại Công văn số 1495/TTCP-KHTH ngày 6/9/2018 của Thanh tra Chính phủ)
Liên quan đến dự án của Tập đoàn Mường Thanh, trong 2 năm gần đây, Thanh tra Chính phủ có tiến hành thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 06/12/2001 của UBND thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2002-2014 trong đó có 02 Dự án liên quan đến Tổng công ty cổ phần Mường Thanh.
Tại Kết luận thanh tra số 1203/KL-TTCP ngày 16/5/2017, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số sai phạm về quy hoạch và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai tại 02 Dự án: Dự án khu đô thị mới Xa La do Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư (vi phạm về quy hoạch); Dự án khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ do Công ty CP xây dựng số 2 Vinaconex làm chủ đầu tư, hợp tác với Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (vi phạm về nghĩa vụ tài chính).
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát, khắc phục những sai phạm và kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có sai phạm đồng thời kiến nghị xử lý về kinh tế đối với các doanh nghiệp vi phạm, trong đó, kiến nghị Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên phải nộp bổ sung 250 tỷ đồng tại Dự án Kim Văn - Kim Lũ (doanh nghiệp đã nộp cho nhà nước 200 tỷ đồng).
53. Cử tri Ninh Bình kiến nghị: Cử tri phản ánh tình hình Biển Đông diễn ra rất phức tạp, Trung Quốc đưa phương tiện quân sự ra các đảo tập trận trên biển Đông. Đề nghị hàng năm, Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội về tình hình biển Đông để đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri.
Trả lời: (Tại Công văn số 3280/BNG-UBBG ngày 30/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng liêng, hệ trọng đối với sự tồn vong của quốc gia, dân tộc và Đảng ta. Trước việc tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, kiên trì quan điểm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Với tinh thần đó, việc thông tin đến từng người dân về diễn biến tình hình Biển Đông cũng như chủ trương, biện pháp của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề này đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát huy sức mạnh toàn dân, khuyến khích người dân tham gia công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Thực hiện chủ trương trên, hàng năm trong báo cáo công tác của Chính phủ đều có nội dung liên quan đến tình hình Biển Đông; đồng thời, Chính phủ cũng đã có báo cáo chuyên đề về Biển Đông trước Quốc hội. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác thông tin cho người dân trong và ngoài nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan đã và đang tích cực phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng tài liệu tuyên truyền, thông tin về chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề biển, đảo, biên giới lãnh thổ, tình hình, diễn biến mới về hoạt động của các bên có liên quan, qua đó kịp thời thông tin về các vấn đề cử tri quan tâm và giúp nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền lãnh thổ, vùng biển quốc gia, các quyền và nghĩa vụ của quốc gia trên các vùng biển, góp phần phục vụ công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ta ở Biển Đông.
Tiếp thu kiến nghị nêu trên của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế báo cáo Quốc hội hàng năm về tình hình Biển Đông hoặc cung cấp thông tin liên quan để các đại biểu Quốc hội có thể sử dụng báo cáo cử tri.
Về phản ánh của cử tri liên quan đến việc Trung Quốc đưa phương tiện quân sự ra các đảo tập trận trên Biển Đông, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đã và đang phối hợp triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh với việc Trung Quốc quân sự hóa các cấu trúc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về song phương, một mặt ta đấu tranh trực diện với Trung Quốc, phản đối, thẳng thắn nêu quan ngại về các hoạt động tôn tạo, quân sự hóa tại Điển Đông trong các cuộc hội đàm, diễn đàn đàm phán giữa hai nước; mặt khác, ta tích cực trao đổi, tham vấn, phối hợp lập trường với các quốc gia có lợi ích trong và ngoài khu vực cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hoạt động quân sự hóa hoặc triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Điển Đông, về đa phương, trong khuôn khổ khu vực, ta đã chủ động, tích cực duy trì vấn đề Biển Đông, cập nhật các diễn biến mới trong chương trình nghị sự, văn kiện và tuyên bố, phản ánh và ghi nhận quan ngại của các nước về hoạt động tôn tạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của không quân sự hóa và kiềm chế. Tại các diễn đàn trong khuôn khổ Liên hợp quốc, đặc biệt là tại Hội nghị các nước thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, ta đã phát biểu yêu cầu các nước tuân thủ đầy đủ quy định của Công ước, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; không thực hiện các hành vi đơn phương, trong đó có hoạt động quân sự hóa các cấu trúc trên Biển Đông.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan đấu tranh trước các vi phạm của nước ngoài, bảo đảm việc giữ vững các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ta, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Điển Đông.
54. Cử tri Đồng Nai, Ninh Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Nam, Thái Bình, Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Đắk Nông, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Hà Nội, An Giang, Cao Bằng, Bình Định, Đắk Lắk kiến nghị: Đề nghị quá trình xây dựng luật cần phải chuẩn bị kỹ, xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các dự án luật cần xây dựng chi tiết, cụ thể, hạn chế việc xây dựng luật khung, luật ống, đảm bảo hình thức, nội dung chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài, một số dự án luật trước khi thông qua nên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để nhân dân biết, đóng góp ý kiến tránh tình trạng để người dân hiểu sai, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc khi luật ban hành ra không phù hợp với thức tiễn cuộc sống.
Trả lời: (Tại Công văn số 3282/BTP-VP ngày 4/9/2018 của Bộ Tư pháp)
1. Về việc chuẩn bị kỹ, xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học trong quá trình xây dựng luật; các dự án luật cần xây dựng chi tiết, cụ thể, hạn chế việc xây dựng luật khung, luật ống, đảm bảo hình thức, nội dung chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài:
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) đã có nhiều quy định mới nhằm năng cao chất lượng của VBQPPL, đặc biệt là bảo đảm để luật có tính khả thi và sát với thực tế hơn. Luật năm 2015 đã quy định tách bạch quy trình chính sách và quy trình soạn thảo, theo đó phải xây dựng và đánh giá tác động của chính sách trước khi soạn thảo văn bản và phải lấy ý kiến đối với cả đề nghị xây dưng văn bản và dự án, dự thảo VBQPPL.
Thực hiện nhiệm vụ được Luật năm 2015 giao, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng của VBQPPL nói chung và của luật nói riêng. Cụ thể như sau:
- Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Theo quy trình mới, Chính phủ chỉ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án đã được xác định rõ nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định và được tập thể Chính phủ thông qua các chính sách. Khi phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì phải tập trung thời gian, nguồn lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án luật, khắc phục tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo không đúng thời hạn, trường hợp không bảo đảm tiến độ, chất lượng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2013 đến nay, Chính phủ coi việc trình dự án luật không đúng thời hạn, không bảo đảm chất lượng là một trong những tiêu chuẩn đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và cũng là một trong những tiêu chí để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.
- Về phía Bộ Tư pháp: Ngay sau khi Luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều công việc cụ thể để bảo đảm thi hành Luật một cách có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử như giải đáp trực tiếp và trả lời bằng văn bản các khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trog việc áp dụng Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình xây dựng các luật và tình hình thực hiện Luật năm 2015; hướng dẫn lập đề nghị xây dựng VBQPPL và soạn thảo dự án, dự thảo VBQPPL; xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật; tổ chức các hội nghị tập huấn và các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xây dựng chính sách; đánh giá tác động của chính sách; soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; tổ chức các Hội nghị giao ban về công tác xây dựng pháp luật, pháp chế, đề xuất các phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật...
- Về phía các bộ, cơ quan ngang bộ: Nhìn chung, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tuân thủ tương đối nghiêm quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, đặc biệt là đã thực hiện tương đối đầy đủ các bước của quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định như tổng kết thi hành pháp luật, khảo sát, nghiên cứu lý luận để xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách; tổ chức lấy ý kiến; tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Mặc dù có những chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng luật nhưng trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng “luật khung”, “luật ống”, tính ổn định của luật chưa cao, sớm phải sửa đổi, bổ sung, như cử tri đã phản ánh.
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật nói chung và luật nói riêng, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ cần thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1362/TTg-PL ngày 08/9/2017, đặc biệt là các ý kiến chỉ đạo như sau:
- Đối với các luật, pháp lệnh có nội dung sửa đổi, bổ sung lớn, phức tạp, làm thay đổi các chính sách thì bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định của Luật năm 2015.
- Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, cần chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, có ý kiến khác nhau cần phải được xử lý kịp thời, thống nhất ngay từ đầu để bảo đảm chất lượng và tiến độ của dự án.
- Phân công, cử lãnh đạo, chuyên viên tham dự đầy đủ, đúng thành phần tham gia các hoạt động trong quá trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh.
- Phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ kịp thời báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề mới thuộc nội dung của dự án luật, pháp lệnh khác với quan điểm chỉ đạo, chính sách của dự án đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Tăng cường theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động, sự tham gia và ý thức trách nhiệm của từng thành viên Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh. Trong báo cáo hằng quý gửi Bộ Tư pháp về tình hình, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải có nội dung báo cáo về tình hình và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban soạn thảo.
2. Về việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng một số dự án luật trước khi thông qua để Nhân dân biết, đóng góp ý kiến:
Thực hiện quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hằng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và các địa phương đã ban hanh Kế hoạch hoạt động của Hội đồng; Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cũng đã ban hành Kế hoạch PBGDPL hoặc lồng ghép công tác PBGDPL trong Chương trình, Kế hoạch công tác hằng năm. Một trong những nội dung trọng tâm của các Chương trình, Kế hoạch là quán triệt thực hiện tuyên truyền, phổ biến định hướng các quy định về chính sách pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các chính sách, quy định dự kiến điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong dự thảo luật, pháp lệnh dự kiến ban hành trong năm và các năm tiếp theo. Đặc biệt, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 (Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017), trong đó đã xác định mục tiêu: “Đảm bảo 100% bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đều tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật trước và sau khi được ban hành liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật”. Cùng với đó là nhiệm vụ: “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thực tiễn thi hành, áp dụng pháp luật, gắn với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật”.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, qua tổng hợp, theo dõi cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh trước khi thông qua để tạo đồng thuận trong xã hội đã từng bước được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, chủ động ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai. Tuy nhiên, có thể thấy hoạt động này ở một số nơi vẫn còn hình thức, chưa được đẩy mạnh, dẫn đến thực trạng một số văn bản luật khi được ban hành không phù hợp với thực tiễn cũng như không tạo được đồng thuận cao trong xã hội. Cá biệt, có trường hợp do khâu tuyên truyền, phổ biến chưa sâu rộng, kịp thời từ giai đoạn soạn thảo văn bản, lấy ý kiến đã dẫn đến trường hợp người dân hiểu không đúng, hiểu sai mục đích và nội dung của một số dự án luật.
Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh ngay từ giai đoạn soạn thảo, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau đây:
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, bảo đảm sự gắn kết với công tác xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật. Các bộ, ngành trong quá trình xây dựng, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước cần trú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền, định hướng thông tin, chính sách pháp luật nhất là đối với những vấn đề có khả năng tác động lớn đến đời sống nhân dân ngay từ khâu xây dựng dự thảo nhằm tạo đồng thuận xã hội sau khi văn bản được thông qua. Đặc biệt, cần đẩy mạnh, phát huy vai trò của các phương tiện, thông tin truyền thông đại chúng để nhanh chóng, kịp thời chuyển tải, định hướng, tiếp nhận thông tin phản hồi, góp ý của nhân dân.
- Tăng cường hoạt động phổ biến các văn bản pháp luật đã được ban hành (Hiến pháp năm 2013, Luật PBGDPL năm 2012, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trưng cầu dân ý năm 2015...), nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin, quyền được thông tin pháp luật, góp ý, phản biện xã hội.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong tham gia ý kiến đối với các đề nghị xây dựng VBQPPL và dự thảo VBQPPL.
- Bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và công tác PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù.
55. Cử tri Bạc Liêu kiến nghị:Cử tri đề nghị khi ban hành Luật thì nên sớm đưa vào thực hiện áp dụng trong xã hội, tránh tình trạng Luật có hiệu lực nhưng còn phải chờ các văn bản hướng dẫn thì quá chậm.
Trả lời: (Tại Công văn số 3282/BTP-VP ngày 4/9/2018 của Bộ Tư pháp)
1. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL đã có nhiều quy định nhằm bảo đảm kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, cụ thể như: khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành VBQPPL quy định: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”; khoản 4 Điều 25 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định: “Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết sau khi Chính phủ quyết định trình dự án luật, pháp lệnh”.
Thực hiện quy định của Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Qua đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm dần so với các năm trước (năm 2015 nợ 33 văn bản, năm 2016 nợ 14 văn bản và năm 2017 nợ 09 văn bản). Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết như cử tri kiến nghị.
2. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như:
- Hàng tháng, quý Chính phủ đăng tải công khai tình trạng ban hành văn bản, danh mục văn bản nợ ban hành trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
- Tại các Phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, kiểm điểm trực tiếp các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và coi đó là một trong những tiêu chí để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ; nội dung này cũng đã được nhấn mạnh tại trong các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
- Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 160/LĐCP ngày 16/4/2018 đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, trực tiếp chỉ đạo công tác này, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản; thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo văn bản với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
3. Trong thời gian tới, cùng với việc cùng các Bộ, ngành thực hiện nghiêm các các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
- Tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, 01 năm báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đăng tải công khai tình hình xây dựng, ban hành, nợ đọng văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tư pháp.
- Cử cán bộ phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng luật, pháp lệnh từ trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng cho đến giao đoạn soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh để kiểm soát phạm vi, nội dung giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm tính khả thi.
- Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng dự án luật, pháp lệnh phải thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015, theo đó phải chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh để bảo đảm tiến độ và chất lượng, hướng đến khắc phục triệt để tình trạng nợ ban hành văn bản; dự kiến hợp lý thời điểm bắt đầu có hiệu lực của luật, pháp lệnh để có đủ thời gian cho việc ban hành văn bản quy định chi tiết; tiếp tục thực hiện nguyên tắc ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao để hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết.
56. Cử tri Thái Nguyên kiến nghị:
Đề nghị:
- Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt cho Đại học vùng trong việc thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao, chuyên gia giỏi, kể cả chuyên gia là người nước ngoài; được tiếp cận các nguồn lực về tài chính trong và ngoài nước.
- Có cơ chế, chính sách quản lý tài chính, tài sản, cho phép Đại học vùng có quyền huy động các nguồn lực về tài chính, tài sản; sử dụng nguồn tài chính tập trung để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm của Đại học. Xây dựng cơ chế để thực hiện xã hội hóa trong đào tạo bậc Đại học.
- Phân cấp và giao cho Đại học vùng có quyền tự chủ như Đại học Quốc gia.
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Thái Nguyên.
- Chính phủ ưu tiên phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp vốn cho các dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên
- Tập trung đầu tư một cách thỏa đáng cho Đại học vùng để tạo lợi thế cho các trường Đại học nằm trong Đại học vùng.
Trả lời: (Tại Công văn số 4018/BGDĐT-GDĐH ngày 6/9/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với ý kiến kiến nghị của cử tri về đề nghị tăng cường sự tự chủ và đầu tư để phát triển các đại học vùng. Theo đó, 06 nội dung kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp thành 03 nhóm vấn đề sau:
1. Về cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt trong việc thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao, chuyên gia giỏi; cơ chế, chính sách quản lý tài chính, tài sản và ưu tiên đầu tư
- Về cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt trong việc thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao, chuyên gia giỏi: Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định tự chủ các cơ sở giáo dục đại học công lâp. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học được tăng quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự. Đại học vùng và các trường thành viên có quyền chủ động rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức và nhân sự để tăng hiệu quả hoạt động. Mặt khác, năm 2017 và 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học chủ động có kế hoạch, giải pháp phù hợp để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Đại học vùng với uy tín và thế mạnh về tiềm lực đào tạo và khoa học công nghệ càng có điều kiện thuận lợi để thu hút chuyên gia, các nhà khoa học.
- Cơ chế, chính sách quản lý tài chính, tài sản và ưu tiên đầu tư: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo 3 trường đại học xây dựng đề án tự chủ không có cơ quan chủ quản trình Chính phủ phê duyệt; nếu được chấp thuận, sẽ tháo gỡ những khó khăn về cơ chế tài chính cho các đại học này.
2. Về phân cấp và giao cho đại học vùng có quyền tự chủ như Đại học Quốc gia
Về tự chủ đào tạo: Theo quy định hiện hành[17], đại học vùng cơ bản đã được giao quyền như đại học quốc gia, cụ thể: Được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học[18]; tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ[19]; tự chủ liên kết đào tạo[20]. Đại học Thái Nguyên được quyền tự chủ phê duyệt đề án liên kết đào tạo với nước ngoài của các cơ sở giáo dục đại học thành viên và đơn vị trực thuộc theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 16 Nghị định Chính phủ số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 (nay là Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018) và khoản 5 Điều 23 Thông tư số 08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hòa thành Thông tư thay thế Thông tư số 08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014, trong đó bổ sung một số nội dung giao quyền tự chủ cho đại học vùng như: là đầu mối được giao ngân sách và kế hoạch; được ủy quyền quyết định việc mở ngành và liên kết đào tạo; được chủ động điều tiết kinh phí hoạt động của toàn đại học. Tuy nhiên, đại học vùng là đơn vị dự toán cấp II, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp nhận dự toán ngân sách hàng năm từ Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện việc phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các cơ sở giáo dục đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Về phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Thái Nguyên.
Ngày 04/02/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 54/BC-BGDĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát quy hoạch mạng lưới và thành lập trường đại học mới giai đoạn 2016-2020, trong đó có đề xuất Đề án xin chủ trương thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ và Thương mại trên cơ sở Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Hợp tác quốc tế thuộc Đại học Thái Nguyên.
Ngày 24/3/2016, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1946/VPCP-KGVX thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát lại tổng thể quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng để có đề xuất về phương hướng hoàn thiện mạng lưới theo đúng tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2035.
57. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Chính phủ, Bộ, cơ quan cần quan tâm sớm ban hành Nghị định kèm theo, để khi Luật Trồng trọt ra đời có thể áp dụng ngay vào thực tiễn, tránh tình trạng khi Luật được Ban hành nhưng không thực hiện được.
Trả lời: (Tại Công văn số 6313/BNN-TT ngày 15/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng cảm ơn ý kiến kiến nghị của cử tri. Trong quá trình xây dựng dự án Luật Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trong hồ sơ Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ và hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Trồng trọt đã có dự thảo Nghị định Quản lý giống cây trồng và dự thảo Nghị định Quản lý phân bón. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục rà soát và dự thảo các văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt để đảm bảo những văn bản này được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Trồng trọt nếu Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
58. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Đối với chính sách về an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ của nhà nước, cử tri đề nghị không hỗ trợ, đầu tư dàn trải, vì vậy chính sách sẽ manh mún, khó thực hiện, không hiệu quả, ví dụ như chính sách hỗ trợ để bảo vệ phát triển đất trồng lúa tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ.
Trả lời: (Tại Công văn số 5712/BNN-TT ngày 27/7/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin cám ơn và tiếp thu ý kiến của cử tri trong quá trình xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách về an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ của nhà nước trong thời gian tới.
Cụ thể trong quá trình thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa (Nghị định số 42/2012/NĐ-CP), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận thấy nhiều bất cập và đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (Nghị định số 35/2015/NĐ-CP) thay thế Nghị định này. Theo đó tại Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP đã quy định chính sách hỗ trợ tập trung cho địa phương sản xuất lúa, không hỗ trợ trực tiếp cho người dân và tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định sử dụng kinh phí hỗ trợ để thực hiện các công việc theo quy định tại Điều 8.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, rà soát để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2015/NĐ-CP theo hướng giảm hỗ trợ các khâu trung gian và tập trung nguồn kinh phí để hỗ trợ cho địa phương theo các hình thức như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất lúa. Dự kiến tháng 12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định này.
59. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm đồng ý cho tỉnh Lâm Đồng lập dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do cấp bách tại các tiểu khu 178, 179, 180, 181, xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng mà các bộ, ngành trung ương và tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ nhằm đảm bảo các quyền hợp pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật cho công dân là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào sinh sống tại khu vực này.
Trả lời: (Tại Công văn số 5882 /BNN-KTHT ngày 02/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Tại điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: “Trên cơ sở quy hoạch bố trí dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư trên cơ sở thỏa thuận về mục tiêu, giải pháp, tổng mức vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Đồng thời, căn cứ quy định của Luật Đầu tư công và quy định nêu trên, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các Sở, ban ngành trong tỉnh lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tự do cấp bách tại các tiểu khu 178, 179, 180, 181, xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông theo quy định, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân, không di cư tự do đi nơi khác.
60. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Vừa qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cử chi còn lo lắng về giá nông sản còn thấp, “đầu ra” chưa ổn định; trong khi, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn tăng, ảnh hưởng đến người sản xuất và chăn nuôi. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dự báo thông tin thị trường, bảo đảm đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Trả lời: (Tại Công văn số 5857/BNN - KH ngày 01/8/2018 của BNNPTNT)
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cơ cấu lại nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2008 - 2017 tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Cơ cấu sản xuất tại một số vùng từng bước được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, gắn với nhu cầu thị trường. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, nông nghiệp là ngành sản xuất kinh doanh phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh. Ngoài ra, nông nghiệp nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường hướng mạnh ra xuất khẩu và cạnh tranh quốc tế, nên việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thị trường, có lúc, có nơi đã xảy ra tình huống cung vượt cầu, hàng hóa tồn đọng, giá giảm, hiệu quả sản xuất chưa đạt như mong muốn. Ngoài ra, trong chế biến và bảo quản nông sản tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, đầu ra sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp nên giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất chưa cao dẫn tới giá cả sản phẩm phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Công tác xúc tiến thương mại, dự báo và phát triển thị trường còn hạn chế nên doanh nghiệp, người nông dân thiếu thông tin dẫn đến sản xuất thụ động theo phong trào làm cho vào thời vụ chính nguồn cung tăng đột biến, tiêu thụ không kịp, cộng với việc thương lái cũng như các nhà nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch dựa vào đó để ép giá, hạ giá mua sản phẩm của người nông dân.
Để giải quyết căn cơ những tồn tại trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Trong các giải pháp của cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển thị trường; cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các chính sách cho phép chuyển đổi cơ cấy cây trồng trên lúa để vừa đảm an ninh lương thực, vừa tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập và ổn định đời sống nhân dân, như: Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa cho phép chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/7/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, theo đó hướng dẫn quy định cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân; Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô. Ngoài ra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều chính sách khác khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Quyết định số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15/9/2015 phê duyệt Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông; Nghị định 89/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn…
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch từng ngành hàng, sản phẩm, xây dựng các vùng sản xuất nông sản theo 3 cấp sản phẩm, rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và theo định hướng của thị trường. Các địa phương đã rà soát, xác định các cây trồng, vật nuôi có lợi thế, gắn với cân đối cung cầu thị trường trong nước và thế giới. Nhờ đó, đã góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn gắn với chế biến và tiêu thụ như: lúa gạo (Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng), cà phê (Tây Nguyên), cao su (Tây Nguyên, Đông Nam bộ), điều, tiêu (Đông Nam bộ), mía đường (Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long), nuôi trồng thủy sản (Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ), chăn nuôi gia súc (Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng),...
Thực hiện Luật quy hoạch năm 2017, Bộ đang tiến hành rà soát các quy hoạch ngành, sản phẩm để tích hợp chung vào các quy hoạch kinh tế - xã hội quốc gia và vùng lãnh thổ.Trên cơ sở đó, tiến hành đánh giá nhu cầu thị trường (cả trong nước và ngoài nước) để xây dựng các chính sách, đề án tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Đồng thời tăng cường tổ chức liên kết trong sản xuất, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng giống và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả các thị trường khó tính.
2. Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản, kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu
Để phát triển thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo:
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ những lĩnh vực nông nghiệp mũi nhọn để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng.
Tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản, phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích tiêu dùng nội địa; hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu và truy suất nguồn gốc nông sản, xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Phát triển mạnh thị trường xuất khẩu: Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu; cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các thị trường nhập khẩu để xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho cả 3 trục sản phẩm nông nghiệp; phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, kỹ thuật để hỗ trợ tốt nhất cho nông sản xuất khẩu nhằm triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại.
Nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, hoạt động hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản; các doanh nghiệp, hội và hiệp hội là người tổ chức thực hiện, cơ quan nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ hoạt động; đặc biệt phát huy vai trò của các tham tán thương mại trong kết nối thị trường. Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại, kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối trong nước và mạng lưới tiêu thụ toàn cầu.
Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường; phát triển nghiên cứu và dự báo cung cầu, qui mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.
61. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Xem xét sửa đổi, bổ sung những nội dung quy định chi tiết chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi để tạo cơ sở pháp lý cho địa phương triển khai thực hiện, cụ thể là tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP; Điều 14 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP; Điều 36 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP; khoản 1 Điều 16 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP.
Trả lời: (Tại Công văn số 5931/BNN-TCTS ngày 03/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
1. Đối với khoản 5 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013
Ngày 01/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm,hàng hóa thay thế Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.Theo đó, khoản 5 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP đã được thay thế bởi khoản 5 Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017, cụ thể như sau:“5. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng đã công bố hợp chuẩn.”.
2. Đối với Điều 14 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo“Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản” thay thế Nghị định số 103/2013/NĐ-CP. Theo đó, các hành vi vi phạm như phản ánh của cử tri đã được nghiên cứu và quy định trong dự thảo Nghị định theo hướng nâng mức phạt tiền cao hơn Nghị định số 103/2013/NĐ-CP từ 03 đến 05 lần để đảm bảo tính răn đe nhằm chấm dứt tình trạng sử dụng ngư cụ, thiết bị, phương pháp khai thác thủy sản không đúng quy định hoặc bị cấm. Đặc biệt, đối với hành vi sử dụng ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản khác bị cấm sử dụng thìngoài hình thức phạt tiền còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (trừ tàu cá), dự kiến“Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản”sẽ trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 11/2018 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
3. Đối với Điều 36 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013
Ngày 7/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thay thế Nghị định số 119/2013/NĐ-CP. Theo đó, Điều 36 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP đã được thay thế bởi Điều 14 Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 7/5/2018, cụ thể như sau:
“Điều 14. Vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm về chất cấm sau đây:
a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản mà tổng giá trị các sản phẩm thức ăn vi phạm dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính;
d) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản mà tổng giá trị các sản phẩm thức ăn vi phạm từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm d Khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy chất cấm và thức ăn chăn nuôi, thủy sản có chứa chất cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Buộc cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản tiếp tục nuôi giữ vật nuôi, thủy sản đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bản hoặc giết mổ hoặc thu hoạch đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm c Khoản 1 Điều này; buộc tiêu hủy vật nuôi, thủy sản trong trường hợp tái phạm sử dụng chất cấm hoặc không thể tiếp tục nuôi giữ.”.
Bên cạnh quy định xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại Điều 14 Nghị định số 64/2018/NĐ-CP. Mặt khác, để xử lý nghiêm đối với các hành vi nêu trên, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã quy định tại các “Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”, theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôithì bịphạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù đến 20 năm.
4. Đối với khoản 1 Điều 16 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hộihoàn thiện dự thảo “Luật Trồng trọt” để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Khóa XIV. Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri và rà soát để xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2016/NĐ-CPbảo đảm tính khả thi và phù hợp với Luật Trồng trọt sau khi được Quốc hội thông qua, dự kiến Luật Trồng trọt sẽ trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6, Khóa XIV của Quốc hội vào tháng 11 năm 2018.
62. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Đề nghị Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Đề án khôi phục bảo vệ và phát triển rừng cảnh quan khu ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008 – 2020 (theo Quyết định số 1134/QĐ-TTg, ngày 21/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ), trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cần thiết để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án trong các năm tiếp theo.
Trả lời: (Tại Công văn số 6017/BNN-TCLN ngày 07/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
1. Một số kết quả Đề án đạt được
Ngày 21/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1134/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án khôi phục bảo vệ và phát triển rừng cảnh quan khu ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008 – 2020; theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên được giao là chủ đầu tư, chỉ đạo và thực hiện các dự án đầu tư cụ thể trên địa bàn, nên sẽ là cơ quan chủ trì việc đánh giá và sơ kết, tổng kế Đề án; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan phối hợp thực hiện.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, tháng 11 năm 2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan tổ chức sơ kết 8 năm thực hiện Đề án, với một số kết quả chính đạt được như sau:
- Đã hoàn thành việc quy hoạch 30.267,43 ha đất lâm nghiệp, trong đó: đất rừng đặc dụng 7.539,98 ha, đất rừng phòng hộ 8.947,80 ha và đất rừng sản xuất 13.779,65 ha.
- Đã bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng 13.933,3 ha; trồng rừng mới: 8.726,18 ha, đạt 92,8 % so với mục tiêu Đề án, trong đó trồng rừng đặc dụng 628,4 ha, đạt 371,83% (mục tiêu Đề án là 169,0 ha); trồng cây lâm sản ngoài gỗ: 1.000 ha Quế bằng nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp.
- Đã xây dựng Vườn cây Bác Hồ với quy mô 29,9 ha phục vụ trồng cây tưởng niệm, tạo cảnh quan cho khu di tích Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng 01 Vườn ươm cây giống với quy mô 1,10 ha với năng lực sản xuất 2 triệu cây giống/năm.
- Kiên cố hóa 28,224 km đường giao thông, đạt 94,08% so với mục tiêu Đề án; xây dựng nhà trụ sở Ban quản lý với diện tích 376 m2.
- Xây dựng hệ thống kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện với trên 200 cơ sở, sản lượng đạt 50.000 m3/năm.
- Kinh phí đã giải ngân đến năm 2016 là 114,558 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ là 111,258 tỷ đồng.
Như vậy, sau 8 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đem lại hiệu quả rất quan trọng, đó là: quản lý, bảo vệ và phát triển ba loại rừng gắn với việc bảo vệ, phục hồi, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo về quần thể di tích của “Thủ đô kháng chiến”, bảo về đa dạng sinh học, tăng cường chức năng phòng hộ môi trường, nâng độ che phủ rừng từ 45% lên 56%; tạo việc làm cho trên 1.000 hộ gia đình, tạo nguồn thu khoảng trên 85 tỉ đồng/năm thông qua khai thác 50.000 m3 gỗ, 30.000 ster củi; xây dựng các tuyến đường dân sinh thúc đẩy sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Về các giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tập trung chỉ đạo:
- Tiếp tục quản lý bền vững tổng diện tích 30.849 ha; trồng rừng mới 990 ha rừng đặc dụng, phòng hộ; trồng mới và trồng lại 3.500 ha rừng sản xuất sau khai thác.
- Tiếp tục triển khai Dự án Vườn cây Bác Hồ tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa nhằm tạo khu vực cho khách thăm quan trồng cây lưu niệm, tạo cảnh quan cho khu di tích Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút khách du lịch.
- Hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi cấp nước, trường học, trạm xá, Nhà văn hóa, hệ thống đường lâm nghiệp khoảng 100 km đến vùng rừng trồng tập trung; hỗ trợ xây dựng trụ sở Trạm Kiểm lâm địa bàn.
- Kiện toàn Ban chỉ đạo, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, kêu gọi đầu tư để tổ chức thực hiện các mục tiêu của Đề án.
- Tổ chức tổng kết Đề án vào năm 2020 và đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển bền vững khu ATK Định Hóa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.
63. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Trả lời: (Tại Công văn số 6013/BNN-TCLN ngày 07/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Văn bản số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành và UBNDcác tỉnh Tây Nguyên triển khai xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025 (Đề án) tại Tờ trình số 8426/TTr-BNN-TCLN ngày 05/10/2016.Đề án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thực hiện Văn bản số 262/TB-VPCP ngày 26/7/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tụcphối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện Đề ántrình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
64. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp vẫn diễn biến phức tạp; việc sử dụng các chất cấm có hại cho sức khỏe trong chăn nuôi gây lo lắng trong nhân dân. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên, bảo đảm an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe của người dân.
Trả lời: (Tại Công văn số 5640 /BNN-BVTV ngày 25/7/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Để tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp, ngày 24/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch quản lý, giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc thú y giai đoạn 2016- 2020; kế hoạch kiểm tra, tổng rà soát kinh doanh, sử dụng thuốc thú y giai đoạn 2018-2020; xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn 2016 - 2021” và xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả phân bón nhằm xác định các giải pháp căn cơ để quản lý hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường.
Năm 2018 Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng, ban hành kế hoạch năm cao điểm về an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp; ban hành Quyết định số 4713/QĐ-BVTV-TTr và 4714/QĐ-BVTV-TTr ngày 17/11/2017 về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ, Tổng cục và các Cục. Theo đó, Bộ đã chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm.
Trong thời gian qua, công tác quản lý vật tư nông nghiệp nói chung, công tác quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể như sau:
Về quản lý phân bón, khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ
+ Hành lang pháp lý đã dần hoàn thiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, theo đó đã hợp nhất công tác quản lý nhà nước về một đầu mối là Bộ Nông nghiệp và PTNT, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công tác quản lý nhà nước về phân bón.
+ Việc khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vốn chưa được quan tâm đúng mức, nay đã được đưa vào quy định trong Nghị định số 108/2017/NĐ-CP.
+ Bước đầu đã tiếp cận, ứng dụng và chuyển giao được một số công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ thế hệ mới có hiệu suất sử dụng cao hơn phân bón hữu cơ truyền thống và thân thiện với môi trường; chọn lọc, nhập nội được nhiều chủng vi sinh vật có lợi phân giải cơ chất để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ các nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước.
+ Người tiêu dùng đã và đang quan tâm sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đây cũng là tiền đề và điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trong thời gian tới.
Về quản lý thuốc bảo vệ thực vật
+ Công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật đã và đang được siết chặt, tăng cường quản lý ở tất cả các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm, cấp phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng.
+ Loại bỏ ra khỏi danh mục các loại thuốc có độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Khuyến khích đăng ký vào danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn hiệu quả. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hóa học cũng bắt đầu chuyển hướng phát triển sản phẩm sinh học đáp ứng nhu cầu ngày một tăng nhanh của thị trường.
+ Ngành bảo vệ thực vật đã phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn về sử dụng thuốc cho người nông dân kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả là việc sử dụng thuốc của người dân đang có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tuân thủ đúng thời gian cách ly và kỹ thuật sử dụng thuốc. Thậm chí, có những địa phương người nông dân rất ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà sử dụng chủ yếu các biện pháp sinh học, vật lý như bao trái, bẫy pheromone, bẫy bả, bẫy dính hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
+ Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã phát hơn 406,113 tờ rơi, dán tổng cộng 20,495 poster tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông thôn để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của bà con nông dân. Hình thành 167 mô hình tiêu biểu tại các xã xây dựng nông thôn mới trên các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Đến hết năm 2017 thu gom và tiêu hủy được hơn 38,4 tấn bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, dự kiến trong năm 2018 thực hiện thu gom và tiêu hủy khoảng trên 60 tấn.
Về kiểm soát sử dụng các chất cấm có hại cho sức khỏe trong chăn nuôi
+ Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 03 Thông tư về Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam gồm: Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04/9/2014; Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2015; Thông tư số 01/2017/TT-BNNPTNT ngày 16/01/2017.
+ Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Cục Chăn nuôi tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cách thức kiểm tra nhanh các chất cấm thuộc nhóm Beta - agonist bằng kit thử nhanh nước tiểu vật nuôi với thời gian thực hiện 5 phút và chi phí khoảng 70.000đ/mẫu (nếu áp dụng phương pháp ELISA thời gian phải mất từ 01 ngày đến 02 ngày mới có kết quả với chi phí trên 300.000đ/mẫu và phải tiến hành trong các phòng thử nghiệm, do vậy rất khó khăn cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa). Với cách thức kiểm tra này đã hỗ trợ rất lớn cho việc kiểm tra, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt người dân tại các thời điểm, địa điểm khác nhau đều dễ dàng kiểm tra được.
+ Công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Chăn nuôi, cơ quan công an, quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cơ quan chức năng các tỉnh phối hợp, triển khai đồng bộ, quyết liệt. Từ đầu năm 2018 đến nay chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất cấm trong sản xuất nông, thủy sản.
65. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Tại Khoản 4, Điều 6, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt nước sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, hải sản cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp thuê đất, thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn thuê và có nhu cầu thuê lại. Đề nghị có quy định và hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục tiếp tục thuê lại đất để nuôi trồng thủy sản, để đảm bảo sự công bằng xã hội và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Trả lời: (Tại Công văn số 6297/BNN-TCTS ngày 15/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
- Đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai.
- Đối với trường hợp thuê mặt nước biển sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, hải sản đã hết thời hạn thuê và có nhu cầu thuê lại được quy định cụ thể tại Điều 10, Điều 12, Điều 13 của Nghị định số 27/2005/NĐ-CP, ngày 08/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản 2003, trong đó quy định cụ thể như sau:
1. Trước thời điểm hết hạn quyền sử dụng mặt nước biển sáu (6) tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản phải làm hồ sơ như quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 10 Nghị định số 27/2005/NĐ-CP, ngày 08/3/2005 của Chính phủ, gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin gia hạn được giao, thuê mặt nước biển.
2. Hồ sơ xin giao, thuê lại mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, hải sản bao gồm:
a) Đơn xin giao, thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận;
b) Báo cáo dự án khả thi nuôi trồng thủy sản được cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh thẩm định;
c) Bản thuyết minh về năng lực kỹ thuật nuôi trồng thủy sản;
d) Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thuỷ sản và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;
đ) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao hợp lệ).
3. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc gia hạn thời hạn giao hoặc cho thuê và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Trường hợp không gia hạn thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Cơ quan thẩm quyền được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 28 Luật Thủy sản 2003 xem xét hồ sơ, quyết định việc giao, cho thuê và gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, hải sản.
66. Cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị: Cử tri đề nghị nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù cho các xã có điều kiện đặc biệt khó khăn ở huyện không nằm trong diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2009/NQ-CP. Vì trên thực tế tại một số huyện giáp danh, nhiều xã có điều kiện khó khăn giống nhau nhưng có xã lại được hưởng cơ chế hỗ trợ vì thuộc huyện 30a, còn những xã có điều kiện khó khăn nhưng thuộc huyện khác nên không được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù của nhà nước”
Trả lời: (Tại Công văn số 6274 /BNN-KTHT ngày 15/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Ngày 2/9/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Đối tượng hỗ trợ là các Huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, và các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với những xã giáp ranh với huyện nghèo cũng có cơ chế hỗ trợ đặc thù, những xã, thôn, bản khó khăn hơn thì hỗ trợ nhiều hơn. Để thực hiện hỗ trợ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (trong đó gồm tất cả các xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực III giáp với các xã thuộc huyện 30a) được thụ hưởng cơ chế, chính sách của Chương trình 135.
Đối với những xã ít khó khăn hơn (xã khu vực II, khu vực I giáp với các xã thuộc huyện 30a), Bộ trưởng, Chủ nhiệm ỦY ban Dân tộc ban hành QĐ số 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (mỗi xã được đầu tư 04 thôn đặc biệt khó khăn).
Những xã, thôn, bản được công nhận tại các Quyết định trên được hưởng cơ chế hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 bao gồm cả về hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ sinh kế, đào tạo …. Tuy nhiên, mức hỗ trợ sẽ không bằng được so với các xã nằm trong địa bàn 30a vì thực tế xét về mặt bằng chung của toàn huyện, các huyện nghèo 30a có điều kiện khó khăn hơn.
Bên cạnh đó Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025.
Ngoài ra, đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tín dụng... theo quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 31/5/2018 của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo đa chiều.
67. Cử tri tỉnh Lai Châu kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách kéo dài thời gian hỗ trợ gạo hàng tháng cho các hộ tái định cư thủy điện Lai Châu thêm 02 năm để đảm bảo đời sống. Vì hiện nay diện tích đất sản xuất lương thực của các hộ tái định cư cơ bản mới được khai hoang, cải tạo, có độ dốc lớn…năng suất, sản lượng lương thực còn thấp, do đó đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Trả lời: (Tại Công văn số 6787 /BNN-KTHT ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 30/01/2011; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 12/11/2017 và giao cho tỉnh Lai Châu tổ chức thực hiện. Đến nay, tỉnh Lai Châu đã cơ bản thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, di dân, tái định cư và đang tiếp tục hỗ trợ để ổn định sản xuất và đời sống cho người dân tái định cư. Các hộ tái định cư đã được hỗ trợ lương thực và cơ bản được giao đất sản xuất theo đúng chính sách bồi thường hỗ trợ, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu.
Việc đề nghị kéo dài thời gian hỗ trợ gạo hàng tháng cho các hộ tái định cư thủy điện Lai Châu thêm 02 năm là không phù hợp với chính sách bồi thường hỗ trợ, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu và các quy định pháp luật khác về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (Luật Đất đai, Nghị định số 47/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ). Do đó, để giảm bớt khó khăn cho người dân tái định cư, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh Lai Châu:
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Lai Châu thực hiện hỗ trợ gạo trong thời gian giáp hạt theo quy định hiện hành đối với các hộ tái định cư có đất sản xuất mới được khai hoang, cải tạo, có độ dốc lớn, năng suất, sản lượng lương thực còn thấp.
- Rà soát, đánh giá thực trạng đời sống, sản xuất của người dân tái định cư, làm cơ sở xác định đúng đối tượng hộ tái định cư cần được hỗ trợ lương thực trong thời gian giáp hạt.
68. Cử tri tỉnh Lai Châu kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát để góp phần giảm bớt những khó khăn về đời sống cho đồng bào tái định cư (UBND tỉnh Lai Châu đã có Tờ trình số 1894/TTr-UBND ngày 14/12/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt).
Trả lời: (Tại Công văn số 5926/BNN-KTHT ngày 03/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Trên cơ sở Tờ trình số 1894/TTr-UBND ngày 14/12/2015 của UBND tỉnh Lai Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định, xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt tại Công văn số 10652/BNN-KTHT ngày 30/12/2015. Sau khi xem xét, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện Dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư thuỷ điện Huổi Quảng và Bản Chát tại Công văn số 4007/VPCP-KTN ngày 27/5/2016 của Văn phòng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 4756/BNN-KTHT ngày 09/6/2016 đề nghị UBND tỉnh Lai Châu hoàn thiện Dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư thuỷ điện Huổi Quảng và Bản Chát với nội dung:
- Hoàn thiện hồ sơ Dự án theo ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 1788/BKHĐT-KTNN ngày 17/3/2016); Tài chính (Công văn số 3459/BTC-ĐT ngày 16/3/2016).
- Tiến hành các quy trình, thủ tục đầu tư Dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nhận được hồ sơ Dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư thuỷ điện Huổi Quảng và Bản Chát của UBND tỉnh Lai Châu theo các nội dung nêu trên.
69. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri cho rằng, thời gian qua Quốc hội ban hành rất nhiều Luật nhưng việc thi hành pháp luật trên thực tế không nghiêm, không hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều hành vi vi phạm pháp luật xử lý còn nhẹ nên có biểu hiện “nhờn” luật, như tình trạng phá rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo khắc phục tình trạng này, nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật được áp dụng nghiêm, có hiệu quả trên thực tế.
Trả lời: (Tại Công văn số 6920 /BNN-TCLN ngày 05/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Cùng với Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua năm 2004, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương đã ban hành 122 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, trong đó 23 Nghị định của Chính phủ đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh và nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ rừng, môi trường sinh thái. Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, ngày 12/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua đó, nhận thức về trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý bảo vệ rừng đã có chuyển biến rõ nét, công tác ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, tội phạm về lâm nghiệp được quan tâm hơn, nhiều vụ việc vi phạm quy mô lớn được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm 2018 lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý 6.651 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khởi tố 108 vụ án hình sự liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành pháp luật trên thực tiễn, vẫn còn những hạn chế, bất cập, cá biệt tại một số nơi, một số thời điểm tình trạng pháp luật chưa được thi hành nghiêm chỉnh, thiếu thống nhất và triệt để, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp chưa cao.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, đảm bảo quy định của pháp luật được thực hiện đầy đủ, có hiệu quả, ngăn chặn tình trạng phá rừng, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số giải pháp sau:
- Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo tăng cường nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
- Tăng cường sự phối hợp các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các lực lượng chức năng liên quan để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.
- Tiếp tục tham mưu xây dựng và trình Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện, đề xuất, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, chấn chỉnh các sai sót để xử lý nghiêm vi phạm.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội khoá XIV thông qua ngày 15/11/2017, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
70
. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Đề nghị chú trọng việc xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách đồng bộ giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trả lời: (Tại Công văn số 6435/BNN-CBTTNS ngày 20/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như sau:
- Về tổ chức sản xuất:
+ Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch sản xuất theo 3 nhóm sản phẩm: (1) Sản phẩm chủ lực quốc gia, (2) Sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, (3) Sản phẩm là đặc sản của địa phương (theo mô hình mỗi xã một sản phẩm)
+ Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất (VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn sản phẩm) để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các thị trường.
+ Triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển ngành, nhất là các chính sách: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018); về bảo hiểm nông nghiệp (Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018); về phát triển ngành nghề nông thôn (Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018); về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018); phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
- Về chế biến: thực hiện các chính sách mạnh mẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu tham mưu sửa đổi Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và xây dựng.
- Về phát triển thị trường tiêu thụ:
+ Tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung xây dựng liên kết 6 nhà “Nhà nông – Nhà nước – Nhà đầu tư – Nhà băng – Nhà khoa học – Nhà phân phối”.
+ Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường; phát triển nghiên cứu và dự báo cung cầu, qui mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tìm kiếm nhiều thị trường mới và đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới vào các thị trường quốc tế.
+ Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương, nhằm bảo hộ và đăng ký thương hiệu nông sản Việt Nam.
+ Giới thiệu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín về ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản.
71. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị : Về di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lử, ngập lụt, thiệt hại do thiên tai: Thời gian qua, việc thực hiện Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bổ trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, xung yêu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015 đã dem lại những lợi ích thiết thực cho người dân thuộc Chương trình. Hiện nay, trước những thay đôi lớn về thời tiết và diễn biến phức tạp của thiên tai đã gây nhiều thiệt hại cho người dân trong các vùng nguy hiểm về người và tài sản. Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng kể hoạch, chương trình tổng thể quốc gia, có lộ trình và đảm bảo nguồn lực để khan trương di dòi, bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng có nguy cơ bị ngập lũ, sạt lở đất, bờ sông, ven biển, vùng có nguy cơ chịu nhiều ảnh hưởng lớn do thiên tai,... để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ốn định cuộc sống và sản xuất lâu dài.
Trả lời: (Tại Công văn số 5925/BNN-KTHT ngày 03/8/2018 của BNNPTNT)
Ngày 21/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bổ trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rùng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình bố trí dân cư) và thay thế Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg.
Thực hiện Quyết định trên, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã tích cực tố chức triển khai thực hiện có kết quả mục tiêu chương trình đề ra. Đến hết năm 2017, cả nước thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho gần 7,5 vạn hộ dân (trong đó hơn 60% số hộ ở vùng thiên tai và có nguy cơ cao về thiên tai), góp phân hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống, hạn chế di cư tự do, giải quyêt việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình bố trí dân cư đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28/6/2017 pho duyệt Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chông giảm nhẹ thiên tai, ổn (lịnh dời sống dân cư. Thực hiện Quyết định trên, Bò Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tống họp, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch trung hạn 2018-2020 hợp phần ôn định đời sống dân cư trên phạm vi cả nước, trong đó: đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi 55,5 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 3 tỷ đồng vốn sự nghiệp kinh tế, để thực hiện các dự án đàu tư bố trí dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản, từng bước ôn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân.
72. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị : Hiện nay, nhân dân huyện Bá Thước do thiếu đất ở và đất sản xuất nên nhiều gia đình có nguyện vọng di dân ra ngoài huyện, ngoài tỉnh đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đe nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ di dân tái định cư đi xây dựng các vùng kinh tế mới tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên để nhân dân có điều kiện thoát nghèo.
Trả lời: (Tại Công văn số 5924/BNN-KTHT ngày 03/8/2018 của BNNPTNT)
Ngày 21 tháng 11 nám 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, tại điểm d khoản 3 Điều 1 tại Quyết định nêu trên về nguyên tắc thực hiện chương trình, quy định: “Việc bố trí ổn định dân cư chủ yếu trên địa bàn trong xã, huyện, tỉnh. Trường họp cần thiết có nhu cầu di dân ra ngoài tỉnh cần thống nhất tỉnh có dân đi và tỉnh có dân đến để bố trí theo quy hoạch. Thực hiện bố trí dân cư xen ghép là chủ yếu, kết họp với di dân tập trung và ổn định tại chỗ”.
Đồng thời, tại điểm c khoản 2 Điều 3 của Quyết định nêu trên về chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, quy định: “Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn nếu di chuyển nội vùng dự án mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; di chuyển trong tỉnh mức hỗ trợ 23 triệu đồng/hộ; di chuyển ngoài tỉnh mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ...”.
Vì vậy, đề nghị ủy ban nhấn dân tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào các quy định nêu trên của Quyết định sổ 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan, thực hiện bố trí dân cư ra ngoài huyện, ngoài tỉnh theo quy định. Đồng thời, đề nghị Tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho các hộ dân theo quy định, tạo điều kiện cho các hộ từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, an tâm ổn định cuộc sống.
73. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ cần tăng cường việc công khai, minh bạch trong vấn đề quy hoạch, xây dựng các công trình đô thị. Đồng thời, đề nghị tiến hành giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các vấn đề nêu trên”
Trả lời: (Tại Công văn số 2040/BXD-QHKT ngày 16/8/2018 của BXD)
1. Về công khai, minh bạch trong vấn đề quy hoạch:
Vấn đề công khai, minh bạch đối với các khu quy hoạch được thể hiện thông qua việc lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch và tổ chức công bố công khai sau khi quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các nội dung trên được quy định rõ tại các Điều 16, 17, 40, 41, 42 và 43 Luật Xây dựng năm 2014 và các Điều 20, 21, 53, 54 và 55 Luật Quy hoạch đô thị.
Ngoài ra, Điều 16 Luật Quy hoạch đô thị cũng quy định một trong các hành vi bị cấm là “Từ chối cung cấp thông tin, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cung cấp sai thông tin về quy hoạch đô thị”.
Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, khẳng định vai trò của công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị.
Như vậy, trên thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã quy định cụ thể việc công bố công khai quy hoạch. Tuy nhiên, trong khâu tổ chức thực hiện vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc, đầy đủ ở một số địa phương. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và các ngành, thực hiện kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp thực hiện chưa nghiêm túc và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, phục vụ tốt phát triển kinh tế xã hội, cuộc sống và sản xuất của nhân dân.
2. Một số giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lỷ nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị:
a) Bộ Xây dựng:
- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ đế hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về Quy hoạch xây dựng, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
- Phối hợp với các địa phương hướng dẫn thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị đối với các cơ quan quản lý và các chủ thể khác. Thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quy hoạch.
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, công khai minh bạch thủ tục hành chính trong quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng đề án về hệ thống cơ sở dữ liệu và công khai thông tin quy hoạch xây dựng.
b) Chính quyền các địa phương thực hiện tốt trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo quy định của pháp luật, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nội dung:
- Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng kế hoạch thực hiện sau quy hoạch, kế hoạch và lộ trình cắm mốc chỉ giới xây dựng; quản lý tốt cốt xây dựng, công khai thông tin về quy hoạch, cốt xây dựng theo quy định pháp luật; tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.
74. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Tại Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, số 42/2017/NĐ-CP đưa ra khái niệm “vốn ngân sách nhà nước” và “vốn nhà nước ngoài ngân sách” nhưng không có định nghĩa cụ thể về 2 khái niệm trên; đồng thời các quy định liên quan đến vốn nhà nước, vốn ngân sách nhà nước tại Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013 chưa đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước 2015. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thống nhất 02 khái niệm “vốn ngân sách nhà nước” và “vốn nhà nước ngoài ngân sách” trong Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và Luật Ngân sách nhà nước”
Trả lời: (Tại Công văn số 2029/BXD-HĐXD ngày 16/8/2016 của BXD)
Luật Xây dựng quy định 03 loại nguồn vốn khác nhau không dùng mục đích quản lý, sử dụng vốn. Việc quy định các loại nguồn vốn khác nhau (vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác) để phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn;
Vốn ngân sách được quy định tại Luật Xây dựng là loại vốn ngân sách chi cho đầu tư phát triển được quy định tại Luật Ngân sách;
Vốn nhà nước ngoài ngân sách là vốn nhà nước theo quy định tại Luật Đấu thầu không bao gồm nguồn vốn ngân sách;
Vốn khác là lại nguồn vốn ngoài nhà nước;
Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công quy định về Vốn Đầu tư công theo hướng “Vốn đầu tư công quy định tại Luật này gồm: Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương), vốn đi vay và các nguồn vốn khác của nhà nước nhưng chưa cân đối trong ngân sách nhà nước để đầu tư theo hình thức đầu tư công hoặc đối tác công tư”
75. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Theo Điều 10 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đơn vị chủ trì thẩm định các dự án sửa chữa, cải tạo, bảo trì và nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách là cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư; tuy nhiên, theo quy định tại Điều 30 và 31 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ thì Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì thẩm định các dự án này. Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi thống nhất 02 Nghị định này.
Trả lời: (Tại Công văn số 2027/BXD-HĐXD ngày 16/8/2018 của BXD)
Vấn đề này, Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ, trong đó có nội dung bãi bỏ quy định SởKế hoạch và Đầu tư, cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư cấp huyện, cấp xã là đơn vị chủ trì thẩm định các dự án sửa chữa, cải tạo, bảo trì và nâng cấp được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP.
76. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Cử tri và nhân dân trong tỉnh kiến nghị Nhà nước chú trọng công tác quy hoạch phát triển các đô thị, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lý
Trả lời: (Tại Công văn số 2247/BXD-QHKT ngày 6/9/2017 của BXD)
1. Quy hoạch và phát triển đô thị là lĩnh vực luôn được Nhà nước ta quan tâm, đến nay đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh toàn diện các hoạt động về đầu tư xây dựng và quy hoạch - kiến trúc như: Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Nhà ở 2014 và các Nghị định của Chính phủ: số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị và các Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.Hệ thống quy định về quy hoạch, phát triển đô thị tương đối đầy đủ, góp phần điều chỉnh các hoạt động về quy hoạch, phát triển đô thị trong thực tiễn. Trong những năm qua, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị tại các địa phương đã được quan tâm,đến hết năm 2017 tỷ lệ lập quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Năng lực quản lý, tổ chức thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt của một số cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia đã được nâng cao hơn. Việc đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch được đẩy mạnh hơn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đô thị hóa. Hiện nay, hệ thống đô thị cả nước bao gồm: 819 đô thị, trong đó 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 646 đô thị loại V,tỷ lệ đô thị hóa khoảng 37,8%. Bộ mặt các đô thị ngày càng hiện đại, khang trang hơn, khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong GDP, đóng góp quyết định vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương. Tuy nhiên công tác quy hoạch, phát triển đô thị đã bộc lộ những hạn chế, bất cấp, trong đó có hạn chế như phản ánh của cử tri tỉnh Nam Định. Ngoài ra ở một số địa phương, tiến độ xây dựng các loại quy hoạch xây dựng theo quy định (nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) còn chậm; chất lượng quy hoạch còn hạn chế, chưa đồng bộ;tiến độ lập và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển đô thị còn chậm (mới đạt 30% khối lượng công việc theo yêu cầu), thiếu nguồn lực cho phát triển đô thị, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực dự ánvà kết nối với các khu vực khác thiếu đồng bộ. Tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.
2. Một số giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị
a) Bộ Xây dựng:
Bộ Xây dựng đã trìnhThủ tướng Chính phủ (tờ trình số 41/TTr-BXD ngày 13/9/2018) dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệttrong đó các giải pháp đề xuất như:
- Khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc trong Chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư liên quan bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, đáp ứng được yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập, hoàn thành trong năm 2019.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các Luật, Nghị định liên quan về xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, hoàn thành trong năm 2019.
- Sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới phát triển đô thị, nhà ở bảo đảm yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển, hoàn thành trước năm 2020.
- Xây dựng Đề án “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị” nhằm nghiên cứu, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019.
- Tổ chức lập Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2020-2030; Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và các Chương trình, dự án đầu tư nâng cấp đô thị, tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2020-2025 và các giai đoạn tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở quản lý hiệu quả các nguồn lực của đô thị, hướng tới phát triển đô thị ổn định, bền vững.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chú trọng xây dựng các khung hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị tăng trưởng xanh, công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng và quy định việc thực hiện bắt buộc đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công.Hoàn thành trước năm 2020.
- Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo sự chủ động tối đa cho các địa phương; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đô thị.
- Hoàn thành việc lập cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch trong năm 2019.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm về công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; kiểm tra, rà soát, đánh giá quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch tại các đô thị được nâng loại; mở rộng phạm vi hành chính. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm.
b) UBND các cấp tại địa phương có trách nhiệm quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, phát triển đô thị tuân thủ quy định pháp luật, thực hiện tốt một số nội dung:
- Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng kế hoạch thực hiện sau quy hoạch, kế hoạch và lộ trình cắm mốc chỉ giới xây dựng; quản lý tốt cốt xây dựng, công khai thông tin về quy hoạch, cốt xây dựng theo quy định pháp luật.
- Tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.
77. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Đề nghị tăng cường giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.
Trả lời: (Tại Công văn số 2169/BXD-QLN ngày 22/8/2018 của BXD)
Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội đã ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở, trong đó có đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp (gọi tắt là công nhân).
Theo đó, chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; được địa phương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án; trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp tự lo chỗ ở cho người lao động, nếu đầu tư xây dựng nhà ở, tự mua nhà ở hoặc thuê nhà ở để bố trí cho công nhân lao động của đơn vị mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành thì chi phí mua hoặc thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp... Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có quy định đối với khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở và hạ tầng xã hội cho công nhân (nhà trẻ, trường học,...) thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh, bổ sung quỹ đất trong quy hoạch địa phương để phát triển nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đối với khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành phải bố trí đủ quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở cho công nhân có đầy đủ hạ tầng...
Trong giai đoạn 2009-2016, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội (đặc biệt là từ giữa năm 2013, khi Chính phủ bắt đầu triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội), góp phần giải quyết chỗ ở ổn định cho hàng triệu hộ gia đình chính sách xã hội. Theo báo cáo, trong giai đoạn này, trên cả nước đã hoàn thành 93 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 37.500 căn hộ. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên (một trong những địa phương có số lượng lớn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp) được đánh giá là địa phương tích cực trong việc triển khai phát triển nhà ở xã hội cho công nhân (hiện đã giải quyết được chỗ ở cho hơn 30.000 công nhân trên địa bàn tỉnh).
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở xã hội dành cho công nhân) đang bị chững lại, nhiều dự án chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường hầu như không có. Theo báo cáo, trong giai đoạn này trên cả nước mới có 07 dự án nhà ở xã hội cho công nhân được hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng 3.500 căn hộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội nói trên (nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội còn thiếu và triển khai quá chậm; chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội; chủ đầu tư chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp; cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, ...), trong đó, nguyên nhân chính là do sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016 thì đến nay nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra. Bộ Xây dựng cũng đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri đề nghị khẩn trương bổ sung nguồn vốn ngân sách để triển khai hỗ trợ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2018, ngân sách nhà nước mới bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội; còn các tổ chức tín dụng khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.
Để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân trong giai đoạn 2016-2020 theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, trong đó đề nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2020 và cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội trong năm 2018.
Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ chính quyền địa phương, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Chỉ thị đã yêu cầu các Bộ ngành và chính quyền địa phương phải tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân, huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua, cải thiện chỗ ở.
Ngoài ra, để đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng thiết yếu cho công nhân tại các khu công nghiệp (nhà trẻ, trường học, công trình y tế, văn hóa, giáo dục,…), ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai Đề án này. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang triển khai thực hiện Đề án này tại một số khu công nghiệp, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.
Bộ Xây dựng cho rằng, khi có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và tổ chức thực hiện quyết liệt của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì việc phát triển nhà ở cho công nhân trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh, bảo đảm giải quyết chỗ ở với đầy đủ hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao đời sống của công nhân, trong đó có địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
78. Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị: Côn Đảo là huyện rất xa đất liền, đi lại khỏ khăn; đơn giá xây dựng gấp đôi so với đất liền. Đồ nghị có cơ chế riêng, đặc thù đối với huyện Côn Đảo về vấn đề này
Trả lời: (Tại Công văn số 2269/BXD-KTXD ngày 10/9/2018 của BXD)
Hiện nay, việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng: Thông tư số 05/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 về hướng dẫn xác định đon giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó, tại Điều 36 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã phân cấp cho các Bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập và quản lý định mức cho các công việc chuyên ngành, đặc thù; công bố giá xây dựng áp dụng trên địa bàn, cụ thể:
- Về việc quản lý định mức: các Bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ phương pháp lập định mức dự toán xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tố chức xây dựng và công bố các định mức dự toán xây dựng cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của Bộ, địa phương sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng;
- Về việc quản lý giá xây dựng: ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; công bố giá vật liệu xấy dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng và đơn giá xây dựng công trình phù họp với mặt bằng giá thị trường tại địa phương và kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Với điều kiện đặc thù như tại huyện Côn đảo, ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức rà soát, lập mới các định mức đặc thù, gửi Bộ Xây dựng thỏa thuận trước khi công bố; đồng thời tổ chức khảo sát giá vật liệu, nhân công, máy thi công trên địa bàn huyện, tính toán vá công bố giá đến chân công trình, làm cơ sở áp dụng lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật
79. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Đề nghị sớm triền khai ímg dụng các kêt quả nghiên cứu các phương pháp lọc nước an toàn đủng tiêu chuẩn đê tải sủ dụng trong sinh hoạt của người dân này trong đời sống xã hội để giảm tác động xấu từ việc khai thác quá mức nguôn nước ngâm, gây sụt, lún nghiêm trọng tại một so địa phương trong thời gian qua
Trả lời: (Tại Công văn số 2525/BKHCN-XNT ngày 15/8/2018 của BKHCN)
Trong những năm qua, do việc gia tăng nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế và phục vụ sinh hoạt dẫn đến yêu cầu cấp bách trong việc giải quyết cần băng nguồn nước (cung - cầu) bằng các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật - công nghệ và quản lý trong khai thác, sử dụng và tái sử dụng nước. Để giải quyết vấn đề nêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc đồng thời của các Bộ/ngành địa phương (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương trọng điếm về khan hiếm nước như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, các tỉnh ven biên và miền núi cao...). Trong điều kiện nguồn lực có hạn, để úng phó hiệu quả với nhũng khó khăn, thách thức nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang tích cực, chủ động triến khai các nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu đề xuất các mô hỉnh, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ phát triển bền vũng nguồn nước phù hợp tại các vùng khan hiếm nước; (2) Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lọc nước an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành để phục vụ yêu câu tái sử dụns trong sinh hoạt của người dân. Cụ thể như sau:
1.1. về kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đã triến khai (trọng tâm về nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ phát triển bền vững nguồn nước phù họp tại các vùng khan hiếm nước):
Tại Quyết định số 264/QĐ-TTg ngày 02/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình điều ra, tìm kiếm nguồn nưó'c dưới đất đế cung cấp nước sinh hoạt cho các vùng khan hiếm nước gồm 03 dự án: (1) Dự án 1 “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưó'i đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” (giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện); (2) Dự án 2: “Nghiên cứu ứng dụng
công nghệ xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” (giao Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện); (3) Dự án 3: “Xây dựng thí điêm hệ thông câp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiêrn nước” (giao Bộ Nông nghiệp và Phát triến Nông thôn chủ trì thực hiện). Đe triến khai nhiệm vụ nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tiếp nhận các cơ sở dữ liệu về vùng khan hiếm nước, tố chức các nhiệm vụ nghiên cứu nghiên cứu úng dụng công nghệ trong xử lý và cấp nước sạch thích họp với điều kiện thực tế, tùng bước chuyển giao kết quả để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dụng thí điếm hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 06 đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia giao trực tiếp cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thực hiện từ năm 2015. Cho đến nay, kết quả đạt được đã khẳng định sẽ đóng góp cho các địa phưong nhằm hướng tới việc giải quyết các yêu cầu cấp bách tại vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Cụ thể như sau:
- Về nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ phát triến bền vững nguồn nước Karst phục vụ cấp nước sinh hoạt tại các vùng núi cao, khan hiếm nưóc khu vực Bắc Bộ
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
+ Đã đưa ra phương pháp tìm kiếm, khai thác, sử dụng nước ngầm trong các thành tạo karst, mô hình và công khai thác và bảo vệ có hiệu quả hon phục vụ phát triến kinh tế - xã hội, đặc biệt những vùng khan hiếm nước ỏ' miền núi.
+ Giúp chính quyền địa phương biết được tiềm năng nguồn nước karst của địa phương, từ đó địa phương có kế hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước lcarst.
+ Sau khi hoàn thành có thể nhân rộng các mô hình, giải pháp của đề tài ra các tỉnh khác trên toàn quốc.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Đã xây dựng mô hình khai thác nguồn nước karst mạch lộ (xây dựng tại bản Pa Kha 3, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) nhằm: (1) cấp nước sinh hoạt cho 93 hộ dân với dân số hưởng lợi là 560 người; (2) Nguồn nước sạch, nước đảm bảo vệ sinh phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho người dân; (3) Giúp cho bản Pa Kha 3 giải quyết hoàn toàn khó khăn về nước ăn uống, sinh hoạt.
+ Đã Mô hình khai thác nguồn nưó'c lcarst ngầm (xây dựng tại xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nhằm: (1) cấp nước sinh hoạt cho 50 hộ dân và 05 trụ sở cơ quan làm việc của huyện Hà Quảng và xã Xuân Hòa với dân sô hưởng lợi là 350 người; (2) Nguồn nước sạch, nước đảm bảo vệ sinh phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho người dân; (3) Sử dụng Pin năng lượng mặt trời đê chạy máy bơm, tiêt kiệm điện nên người dân đỡ phải đóng góp kinh phí khi sử dụng nước; (4) Giúp cho địa phưong giải quyết một phần khó khăn về nước ăn uống, sinh hoạt.
- Về nghiên cứu đề xuất mô hình khai thác bền vững thấu kính nưóc nhạt trong các cồn cát ven biến phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm nước khu vực Bắc Trung Bộ
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
+ Công nghệ khai thác đáp úng đầy đủ các yếu tố về tính kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực; đảm bảo hoạt động bền vũng lâu dài trên cơ sở đảm bảo ổn định và cân bằng sinh thái (ổn định chất lượng nước cấp, quá trình khai thác không gây tác động xấu cho tầng chứa NDĐ cũng như sự sụt giảm hoặc mất cân bằng cho nguồn nước).
+ Cho phép khai thác ốn định nguồn nước nhạt thấu kính trong các cồn cát là đối tượng khá nhạy cảm với sự biến đổi của khí hậu, nước biển dâng, chất lưcmg phụ thuộc vào điều kiện khai thác và các hoạt động dân sinh, sản xuất trong khu vực..., và định hướng cho việc sử dụng nguồn tài nguyên nước dưới đất có khả năng phục hồi để giải quyết nguồn cấp cho các khu vực khó khăn và khan hiếm nước khu vực dải ven biển Miền trung.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Mô hình (MH1) công trình thu nước dạng Giếng tia cấp nước sinh hoạt thôn Hòa lạc, Quyết Thắng, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Lưu lượng Thiết kế Q= 7,6m3/h (quy mô theo kinh phí đề tài cấp) đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt khoảng 150 hộ/750 nhân khẩu đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước theo QC02/BYT.
+ Mô hình (MH2) công trình thu nước dạng Giếng đứng kết hợp hệ thong thu nước nằm ngang cấp nước sinh hoạt thôn cấm Phổ, xã Gio Mỹ huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Lun lượng Thiết kế Q= 7,6m3/h (quy mô theo kinh phí đề tài cấp) đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt khoảng 150 hộ/750 nhân khẩu đảm bảo cấp nước theo tiêu chuẩn QC02/BYT.
- Về nghiên cứu xâv dựng mô hình thu và lưu giữ nước phục vụ cấp nước sạch hiệu quả cho vùng khô hạn khan hiếm nước Ninh Thuận - Bình Thuận
Đổi vói kinh tế - xã hội và môi trường
+ Đập ngầm theo kết quả nghiên cúư của đề tài có giá thành (tính theo m2
chắn nước) thấp bằng 25% so với đập bằng bê tông cốt thép đã làm ở Ninh Thuận.
+ Mô hình đập ngầm đã làm trong đề tài đã bảo đảm cho nhà máy nước Mỹ Thạnh hoạt động đủ công suất, khắc phục tình trạng phải dừng hoạt động trong 3 tháng mùa khô như trước đây.
+ Việc xây dựng các đập dâng nước ngầm, thu giữ nước ngầm và các công trình làm giảm dòng chảy mặt, tăng dòng chảy ngầm nhằm phục hồi sinh thái và phòng chông sa mạc. Khi trữ được nước thì thảm phủ được hồi phục bằng nhiều kiếu phủ xanh khác nhau. Đồng thòi, khuyến khích ngưòi dân canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên vùng đất khô hạn; từ sản xuất Olvụ/năm tăng lên 03vụ/năm, làm tăng sản lượng cây trồng và giảm nguy co mất mùa (vì giảm sự phụ thuộc vào chu kỳ thòi tiết và biến đổi khí hậu); cải thiện an ninh lương thực, bảo vệ đất chống xói mòn, sử dụng nguồn nước tự nhiên một cách tốt nhất, đẩy mạnh việc tái trồng rừng và góp phần cải thiện chế độ thủy văn lưu vực (giảm lun lượng đỉnh lũ, tăng dòng chảy mùa kiệt, tăng trữ lượng nước ngầm). Quan trọng hơn cả là góp phần giảm thiệt hại đến mức thấp nhất các tác động của biến đôi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Đã đề xuât sáng chế “Hệ thống thu nước mưa trên mái đồi để bố sung nhân tạo nước dưới đất”, đã áp dụng mô hình thử nghiệm tại thôn 2, xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đã xây dựng thành quy trình thiết kế và thi công để có thể chuyển giao cho các công trình tương tự ỏ' Nam Trung Bộ cũng như ở vùng khác trên đất nước.
+ Lần đầu tiên xây dựng một đập ngầm có quy mô lớn, chiều dài 370m, chiều sâu đến 6 ~9m trong tầng trầm tích cuội sỏi, đá lăn. Đảm bảo ổn định mực nước cho các giếng khai thác của nhà máy nước Mỹ Thạnh (công suất 80 m3/ngày) hoạt động ổn định suốt mùa khô 2018, không bị dừng 3 tháng như những năm trước đây.
+ Bên cạnh đó đã xây dựng hướng dẫn lựa chọn công nghệ/vật liệu, định mức đon giá sơ bộ để làm đập ngầm trong các điều kiện địa chất, địa chất thủy văn khác nhau và các điều lciệc cụ thể để có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao (hiệu quả chắn giữ nước, giá thành hạ, thi công nhanh, thiết bị thi công thông dụng).
- Về nghiên cứu đề xuất các mô hình thu gom khai thác bền vững nguồn nước mạch lộ phục vụ cấp nước sạch cho các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước khu vực Tây Nguyên
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
+ Đã đề xuất được những giải pháp thích hợp để khai thác và bảo vệ bền vững mạch lộ. Các giải pháp công nghệ được đề xuất theo hướng đảm bảo hiệu quả về kỹ thuật, kinh tể thân thiện với môi trường, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình, là tiền đê đê phát triên kinh tế xã hội của khu vực một cách bền vững.
+ Đã đề xuất được những giải pháp thích hợp để khai thác và bảo vệ bền vừng mạch lộ, góp phần ổn định cho các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Bên cạnh đó, cũng góp phần tích cực vào giảm thiểu những tổn thương về môi trường tự nhiên và xã hội. Đảm bảo cuộc sống cho những vùng sâu vùng khan hiếm nước trên địa bàn Tây Nguyên.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Đã xây dựng được bản đồ và số liệu hiện trạng các mạch lộ, bản đồ định hướng khai thác và bảo vệ các mạch lộ.
+ Đề xuất được 10 loại mô hình thu gom, khai thác bền vừng nguồn nưóc mạch lộ.
về nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ nguồn nước trong các thành tạo bazant phục vụ cấp nước sinh hoạt bền vững tại các vùng núi cao, khan hiếm nước khu vực Tây Nguyên
Đối vói kinh tế - xã hội và môi trường
+ Đã Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quy hoạch tìm kiếm khai thác và lưu giữ nước dưới đất, đồng thời xác định được nguyên nhân và có giải pháp đối với các công trình khai thác nước dưới đất kém hiệu quả vùng Tây Nguyên.
+ Hoàn thiện, chi tiết và cụ thể bản đồ tiềm năng nguồn nước dưới đất khu vực Tây nguyên và tại tỉnh Đắk Nông và Gia Lai làm cơ sở cho việc khai thác và sử dụng các nguồn nước này phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
+ Góp phần tăng cường nhận thức của người dân bản địa về việc khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất;
+ Góp phần thúc đẩy sự phát triển các chuyên ngành liên quan. Cụ thế là làm giàu thêm, mở rộng ứng dụng của chuyên ngành địa vật lý, địa chất thủy văn, tài nguyên nước, công trình, thủy lợi trong việc thăm dò tìm kiếm nước, phát triến công nghệ mới trong tìm kiếm, khai thác, bố cập giữ nước ở những vùng có điều kiện địa chất- tự nhiên tương tự như vùng nghiên cứu.
+ Tăng cưcrng, bố sung cơ sở dữ liệu khoa học về nguồn tài nguyên nước dưới đất cho nhiều ngành khoa học liên quan.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
Giải quyết vấn đề khan hiếm hiếm nước tại trường tiểu học Nguyễn Du, Iabang, Chư Prông, Gia Lai và bon R’Bút, xà Quảng Sơn, Đăk Giong, Đăk Nông. Đồng thời với mô hình thí điềm này vừa đảm bảo khai thác nước, vừa bố cập, bảo vệ nguồn nước dưới đất tại địa phương.
- Về nghiên cứu công nghệ và giải pháp kỹ thuật để xử lý các giếng khoan có hiệu suất thấp và mực nưóc động nằm sâu phục vụ cấp nưóc sạch bền vũng cho vùng khan hiếm nước khu vực Nam Bộ
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
+ Việc xây dựng được các bản đồ về hiện trạng và hiệu quả các giêng khoan khai thác nước ngầm các tỉnh khan hiếm nước trên toàn khu vực Nam Bộ cho người quản lý có cái nhìn toàn cảnh về thực trạng khai thác nước ngâm ở ĐBSCL về lưu lượng khai thác, tầng khai thác, hình thức - kết cấu các giếng khai thác,...
+ Đã tìm ra một phần nguyên nhân của việc suy thoái các giêng khoan ỏ' vùng khan hiếm nước (giếng có tầng khai thác nằm sâu) là kết cấu hiện tài các giếng khoan đang áp dụng chưa phù hợp, chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.
+ Việc sử dụng các máy khoan cải tiến có thể khoan sâu với đưò'ng kính lỗ khoan vừa và nhỏ đã giúp cho các vùng khó khăn về nguồn nước có đưọ'c nước sinh hoạt họp vệ sinh.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Đã xây dựng được bản đồ tỷ lệ 1/200.000 về hiện trạng và hiệu quả các giếng khoan khai thác nước ngầm các tỉnh khan hiếm nưó’c trên toàn khu vực Nam Bộ (12 tỉnh) mà từ trước tới nay chưa có.
+ Đã xây dựng đưọc bản đồ tỷ lệ 1/50.000 chi tiết ho'n về hiện trạng và hiệu quả các giếng khoan khai thác nước ngầm vùng điển hình khan hiếm nước khu vực Nam Bộ mà từ trước tới nay chưa có.
+ Đã đưa ra giải pháp kết cấu lỗ khoan phù họp cho các vùng khan hiếm nước (có tầng khai thác nước rất sâu, trên 200m) khu vực địa chất có thành tạo bở rời (vùng ĐBSCL) có cải tiến so với kết cấu các lỗ khoan hiện tại.
+ Đã đưa ra mô hình khoan, công nghệ khoan cải tiến từ các máy khoan trên thị trường thích họp cho vùng ĐBSCL, có thể tháo lắp dễ dàng để vận chuyển bằng thuyền - ghe nhỏ, có thể khoan đến độ sâu 500m cho các vùng khan hiếm nước.
+ Đã đưa ra giải pháp xử lý lỗ khoan bị suy thoái nguồn nước khu vực địa chất có đá cứng nức nẻ (vùng Đông Nam bộ).
1.2. Các nhiệm vụ dự kiến triển khai trong thòi gian tói (trọng tâm về hướng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lọc nưóc an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành để phục vụ yêu cầu tái sử dụng trong sinh hoạt của ngưòi dân)
Trong khuôn khố Hiệp định họp tác về khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức (được kỷ kết ngày 25/11/2015 tại Berlin), Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối họp với Bộ Liên bang về giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF) xây dựng Dự án hợp tác “Các giải pháp tích hợp cho sự phát triên bên vững khu vực Đồng băng sông Cỉeu Long đất, nước và năng lượng và khí hậu ” nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn mà Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt do tác động của biến đổi khí hậu cùng việc khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Đông băng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng ven biến trong những năm gần đây. Các tác động chính như: Xâm nhập mặn ngày càng sâu; Diễn biến lũ về hàng năm không theo quy luật; Thiếu nguồn nước ngọt cung cấp cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ; Lượng phù sa và dinh dưỡng giảm sụt mạnh; Xói lở bờ biển diễn biến hết sức phức tạp; Mực nước ngầm giảm sụt nghiêm trọng, đồng thời sụt lún đất diễn biến ra tăng trên diện rộng; ồ nhiễm môi trường cũng gia tăng, đe dọa đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thống nhất hợp tác với Bộ BMBF tập trung vào định hướng nghiên cứu của 03 trụ cột chính đó là: (1) Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất và nước cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; (2) Công nghệ vê nước và năng lượng; (3) Dịch vụ nước và môi trường. Hiện nay, các CO’ quan, đon vị nghiên CÚ11 và các nhà khoa học của Công hòa Liên bang Đức và Việt Nam (Bộ/ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) đang nỗ lực hoàn thiện các nội dung nghiên cứu để bắt đầu có thể triển khai thực hiện từ năm 2018. Trong đó, có nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lọc nước an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành để phục vụ yêu cầu tái sử dụng trong sinh hoạt của người dân. Cụ thể là:
Nhiệm vụ “Nghicn cứu xây dựng mô hình thí điểm cấp nước ăn uống công nghệ tiên tiến với chi phí thấp tại vùng khan hiếm nước ở đồng bằng sông Cửu Long” có định hướng mục tiêu và dự kiến sản phấm như sau:
Định hướng mục tiêu: (1) Đánh giá được hiện trạng chất lượng nguồn nước tại những vùng khan hiếm nước trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu, hướng trọng tâm là nguồn nước bị nhiễm mặn, nước phèn và nước có hàm lượng chất hữu cơ cao (nguồn nước kênh rạch) tại các vùng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long; (2) Trên cơ sở các công nghệ đã được xây dựng ở Cộng hòa Liên bang Đức, phát triển và ứng dụng thành công mô hình công nghệ tiên tiến phù họp vói đối tượng và chất lượng nước theo quy mô cấp nước phân tán, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước uống trực tiếp (theo QCVN được áp dụng) cho người dân tại vùng khan hiếm nước và phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; (3) Phối họp thực hiện thí điểm và chuyến giao thành công mô hình này cho một doanh nghiệp/đơn vị quản lý phù hợp (đánh giá, thử nghiệm, tiếp nhận vận hành).
Dự kiến sản phẩm: (1) Mỏ hình công nghệ tiên tiến phù họp vói các đối tượng là nguồn nước bị nhiễm mặn, nước phèn, ô nhiễm hữu cơ tại các khu vực khan hiếm nước; đồng thời kiếm soát đưẹrc chất lượng nước theo quy mô cấp nước phân tán. Công suất: Theo modul, khoảng 150 L/h; có khả năng thay thế, rửa vật liệu lọc, vận hành on định, bền vũng, lâu dài; (2) Chất lượng nước sau xử lý là nước uống trực tiếp theo QCVN hiện hành. Giá thành giá thành chấp nhận được với điều kiện kinh tế nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long; ( 3) 04 mô hình dịch vụ cấp nưó'c ăn uống phân tán cho khu vực nghiên cứu (vùng nguồn nước bị nhiễm mặn, nguồn nước phèn, nguồn nước ô nhiễm hữu cơ và nguồn nước bị tác động đồng thời cả hai yếu tố); (4) 04 Báo cáo kết quả triển khai thí điểm mô hình dịch vụ cấp nước (báo cáo của từng mô hình và 01 báo cáo chung trong đó đề xuất các giải pháp bền vững về cung cấp dịch vụ cấp nước ăn uống cho người dân tại các khu vực khan hiếm nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.
80. Cử tri tỉnh tĩnh Quảng Ngãi kiến nghị: Hướng dân xây dựng định mức kinh tê - kỹ thuật đôi vói các đơn vị sự nghiệp công lập: Đê nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu ban hành quy định hướng dẫn về định mức kinh tể - kỹ thuật từng ngành để làm cơ sở cho các cơ quan câp tỉnh xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của từng đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó xác định giả dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định ì6/20ỉ5/NĐ-CP ngày ỉ4/02/20í5 của Chỉnh phủ quy định cơ chê tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
Trả lời: (Tại Công văn số 2525/BKHCN-XNT ngày 15/8/2018 của Bộ KHCN)
Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã lấy đổi mới hệ thống, tố chức KH&CN, đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công (KH&CN) nghệ làm trọng tâm thông qua việc chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 về việc quy định cơ chế tự chủ của tố chức KH&CN công lập trong đó có nhiều quy định mới về xác định và phân loại tổ chức KH&CN công lập để giao quyền tự chủ theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư của tổ chức KH&CN công lập; cho phép tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp hoặc chuyển thành doanh nghiệp; điều chỉnh một số quy định để cơ chế tự chủ đồng bộ với các quy định lchác có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Đất đai...Ngày 12/01/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 54/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chú trọng về đầu tư và cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động KH&CN và đã có những đối mới cơ bản, toàn diện từ khâu đề xuất cơ cấu và dự toán chi, nội dung và định mức chi, giao dự toán, cấp phát, thực hiện và giám sát chi đến thủ tục thanh quyết toán theo hướng: Phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN theo hướng căn cứ vào kết quả, hiệu quả sử dụng kinh phí KH&CN của bộ, ngành, địa phương; giao quyền đề xuất CO' cấu chi và dự toán chi cho cơ quan quản lý KH&CN các cấp, giảm bót thủ tục, nâng cao trách nhiệm và quyền tự chủ về tài chính cho đon vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN, bô sung và nâng cao định mức chi, áp dụng phương thức cấp phát kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông qua quỹ phát triển KH&CN, kinh phí chi thưòng xuyên (lương và hoạt động bộ máy) của các tổ chức công lập được giao thông qua các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng do cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng, thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và khoán chi từng phần đối với nhiệm vụ KH&CN; Nhà nước mua kết quả nghiên cứu, hình thành cơ chế đầu tư đặc biệt đối với một số nhiệm vụ KH&CN đặc biệt, khuyến khích các tổ chức và cá nhân trích lập quỳ phát triển KH&CN (băt buộc đối với doanh nghiệp nhà nước) và chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN để tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN... Bên cạnh đó, đã hình thành các kênh tài chính hỗ trợ cho hoạt động KH&CN của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thông qua hệ thống các quỹ quốc gia về KH&CN: Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (2008) tài trợ cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (2011) hồ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Hoạt động quản lý Quỹ phát triển KH&CN quốc gia đã dần tiếp cận được với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Liên quan trực tiếp đến kiến nghị của cử tri về hướng dẫn xây dụng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các đon vị sự nghiệp công lập, Bộ Khoa học có ý kiến như sau:
- Về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ (Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Khoản 3 Điều 2 Quyết định 2099/QĐ-TTg có quy định: “'Ngoài các danh mục dịch vụ sự nghiệp công ban hành kèm theo Quyết định này, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phổ trực thuộc trung ưong quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của địa phươngCăn cứ theo quy định nêu trên, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, An Giang, Bình Định, Sơn La, ... đã ban hành Quyết định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ủy ban nhân dân tỉnh Quãng Ngãi vẫn chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại địa phương mình. Vì vậy, để triển khai các nhiệm vụ khác được giao tại khoản 6 Điều 22 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đon vị sự nghiệp công lập, đê nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi trình Uy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm b khoản 3 Điều 22 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đon vị sự nghiệp công lập “Ban hành theo thấm quyền định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp Công” Bộ Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực khoa học vả công nghệ.
Trong thời gian qua, công tác xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của ngành đều do các đơn vị thuộc Bộ, các Tổng cục, Cục chuyên ngành triển khai xây dựng. Hiện tại, số lượng các định mức đã được ban hành rất ít; định mức đưọ'c xây dựng riêng lẻ, chưa đồng bộ và hệ thống theo ngành, lĩnh vực do Bộ quán lý. Các định mức trước đây được xây dựng nên chưa có một phương pháp chung, nhất quán, chưa bảo đảm được tính thống nhất, tổng thể trong quá trình xây dựng và áp dụng trên thực tiễn.
Để xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ một cách đồng bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tuần tự các bước sau đây trước khi xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng dịch vụ sự nghiệp công gồm: (1) Rà soát, xây dựng danh mục các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cần xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; (2) Thống nhất phương pháp luận về việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng dịch vụ sự nghiệp công; (3) Kế hoạch xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
81. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Câu số 1).
Trả lời: Tại công văn số 3424/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018
Việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai từ năm 2015 ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Qua 6 lần dự thảo và trình Chính phủ lần thứ 6 vào tháng 3/2018 (Tờ trình số 62/TTr-BVHTTDL ngày 23/3/2018), dự thảo Nghị định vẫn còn ý kiến khác nhau. Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và tiếp tục tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ xem xét, ban hành.
82. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị quan tâm đến việc xây dựng tượng đài chiến thắng sông Bờ (Câu số 2).
Trả lời: Tại công văn số 3873/BVHTTDL-VP ngày 27/8/2018
Di tích Chiến thắng Đường 7 - sông Bờ thuộc xã Ia R'to, huyện A YunPa, tỉnh Gia Lai đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTT ngày 28/12/2001. Năm 2017, thông qua Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm Chiến thắng Đường 7 - sông Bờ 300 triệu đồng.
Nếu được xây dựng trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, việc xây dựng tượng đài chiến thắng sông Bờ cần tuân thủ theo các quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009, Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020, Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật và các quy định có liên quan đến xây dựng tượng đài.
Việc quyết định xây dựng tượng đài chiến thắng sông Bờ thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai. Khi dự án xây dựng tượng đài được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phê duyệt, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp về mặt chuyên môn thực hiện công trình tượng đài đảm bảo kỹ, mỹ thuật và bảo vệ di tích phù hợp với cảnh quan, môi trường của di tích.
83. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái thác Vũ Môn, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Trả lời: Tại công văn số 3422/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018
Khu du lịch sinh thái thác Vũ Môn, Hương Khê, Hà Tĩnh là khu du lịch cấp địa phương. Theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, khu du lịch này do địa phương tổ chức, quản lý và kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển. Đây là nơi có tiềm năng để phát triển du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ và hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thúc đẩy phát triển về du lịch của khu vực này, khi địa phương đề xuất những nội dung phù hợp với các quy định của pháp luật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp để trả lời cử tri tỉnh Hà Tĩnh.
84. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành tham mưu ban hành quy định hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật từng ngành để làm cơ sở cho các cơ quan cấp tỉnh xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó xác định giá dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập .
Trả lời: Tại công văn số 3425/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018
Ngày 11/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1992/QĐ-TTg ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch gồm có 53 loại hình dịch vụ công (trong đó, ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí thực hiện dịch vụ gồm có 34 dịch vụ, ngân sách nhà nước bảo đảm phần chi phí thực hiện dịch vụ chưa tính vào giá theo lộ trình tính giá gồm có 19 dịch vụ) theo các nhóm lĩnh vực cụ thể sau đây:
a) Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về lĩnh vực văn hóa, gồm 27 dịch vụ;
b) Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về lĩnh vực gia đình gồm 03 dịch vụ;
c) Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về lĩnh vực thể dục thể thao gồm 07 dịch vụ;
d) Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về lĩnh vực du lịch gồm 03 dịch vụ;
đ) Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước khác trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, gồm 13 dịch vụ: đào tạo; khoa học, công nghệ và môi trường; hợp tác quốc tế; xuất bản, phát hành và các dịch vụ khác.
Triển khai thực hiện Quyết định số 1992/QĐ-TTg ngày 11/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ theo lĩnh vực quản lý của đơn vị khẩn trương xây dựng văn bản quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật, khung giá và giá các loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Một số văn bản đã được dự thảo, đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan như: Quy định, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn khung giá và giá đối với các dịch vụ tổ chức triển lãm, thi, liên hoan tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị; hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập; giám định quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức các sự kiện của Việt Nam và quốc tế liên quan đến lĩnh vực gia đình; hỗ trợ các hoạt động của các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình; cung cấp các sản phẩm truyền thông về giáo dục đời sống, đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình.
Một số dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch đã có văn bản hướng dẫn, điều chỉnh (01 Luật, 05 Nghị định của Chính phủ, 09 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 58 Thông tư và Thông tư liên tịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các Bộ, ngành có liên quan) như: Về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; tổ chức thi, liên hoan văn nghệ quần chúng; hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với Đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện; hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí; tổ chức và hoạt động của bảo tàng; quy hoạch, xếp hạng, tu bổ, phục hồi, kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; công tác thăm dò, thẩm định, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách Nhà nước; hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan; chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao; chương trình hành động quốc gia về du lịch…
85. Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Đề nghị Chính phủ hỗ trợ và ủng hộ tỉnh Vĩnh Phúc thu hút dự án xây dựng trường đua và vận hành thương mại trường đua ngựa quốc tế và các công trình thể thao giải trí, dịch vụ có liên quan tại Vĩnh Phúc (Câu số 1).
Trả lời: Tại công văn số 3423/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ chủ trương xây dựng trường đua và các công trình thể thao giải trí tại Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, kinh doanh đặt cược là hoạt động kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích phát triển, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm tuân thủ đúng Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cần lập dự án chi tiết, xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp để trả lời cử tri tỉnh Vĩnh Phúc.
86. Cử tri Gia Lai phản ánh: Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực thông tin - truyền thông.
Trả lời: Tại công văn số /BTTTT-VP ngày 15/8/2018
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ TTTT đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TTTT. Dự thảo Nghị định được xây dựng trên tinh thần quán triệt thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 26/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được các Thành viên Chính phủ thông qua và Bộ TTTT đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Tuy nhiên, ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo Nghị định có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế, Bộ TTTT đang nghiên cứu, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu trên vào dự thảo Nghị định và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định trong thời gian sớm nhất.
87. Cử tri Hà Nội phản ánh: Cử tri phản ánh có sự khác biệt về chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin được thành lập theo Quyết định của Thủ trướng Chính phủ và doanh nghiệp công nghệ thông tin được thành lập theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh các quy định về chính sách ưu đãi đối với các khu công nghệ thông tin tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh bình đẳng.
Trả lời: Tại công văn số /BTTTT-VP ngày 15/8/2018
1. Về ý kiến phản ánh sự khác biệt về chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ và doanh nghiệp CNTT được thành lập theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013: Theo quy định thì doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật có liên quan, không tồn tại loại hình doanh nghiệp được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc được thành lập theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ.
2. Về kiến nghị điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với các khu CNTT tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh bình đẳng.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013, thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu CNTT tập trung được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn 04 năm, giảm 50% trong 09 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh doanh thu. Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 51 của Luật Công nghệ thông tin, doanh nghiệp trong Khu CNTT tập trung cũng được hưởng các chính sách ưu đãi tương tự như doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về Khu CNTT tập trung thì Khu CNTT tập trung không chỉ được hình thành theo Quyết định thành lập, Quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ mà còn được hình thành theo Quyết định công nhận của Bộ TTTT. Ngày 01/01/2014, Nghị định số 154/2013/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành, các Khu CNTT tập trung được Bộ TTTT công nhận trước ngày 01/01/2014 sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về Khu CNTT tập trung.
Như vậy, các quy định pháp luật về Khu CNTT tập trung trong các văn bản hiện nay còn chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Về vấn đề này, Bộ TTTT đã có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
88. Cử tri Quảng Ngãi kiến nghị: Hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu ban hành quy định hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật từng ngành để làm cơ sở cho các cơ quan cấp tỉnh xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó xác định giá dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập).
Trả lời: Tại công văn số /BTTTT-VP ngày 15/8/2018
Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Bộ TTTT đã ban hành Kế hoạch xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực TTTT, gồm:
- Quyết định số 1327/QĐ-BTTTT ngày 12/8/2015 phê duyệt Danh mục dự án định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực TTTT giai đoạn 2015-2016 gồm 27 dự án định mức kinh tế - kỹ thuật.
- Quyết định số 1558/QĐ-BTTTT ngày 15/9/2017 phê duyệt Kế hoạch xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật giai đoạn 2017-2020 gồm 33 dự án định mức kinh tế - kỹ thuật.
Đến hết Quý II/2018, Bộ TTTT đã hoàn thành xây dựng và ban hành được 06/60 định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020; gồm: Định mức tạm thời về truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình hạ tầng truyền hình số mặt đất; định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước; định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin; định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm tra, đánh giá hệ thống chứng thực chữ ký số; định mức kinh tế - kỹ thuật về đo kiểm trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình; định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình.
Công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật là công việc thường xuyên, hằng năm của Bộ TTTT, các nội dung công việc cần tiến hành thận trọng để đảm bảo tính khả thi, sát với thực tiễn, tránh lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước. Hiện nay, Bộ TTTT đã giao nhiệm vụ và đang đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương triển khai theo kế hoạch đã được ban hành. Vì vậy, đề nghị các địa phương căn cứ các định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực TTTT để áp dụng và xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách phù hợp với thực tế của địa phương.
89. Cử tri tỉnh Quảng Trị, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Nhiều ý kiến cử tri không đồng tình với việc lợi dụng dân chủ, yêu nước để tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự và đập phá tài sản nhà nước ở một số địa phương trong thời gian qua. Cử tri cho rằng, sự việc xảy ra ngoài yếu tố cố ý kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, công tác thông tin, truyền thông, định hướng dư luận của cơ quan chức năng chưa được thực hiện tốt, dẫn đến việc nắm bắt thông tin và hiểu biết của dư luận xã hội bị sai lệch. Cử tri kiến nghị các cơ quan hữu quan cần thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông đối với các vấn đề nhạy cảm dễ dẫn đến ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Trả lời: Tại công văn số /BTTTT-VP ngày 15/8/2018
Thời gian qua, khi Nhà nước xem xét một số cơ chế chính sách hoặc xử lý một số nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, công dân, đã có tình trạng kẻ xấu lợi dụng dân chủ, kích động, dẫn đến việc người dân tổ chức tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản nhà nước.
Một trong những nguyên nhân của tình hình trên là do việc thông tin, tuyên truyền đối với nội dung của 2 dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng chưa được quan tâm đúng mức. Ví dụ như, nội dung cho thuê đất đến 99 năm chỉ đối với một số trường hợp và phải được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với quy trình chặt chẽ; tuy nhiên người dân lại không nắm rõ về thông tin này, hoặc khi Luật An ninh mạng thông qua sẽ hạn chế quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận…
Theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Quyết định số 144-QĐ/TW ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan có vai trò định hướng, chỉ đạo thông tin, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, Bên cạnh đó khi có vấn đề phức tạp xảy ra, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TTTT sẽ cùng Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai thực hiện theo quan điểm, định hướng Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra.
Chính vì vậy khi xảy ra vụ việc, Bộ TTTT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công an bám sát định hướng, thực hiện nhiều giải nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền và ứng phó với các tình huống khẩn cấp góp phần ổn định chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội như:
- Thực hiện việc điểm báo hàng ngày, theo dõi thông tin trên báo in và báo điện tử phản ánh về vụ việc trên giúp nắm thông tin, phát hiện ra các vấn đề (nếu có) để kịp thời chấn chỉnh và đề xuất phương án giải quyết nhằm đảm bảo thông tin báo chí có hiệu quả cao trong việc ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin đấu tranh phản bác âm mưu của các thế lực thù địch kích động người dân; kêu gọi người dân cảnh giác, không tham gia tụ tập, gây mất trật tự an toàn xã hội; báo chí thông tin không đưa hình ảnh miêu tả đập phá, tấn công lực lượng chức năng như hình thức phô trương thành tích.
- Ban hành văn bản số 195/BTTTT-CBC ngày 14/6/2018 yêu cầu các cơ quan báo chí: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí và định hướng thông tin của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; Tăng cường thông tin về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt để lấn át thông tin xấu, khi thông tin về những vấn đề nóng, nhạy cảm, cần đảm bảo tính định hướng, tính xây dựng, góp phần ổn định và từ đó không làm nóng thêm tình hình. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật, cố tình phá hoại, gây rối trật tự công cộng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội như trong những ngày vừa qua, cần có các bài viết phê phán, lên án mạnh mẽ, các âm mưu, thủ đoạn, đối tượng cầm đầu; đồng thời có các bài viết giải thích, làm rõ những vấn đề người dân còn bức xúc, chưa hiểu để người dân có được thông tin chính xác, từ đó hiểu và chia sẻ, tạo sự đồng thuận, sớm giúp người dân, địa phương ổn định cuộc sống lao động, học tập;
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, định hướng báo chí trong việc tuyên truyền, đấu tranh phản bác âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; rà soát, theo dõi thông tin trên báo chí để chấn chỉnh và xử lý vi phạm nếu có, nâng cao hiệu quả thông tin báo chí trong việc ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội; qua đó, phát huy trí tuệ, tạo được sự ủng hộ của toàn dân và dư luận xã hội; kiên quyết không để các thế lực thù địch, cơ hội, phản động lợi dụng sơ hở, xuyên tạc, gây nhiễu dư luận xã hội, kích động biểu tình, gây rối, chống phá chính quyền.
Đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin chính xác cho báo chí về những vấn đề liên quan để cơ quan báo chí thông tin, giải thích rõ các vấn đề người dân còn bức xúc, chưa hiểu rõ, tạo sự đồng thuận, sớm ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các địa phương cần chủ động nắm và dự báo tình hình tại địa phương mình để có những đề xuất cụ thể về những vấn đề phức tạp cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành. Khi có những vấn đề nhạy cảm xảy ra cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông để cung cấp, định hướng thông tin báo chí.
90. Cử tri TP.Hồ Chí Minh kiến nghị: trong thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Cử tri đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường công tác đấu tranh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm mang tính răn đe;
Cử tri Phú Yên phản ánh: công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng chưa đảm bảo. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên, bảo đảm an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe của người dân”.
Trả lời: Tại Công văn số: 4515/BYT-VPB1 ngày 07/8/2018
1. Về tăng cường công tác đấu tranh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm mang tính răn đe.
Luật an toàn thực phẩm đã quy định rõ trách nhiệm trước pháp luật của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm về chất lượng sản phẩm; thực phẩm phải được quản lý tất cả quá trình từ nuôi trồng, sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sản xuất, kinh doanh… tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành và chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm. Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành và địa phương đã xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, tuy còn một số trường hợp vi phạm về chất lượng nhưng nhìn chung, tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm cơ bản đã có chuyển biến.
Các quy định pháp luật và chế tài xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã cơ bản đầy đủ; Nghị định số 178/2013/NĐ-CP cũng đã quy định rõ mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với cá nhân, 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với tổ chức.
Để tăng tính răn đe, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP, hiện dự thảo văn bản này đang được Bộ Tư pháp thẩm định, trong đó có những nội dung như:
- Tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
- Bổ sung hình thức xử phạt: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề có thời hạn (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, Công bố hợp quy, Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm) hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
- Bổ sung một số hành vi chưa được quy định trong Nghị định số 178/2013/NĐ-CP.
Đặc biệt tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018, quy định đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng…gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Tại Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 8 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính do vậy các tổ chức cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm đều phải được công khai.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu trình Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân, tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu kiểm đột xuất theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ chỉ đạo các Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác hậu kiểm theo Kế hoạch số 315/KH-BCĐTƯATTP ngày 16/4/2018 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Thời gian tới Bộ Y tế cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý an toàn thực phẩm, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận huyện xã phường của 09 tỉnh/thành phố, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét tham mưu, trình Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
2. Về các giải pháp để ngăn chặn, khắc phục tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe của người dân
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP) Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối; tăng cường phân cấp quản lý an toàn thực phẩm về các cơ quan chức năng địa phương; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm…
Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương…), các Hiệp hội (Hiệp hội Thực phẩm chức năng, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam…), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức các Hội thảo phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 trong phạm vi toàn quốc cho đối tượng là các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế cũng đã tham mưu trình Chính phủ đưa vào Nghị quyết về việc phân công công chức cấp xã theo dõi hoạt động an toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các xã phường tại Khoản 7 Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 10/10/2017 (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường ký tháng 9 năm 2017).
Bộ Y tế rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế (trong đó có lĩnh vực an toàn thực phẩm); Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm…Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn địa phương, tổ chức triển khai các đoàn hậu kiểm về điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, quảng cáo thực phẩm tại các địa phương trọng điểm; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm trong Tháng hành động; kiểm tra theo chuyên đề, đột xuất…Tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
Ở đây cũng cần nhấn mạnh vai trò của chính quyền các cấp và người dân trong việc giám sát, phát hiện các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
91. Cử tri Gia Lai đề nghị: sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực Y tế.
Trả lời: Tại Công văn số: 4515/BYT-VPB1 ngày 07/8/2018
Thực hiện Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Nghị định 16), Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Bộ Y tế đã có Tờ trình số 1116/TTr-BYT ngày 14/12/2015 và Tờ trình số 163/TTr-BYT ngày 14/3/2016 trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên do phải sửa đổi, bổ sung hầu hết các Điều của Nghị định 85, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện, có Tờ trình số 1024/TTr-BYT ngày 20/9/2017 trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP.
Thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách mới tác động trực tiếp đến hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập như chính sách, pháp luật về ngân sách nhà nước, về kế toán, về bảo hiểm y tế, về quản lý, sử dụng tài sản công, về đầu tư công, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư…cũng như Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 và Nghị quyết 21), trong đó có nhiều quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mới liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của các cơ sở y tế công lập; các định hướng đầu tư, phát triển lĩnh vực y tế - dân số. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu các Nghị quyết này để hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP.
Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo Nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/6/2018, Bộ Y tế đã có Tờ trình số 540/TTr-BYT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế dân số. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang xử lý hồ sơ theo quy định.
92. Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng: trước bạo lực trong các cơ sở khám chữa bệnh đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Cử tri đề nghị cần quan tâm đến vấn đề này, tìm ra nguyên nhân và đề ra các biện pháp khắc phục hiệu quả.
Trả lời: Tại Công văn số: 4515/BYT-VPB1 ngày 07/8/2018
1. Thực trạng và nguyên nhân của vấn đề an ninh bệnh viện
a. Thực trạng
Tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện, bạo hành nhân viên y tế khi đang thực thi nhiệm vụ là vấn đề vô cùng bức xúc hiện nay, theo số liệu tổng hợp các vụ việc qua phản ánh của thông tin báo chí và được Bộ Y tế xác minh cho thấy, số vụ việc xảy ra trong năm 2017 vừa qua nhiều hơn so với tất cả các năm trước đây (Năm 2017: 13 vụ, nhiều hơn so với tổng số 12 vụ xảy ra trong cả 3 năm 2014, 2015, 2016; và so với tổng số 10 vụ trong cả 3 năm 2011, 2012, 2013).
b. Nguyên nhân
Theo phân tích của các chuyên gia, tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
(1) Cơ sở pháp lý chưa đầy đủ để đảm bảo răn đe tình trạng bạo hành nhân viên y tế
- Trong Hiến pháp đã quy định cần phải bảo vệ nhân viên y tế về tính mạng, tài sản; Luật khám bệnh, chữa bệnh có quy định về bảo vệ danh dự, tính mạng, tài sản của nhân viên y tế trong đó có quy định nghiêm cấm vi phạm danh dự, tính mạng, tài sản của người hành nghề… cùng nhiều văn bản, quy định khác với những nội dung bảo vệ sức khỏe, tình mạng của nhân viên y tế; đã có những quy định cụ thể về việc xử lý những cá nhân có hành vi vi phạm, xâm hại danh dự, tính mạng, tài sản của nhân viên y tế.
- Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc và nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh, chưa thực sự đầy đủ.
- Ở các nước phát triển, bên cạnh việc bảo vệ nhân viên y tế bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế, cho dù chỉ là lời nói đều bị trừng phạt rất nặng. Tại Vương quốc Anh, ở các phòng chờ, hành lang các bệnh viện ghi rõ ràng câu “tất cả các hành vi xâm phạm nhân viên y tế bằng vũ lực hay lời nói sẽ bị cảnh sát và phát luật xử lý”.
- Chưa có quy định cụ thể các chế tài mà lực lượng bảo vệ được áp dụng, giải quyết các xung đột xảy ra và mức độ xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của đương sự chưa đủ sức răn đe.
(2) Vấn đề về văn hóa, xã hội và nhận thức của người dân
- Bệnh viện là môi trường nhạy cảm, có tác động lớn đến dư luận xã hội.
- Sự manh động của một số đối tượng và một của sự xuống cấp trong đạo đức xã hội của một số nhóm đối tượng đã dẫn tới những hành vi tiêu cực đối với người cán bộ y tế.
- Một số đối tượng cũng lợi dụng các tình huống sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi phạm pháp (như đe dọa, tống tiền,…) để trục lợi.
(3) Bệnh viện là môi trường tính đặc thù cao nên dễ xảy ra xung đột
- Công tác chăm sóc, khám chữa bệnh có tính rủi ro cao; các sự cố y khoa “luôn thường trực” xảy ra mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống, trên mọi thiết bị, trong mọi quy trình, ở mỗi cá nhân, mỗi cơ sở khám chữa bệnh, có phạm vi quốc gia và quốc tế xảy ra ngoài sự mong muốn của người thầy thuốc.
- Nhiều bệnh viện trong tình trạng quá tải: khám, điều trị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được trước tình hình phát triển ngày càng cao của xã hội, dẫn đến một số trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bức xúc và xảy ra xung đột không đáng có đối với nhân viên y tế và bác sỹ.
- Tình trạng làm việc quá sức của nhân viên y tế.
- Cấu trúc hạ tầng an ninh bệnh viện chưa bảo đảm để bảo vệ người thầy thuốc khi cấp cứu, khám chữa bệnh.
(4) Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện còn chưa cao
- Tham gia của các cấp chính quyền địa phương trong bảo đảm an ninh trật tự địa bàn một số nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.
- Trách nhiệm, quản lý bệnh viện của lãnh đạo các bệnh viện.
- Vào cuộc của chính quyền địa phương trong bảo đảm an ninh trên địa bàn bệnh viện.
- Các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.
- Chưa chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an tỉnh, Thành phố như: Phòng PA83, PC64, cảnh sát PCCC, cảnh sát 113 công an Quận, huyện, Công an phường, xã sở tại để thực hiện tốt các phương án phòng chống khủng bố trong Bệnh viện, phòng chống trộm cắp, các đối tượng lang thang, cò mồi, lừa đảo trong bệnh viện.
- Thiếu tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột.
- Chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên đối với nhân viên bảo vệ (nhân viên bảo vệ chưa có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ bảo vệ, được Ngành Công an cấp chứng chỉ theo quy định); và các tiêu chuẩn về trình độ, phẩm chất, năng lực.
- Do hạn chế kinh phí, quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, tại nhiều bệnh viện, việc vào ra phòng cấp cứu còn khá dễ dàng. Các bệnh viện chưa nghiên cứu lắp đặt cửa có khóa từ hoặc khóa số nên người nhà người bệnh có thể vào khu vực nhân viên y tế đang chăm sóc, hành hung nhân viên y tế.
(5) Tính chuyên nghiệp của một số cán bộ, nhân viên trong bệnh viện còn yếu
- Tình trạng thiếu chuyên nghiệp của một số thầy thuốc trong một số vấn đề về phong cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…
- Y đức của một số nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc.
- Nhân viên bảo vệ bệnh viện không chuyên nghiệp, không đủ năng lực để chống lại đối tượng gây mất an ninh, thậm chí có trường hợp tại Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ nhân viên bảo vệ cũng bỏ chạy khi đối tượng tấn công thầy thuốc (vụ việc năm 2016).
(6) Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác:
Đối với ngành Y tế
- Lãnh đạo các Bệnh viện, Lãnh đạo ngành Y tế địa phương chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo đảm an ninh trong bệnh viện.
- Còn nhiều bệnh viện chưa chủ động xây dựng các biện pháp phòng ngừa tình trạng mất an ninh bệnh viện như: Nhân viên bảo vệ bệnh viện không chuyên nghiệp, không đủ năng lực để chống lại đối tượng gây mất an ninh, thậm chí có trường hợp tại Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ nhân viên bảo vệ còn bỏ chạy khi đối tượng tấn công thầy thuốc (vụ việc xảy ra năm 2016). Theo số liệu khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, còn có 43,5% số bệnh viện (kết quả đánh giá năm 2016) có điều kiện cơ sở hạ tầng và nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cơ bản để phòng ngừa mất an ninh trật tự trong bệnh viện, như:
+ Chưa có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp; chưa đủ số lượng bảo vệ trực 24/24 giờ.
+ Khuôn viên bệnh viện chưa có tường rào kín bao quanh; hoặc thiếu lực lượng bảo vệ đứng canh gác đủ các cổng ra vào bệnh viện; thiếu sự cách ly an toàn cho thầy thuốc khi làm nhiệm vụ.
+ Còn có tình trạng người nhà người bệnh vào khu vực chuyên môn hoặc khoa, phòng điều trị trong các giờ quy định.
Sự phối hợp của các Ban, ngành
Hiện nay, một số bệnh viện đã trực tiếp phối hợp với công an sở tại để thiết lập hệ thống phòng ngừa và xử lý kịp thời tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện, điển hình như ở tuyến trung ương: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và gần đây là Bệnh viện K,… và ở địa phương có Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, đã chủ động ký Quy chế phối hợp với Phòng PC45 Công an tỉnh Điện Biên; Cảnh sát 113 về việc đảm bảo an ninh trật tự tại Bệnh viện, thiết lập đường dây nóng giữa bệnh viện với Phòng PC45 Công an tỉnh Điện Biên để kịp thời thông báo; sẵn sàng bố trí lực lượng hỗ trợ kịp thời khi có các tình huống gây rối xảy ra, đồng thời giải quyết triệt để các hoạt động kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự khu vực xung quanh bệnh viện. Cơ quan công an đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ nhân viên bảo vệ của bệnh viện, tư vấn cho bệnh viện các vị trí phù hợp lắp đặt camera bảo vệ... Tuy nhiên số bệnh viện phối hợp chặt chẽ với công an trong vấn đề này chưa nhiều. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu chủ động của bệnh viện và sự vào cuộc chưa mạnh của cơ quan công an. Khắc phục điều này cần có sự chỉ đạo từ Bộ Công an cho các cơ quan công an địa phương.
2. Trách nhiệm đảm bảo an ninh bệnh viện
Trách nhiệm cần được xem xét từ nhiều phía (1) Từ phía người bệnh; (2) Từ phía người cung cấp dịch vụ y tế; (3) Từ phía tổ chức cơ sở khám chữa bệnh; (4) Từ cộng đồng xung quanh; (5) Từ phía xã hội. Trong đó, ngành Y tế chịu trách nhiệm làm đầu mối để phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ cụ thể của mỗi cơ quan.
3. Các giải pháp đảm bảo an ninh bệnh viện
3.1. Về phía Bộ Y tế
- Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định, xử lý nghiêm, thích đáng các vi phạm của nhân viên y tế theo quy định: Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức hay truy tố nếu có dấu hiệu phạm tội, tránh bao che, nửa vời. Việc này sẽ làm giảm sự căng thẳng, hạn chế bức xúc của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ngăn chặn nguy cơ xảy ra mất an ninh trật tự tại cơ sở y tế.
- Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 13/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản quy định của Bộ Y tế về an ninh, trật tự bệnh viện.
- Tiếp tục chỉ đạo tích cực nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, khẳng định vị trí vai trò, nhân cách của người cán bộ y tế Việt Nam xứng đáng với truyền thống văn hóa dân tộc tôn vinh 2 người thầy: Thầy giáo và Thầy thuốc.
- Tăng cường giáo dục, hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời nâng cao vị thế và hình ảnh người thầy thuốc.
3.2. Về phía Bộ Công an
- Điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc bạo hành xảy ra, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội), xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế, công khai kết luận điều tra, xét xử để công luận, người dân biết, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa.
- Tiếp tục chỉ đạo công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.
- Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện.
- Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.
- Cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn, có lượng người đến đông và năng lực chuyên môn của các nhân viên bảo vệ còn hạn chế.
- Thiết lập mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho Bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự.
3.3. Về phía Ban Tuyên giáo Trung ương
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền thành tựu, đóng góp của ngành Y tế để nhân dân có được đánh giá khách quan và đúng đắn về người thầy thuốc.
- Cân nhắc khi đưa tin về những vụ việc mất an ninh trật tự trong bệnh viện. Bộ Y tế đồng thời cũng đưa ra đề nghị cơ quan truyền thông phối hợp tuyên truyền phù hợp; định hướng dư luận, phê phán các hành vi tiêu cực trên tinh thần xây dựng, tránh thông tin một chiều gây bức xúc dư luận; nhận thức đúng về sự cố y khoa, đưa thông tin về vấn đề liên quan khách quan, khoa học, không tạo thêm bức xúc xã hội; tuyên truyền các tấm gương, hình ảnh đẹp về thầy thuốc.
- Đưa tin bài về những tấm gương tốt của cán bộ y tế, việc phản ánh chân thực các vụ bạo hành trong bệnh viện của báo chí cũng rất quan trọng. Báo chí sẽ hỗ trợ ngành Y tế lên án, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến danh dự, tính mạng nhân viên y tế.
- Cần giáo dục người dân tuân thủ pháp luật, phản ứng với hành vi tiêu cực của nhân viên y tế phù hợp trên tinh thần xây dựng; không cổ xúy cho hành vi bạo lực; cảm thông, chia sẻ với khó khăn của thầy thuốc, ngành y; tham gia bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế.
3.4. Về phía các Sở Y tế
- Chủ động phối hợp với cơ quan Công an trên địa bàn xây dựng quy chế phối hợp giữa Y tế và Công an trên cơ sở Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế phù hợp với tình hình tại địa phương; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan và ban ngành liên quan tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân tôn trọng, bảo vệ danh dự và tính mạng nhân viên y tế; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự tại bệnh viện và các cơ sở y tế.
- Xây dựng tài liệu, nội dung và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, trách nhiệm của nhân viên y tế, đạo đức nghề nghiệp; về biện pháp phòng vệ, xử trí trước các tình huống có khả năng tạo ra hành vi xâm hại danh dự và tính mạng nhân viên y tế.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh để hạn chế các sai sót về chuyên môn và tinh thần, thái độ, kỹ năng tiếp xúc người bệnh; bảo đảm công tác an ninh, trật tự bệnh viện, các biện pháp phòng ngừa tình trạng mất an ninh, trật tự bệnh viện.
3.5. Về phía các cơ sở khám chữa bệnh và nhân viên y tế
- Lãnh đạo Bệnh viện có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ danh dự, tính mạng của nhân viên y tế; bảo đảm môi trường an toàn cho người bệnh tới khám và điều trị tại bệnh viện. Nêu cao trách nhiệm của người giám đốc bệnh viện trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự bệnh.
- Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh của nhân viên y tế; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám bệnh, chữa bệnh rút ngắn thời gian chờ đợi; thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị số 09/CT-BYT ngày 22/11/2013 của Bộ Y tế về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc…
- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an tỉnh, thành phố như: Phòng PA83, PC64, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cảnh sát 113 công an quận, huyện, Công an phường, xã sở tại để chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cụ thể về các phương án phòng chống khủng bố trong bệnh viện, phòng chống trộm cắp, các đối tượng lưu manh, cò mồi, lừa đảo trong bệnh viện... làm mất an ninh, trật tự bệnh viện; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ tại các bệnh viện, tăng cường chế độ trực, ngăn chặn kịp thời các hành vi đe dọa tấn công cán bộ y tế và người dân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện.
- Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong và ngoài bệnh viện theo đúng quy định tại Quyết định số 6197/QĐ-BYT, ngày 17/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn Quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện.
- Rà soát, củng cố và kiểm soát mức độ an toàn trên toàn bộ khuôn viên, tường rào, các lối ra, vào của bệnh viện; lắp đặt hệ thống Camera an ninh, hệ thống báo động khẩn cấp, có thể trang bị khóa từ ở các khoa có nguy cơ mất an ninh trật tự cao và các phương tiện phòng hộ khác. Rà soát, cập nhật các bảng biểu về nội quy của bệnh viện, trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh; quản lý số lượng hợp lý người nhà vào thăm, nuôi người bệnh.
- Bảo đảm nhân lực làm công tác an ninh trật tự bệnh viện là lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp được đào tạo; phân công đủ nhân viên bảo vệ trực thường xuyên 24/24h, tăng cường thêm lực lượng bảo vệ trong các tua trực đêm.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, gia đình người bệnh và cảnh báo về các thủ đoạn, hành vi của các đối tượng có khả năng gây rối an ninh, trật tự bệnh viện. Đào tạo kỹ năng phát hiện, xử lý trước các tình huống và nguy cơ bất trắc dễ dẫn tới xung đột cho nhân viên y tế. Xây dựng và phổ biến hướng dẫn phản ứng nhanh trước các nguy cơ và tình huống có hành vi xâm hại tới danh dự và tính mạng nhân viên y tế và người bệnh trong bệnh viện (phản ứng nhanh xử lý bạo hành trong bệnh viện).
- Xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự chung của bệnh viện và tại các khoa, phòng, bộ phận có nguy cơ mất an ninh, trật tự cao. Thường xuyên kiểm tra khả năng ứng phó tình huống và công tác bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện đặc biệt là đội ngũ nhân viên trực tiếp trong đội Phản ứng nhanh xử lý bạo hành trong bệnh viện.
3.6. Về phía các Bộ, ban, ngành có liên quan
- Bộ Tư pháp cần tích cực phối hợp với ngành Y tế; điều chỉnh khung pháp lý với hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần thầy thuốc; hỗ trợ kỹ thuật và nhân lực trong công tác an ninh bệnh viện. Phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất xây dựng luật về phòng chống bạo lực tại cơ sở y tế, ngăn ngừa nguy cơ bạo lực trong bệnh viện. Cơ chế bảo hiểm cho cán bộ y tế và có luật sư để đàm phán, giải quyết với người nhà bệnh nhân khi có sự cố y khoa xảy ra.
- Bộ Xây dựng đưa ra các quy chuẩn thiết kế, xây dựng bệnh viện có tính đến an ninh, an toàn bệnh viện.
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần có thêm những tác phẩm nghệ thuật để tăng cường tôn vinh thầy thuốc, phân tích những vấn đề tâm lý; và tăng cường giáo dục truyền thông văn hóa, ý thức của cả xã hội, người bệnh và người nhà người bệnh đối với người cán bộ y tế.
- Các cơ quan truyền thông phối hợp tuyên truyền việc mất an ninh trật tự trong bệnh viện phù hợp; định hướng dư luận, phê phán các hành vi tiêu cực trên tinh thần xây dựng, tránh thông tin một chiều gây bức xúc dư luận; nhận thức đúng về sự cố y khoa, đưa thông tin về vấn đề liên quan khách quan, khoa học, không tạo thêm bức xúc xã hội; tuyên truyền các tấm gương, hình ảnh đẹp về thầy thuốc. Đưa tin bài về những tấm gương tốt của cán bộ y tế, việc phản ánh chân thực các vụ bạo hành trong bệnh viện. Tuyên truyền giáo dục người dân tuân thủ pháp luật, phản ứng với hành vi tiêu cực của nhân viên y tế phù hợp trên tinh thần xây dựng; không cổ xúy cho hành vi bạo lực; cảm thông, chia sẻ với khó khăn của thầy thuốc, ngành y; tham gia bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế.
3.7. Về phía chính quyền địa phương nơi có cơ sở y tế đóng trên địa bàn
- Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân tại địa phương tôn trọng, bảo vệ danh dự và tính mạng nhân viên y tế.
- Phối hợp với cơ quan công an để xây dựng kế hoạch quản lý các đối tượng trộm cắp, lưu manh, cò mồi, lừa đảo trong các cơ sở y tế.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng ở địa phương để thông tin, xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra có liên quan đến bạo hành nhân viên y tế.
93. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến: “Hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu ban hành quy định hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật từng ngành để làm cơ sở cho các cơ quan cấp tỉnh xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng, đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó xác định giá dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập)”.
Trả lời: Tại Công văn số: 4515/BYT-VPB1 ngày 07/8/2018
Theo quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương có trách nhiệm: “Ban hành theo thẩm quyền định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí và các quy định tại Điều 4 Nghị định này”.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1387/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 về việc ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Y tế - Dân số. Tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định, có giao Bộ Y tế chủ trì thống nhất với Bộ Tài chính để quy định mức giá dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực Y tế - Dân số theo quy định của Pháp luật.
1. Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:
- Thực hiện lộ trình xây dựng và ban hành giá dịch vụ công, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành một số quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương (theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng) để thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh, gồm: (1) Quyết định số 355/QĐ-BYT ngày 09/02/2012 ban hành định mức tiêu hao thuốc, vật tư, hóa chất của 477 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Thông tư số 04/2012/TTLT; (2) Quyết định số 508/QĐ-BYT ngày 20/02/2012 ban hành định mức điện nước, chi phí hậu cần của 477 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Thông tư số 04; (3) Quyết định số 3955/QĐ-BYT ngày 22/9/2015 ban hành định mức kinh tế kỹ thuật tiêu hao thuốc, vật tư, hóa chất, điện, nước xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chi phí duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị của một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC; (4) Quyết định số 3959/QĐ-BYT ngày 12/9/2015 ban hành định mức nhân lực và thời gian thực hiện một số dịch vụ khám chữa bệnh của Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC.
Theo lộ trình thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ công quy định tại Nghị số 16, hiện nay, Bộ Y tế đang trong quá trình khảo sát để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh kết cấu thêm yếu tố chi phí quản lý và chi phí tiền lương (phần chênh lệch giữa mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng). Khi mức giá tính thêm tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao theo lộ trình thì phải điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế tăng lên và Luật đã quy định tối đa 6% lương. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến năm 2020 chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, do đó để đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thời điểm thực hiện điều chỉnh giá có kết cấu chi phí quản lý và tiền lương chênh lệch từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng.
2. Đối với giá dịch vụ kiểm dịch y tế và y tế dự phòng:
Hiện nay, Bộ Y tế đang trong quá trình xây dựng để ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá của các dịch vụ kiểm dịch y tế, dịch vụ y tế dự phòng, dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc dùng cho người tại cơ sở y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ Y tế đã tổ chức Hội đồng thẩm định định mức kinh tế kỹ thuật khoảng trên 1.000 dịch vụ kỹ thuật. Hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện lại các định mức kinh tế kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng Phương án giá thu cụ thể theo quy định. Dự kiến năm 2019 sẽ áp dụng.
94. Cử tri Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua Quốc hội ban hành rất nhiều Luật nhưng việc thi hành pháp luật trên thực tế không nghiêm, không hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều hành vi vi phạm pháp luật xử lý còn nhẹ nên có biểu hiện “nhờn” luật, như tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra ngày càng nhiều… Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo khắc phục tình trạng này, nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật được áp dụng nghiêm, có hiệu quả trên thực tế.
Trả lời: Tại Công văn số: 4898/BYT-VPB1 ngày 22/8/2018
Trong thời gian qua, việc bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sử dụng các hóa chất, phụ gia thực phẩm từng bước được quản lý có hiệu quả trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các vi phạm như: thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được bày bán với giá rẻ; sử dụng các hóa chất độc hại trong bảo quản thực phẩm; các loại rau, quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức hoặc chất không được phép sử dụng trong thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do: (1) Một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn vẫn chấp nhận sử dụng một số sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn; (2) Vì lợi nhuận, một số tổ chức, cá nhân bất chấp các quy định của pháp luật lén lút đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm giả, kém chất lượng hoặc không đúng quy định; (3) Một số tổ chức, địa phương chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, thậm chí buông lỏng quản lý.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai một số giải pháp cụ thể:
1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
- Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối; tăng cường phân cấp quản lý an toàn thực phẩm về các cơ quan chức năng địa phương; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm…
- Tham mưu trình Chính phủ đưa vào Nghị quyết về việc phân công công chức cấp xã theo dõi hoạt động an toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các xã, phường tại Khoản 7 Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 10/10/2017 (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2017). Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị từ trung ương đến địa phương trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
2.1. Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Để tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 09/9/2015 về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sau một năm thí điểm, hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã tăng lên, huy động được nguồn lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Việc xử lý vi phạm được tiến hành quyết liệt, nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm, số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nâng hạng xếp loại (từ xếp loại C lên A, B) tăng lên so với cùng kỳ năm 2015.
Ngày 26/5/2017, để tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5458/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế:
- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 09/9/2015 theo hướng thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội; thời gian thí điểm 01 năm.
- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở đội ngũ công chức, viên chức hiện có tại địa phương, không làm tăng biên chế.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế sẽ phối hợp các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Bộ Y tế đang cùng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với yêu cầu công tác quản lý và phù hợp với thực tế hiện nay trong đó có sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Hiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP đã được Bộ Y tế trình Chính phủ tại tờ trình số 521/TT-BYT ngày 06/6/2018 để xem xét ký ban hành.
2.2. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cơ bản đầy đủ, đối với một số hành vi vi phạm, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP đã quy định mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với cá nhân, 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với tổ chức. Trong năm 2016, Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính mức phạt cao nhất từ trước tới nay (01 cơ sở mức phạt hơn 5,8 tỷ đồng và 01 cơ sở hơn 3,4 tỷ đồng); đồng thời, áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ sản xuất; thu hồi, tiêu hủy hàng hóa vi phạm; thu hồi giấy phép; công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực thi ở một số địa phương chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh; có nơi năng lực người thực thi còn hạn chế, thiếu nhân lực, đặc biệt là ở cấp quận (huyện), xã (phường).
Trước tình đó, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 13/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã chỉ đạo quyết liệt việc kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, nhằm nhấn mạnh vai trò và quy định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu không kiểm soát được an toàn thực phẩm, nhờ đó công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt.
Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 quy định đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng… gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Các cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang thực hiện nhiệm vụ đầu mối dự thảo với quan điểm thay đổi mức phạt theo hướng nặng hơn, đặc biệt là rút giấy phép và công khai tên trên các phương tiện truyền thông. Đối với hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng được chuyển qua cơ quan điều tra để truy tố theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật hình sự với các mức độ xử lý rất nghiêm khắc.
3. Tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
Năm 2018, Bộ Y tế tổ chức tuyên truyền trước và trong Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Để triển khai Tháng hành động đạt kết quả tốt, Ban Chỉ đạo liên ngành ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động kèm theo các công văn chỉ đạo, hướng dẫn các bộ ngành và địa phương để thực hiện.
Tính từ ngày 01/1/2018 đến 31/5/2018, trên 13 đầu báo viết và một số đầu báo điện tử điểm thường xuyên trên 600 tin bài về thực phẩm, trong đó khoảng gần 300 tin, bài về quản lý an toàn thực phẩm. Các báo thường xuyên đăng tải các tin bài về quản lý, phát hiện xử lý các vi phạm về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Phổ biến kiến thức, tin nước ngoài về có liên quan đến thực phẩm gồm: Báo điện tử Dân trí, Sức khỏe đời sống, Thanh niên, Lao động, Đất Việt, Giáo dục Việt Nam,Tiền Phong...
Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tích cực tuyên truyền dưới nhiều hình thức và nội dung phong phú như: Xây dựng nội dung và phát sóng Thông điệp “ Bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán”. Trên các kênh truyền hình VTV1, VTC, Truyền hình thông tấn, Truyền hình Quốc Hội, Truyền hình Nhân dân… đều đưa tin về các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, đặc biệt là tin thanh kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm.
95. Cử tri Gia Lai kiến nghị: Chính sách giải quyết chế độ cho người bị ảnh hưởng chất độc hóa học màu da cam hiện nay chỉ căn cứ theo 19 bệnh giám định của hội đồng y khoa và xác nhận tham gia kháng chiến của hội cựu thanh niên xung phong; đề nghị nên bổ sung thêm bệnh khi giám định cho đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam. Đề nghị có chính sách cho người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam đối với những người đến tiếp quản địa bàn sau ngày 30/4/1975
Trả lời: Tại Công văn số: 4898/BYT-VPB1 ngày 22/8/2018
1. Về đề nghị nên bổ sung thêm bệnh khi giám định cho đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam
Ngày 30/6/2016, Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH về “Hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ” có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2016 (thay thế Thông tư số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Cùng với Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3201/QĐ-BYT ngày 29/6/2016 về việc phê duyệt tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin” và Quyết định số 3459/QĐ-BYT ngày 31/7/2017 về việc phê duyệt tài liệu hướng dẫn giám định y khoa bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin trên cơ sở tài liệu ban hành kèm theo Quyết định số 3201/QĐ-BYT ngày 29/6/2016 của Bộ Y tế.
Hiện nay, Bộ Y tế vẫn tiếp tục giao các nhà khoa học nghiên cứu và thu thập bằng chứng khoa học và thực tiễn ở Việt Nam để bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học để báo cáo Bộ Y tế xem xét phê duyệt.
2. Về đề nghị có chính sách cho người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam đối với những người đến tiếp quản địa bàn sau ngày 30/4/1975: Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri kiến nghị tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải quyết theo thẩm quyền.
96. Cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị: Kiến nghị được ghi thời gian tham gia công tác ở ấp vào sồ BHXH để được hưởng chế độ hưu trí đối với cán bộ, cấp ủy của xã (có trường họp là cán bộ kháng chiến trước năm 1975) được phân công về ấp công tác làm gián đoạn BHXH, trong khi thời gian tham gia là liên tục.
Trả lời: Tại Công văn Số 3594/BHXH-BT ngày 17/9/2018
Tại Khoản 6 Điều 123 Luật BHXH năm 2014 quy định: “Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyêt trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân”.
Vì vậy, việc xem xét thời gian tham gia công tác ở ấp đế ghi sổ BHXH làm căn cứ tính hưởng chê độ BHXH phải dựa trên cơ sở hồ sơ, lý lịch của người lao động và đối chiếu các quy định cụ thể của Nhà nước về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước quy định tại Thông tư số 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Thông tư số 07-TT/76 ngày 18/6/1976 của Phủ Chủ tịch - Chánh phủ Cách mạng lâm thời và các văn bản pháp luật quy định về tính thời gian công tác trước năm 1995.
Do trường họp cử tri nêu không có hồ sơ thể hiện cụ thể quá trình làm việc của người lao động nên cơ quan BHXH chưa có cơ sở để trả lời. Đe nghị cử tri cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình công tác và liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc nơi đang tham gia BHXH đe được hướng dẫn thực hiện.
97. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị:“Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội” (kiến nghị số 01)
Trả lời: Tại Công văn số 3063 /LĐTBXH-VP ngày 30/7/2018
1. Theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và năm 2017 đã trình Chính phủ xem xét, ban hành (Tờ trình số 73/TTr-LĐTBXH ngày 09/8/2017).
Ngày 02/11/2017 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 11705/VPCP-KGVX về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẩn trương chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Để nội dung Nghị định theo đúng với chủ trương của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp xin ý kiến của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan. Dự thảo Nghị định cũng đã được gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quy định tại Nghị quyết số 08/NQ-CP, trong năm 2018 phải hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập ngành, lĩnh vực. Đồng thời, để các đơn vị có thêm thời gian nghiên cứu và góp ý, đảm bảo chất lượng dự thảo Nghị định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trong tháng 9 năm 2018.
Trong khi chưa ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, các đơn vị được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Đối với các lĩnh vực khác thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (lao động, việc làm, bảo trợ xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội...).
Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác và Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP nêu trên.
98. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị:“Cử tri đề nghị Chính phủ có chỉ đạo sửa đổi và bổ sung phù hợp về các tiêu chí và quy trình bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều” (kiến nghị số 02)
Trả lời: Tại Công văn số 3064/LĐTBXH-VP ngày 30/7/2018
Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, hiện Bộ đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương, dự kiến Thông tư sửa đổi, bổ sung sẽ được ban hành trong năm 2018.
99. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị:“Đề nghị quan tâm đến việc xây dựng tượng đài chiến thắng sông Bờ; chế độ thờ cúng liệt sĩ 1 năm 500.000 đồng là mức quá thấp. Kiến nghị cho các đối tượng có huân chương kháng chiến được nhận chế độ hàng tháng như trước đây. Đề nghị xem xét, giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia kháng chiến về bị mất giấy tờ”
Trả lời: Tại Công văn số 3066/LĐTBXH-VP ngày 30/7/2018
1. Về kiến nghị chế độ thờ cúng liệt sĩ 1 năm 500.000 đồng là quá thấp:
Trước ngày 01/01/2013, văn bản pháp quy không quy định chế độ trợ cấp thờ cúng hàng năm. Tiếp thu kiến nghị cử tri, đại biểu quốc hội, từ ngày 01/01/2013, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định: “Liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người được giao thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần”.
Ngày 09/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, trong đó quy định: Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng được hưởng trợ cấp thờ cúng mỗi năm một lần, mức 500.000 đồng/tháng.
Đây là khoản hỗ trợ việc thờ cúng liệt sĩ đối với người được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ, không phải khoản trợ cấp toàn bộ các chi phí của việc thờ cúng.
2. Về kiến nghị cho các đối tượng có huân chương kháng chiến được nhận chế độ hàng tháng như trước đây:
Hiện nay, có khoảng hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, 1,2 triệu liệt sĩ, 800.000 thương binh là người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến là đối tượng có số lượng nhiều nhất trong các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Chính vì vậy, việc quy định hưởng trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng này phải được đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để đảm bảo phù hợp với công lao đóng góp, cống hiến và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
3. Về kiến nghị xem xét, giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia kháng chiến về bị mất giấy tờ:
Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công là vấn đề phức tạp, cần được tiến hành thận trọng, rút kinh nghiệm để xem xét, tiếp tục mở rộng phạm vi, đối tượng. Ngay từ năm 1956, các cơ quan chức năng đã xem xét, giải quyết các trường hợp tồn đọng. Đến nay, cơ bản những người có công với cách mạng đã được hưởng chế độ ưu đãi.
Trong giai đoạn hiện nay, việc giải quyết tồn đọng vẫn tiếp tục thực hiện nhưng cần có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa tình trạng man khai hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ trợ cấp và danh hiệu Nhà nước tôn vinh.
Ngày 22/10/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP để xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, tạo thuận lợi cho các trường hợp không còn giấy tờ chứng minh bị thương, hy sinh. Sau 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, đã xác nhận được hơn 500 liệt sĩ, trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng với mục tiêu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng. Trên cơ sở kết quả thực hiện việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng theo quy trình tại Quyết định 408/QĐ-BLĐTBXH theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng (cấp quận, huyện, xã, phường và trong nhân dân).
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách theo hướng sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành theo tinh thần thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
100. Cử tri tỉnh Điện Biên kiến nghị:“Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo hướng tập trung, bãi bỏ những chính sách có mức hỗ trợ nhỏ lẻ, hiệu quả thấp; chuyển các chính sách hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách có hiệu quả cao, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới” (kiến nghị số 03)
Trả lời: Tại Công văn số 3067/LĐTBXH-VP ngày 30/7/2018
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 về Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 22/8/2017 về Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017-2018, theo đó, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã tích cực đẩy mạnh việc rà soát, tích hợp, sửa đổi chính sách giảm nghèo, sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tập trung nguồn lực, gọn đầu mối, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp, dàn trải; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách; bãi bỏ những chính sách có mức hỗ trợ nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, không còn phù hợp với thực tiễn; giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện nhằm hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Cụ thể:
- Đến cuối năm 2016 đã tích hợp 05 văn bản, sửa đổi 02 văn bản, bãi bỏ 01 văn bản và ban hành mới 24 văn bản về chính sách giảm nghèo.
- Từ năm 2017 đến nay, đã tích hợp 02 văn bản, sửa đổi 01 văn bản, bãi bỏ 02 văn bản và ban hành mới 02 văn bản về chính sách giảm nghèo.
101. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị:“Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành tham mưu ban hành quy định hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật từng ngành để làm cơ sở cho các cơ quan cấp tỉnh xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó xác định giá dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập)”
Trả lời: Tại Công văn số 3065/LĐTBXH-VP ngày 30/7/2018
Để triển khai cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về Kế hoạch triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công”.
Thực hiện các văn bản nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 633/QĐ-LĐTBXH ngày 15/5/2015 về Kế hoạch triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định số 1771/QĐ-LĐTBXH ngày 26/12/2016 ban hành quy chế quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm căn cứ để các đơn vị quản lý nhà nước triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để có căn cứ xác định chi phí trong đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2017 quy định việc xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Đối với lĩnh vực bảo trợ xã hội, Bộ đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-LĐTBXH ngày 27/4/2018 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ trợ giúp xã hội.
Đối với lĩnh vực việc làm, Bộ đã có Quyết định số 1051/QĐ-LĐTBXH ngày 10/8/2018 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong dịch vụ việc làm.
Đối với các lĩnh vực khác (an toàn lao động, phòng chống tệ nạn xã hội, người có công...) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với cơ quan liên quan triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để ban hành làm căn cứ triển khai thực hiện theo quy định.
102. Cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị:“Những năm qua, mặc dù các địa phương biên giới đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, nhưng hoạt động này vẫn xảy ra tương đối phức tạp, khó kiểm soát. Do vậy, cử tri kiến nghị:
- Đề nghị Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kinh tế cho địa phương vùng sâu, vùng xa, đào tạo nghề, tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, miền núi.
- Thúc đẩy đàm phán, phối hợp với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc tìm giải pháp tạo điều kiện cho người dân xuất cảnh lao động hợp pháp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, cụ thể trong việc bố trí sắp xếp việc làm, thời gian lưu trú phù hợp.
- Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn một số doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân phối hợp với phía Trung Quốc tiếp nhận tuyển dụng lao động Việt Nam sang Trung Quốc…” (kiến nghị số 04)
Trả lời: Tại Công văn số 3068/LĐTBXH-VP ngày 30/7/2018
1. Đối với kiến nghị “Đề nghị Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kinh tế cho địa phương vùng sâu, vùng xa, đào tạo nghề, tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, miền núi”
Liên quan đến cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiếu số trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngày 29/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg với mục tiêu “Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng người lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững”. Sau quá trình triển khai thực hiện, đã thu được những kết quả nhất định như sau: đã có hơn 26.800 lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia Đề án, đã có 18.500 lao động được tuyển chọn để đào tạo và khoảng 9.500 lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản, Ả rập xê út, Đài Loan,… trong đó lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%. Nhìn chung, người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng từ 5-7 triệu đồng/tháng ở thị trường Malaysia; 6,5 - 7,5 triệu đồng/tháng ở thị trường Libya, UAE, Ả rập xê út và Macao; 15-22 triệu đồng/tháng ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngày 09/7/2015, Chính phủ đã phê duyệt Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm đã tạo điều kiện cho người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm. Theo quy định tại Nghị định đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu để trình Chính phủ xem xét, quyết định nâng mức vay không cần tài sản đảm bảo tiền vay cho đối tượng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn để đi lao động ở nước ngoài với mức vay đáp ứng được nhu cầu của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ngày 20/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê quyệt Quyết định số 1722/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2010 với đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước, ưu tiên hộ nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo; huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển và hải đảo, xã an toàn khu, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu của Quyết định này là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước được tăng lên từng năm,... Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Quyết định về tín dụng ưu đãi đối với người lao động tại huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vũng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết vấn đề vay vốn đối với các đối tượng yếu thế.
2. Đối với kiến nghị “Thúc đẩy đàm phán, phối hợp với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc tìm giải pháp tạo điều kiện cho người dân xuất cảnh lao động hợp pháp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, cụ thể trong việc bố trí sắp xếp việc làm, thời gian lưu trú phù hợp”
Đến nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận quốc tế hợp tác về lao động. Tuy nhiên, Chính phủ đã giao cho 07 địa phương: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh đàm phán ký Thỏa thuận với các địa phương vùng giáp biên của Trung Quốc về việc quản lý lao động qua biên giới làm việc. Hiện nay các tỉnh đã đàm phán và ký được các thoả thuận với các tỉnh biên giới Trung Quốc là:
Thỏa thuận sơ bộ lao động qua biên giới ký giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang và Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (ký ngày 18/12/2014).
Các thỏa thuận ký ngày 10/02/2017:
- Thỏa thuận về triển khai hợp tác quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Cao Bằng và thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc.
- Thỏa thuận về triển khai hợp tác quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Cao Bằng và thành phố Bách Sắc, Quảng tây, Trung Quốc.
- Thỏa thuận về Hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt Trung ký giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh và thành phố Phòng Thành Cảng, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.
- Thỏa thuận giữa tỉnh Lạng Sơn và thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc về Triển khai Hợp tác Quản lý lao động qua biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Nội dung cơ bản của thỏa thuận quy định về phạm vi và đối tượng liên quan đến thỏa thuận, hợp đồng lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, mức lương, cơ quan quản lý người lao động của hai bên, thủ tục xuất nhập cảnh và trách nhiệm các của các bên trong việc giải quyết tranh chấp, phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động...
Hiện nay, một số các địa phương của Việt Nam (tỉnh Cao Bằng) và Trung Quốc (thành phố Bách Sắc, Quảng Tây) đã dự thảo Biên bản ghi nhớ quy định chi tiết về thực hiện quản lý lao động qua biên giới.
3. Đối với kiến nghị “Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn một số doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân phối hợp với phía Trung Quốc tiếp nhận tuyển dụng lao động Việt Nam sang Trung Quốc”
Tháng 06/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước) đã thẩm định và chấp thuận để Công ty cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long (THANG LONG OSC) thí điểm thực hiện Hợp đồng cung ứng 200 lao động Việt Nam sang vùng biên của Trung Quốc làm việc (Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm trái cây Phong Thái, Quảng Tây, Trung Quốc). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước) sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc người lao động Việt Nam đi làm việc ở Trung Quốc thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nếu kết quả tốt sẽ nhân rộng để góp phần giải quyết việc làm và hạn chế tình trạng người lao động đi làm việc trái phép tại Trung Quốc.
103. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị:“Đề nghị tăng cường giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội cho công nhân”
Trả lời: Tại Công văn số 3069/LĐTBXH-VP ngày 05/9/2018
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ gắn với sử dụng lao động có trình độ, kỹ năng cao, do đó lao động phổ thông và lao động trong các công đoạn sản xuất dễ thay thế bằng máy móc sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm.
Để nâng cao chất lượng việc làm, giải quyết tốt an sinh xã hội cho lao động Việt Nam nói chung, công nhân nói riêng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích thành lập và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, tạo mở nhiều cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo... Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp:
- Trình Chính phủ để trình Quốc hội Bộ luật Lao động (sửa đổi); hoàn thiện hệ thống chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII, tập trung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động;
- Đột phá trong giáo dục nghề nghiệp, tạo bước chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển đào tạo tại doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo; Bộ đã ban hành thông tư cho phép doanh nghiệp đảm nhận 40% chương trình. Hiện nay, hành lang pháp lý đã cho phép trường và doanh nghiệp tự chủ ký hợp đồng, xác định chuẩn đầu ra, cùng nhau xây dựng chương trình, cùng nhau tổ chức tuyển sinh và cùng nhau tổ chức đào tạo.
Để đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo gắn với kết quả đầu ra, vừa qua Bộ đã chỉ đạo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp tổ chức làm việc và ký kết hợp tác với nhiều Hiệp hội doanh nghiệp và tập đoàn lớn như Tập đoàn Mường Thanh, Vingroup, FLC, BIM group…; triển khai các chương trình đào tạo nghề nghiệp theo đơn đặt hàng đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp (phấn đấu năm 2018 khoảng 150 ngàn người, có những trường nhận đặt hàng đào tạo từ doanh nghiệp với quy mô hàng chục ngàn lao động trong giai đoạn 2018-2020).
- Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định; hoàn thiện thể chế, pháp luật về lao động, pháp luật công đoàn, phù hợp với lộ trình và kế hoạch phê chuẩn các công ước của ILO của Việt Nam; xác lập rõ quyền của người lao động, quyền của người sử dụng lao động trong việc gia nhập và thành lập tổ chức của họ; hoàn thiện các thiết chế về giải quyết tranh chấp lao động,...; đồng thời thúc đẩy thực hiện cơ chế thương lượng, thỏa thuận về tiền lương và nâng cao năng lực của các chủ thể trên thị trường lao động nhằm đảm bảo tiền lương thực tế được trả đúng theo cơ chế thị trường đồng thời phù hợp với sự đóng góp của người lao động vào quá trình tăng trưởng;
- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động; thúc đẩy quá trình tự do lựa chọn việc làm và dịch chuyển lao động;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc chấp hành nghiêm các quy định về pháp luật lao động; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.
104. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Chính phủ, Bộ, cơ quan cần quan tâm sớm ban hành Nghị định kèm theo, để khi Luật Trồng trọt ra đời có thể áp dụng ngay vào thực tiễn, tránh tình trạng khi Luật được Ban hành nhưng không thực hiện được.
Trả lời: (Tại Công văn số 6313/BNN-TT ngày 15/8/2018 của BNNPTNT)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng cảm ơn ý kiến kiến nghị của cử tri. Trong quá trình xây dựng dự án Luật Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trong hồ sơ Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ và hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Trồng trọt đã có dự thảo Nghị định Quản lý giống cây trồng và dự thảo Nghị định Quản lý phân bón. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục rà soát và dự thảo các văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt để đảm bảo những văn bản này được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Trồng trọt nếu Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
105. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Đối với chính sách về an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ của nhà nước, cử tri đề nghị không hỗ trợ, đầu tư dàn trải, vì vậy chính sách sẽ manh mún, khó thực hiện, không hiệu quả, ví dụ như chính sách hỗ trợ để bảo vệ phát triển đất trồng lúa tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ.
Trả lời: (Tại Công văn số 5712/BNN-TT ngày 27/7/2018 của BNNPTNT)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin cám ơn và tiếp thu ý kiến của cử tri trong quá trình xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách về an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ của nhà nước trong thời gian tới.
Cụ thể trong quá trình thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa (Nghị định số 42/2012/NĐ-CP), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận thấy nhiều bất cập và đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (Nghị định số 35/2015/NĐ-CP) thay thế Nghị định này. Theo đó tại Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP đã quy định chính sách hỗ trợ tập trung cho địa phương sản xuất lúa, không hỗ trợ trực tiếp cho người dân và tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định sử dụng kinh phí hỗ trợ để thực hiện các công việc theo quy định tại Điều 8.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, rà soát để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2015/NĐ-CP theo hướng giảm hỗ trợ các khâu trung gian và tập trung nguồn kinh phí để hỗ trợ cho địa phương theo các hình thức như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất lúa. Dự kiến tháng 12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định này.
106. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm đồng ý cho tỉnh Lâm Đồng lập dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do cấp bách tại các tiểu khu 178, 179, 180, 181, xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng mà các bộ, ngành trung ương và tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ nhằm đảm bảo các quyền hợp pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật cho công dân là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào sinh sống tại khu vực này.
Trả lời: (Tại Công văn số 5882 /BNN-KTHT ngày 02/8/2018 của BNNPTNT)
Tại điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: “Trên cơ sở quy hoạch bố trí dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư trên cơ sở thỏa thuận về mục tiêu, giải pháp, tổng mức vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Đồng thời, căn cứ quy định của Luật Đầu tư công và quy định nêu trên, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các Sở, ban ngành trong tỉnh lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tự do cấp bách tại các tiểu khu 178, 179, 180, 181, xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông theo quy định, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân, không di cư tự do đi nơi khác.
107. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Vừa qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cử chi còn lo lắng về giá nông sản còn thấp, “đầu ra” chưa ổn định; trong khi, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn tăng, ảnh hưởng đến người sản xuất và chăn nuôi. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dự báo thông tin thị trường, bảo đảm đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Trả lời: (Tại Công văn số 5857/BNN - KH ngày 01/8/2018 của BNNPTNT)
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cơ cấu lại nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2008 - 2017 tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Cơ cấu sản xuất tại một số vùng từng bước được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, gắn với nhu cầu thị trường. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, nông nghiệp là ngành sản xuất kinh doanh phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh. Ngoài ra, nông nghiệp nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường hướng mạnh ra xuất khẩu và cạnh tranh quốc tế, nên việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thị trường, có lúc, có nơi đã xảy ra tình huống cung vượt cầu, hàng hóa tồn đọng, giá giảm, hiệu quả sản xuất chưa đạt như mong muốn. Ngoài ra, trong chế biến và bảo quản nông sản tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, đầu ra sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp nên giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất chưa cao dẫn tới giá cả sản phẩm phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Công tác xúc tiến thương mại, dự báo và phát triển thị trường còn hạn chế nên doanh nghiệp, người nông dân thiếu thông tin dẫn đến sản xuất thụ động theo phong trào làm cho vào thời vụ chính nguồn cung tăng đột biến, tiêu thụ không kịp, cộng với việc thương lái cũng như các nhà nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch dựa vào đó để ép giá, hạ giá mua sản phẩm của người nông dân.
Để giải quyết căn cơ những tồn tại trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Trong các giải pháp của cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển thị trường; cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các chính sách cho phép chuyển đổi cơ cấy cây trồng trên lúa để vừa đảm an ninh lương thực, vừa tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập và ổn định đời sống nhân dân, như: Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa cho phép chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/7/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, theo đó hướng dẫn quy định cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân; Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô. Ngoài ra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều chính sách khác khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Quyết định số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15/9/2015 phê duyệt Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông; Nghị định 89/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn…
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch từng ngành hàng, sản phẩm, xây dựng các vùng sản xuất nông sản theo 3 cấp sản phẩm, rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và theo định hướng của thị trường. Các địa phương đã rà soát, xác định các cây trồng, vật nuôi có lợi thế, gắn với cân đối cung cầu thị trường trong nước và thế giới. Nhờ đó, đã góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn gắn với chế biến và tiêu thụ như: lúa gạo (Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng), cà phê (Tây Nguyên), cao su (Tây Nguyên, Đông Nam bộ), điều, tiêu (Đông Nam bộ), mía đường (Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long), nuôi trồng thủy sản (Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ), chăn nuôi gia súc (Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng),...
Thực hiện Luật quy hoạch năm 2017, Bộ đang tiến hành rà soát các quy hoạch ngành, sản phẩm để tích hợp chung vào các quy hoạch kinh tế - xã hội quốc gia và vùng lãnh thổ.Trên cơ sở đó, tiến hành đánh giá nhu cầu thị trường (cả trong nước và ngoài nước) để xây dựng các chính sách, đề án tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Đồng thời tăng cường tổ chức liên kết trong sản xuất, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng giống và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả các thị trường khó tính.
2. Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản, kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu
Để phát triển thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo:
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ những lĩnh vực nông nghiệp mũi nhọn để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng.
Tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản, phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích tiêu dùng nội địa; hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu và truy suất nguồn gốc nông sản, xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Phát triển mạnh thị trường xuất khẩu: Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu; cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các thị trường nhập khẩu để xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho cả 3 trục sản phẩm nông nghiệp; phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, kỹ thuật để hỗ trợ tốt nhất cho nông sản xuất khẩu nhằm triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại.
Nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, hoạt động hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản; các doanh nghiệp, hội và hiệp hội là người tổ chức thực hiện, cơ quan nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ hoạt động; đặc biệt phát huy vai trò của các tham tán thương mại trong kết nối thị trường. Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại, kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối trong nước và mạng lưới tiêu thụ toàn cầu.
Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường; phát triển nghiên cứu và dự báo cung cầu, qui mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.
108. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Xem xét sửa đổi, bổ sung những nội dung quy định chi tiết chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi để tạo cơ sở pháp lý cho địa phương triển khai thực hiện, cụ thể là tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP; Điều 14 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP; Điều 36 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP; khoản 1 Điều 16 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP.
Trả lời: (Tại Công văn số 5931/BNN-TCTS ngày 03/8/2018 của BNNPTNT)
1. Đối với khoản 5 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013
Ngày 01/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm,hàng hóa thay thế Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.Theo đó, khoản 5 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP đã được thay thế bởi khoản 5 Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017, cụ thể như sau:“5. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng đã công bố hợp chuẩn.”.
2. Đối với Điều 14 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo“Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản” thay thế Nghị định số 103/2013/NĐ-CP. Theo đó, các hành vi vi phạm như phản ánh của cử tri đã được nghiên cứu và quy định trong dự thảo Nghị định theo hướng nâng mức phạt tiền cao hơn Nghị định số 103/2013/NĐ-CP từ 03 đến 05 lần để đảm bảo tính răn đe nhằm chấm dứt tình trạng sử dụng ngư cụ, thiết bị, phương pháp khai thác thủy sản không đúng quy định hoặc bị cấm. Đặc biệt, đối với hành vi sử dụng ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản khác bị cấm sử dụng thìngoài hình thức phạt tiền còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (trừ tàu cá), dự kiến“Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản”sẽ trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 11/2018 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
3. Đối với Điều 36 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013
Ngày 7/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thay thế Nghị định số 119/2013/NĐ-CP. Theo đó, Điều 36 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP đã được thay thế bởi Điều 14 Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 7/5/2018, cụ thể như sau:
“Điều 14. Vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm về chất cấm sau đây:
a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản mà tổng giá trị các sản phẩm thức ăn vi phạm dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính;
d) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản mà tổng giá trị các sản phẩm thức ăn vi phạm từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm d Khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy chất cấm và thức ăn chăn nuôi, thủy sản có chứa chất cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Buộc cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản tiếp tục nuôi giữ vật nuôi, thủy sản đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bản hoặc giết mổ hoặc thu hoạch đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm c Khoản 1 Điều này; buộc tiêu hủy vật nuôi, thủy sản trong trường hợp tái phạm sử dụng chất cấm hoặc không thể tiếp tục nuôi giữ.”.
Bên cạnh quy định xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại Điều 14 Nghị định số 64/2018/NĐ-CP. Mặt khác, để xử lý nghiêm đối với các hành vi nêu trên, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã quy định tại các “Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”, theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôithì bịphạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù đến 20 năm.
4. Đối với khoản 1 Điều 16 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hộihoàn thiện dự thảo “Luật Trồng trọt” để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Khóa XIV. Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri và rà soát để xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2016/NĐ-CPbảo đảm tính khả thi và phù hợp với Luật Trồng trọt sau khi được Quốc hội thông qua, dự kiến Luật Trồng trọt sẽ trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6, Khóa XIV của Quốc hội vào tháng 11 năm 2018.
109. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Đề nghị Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Đề án khôi phục bảo vệ và phát triển rừng cảnh quan khu ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008 – 2020 (theo Quyết định số 1134/QĐ-TTg, ngày 21/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ), trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cần thiết để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án trong các năm tiếp theo.
Trả lời: (Tại Công văn số 6017/BNN-TCLN ngày 07/8/2018 của BNNPTNT)
1. Một số kết quả Đề án đạt được
Ngày 21/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1134/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án khôi phục bảo vệ và phát triển rừng cảnh quan khu ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008 – 2020; theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên được giao là chủ đầu tư, chỉ đạo và thực hiện các dự án đầu tư cụ thể trên địa bàn, nên sẽ là cơ quan chủ trì việc đánh giá và sơ kết, tổng kế Đề án; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan phối hợp thực hiện.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, tháng 11 năm 2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan tổ chức sơ kết 8 năm thực hiện Đề án, với một số kết quả chính đạt được như sau:
- Đã hoàn thành việc quy hoạch 30.267,43 ha đất lâm nghiệp, trong đó: đất rừng đặc dụng 7.539,98 ha, đất rừng phòng hộ 8.947,80 ha và đất rừng sản xuất 13.779,65 ha.
- Đã bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng 13.933,3 ha; trồng rừng mới: 8.726,18 ha, đạt 92,8 % so với mục tiêu Đề án, trong đó trồng rừng đặc dụng 628,4 ha, đạt 371,83% (mục tiêu Đề án là 169,0 ha); trồng cây lâm sản ngoài gỗ: 1.000 ha Quế bằng nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp.
- Đã xây dựng Vườn cây Bác Hồ với quy mô 29,9 ha phục vụ trồng cây tưởng niệm, tạo cảnh quan cho khu di tích Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng 01 Vườn ươm cây giống với quy mô 1,10 ha với năng lực sản xuất 2 triệu cây giống/năm.
- Kiên cố hóa 28,224 km đường giao thông, đạt 94,08% so với mục tiêu Đề án; xây dựng nhà trụ sở Ban quản lý với diện tích 376 m2.
- Xây dựng hệ thống kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện với trên 200 cơ sở, sản lượng đạt 50.000 m3/năm.
- Kinh phí đã giải ngân đến năm 2016 là 114,558 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ là 111,258 tỷ đồng.
Như vậy, sau 8 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đem lại hiệu quả rất quan trọng, đó là: quản lý, bảo vệ và phát triển ba loại rừng gắn với việc bảo vệ, phục hồi, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo về quần thể di tích của “Thủ đô kháng chiến”, bảo về đa dạng sinh học, tăng cường chức năng phòng hộ môi trường, nâng độ che phủ rừng từ 45% lên 56%; tạo việc làm cho trên 1.000 hộ gia đình, tạo nguồn thu khoảng trên 85 tỉ đồng/năm thông qua khai thác 50.000 m3 gỗ, 30.000 ster củi; xây dựng các tuyến đường dân sinh thúc đẩy sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Về các giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tập trung chỉ đạo:
- Tiếp tục quản lý bền vững tổng diện tích 30.849 ha; trồng rừng mới 990 ha rừng đặc dụng, phòng hộ; trồng mới và trồng lại 3.500 ha rừng sản xuất sau khai thác.
- Tiếp tục triển khai Dự án Vườn cây Bác Hồ tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa nhằm tạo khu vực cho khách thăm quan trồng cây lưu niệm, tạo cảnh quan cho khu di tích Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút khách du lịch.
- Hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi cấp nước, trường học, trạm xá, Nhà văn hóa, hệ thống đường lâm nghiệp khoảng 100 km đến vùng rừng trồng tập trung; hỗ trợ xây dựng trụ sở Trạm Kiểm lâm địa bàn.
- Kiện toàn Ban chỉ đạo, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, kêu gọi đầu tư để tổ chức thực hiện các mục tiêu của Đề án.
- Tổ chức tổng kết Đề án vào năm 2020 và đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển bền vững khu ATK Định Hóa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.
110. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Trả lời: (Tại Công văn số 6013/BNN-TCLN ngày 07/8/2018 của BNNPTNT)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Văn bản số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành và UBNDcác tỉnh Tây Nguyên triển khai xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025 (Đề án) tại Tờ trình số 8426/TTr-BNN-TCLN ngày 05/10/2016.Đề án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thực hiện Văn bản số 262/TB-VPCP ngày 26/7/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tụcphối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện Đề ántrình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
111. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp vẫn diễn biến phức tạp; việc sử dụng các chất cấm có hại cho sức khỏe trong chăn nuôi gây lo lắng trong nhân dân. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên, bảo đảm an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe của người dân.
Trả lời: (Tại Công văn số 5640 /BNN-BVTV ngày 25/7/2018 của BNNPTNT)
Để tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp, ngày 24/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch quản lý, giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc thú y giai đoạn 2016- 2020; kế hoạch kiểm tra, tổng rà soát kinh doanh, sử dụng thuốc thú y giai đoạn 2018-2020; xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn 2016 - 2021” và xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả phân bón nhằm xác định các giải pháp căn cơ để quản lý hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường.
Năm 2018 Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng, ban hành kế hoạch năm cao điểm về an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp; ban hành Quyết định số 4713/QĐ-BVTV-TTr và 4714/QĐ-BVTV-TTr ngày 17/11/2017 về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ, Tổng cục và các Cục. Theo đó, Bộ đã chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm.
Trong thời gian qua, công tác quản lý vật tư nông nghiệp nói chung, công tác quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể như sau:
Về quản lý phân bón, khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ
+ Hành lang pháp lý đã dần hoàn thiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, theo đó đã hợp nhất công tác quản lý nhà nước về một đầu mối là Bộ Nông nghiệp và PTNT, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công tác quản lý nhà nước về phân bón.
+ Việc khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vốn chưa được quan tâm đúng mức, nay đã được đưa vào quy định trong Nghị định số 108/2017/NĐ-CP.
+ Bước đầu đã tiếp cận, ứng dụng và chuyển giao được một số công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ thế hệ mới có hiệu suất sử dụng cao hơn phân bón hữu cơ truyền thống và thân thiện với môi trường; chọn lọc, nhập nội được nhiều chủng vi sinh vật có lợi phân giải cơ chất để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ các nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước.
+ Người tiêu dùng đã và đang quan tâm sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đây cũng là tiền đề và điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trong thời gian tới.
Về quản lý thuốc bảo vệ thực vật
+ Công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật đã và đang được siết chặt, tăng cường quản lý ở tất cả các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm, cấp phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng.
+ Loại bỏ ra khỏi danh mục các loại thuốc có độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Khuyến khích đăng ký vào danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn hiệu quả. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hóa học cũng bắt đầu chuyển hướng phát triển sản phẩm sinh học đáp ứng nhu cầu ngày một tăng nhanh của thị trường.
+ Ngành bảo vệ thực vật đã phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn về sử dụng thuốc cho người nông dân kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả là việc sử dụng thuốc của người dân đang có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tuân thủ đúng thời gian cách ly và kỹ thuật sử dụng thuốc. Thậm chí, có những địa phương người nông dân rất ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà sử dụng chủ yếu các biện pháp sinh học, vật lý như bao trái, bẫy pheromone, bẫy bả, bẫy dính hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
+ Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã phát hơn 406,113 tờ rơi, dán tổng cộng 20,495 poster tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông thôn để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của bà con nông dân. Hình thành 167 mô hình tiêu biểu tại các xã xây dựng nông thôn mới trên các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Đến hết năm 2017 thu gom và tiêu hủy được hơn 38,4 tấn bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, dự kiến trong năm 2018 thực hiện thu gom và tiêu hủy khoảng trên 60 tấn.
Về kiểm soát sử dụng các chất cấm có hại cho sức khỏe trong chăn nuôi
+ Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 03 Thông tư về Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam gồm: Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04/9/2014; Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2015; Thông tư số 01/2017/TT-BNNPTNT ngày 16/01/2017.
+ Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Cục Chăn nuôi tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cách thức kiểm tra nhanh các chất cấm thuộc nhóm Beta - agonist bằng kit thử nhanh nước tiểu vật nuôi với thời gian thực hiện 5 phút và chi phí khoảng 70.000đ/mẫu (nếu áp dụng phương pháp ELISA thời gian phải mất từ 01 ngày đến 02 ngày mới có kết quả với chi phí trên 300.000đ/mẫu và phải tiến hành trong các phòng thử nghiệm, do vậy rất khó khăn cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa). Với cách thức kiểm tra này đã hỗ trợ rất lớn cho việc kiểm tra, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt người dân tại các thời điểm, địa điểm khác nhau đều dễ dàng kiểm tra được.
+ Công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Chăn nuôi, cơ quan công an, quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cơ quan chức năng các tỉnh phối hợp, triển khai đồng bộ, quyết liệt. Từ đầu năm 2018 đến nay chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất cấm trong sản xuất nông, thủy sản.
112. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Tại Khoản 4, Điều 6, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt nước sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, hải sản cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp thuê đất, thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn thuê và có nhu cầu thuê lại. Đề nghị có quy định và hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục tiếp tục thuê lại đất để nuôi trồng thủy sản, để đảm bảo sự công bằng xã hội và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Trả lời: (Tại Công văn số 6297/BNN-TCTS ngày 15/8/2018 của BNNPTNT)
- Đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai.
- Đối với trường hợp thuê mặt nước biển sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, hải sản đã hết thời hạn thuê và có nhu cầu thuê lại được quy định cụ thể tại Điều 10, Điều 12, Điều 13 của Nghị định số 27/2005/NĐ-CP, ngày 08/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản 2003, trong đó quy định cụ thể như sau:
1. Trước thời điểm hết hạn quyền sử dụng mặt nước biển sáu (6) tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản phải làm hồ sơ như quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 10 Nghị định số 27/2005/NĐ-CP, ngày 08/3/2005 của Chính phủ, gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin gia hạn được giao, thuê mặt nước biển.
2. Hồ sơ xin giao, thuê lại mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, hải sản bao gồm:
a) Đơn xin giao, thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận;
b) Báo cáo dự án khả thi nuôi trồng thủy sản được cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh thẩm định;
c) Bản thuyết minh về năng lực kỹ thuật nuôi trồng thủy sản;
d) Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thuỷ sản và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;
đ) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao hợp lệ).
3. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc gia hạn thời hạn giao hoặc cho thuê và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Trường hợp không gia hạn thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Cơ quan thẩm quyền được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 28 Luật Thủy sản 2003 xem xét hồ sơ, quyết định việc giao, cho thuê và gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, hải sản.
113. Cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị: Cử tri đề nghị nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù cho các xã có điều kiện đặc biệt khó khăn ở huyện không nằm trong diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2009/NQ-CP. Vì trên thực tế tại một số huyện giáp danh, nhiều xã có điều kiện khó khăn giống nhau nhưng có xã lại được hưởng cơ chế hỗ trợ vì thuộc huyện 30a, còn những xã có điều kiện khó khăn nhưng thuộc huyện khác nên không được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù của nhà nước”
Trả lời: (Tại Công văn số 6274 /BNN-KTHT ngày 15/8/2018 của BNNPTNT)
Ngày 2/9/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Đối tượng hỗ trợ là các Huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, và các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với những xã giáp ranh với huyện nghèo cũng có cơ chế hỗ trợ đặc thù, những xã, thôn, bản khó khăn hơn thì hỗ trợ nhiều hơn. Để thực hiện hỗ trợ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (trong đó gồm tất cả các xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực III giáp với các xã thuộc huyện 30a) được thụ hưởng cơ chế, chính sách của Chương trình 135.
Đối với những xã ít khó khăn hơn (xã khu vực II, khu vực I giáp với các xã thuộc huyện 30a), Bộ trưởng, Chủ nhiệm ỦY ban Dân tộc ban hành QĐ số 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (mỗi xã được đầu tư 04 thôn đặc biệt khó khăn).
Những xã, thôn, bản được công nhận tại các Quyết định trên được hưởng cơ chế hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 bao gồm cả về hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ sinh kế, đào tạo …. Tuy nhiên, mức hỗ trợ sẽ không bằng được so với các xã nằm trong địa bàn 30a vì thực tế xét về mặt bằng chung của toàn huyện, các huyện nghèo 30a có điều kiện khó khăn hơn.
Bên cạnh đó Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025.
Ngoài ra, đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tín dụng... theo quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 31/5/2018 của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo đa chiều.
114. Cử tri tỉnh Lai Châu kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách kéo dài thời gian hỗ trợ gạo hàng tháng cho các hộ tái định cư thủy điện Lai Châu thêm 02 năm để đảm bảo đời sống. Vì hiện nay diện tích đất sản xuất lương thực của các hộ tái định cư cơ bản mới được khai hoang, cải tạo, có độ dốc lớn…năng suất, sản lượng lương thực còn thấp, do đó đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Trả lời: (Tại Công văn số 6787 /BNN-KTHT ngày 30/8/2018 của BNNPTNT)
Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 30/01/2011; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 12/11/2017 và giao cho tỉnh Lai Châu tổ chức thực hiện. Đến nay, tỉnh Lai Châu đã cơ bản thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, di dân, tái định cư và đang tiếp tục hỗ trợ để ổn định sản xuất và đời sống cho người dân tái định cư. Các hộ tái định cư đã được hỗ trợ lương thực và cơ bản được giao đất sản xuất theo đúng chính sách bồi thường hỗ trợ, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu.
Việc đề nghị kéo dài thời gian hỗ trợ gạo hàng tháng cho các hộ tái định cư thủy điện Lai Châu thêm 02 năm là không phù hợp với chính sách bồi thường hỗ trợ, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu và các quy định pháp luật khác về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (Luật Đất đai, Nghị định số 47/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ). Do đó, để giảm bớt khó khăn cho người dân tái định cư, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh Lai Châu:
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Lai Châu thực hiện hỗ trợ gạo trong thời gian giáp hạt theo quy định hiện hành đối với các hộ tái định cư có đất sản xuất mới được khai hoang, cải tạo, có độ dốc lớn, năng suất, sản lượng lương thực còn thấp.
- Rà soát, đánh giá thực trạng đời sống, sản xuất của người dân tái định cư, làm cơ sở xác định đúng đối tượng hộ tái định cư cần được hỗ trợ lương thực trong thời gian giáp hạt.
115. Cử tri tỉnh Lai Châu kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát để góp phần giảm bớt những khó khăn về đời sống cho đồng bào tái định cư (UBND tỉnh Lai Châu đã có Tờ trình số 1894/TTr-UBND ngày 14/12/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt).
Trả lời: (Tại Công văn số 5926/BNN-KTHT ngày 03/8/2018 của BNNPTNT)
Trên cơ sở Tờ trình số 1894/TTr-UBND ngày 14/12/2015 của UBND tỉnh Lai Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định, xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt tại Công văn số 10652/BNN-KTHT ngày 30/12/2015. Sau khi xem xét, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện Dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư thuỷ điện Huổi Quảng và Bản Chát tại Công văn số 4007/VPCP-KTN ngày 27/5/2016 của Văn phòng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 4756/BNN-KTHT ngày 09/6/2016 đề nghị UBND tỉnh Lai Châu hoàn thiện Dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư thuỷ điện Huổi Quảng và Bản Chát với nội dung:
- Hoàn thiện hồ sơ Dự án theo ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 1788/BKHĐT-KTNN ngày 17/3/2016); Tài chính (Công văn số 3459/BTC-ĐT ngày 16/3/2016).
- Tiến hành các quy trình, thủ tục đầu tư Dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nhận được hồ sơ Dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư thuỷ điện Huổi Quảng và Bản Chát của UBND tỉnh Lai Châu theo các nội dung nêu trên.
116. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri cho rằng, thời gian qua Quốc hội ban hành rất nhiều Luật nhưng việc thi hành pháp luật trên thực tế không nghiêm, không hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều hành vi vi phạm pháp luật xử lý còn nhẹ nên có biểu hiện “nhờn” luật, như tình trạng phá rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo khắc phục tình trạng này, nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật được áp dụng nghiêm, có hiệu quả trên thực tế.
Trả lời: (Tại Công văn số 6920 /BNN-TCLN ngày 05/9/2018 của BNNPTNT)
Cùng với Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua năm 2004, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương đã ban hành 122 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, trong đó 23 Nghị định của Chính phủ đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh và nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ rừng, môi trường sinh thái. Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, ngày 12/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua đó, nhận thức về trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý bảo vệ rừng đã có chuyển biến rõ nét, công tác ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, tội phạm về lâm nghiệp được quan tâm hơn, nhiều vụ việc vi phạm quy mô lớn được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm 2018 lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý 6.651 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khởi tố 108 vụ án hình sự liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành pháp luật trên thực tiễn, vẫn còn những hạn chế, bất cập, cá biệt tại một số nơi, một số thời điểm tình trạng pháp luật chưa được thi hành nghiêm chỉnh, thiếu thống nhất và triệt để, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp chưa cao.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, đảm bảo quy định của pháp luật được thực hiện đầy đủ, có hiệu quả, ngăn chặn tình trạng phá rừng, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số giải pháp sau:
- Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo tăng cường nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
- Tăng cường sự phối hợp các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các lực lượng chức năng liên quan để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.
- Tiếp tục tham mưu xây dựng và trình Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện, đề xuất, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, chấn chỉnh các sai sót để xử lý nghiêm vi phạm.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội khoá XIV thông qua ngày 15/11/2017, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
117
. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Đề nghị chú trọng việc xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách đồng bộ giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trả lời: (Tại Công văn số 6435/BNN-CBTTNS ngày 20/8/2018 của BNNPTNT)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như sau:
- Về tổ chức sản xuất:
+ Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch sản xuất theo 3 nhóm sản phẩm: (1) Sản phẩm chủ lực quốc gia, (2) Sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, (3) Sản phẩm là đặc sản của địa phương (theo mô hình mỗi xã một sản phẩm)
+ Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất (VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn sản phẩm) để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các thị trường.
+ Triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển ngành, nhất là các chính sách: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018); về bảo hiểm nông nghiệp (Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018); về phát triển ngành nghề nông thôn (Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018); về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018); phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
- Về chế biến: thực hiện các chính sách mạnh mẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu tham mưu sửa đổi Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và xây dựng.
- Về phát triển thị trường tiêu thụ:
+ Tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung xây dựng liên kết 6 nhà “Nhà nông – Nhà nước – Nhà đầu tư – Nhà băng – Nhà khoa học – Nhà phân phối”.
+ Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường; phát triển nghiên cứu và dự báo cung cầu, qui mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tìm kiếm nhiều thị trường mới và đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới vào các thị trường quốc tế.
+ Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương, nhằm bảo hộ và đăng ký thương hiệu nông sản Việt Nam.
+ Giới thiệu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín về ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản.
118. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị : Về di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lử, ngập lụt, thiệt hại do thiên tai: Thời gian qua, việc thực hiện Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bổ trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, xung yêu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015 đã dem lại những lợi ích thiết thực cho người dân thuộc Chương trình. Hiện nay, trước những thay đôi lớn về thời tiết và diễn biến phức tạp của thiên tai đã gây nhiều thiệt hại cho người dân trong các vùng nguy hiểm về người và tài sản. Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng kể hoạch, chương trình tổng thể quốc gia, có lộ trình và đảm bảo nguồn lực để khan trương di dòi, bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng có nguy cơ bị ngập lũ, sạt lở đất, bờ sông, ven biển, vùng có nguy cơ chịu nhiều ảnh hưởng lớn do thiên tai,... để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ốn định cuộc sống và sản xuất lâu dài.
Trả lời: (Tại Công văn số 5925/BNN-KTHT ngày 03/8/2018 của BNNPTNT)
Ngày 21/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bổ trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rùng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình bố trí dân cư) và thay thế Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg.
Thực hiện Quyết định trên, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã tích cực tố chức triển khai thực hiện có kết quả mục tiêu chương trình đề ra. Đến hết năm 2017, cả nước thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho gần 7,5 vạn hộ dân (trong đó hơn 60% số hộ ở vùng thiên tai và có nguy cơ cao về thiên tai), góp phân hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống, hạn chế di cư tự do, giải quyêt việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình bố trí dân cư đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28/6/2017 pho duyệt Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chông giảm nhẹ thiên tai, ổn (lịnh dời sống dân cư. Thực hiện Quyết định trên, Bò Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tống họp, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch trung hạn 2018-2020 hợp phần ôn định đời sống dân cư trên phạm vi cả nước, trong đó: đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi 55,5 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 3 tỷ đồng vốn sự nghiệp kinh tế, để thực hiện các dự án đàu tư bố trí dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản, từng bước ôn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân.
119. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị : Hiện nay, nhân dân huyện Bá Thước do thiếu đất ở và đất sản xuất nên nhiều gia đình có nguyện vọng di dân ra ngoài huyện, ngoài tỉnh đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đe nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ di dân tái định cư đi xây dựng các vùng kinh tế mới tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên để nhân dân có điều kiện thoát nghèo.
Trả lời: (Tại Công văn số 5924/BNN-KTHT ngày 03/8/2018 của BNNPTNT)
Ngày 21 tháng 11 nám 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, tại điểm d khoản 3 Điều 1 tại Quyết định nêu trên về nguyên tắc thực hiện chương trình, quy định: “Việc bố trí ổn định dân cư chủ yếu trên địa bàn trong xã, huyện, tỉnh. Trường họp cần thiết có nhu cầu di dân ra ngoài tỉnh cần thống nhất tỉnh có dân đi và tỉnh có dân đến để bố trí theo quy hoạch. Thực hiện bố trí dân cư xen ghép là chủ yếu, kết họp với di dân tập trung và ổn định tại chỗ”.
Đồng thời, tại điểm c khoản 2 Điều 3 của Quyết định nêu trên về chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, quy định: “Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn nếu di chuyển nội vùng dự án mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; di chuyển trong tỉnh mức hỗ trợ 23 triệu đồng/hộ; di chuyển ngoài tỉnh mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ...”.
Vì vậy, đề nghị ủy ban nhấn dân tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào các quy định nêu trên của Quyết định sổ 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan, thực hiện bố trí dân cư ra ngoài huyện, ngoài tỉnh theo quy định. Đồng thời, đề nghị Tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho các hộ dân theo quy định, tạo điều kiện cho các hộ từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, an tâm ổn định cuộc sống.
120. Cử tri Gia Lai kiến nghị:“Đề nghị quan tâm đến việc thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng lõi của các đô thị như thị xã Ayun Pa”.
Trả lời: (Tại Công văn số 1022/UBDT-CSDT ngày 31/8/2018)
Hiện nay, hệ thống chính sách dân tộc có 116 chính sách được thể chế qua 173 văn bản (gồm các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Hệ thống chính sách dân tộc hiện nay đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội: từ đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, dạy nghề, giảm nghèo bền vững, y tế, chính sách đặc thù… Do điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn lực hạn hẹp, hệ thống các chính sách giai đoạn 2016 - 2020 tập trung ưu tiên hơn tới vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, tới hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn nhằm tiến tới giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, rút ngắn dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng.
Về kiến nghị của cử tri đề nghị tập trung thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng lõi đô thị: Để có cơ sở khách quan, đánh giá những mặt được, chưa được, đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và được đồng ý chủ trương tổng kết chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021-2025 (văn bản số 5868/VPCP-QHĐP ngày 20/6/2018). Sau khi tổng kết, sẽ có căn cứ để đề xuất các chính sách phù hợp theo từng vùng theo như đề xuất của cử tri.
121. Cử tri Quảng Ngãi kiến nghị: “Đề nghị nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng đặc thù đối với hộ dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này, như: nâng hạn mức vốn vay; điều chỉnh lãi suất ưu đãi đối với huyện miền núi (thấp hơn mức ưu đãi chung); chu kỳ thanh toán phù hợp với đặc thù sản xuất (trồng rừng kinh tế, rừng cây gỗ lớn lâu năm, sản xuất, kinh doanh…); liên kết cho vay thực hiện các chương trình về việc làm, nhà ở, vệ sinh môi trường…; chính sách tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, vùng kinh tế khó khăn để thúc đẩy phát triển khu vực này”.
Trả lời: (Tại Công văn số 918 /UBDT-CSDT ngày 15/8/2018)
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách tín dụng đặc thù trên nhiều lĩnh vực đối với hộ dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội với lãi suất rất ưu đãi như:
- Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu là tập trung giải quyết khó khăn, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân vùng dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững. Ngoài các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp còn được vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, thời hạn vay tối đa 10 năm, lãi suất cho vay 3,3%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ); việc cho vay được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội. Theo báo cáo của Ngân hàng, tính đến 30/6/2018, dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 1.695.439 triệu đồng với 159.057 khách hàng dư nợ, bao gồm cả dư nợ cho vay theo các Quyết định[21] 54/2012/QĐ-TTg và Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013. Riêng với Quyết định 2085/QĐ-TTg có 4.425 khách hàng dư nợ với tổng số tiền vay gần 175.840 triệu đồng.
- Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã khó khăn vùng dân tộc và miền núi được vay tối đa 15 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa 20 năm để trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; các hộ dân vay vốn phát triển chăn nuôi được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 10 năm, lãi suất 1,2%/năm. Tính đến 30/6/2018, dư nợ cho vay theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP đạt 171.695 triệu đồng, với 4.082 khách hàng còn dư nợ.
- Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại nhà nước để phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Tính đến 30/6/2018, dư nợ cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản tại Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 2.206.793 triệu đồng với 41.684 khách hàng dư nợ.
- Quyết định 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Theo quy định , các hộ dân được vay tối đa 50 triệu đồng (trong một số trường hợp cụ thể, mức cho vay của một hộ có thể đến 100 triệu đồng), lãi suất 9%/năm, thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội quyết định, phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của người vay vốn và chu kỳ sản xuất, kinh doanh của từng dự án vay vốn. Tính đến 30/6/2018, dư nợ cho vay đạt 19.736.839 triệu đồng với 642.461 khách hàng dư nợ.
- Quyết định 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Các thương nhân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách được vay tối đa 500 triệu đồng, lãi suất 9%/năm, thời hạn vay tối đa 5 năm. Tính đến 30/6/2018, dư nợ cho vay đạt 229.137 triệu đồng với 5.701 khách hàng dư nợ.
Như vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và ngành Ngân hàng đã tích cực ban hành, triển khai các chính sách tín dụng đặc thù đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh, thương nhân hoạt động thương mại, đầu tư vào miền núi, vùng kinh tế khó khăn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mức vốn và thời hạn cho vay cơ bản đáp ứng nhu cầu, giúp cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, mức lãi suất của các chương trình này đều thấp hơn so với lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trên thị trường hiện nay.
Thời gian tới, để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội tham mưu cho Thủ tướng ban hành các chính sách tín dụng đặc thù khác trong thời gian tới.
122. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ cần tăng cường việc công khai, minh bạch trong vấn đề quy hoạch, xây dựng các công trình đô thị. Đồng thời, đề nghị tiến hành giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các vấn đề nêu trên”
Trả lời: (Tại Công văn số 2040/BXD-QHKT ngày 16/8/2018 của BXD)
1. Về công khai, minh bạch trong vấn đề quy hoạch:
Vấn đề công khai, minh bạch đối với các khu quy hoạch được thể hiện thông qua việc lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch và tổ chức công bố công khai sau khi quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các nội dung trên được quy định rõ tại các Điều 16, 17, 40, 41, 42 và 43 Luật Xây dựng năm 2014 và các Điều 20, 21, 53, 54 và 55 Luật Quy hoạch đô thị.
Ngoài ra, Điều 16 Luật Quy hoạch đô thị cũng quy định một trong các hành vi bị cấm là “Từ chối cung cấp thông tin, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cung cấp sai thông tin về quy hoạch đô thị”.
Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, khẳng định vai trò của công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị.
Như vậy, trên thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã quy định cụ thể việc công bố công khai quy hoạch. Tuy nhiên, trong khâu tổ chức thực hiện vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc, đầy đủ ở một số địa phương. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và các ngành, thực hiện kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp thực hiện chưa nghiêm túc và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, phục vụ tốt phát triển kinh tế xã hội, cuộc sống và sản xuất của nhân dân.
2. Một số giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lỷ nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị:
a) Bộ Xây dựng:
- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ đế hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về Quy hoạch xây dựng, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
- Phối hợp với các địa phương hướng dẫn thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị đối với các cơ quan quản lý và các chủ thể khác. Thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quy hoạch.
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, công khai minh bạch thủ tục hành chính trong quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng đề án về hệ thống cơ sở dữ liệu và công khai thông tin quy hoạch xây dựng.
b) Chính quyền các địa phương thực hiện tốt trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo quy định của pháp luật, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nội dung:
- Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng kế hoạch thực hiện sau quy hoạch, kế hoạch và lộ trình cắm mốc chỉ giới xây dựng; quản lý tốt cốt xây dựng, công khai thông tin về quy hoạch, cốt xây dựng theo quy định pháp luật; tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.
123. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Tại Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, số 42/2017/NĐ-CP đưa ra khái niệm “vốn ngân sách nhà nước” và “vốn nhà nước ngoài ngân sách” nhưng không có định nghĩa cụ thể về 2 khái niệm trên; đồng thời các quy định liên quan đến vốn nhà nước, vốn ngân sách nhà nước tại Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013 chưa đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước 2015. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thống nhất 02 khái niệm “vốn ngân sách nhà nước” và “vốn nhà nước ngoài ngân sách” trong Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và Luật Ngân sách nhà nước”
Trả lời: (Tại Công văn số 2029/BXD-HĐXD ngày 16/8/2016 của BXD)
Luật Xây dựng quy định 03 loại nguồn vốn khác nhau không dùng mục đích quản lý, sử dụng vốn. Việc quy định các loại nguồn vốn khác nhau (vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác) để phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn;
Vốn ngân sách được quy định tại Luật Xây dựng là loại vốn ngân sách chi cho đầu tư phát triển được quy định tại Luật Ngân sách;
Vốn nhà nước ngoài ngân sách là vốn nhà nước theo quy định tại Luật Đấu thầu không bao gồm nguồn vốn ngân sách;
Vốn khác là lại nguồn vốn ngoài nhà nước;
Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công quy định về Vốn Đầu tư công theo hướng “Vốn đầu tư công quy định tại Luật này gồm: Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương), vốn đi vay và các nguồn vốn khác của nhà nước nhưng chưa cân đối trong ngân sách nhà nước để đầu tư theo hình thức đầu tư công hoặc đối tác công tư”
124. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Theo Điều 10 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đơn vị chủ trì thẩm định các dự án sửa chữa, cải tạo, bảo trì và nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách là cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư; tuy nhiên, theo quy định tại Điều 30 và 31 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ thì Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì thẩm định các dự án này. Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi thống nhất 02 Nghị định này.
Trả lời: (Tại Công văn số 2027/BXD-HĐXD ngày 16/8/2018 của BXD)
Vấn đề này, Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ, trong đó có nội dung bãi bỏ quy định SởKế hoạch và Đầu tư, cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư cấp huyện, cấp xã là đơn vị chủ trì thẩm định các dự án sửa chữa, cải tạo, bảo trì và nâng cấp được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP.
125. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Cử tri và nhân dân trong tỉnh kiến nghị Nhà nước chú trọng công tác quy hoạch phát triển các đô thị, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lý
Trả lời: (Tại Công văn số 2247/BXD-QHKT ngày 6/9/2017 của BXD)
1. Quy hoạch và phát triển đô thị là lĩnh vực luôn được Nhà nước ta quan tâm, đến nay đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh toàn diện các hoạt động về đầu tư xây dựng và quy hoạch - kiến trúc như: Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Nhà ở 2014 và các Nghị định của Chính phủ: số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị và các Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.Hệ thống quy định về quy hoạch, phát triển đô thị tương đối đầy đủ, góp phần điều chỉnh các hoạt động về quy hoạch, phát triển đô thị trong thực tiễn. Trong những năm qua, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị tại các địa phương đã được quan tâm,đến hết năm 2017 tỷ lệ lập quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Năng lực quản lý, tổ chức thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt của một số cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia đã được nâng cao hơn. Việc đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch được đẩy mạnh hơn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đô thị hóa. Hiện nay, hệ thống đô thị cả nước bao gồm: 819 đô thị, trong đó 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 646 đô thị loại V,tỷ lệ đô thị hóa khoảng 37,8%. Bộ mặt các đô thị ngày càng hiện đại, khang trang hơn, khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong GDP, đóng góp quyết định vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương. Tuy nhiên công tác quy hoạch, phát triển đô thị đã bộc lộ những hạn chế, bất cấp, trong đó có hạn chế như phản ánh của cử tri tỉnh Nam Định. Ngoài ra ở một số địa phương, tiến độ xây dựng các loại quy hoạch xây dựng theo quy định (nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) còn chậm; chất lượng quy hoạch còn hạn chế, chưa đồng bộ;tiến độ lập và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển đô thị còn chậm (mới đạt 30% khối lượng công việc theo yêu cầu), thiếu nguồn lực cho phát triển đô thị, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực dự ánvà kết nối với các khu vực khác thiếu đồng bộ. Tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.
2. Một số giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị
a) Bộ Xây dựng:
Bộ Xây dựng đã trìnhThủ tướng Chính phủ (tờ trình số 41/TTr-BXD ngày 13/9/2018) dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệttrong đó các giải pháp đề xuất như:
- Khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc trong Chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư liên quan bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, đáp ứng được yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập, hoàn thành trong năm 2019.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các Luật, Nghị định liên quan về xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, hoàn thành trong năm 2019.
- Sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới phát triển đô thị, nhà ở bảo đảm yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển, hoàn thành trước năm 2020.
- Xây dựng Đề án “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị” nhằm nghiên cứu, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019.
- Tổ chức lập Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2020-2030; Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và các Chương trình, dự án đầu tư nâng cấp đô thị, tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2020-2025 và các giai đoạn tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở quản lý hiệu quả các nguồn lực của đô thị, hướng tới phát triển đô thị ổn định, bền vững.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chú trọng xây dựng các khung hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị tăng trưởng xanh, công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng và quy định việc thực hiện bắt buộc đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công.Hoàn thành trước năm 2020.
- Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo sự chủ động tối đa cho các địa phương; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đô thị.
- Hoàn thành việc lập cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch trong năm 2019.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm về công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; kiểm tra, rà soát, đánh giá quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch tại các đô thị được nâng loại; mở rộng phạm vi hành chính. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm.
b) UBND các cấp tại địa phương có trách nhiệm quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, phát triển đô thị tuân thủ quy định pháp luật, thực hiện tốt một số nội dung:
- Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng kế hoạch thực hiện sau quy hoạch, kế hoạch và lộ trình cắm mốc chỉ giới xây dựng; quản lý tốt cốt xây dựng, công khai thông tin về quy hoạch, cốt xây dựng theo quy định pháp luật.
- Tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.
126. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Đề nghị tăng cường giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.
Trả lời: (Tại Công văn số 2169/BXD-QLN ngày 22/8/2018 của BXD)
Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội đã ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở, trong đó có đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp (gọi tắt là công nhân).
Theo đó, chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; được địa phương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án; trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp tự lo chỗ ở cho người lao động, nếu đầu tư xây dựng nhà ở, tự mua nhà ở hoặc thuê nhà ở để bố trí cho công nhân lao động của đơn vị mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành thì chi phí mua hoặc thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp... Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có quy định đối với khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở và hạ tầng xã hội cho công nhân (nhà trẻ, trường học,...) thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh, bổ sung quỹ đất trong quy hoạch địa phương để phát triển nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đối với khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành phải bố trí đủ quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở cho công nhân có đầy đủ hạ tầng...
Trong giai đoạn 2009-2016, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội (đặc biệt là từ giữa năm 2013, khi Chính phủ bắt đầu triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội), góp phần giải quyết chỗ ở ổn định cho hàng triệu hộ gia đình chính sách xã hội. Theo báo cáo, trong giai đoạn này, trên cả nước đã hoàn thành 93 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 37.500 căn hộ. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên (một trong những địa phương có số lượng lớn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp) được đánh giá là địa phương tích cực trong việc triển khai phát triển nhà ở xã hội cho công nhân (hiện đã giải quyết được chỗ ở cho hơn 30.000 công nhân trên địa bàn tỉnh).
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở xã hội dành cho công nhân) đang bị chững lại, nhiều dự án chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường hầu như không có. Theo báo cáo, trong giai đoạn này trên cả nước mới có 07 dự án nhà ở xã hội cho công nhân được hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng 3.500 căn hộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội nói trên (nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội còn thiếu và triển khai quá chậm; chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội; chủ đầu tư chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp; cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, ...), trong đó, nguyên nhân chính là do sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016 thì đến nay nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra. Bộ Xây dựng cũng đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri đề nghị khẩn trương bổ sung nguồn vốn ngân sách để triển khai hỗ trợ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2018, ngân sách nhà nước mới bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội; còn các tổ chức tín dụng khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.
Để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân trong giai đoạn 2016-2020 theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, trong đó đề nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2020 và cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội trong năm 2018.
Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ chính quyền địa phương, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Chỉ thị đã yêu cầu các Bộ ngành và chính quyền địa phương phải tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân, huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua, cải thiện chỗ ở.
Ngoài ra, để đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng thiết yếu cho công nhân tại các khu công nghiệp (nhà trẻ, trường học, công trình y tế, văn hóa, giáo dục,…), ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai Đề án này. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang triển khai thực hiện Đề án này tại một số khu công nghiệp, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.
Bộ Xây dựng cho rằng, khi có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và tổ chức thực hiện quyết liệt của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì việc phát triển nhà ở cho công nhân trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh, bảo đảm giải quyết chỗ ở với đầy đủ hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao đời sống của công nhân, trong đó có địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
127. Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị: Côn Đảo là huyện rất xa đất liền, đi lại khỏ khăn; đơn giá xây dựng gấp đôi so với đất liền. Đồ nghị có cơ chế riêng, đặc thù đối với huyện Côn Đảo về vấn đề này
Trả lời: (Tại Công văn số 2269/BXD-KTXD ngày 10/9/2018 của BXD)
Hiện nay, việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng: Thông tư số 05/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 về hướng dẫn xác định đon giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó, tại Điều 36 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã phân cấp cho các Bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập và quản lý định mức cho các công việc chuyên ngành, đặc thù; công bố giá xây dựng áp dụng trên địa bàn, cụ thể:
- Về việc quản lý định mức: các Bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ phương pháp lập định mức dự toán xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tố chức xây dựng và công bố các định mức dự toán xây dựng cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của Bộ, địa phương sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng;
- Về việc quản lý giá xây dựng: ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; công bố giá vật liệu xấy dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng và đơn giá xây dựng công trình phù họp với mặt bằng giá thị trường tại địa phương và kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Với điều kiện đặc thù như tại huyện Côn đảo, ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức rà soát, lập mới các định mức đặc thù, gửi Bộ Xây dựng thỏa thuận trước khi công bố; đồng thời tổ chức khảo sát giá vật liệu, nhân công, máy thi công trên địa bàn huyện, tính toán vá công bố giá đến chân công trình, làm cơ sở áp dụng lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật
128. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Đề nghị sớm triền khai ímg dụng các kêt quả nghiên cứu các phương pháp lọc nước an toàn đủng tiêu chuẩn đê tải sủ dụng trong sinh hoạt của người dân này trong đời sống xã hội để giảm tác động xấu từ việc khai thác quá mức nguôn nước ngâm, gây sụt, lún nghiêm trọng tại một so địa phương trong thời gian qua
Trả lời: (Tại Công văn số 2525/BKHCN-XNT ngày 15/8/2018 của BKHCN)
Trong những năm qua, do việc gia tăng nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế và phục vụ sinh hoạt dẫn đến yêu cầu cấp bách trong việc giải quyết cần băng nguồn nước (cung - cầu) bằng các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật - công nghệ và quản lý trong khai thác, sử dụng và tái sử dụng nước. Để giải quyết vấn đề nêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc đồng thời của các Bộ/ngành địa phương (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương trọng điếm về khan hiếm nước như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, các tỉnh ven biên và miền núi cao...). Trong điều kiện nguồn lực có hạn, để úng phó hiệu quả với nhũng khó khăn, thách thức nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang tích cực, chủ động triến khai các nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu đề xuất các mô hỉnh, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ phát triển bền vũng nguồn nước phù hợp tại các vùng khan hiếm nước; (2) Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lọc nước an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành để phục vụ yêu câu tái sử dụns trong sinh hoạt của người dân. Cụ thể như sau:
1.1. về kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đã triến khai (trọng tâm về nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ phát triển bền vững nguồn nước phù họp tại các vùng khan hiếm nước):
Tại Quyết định số 264/QĐ-TTg ngày 02/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình điều ra, tìm kiếm nguồn nưó'c dưới đất đế cung cấp nước sinh hoạt cho các vùng khan hiếm nước gồm 03 dự án: (1) Dự án 1 “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưó'i đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” (giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện); (2) Dự án 2: “Nghiên cứu ứng dụng
công nghệ xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” (giao Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện); (3) Dự án 3: “Xây dựng thí điêm hệ thông câp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiêrn nước” (giao Bộ Nông nghiệp và Phát triến Nông thôn chủ trì thực hiện). Đe triến khai nhiệm vụ nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tiếp nhận các cơ sở dữ liệu về vùng khan hiếm nước, tố chức các nhiệm vụ nghiên cứu nghiên cứu úng dụng công nghệ trong xử lý và cấp nước sạch thích họp với điều kiện thực tế, tùng bước chuyển giao kết quả để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dụng thí điếm hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 06 đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia giao trực tiếp cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thực hiện từ năm 2015. Cho đến nay, kết quả đạt được đã khẳng định sẽ đóng góp cho các địa phưong nhằm hướng tới việc giải quyết các yêu cầu cấp bách tại vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Cụ thể như sau:
- Về nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ phát triến bền vững nguồn nước Karst phục vụ cấp nước sinh hoạt tại các vùng núi cao, khan hiếm nưóc khu vực Bắc Bộ
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
+ Đã đưa ra phương pháp tìm kiếm, khai thác, sử dụng nước ngầm trong các thành tạo karst, mô hình và công khai thác và bảo vệ có hiệu quả hon phục vụ phát triến kinh tế - xã hội, đặc biệt những vùng khan hiếm nước ỏ' miền núi.
+ Giúp chính quyền địa phương biết được tiềm năng nguồn nước karst của địa phương, từ đó địa phương có kế hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước lcarst.
+ Sau khi hoàn thành có thể nhân rộng các mô hình, giải pháp của đề tài ra các tỉnh khác trên toàn quốc.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Đã xây dựng mô hình khai thác nguồn nước karst mạch lộ (xây dựng tại bản Pa Kha 3, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) nhằm: (1) cấp nước sinh hoạt cho 93 hộ dân với dân số hưởng lợi là 560 người; (2) Nguồn nước sạch, nước đảm bảo vệ sinh phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho người dân; (3) Giúp cho bản Pa Kha 3 giải quyết hoàn toàn khó khăn về nước ăn uống, sinh hoạt.
+ Đã Mô hình khai thác nguồn nưó'c lcarst ngầm (xây dựng tại xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nhằm: (1) cấp nước sinh hoạt cho 50 hộ dân và 05 trụ sở cơ quan làm việc của huyện Hà Quảng và xã Xuân Hòa với dân sô hưởng lợi là 350 người; (2) Nguồn nước sạch, nước đảm bảo vệ sinh phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho người dân; (3) Sử dụng Pin năng lượng mặt trời đê chạy máy bơm, tiêt kiệm điện nên người dân đỡ phải đóng góp kinh phí khi sử dụng nước; (4) Giúp cho địa phưong giải quyết một phần khó khăn về nước ăn uống, sinh hoạt.
- Về nghiên cứu đề xuất mô hình khai thác bền vững thấu kính nưóc nhạt trong các cồn cát ven biến phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm nước khu vực Bắc Trung Bộ
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
+ Công nghệ khai thác đáp úng đầy đủ các yếu tố về tính kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực; đảm bảo hoạt động bền vũng lâu dài trên cơ sở đảm bảo ổn định và cân bằng sinh thái (ổn định chất lượng nước cấp, quá trình khai thác không gây tác động xấu cho tầng chứa NDĐ cũng như sự sụt giảm hoặc mất cân bằng cho nguồn nước).
+ Cho phép khai thác ốn định nguồn nước nhạt thấu kính trong các cồn cát là đối tượng khá nhạy cảm với sự biến đổi của khí hậu, nước biển dâng, chất lưcmg phụ thuộc vào điều kiện khai thác và các hoạt động dân sinh, sản xuất trong khu vực..., và định hướng cho việc sử dụng nguồn tài nguyên nước dưới đất có khả năng phục hồi để giải quyết nguồn cấp cho các khu vực khó khăn và khan hiếm nước khu vực dải ven biển Miền trung.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Mô hình (MH1) công trình thu nước dạng Giếng tia cấp nước sinh hoạt thôn Hòa lạc, Quyết Thắng, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Lưu lượng Thiết kế Q= 7,6m3/h (quy mô theo kinh phí đề tài cấp) đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt khoảng 150 hộ/750 nhân khẩu đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước theo QC02/BYT.
+ Mô hình (MH2) công trình thu nước dạng Giếng đứng kết hợp hệ thong thu nước nằm ngang cấp nước sinh hoạt thôn cấm Phổ, xã Gio Mỹ huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Lun lượng Thiết kế Q= 7,6m3/h (quy mô theo kinh phí đề tài cấp) đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt khoảng 150 hộ/750 nhân khẩu đảm bảo cấp nước theo tiêu chuẩn QC02/BYT.
- Về nghiên cứu xâv dựng mô hình thu và lưu giữ nước phục vụ cấp nước sạch hiệu quả cho vùng khô hạn khan hiếm nước Ninh Thuận - Bình Thuận
Đổi vói kinh tế - xã hội và môi trường
+ Đập ngầm theo kết quả nghiên cúư của đề tài có giá thành (tính theo m2
chắn nước) thấp bằng 25% so với đập bằng bê tông cốt thép đã làm ở Ninh Thuận.
+ Mô hình đập ngầm đã làm trong đề tài đã bảo đảm cho nhà máy nước Mỹ Thạnh hoạt động đủ công suất, khắc phục tình trạng phải dừng hoạt động trong 3 tháng mùa khô như trước đây.
+ Việc xây dựng các đập dâng nước ngầm, thu giữ nước ngầm và các công trình làm giảm dòng chảy mặt, tăng dòng chảy ngầm nhằm phục hồi sinh thái và phòng chông sa mạc. Khi trữ được nước thì thảm phủ được hồi phục bằng nhiều kiếu phủ xanh khác nhau. Đồng thòi, khuyến khích ngưòi dân canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên vùng đất khô hạn; từ sản xuất Olvụ/năm tăng lên 03vụ/năm, làm tăng sản lượng cây trồng và giảm nguy co mất mùa (vì giảm sự phụ thuộc vào chu kỳ thòi tiết và biến đổi khí hậu); cải thiện an ninh lương thực, bảo vệ đất chống xói mòn, sử dụng nguồn nước tự nhiên một cách tốt nhất, đẩy mạnh việc tái trồng rừng và góp phần cải thiện chế độ thủy văn lưu vực (giảm lun lượng đỉnh lũ, tăng dòng chảy mùa kiệt, tăng trữ lượng nước ngầm). Quan trọng hơn cả là góp phần giảm thiệt hại đến mức thấp nhất các tác động của biến đôi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Đã đề xuât sáng chế “Hệ thống thu nước mưa trên mái đồi để bố sung nhân tạo nước dưới đất”, đã áp dụng mô hình thử nghiệm tại thôn 2, xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đã xây dựng thành quy trình thiết kế và thi công để có thể chuyển giao cho các công trình tương tự ỏ' Nam Trung Bộ cũng như ở vùng khác trên đất nước.
+ Lần đầu tiên xây dựng một đập ngầm có quy mô lớn, chiều dài 370m, chiều sâu đến 6 ~9m trong tầng trầm tích cuội sỏi, đá lăn. Đảm bảo ổn định mực nước cho các giếng khai thác của nhà máy nước Mỹ Thạnh (công suất 80 m3/ngày) hoạt động ổn định suốt mùa khô 2018, không bị dừng 3 tháng như những năm trước đây.
+ Bên cạnh đó đã xây dựng hướng dẫn lựa chọn công nghệ/vật liệu, định mức đon giá sơ bộ để làm đập ngầm trong các điều kiện địa chất, địa chất thủy văn khác nhau và các điều lciệc cụ thể để có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao (hiệu quả chắn giữ nước, giá thành hạ, thi công nhanh, thiết bị thi công thông dụng).
- Về nghiên cứu đề xuất các mô hình thu gom khai thác bền vững nguồn nước mạch lộ phục vụ cấp nước sạch cho các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước khu vực Tây Nguyên
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
+ Đã đề xuất được những giải pháp thích hợp để khai thác và bảo vệ bền vững mạch lộ. Các giải pháp công nghệ được đề xuất theo hướng đảm bảo hiệu quả về kỹ thuật, kinh tể thân thiện với môi trường, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình, là tiền đê đê phát triên kinh tế xã hội của khu vực một cách bền vững.
+ Đã đề xuất được những giải pháp thích hợp để khai thác và bảo vệ bền vừng mạch lộ, góp phần ổn định cho các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Bên cạnh đó, cũng góp phần tích cực vào giảm thiểu những tổn thương về môi trường tự nhiên và xã hội. Đảm bảo cuộc sống cho những vùng sâu vùng khan hiếm nước trên địa bàn Tây Nguyên.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Đã xây dựng được bản đồ và số liệu hiện trạng các mạch lộ, bản đồ định hướng khai thác và bảo vệ các mạch lộ.
+ Đề xuất được 10 loại mô hình thu gom, khai thác bền vừng nguồn nưóc mạch lộ.
Về nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ nguồn nước trong các thành tạo bazant phục vụ cấp nước sinh hoạt bền vững tại các vùng núi cao, khan hiếm nước khu vực Tây Nguyên
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
+ Đã Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quy hoạch tìm kiếm khai thác và lưu giữ nước dưới đất, đồng thời xác định được nguyên nhân và có giải pháp đối với các công trình khai thác nước dưới đất kém hiệu quả vùng Tây Nguyên.
+ Hoàn thiện, chi tiết và cụ thể bản đồ tiềm năng nguồn nước dưới đất khu vực Tây nguyên và tại tỉnh Đắk Nông và Gia Lai làm cơ sở cho việc khai thác và sử dụng các nguồn nước này phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
+ Góp phần tăng cường nhận thức của người dân bản địa về việc khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất;
+ Góp phần thúc đẩy sự phát triển các chuyên ngành liên quan. Cụ thế là làm giàu thêm, mở rộng ứng dụng của chuyên ngành địa vật lý, địa chất thủy văn, tài nguyên nước, công trình, thủy lợi trong việc thăm dò tìm kiếm nước, phát triến công nghệ mới trong tìm kiếm, khai thác, bố cập giữ nước ở những vùng có điều kiện địa chất- tự nhiên tương tự như vùng nghiên cứu.
+ Tăng cưcrng, bố sung cơ sở dữ liệu khoa học về nguồn tài nguyên nước dưới đất cho nhiều ngành khoa học liên quan.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
Giải quyết vấn đề khan hiếm hiếm nước tại trường tiểu học Nguyễn Du, Iabang, Chư Prông, Gia Lai và bon R’Bút, xà Quảng Sơn, Đăk Giong, Đăk Nông. Đồng thời với mô hình thí điềm này vừa đảm bảo khai thác nước, vừa bố cập, bảo vệ nguồn nước dưới đất tại địa phương.
- Về nghiên cứu công nghệ và giải pháp kỹ thuật để xử lý các giếng khoan có hiệu suất thấp và mực nưóc động nằm sâu phục vụ cấp nước sạch bền vững cho vùng khan hiếm nước khu vực Nam Bộ
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
+ Việc xây dựng được các bản đồ về hiện trạng và hiệu quả các giêng khoan khai thác nước ngầm các tỉnh khan hiếm nước trên toàn khu vực Nam Bộ cho người quản lý có cái nhìn toàn cảnh về thực trạng khai thác nước ngâm ở ĐBSCL về lưu lượng khai thác, tầng khai thác, hình thức - kết cấu các giếng khai thác,...
+ Đã tìm ra một phần nguyên nhân của việc suy thoái các giêng khoan ỏ' vùng khan hiếm nước (giếng có tầng khai thác nằm sâu) là kết cấu hiện tài các giếng khoan đang áp dụng chưa phù hợp, chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.
+ Việc sử dụng các máy khoan cải tiến có thể khoan sâu với đưò'ng kính lỗ khoan vừa và nhỏ đã giúp cho các vùng khó khăn về nguồn nước có đưọ'c nước sinh hoạt họp vệ sinh.
Hiệu quả kinh tế và kết quả ứng dụng thực tế:
+ Đã xây dựng được bản đồ tỷ lệ 1/200.000 về hiện trạng và hiệu quả các giếng khoan khai thác nước ngầm các tỉnh khan hiếm nưó’c trên toàn khu vực Nam Bộ (12 tỉnh) mà từ trước tới nay chưa có.
+ Đã xây dựng đưọc bản đồ tỷ lệ 1/50.000 chi tiết ho'n về hiện trạng và hiệu quả các giếng khoan khai thác nước ngầm vùng điển hình khan hiếm nước khu vực Nam Bộ mà từ trước tới nay chưa có.
+ Đã đưa ra giải pháp kết cấu lỗ khoan phù họp cho các vùng khan hiếm nước (có tầng khai thác nước rất sâu, trên 200m) khu vực địa chất có thành tạo bở rời (vùng ĐBSCL) có cải tiến so với kết cấu các lỗ khoan hiện tại.
+ Đã đưa ra mô hình khoan, công nghệ khoan cải tiến từ các máy khoan trên thị trường thích họp cho vùng ĐBSCL, có thể tháo lắp dễ dàng để vận chuyển bằng thuyền - ghe nhỏ, có thể khoan đến độ sâu 500m cho các vùng khan hiếm nước.
+ Đã đưa ra giải pháp xử lý lỗ khoan bị suy thoái nguồn nước khu vực địa chất có đá cứng nức nẻ (vùng Đông Nam bộ).
1.2. Các nhiệm vụ dự kiến triển khai trong thòi gian tói (trọng tâm về hướng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lọc nưóc an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành để phục vụ yêu cầu tái sử dụng trong sinh hoạt của ngưòi dân)
Trong khuôn khố Hiệp định họp tác về khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức (được kỷ kết ngày 25/11/2015 tại Berlin), Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối họp với Bộ Liên bang về giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF) xây dựng Dự án hợp tác “Các giải pháp tích hợp cho sự phát triên bên vững khu vực Đồng băng sông Cỉeu Long đất, nước và năng lượng và khí hậu ” nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn mà Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt do tác động của biến đổi khí hậu cùng việc khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Đông băng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng ven biến trong những năm gần đây. Các tác động chính như: Xâm nhập mặn ngày càng sâu; Diễn biến lũ về hàng năm không theo quy luật; Thiếu nguồn nước ngọt cung cấp cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ; Lượng phù sa và dinh dưỡng giảm sụt mạnh; Xói lở bờ biển diễn biến hết sức phức tạp; Mực nước ngầm giảm sụt nghiêm trọng, đồng thời sụt lún đất diễn biến ra tăng trên diện rộng; ồ nhiễm môi trường cũng gia tăng, đe dọa đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thống nhất hợp tác với Bộ BMBF tập trung vào định hướng nghiên cứu của 03 trụ cột chính đó là: (1) Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất và nước cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; (2) Công nghệ vê nước và năng lượng; (3) Dịch vụ nước và môi trường. Hiện nay, các CO’ quan, đon vị nghiên CÚ11 và các nhà khoa học của Công hòa Liên bang Đức và Việt Nam (Bộ/ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) đang nỗ lực hoàn thiện các nội dung nghiên cứu để bắt đầu có thể triển khai thực hiện từ năm 2018. Trong đó, có nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lọc nước an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành để phục vụ yêu cầu tái sử dụng trong sinh hoạt của người dân. Cụ thể là:
Nhiệm vụ “Nghicn cứu xây dựng mô hình thí điểm cấp nước ăn uống công nghệ tiên tiến với chi phí thấp tại vùng khan hiếm nước ở đồng bằng sông Cửu Long” có định hướng mục tiêu và dự kiến sản phấm như sau:
Định hướng mục tiêu: (1) Đánh giá được hiện trạng chất lượng nguồn nước tại những vùng khan hiếm nước trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu, hướng trọng tâm là nguồn nước bị nhiễm mặn, nước phèn và nước có hàm lượng chất hữu cơ cao (nguồn nước kênh rạch) tại các vùng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long; (2) Trên cơ sở các công nghệ đã được xây dựng ở Cộng hòa Liên bang Đức, phát triển và ứng dụng thành công mô hình công nghệ tiên tiến phù họp vói đối tượng và chất lượng nước theo quy mô cấp nước phân tán, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước uống trực tiếp (theo QCVN được áp dụng) cho người dân tại vùng khan hiếm nước và phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; (3) Phối họp thực hiện thí điểm và chuyến giao thành công mô hình này cho một doanh nghiệp/đơn vị quản lý phù hợp (đánh giá, thử nghiệm, tiếp nhận vận hành).
Dự kiến sản phẩm: (1) Mỏ hình công nghệ tiên tiến phù họp vói các đối tượng là nguồn nước bị nhiễm mặn, nước phèn, ô nhiễm hữu cơ tại các khu vực khan hiếm nước; đồng thời kiếm soát đưẹrc chất lượng nước theo quy mô cấp nước phân tán. Công suất: Theo modul, khoảng 150 L/h; có khả năng thay thế, rửa vật liệu lọc, vận hành on định, bền vũng, lâu dài; (2) Chất lượng nước sau xử lý là nước uống trực tiếp theo QCVN hiện hành. Giá thành giá thành chấp nhận được với điều kiện kinh tế nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long; ( 3) 04 mô hình dịch vụ cấp nưó'c ăn uống phân tán cho khu vực nghiên cứu (vùng nguồn nước bị nhiễm mặn, nguồn nước phèn, nguồn nước ô nhiễm hữu cơ và nguồn nước bị tác động đồng thời cả hai yếu tố); (4) 04 Báo cáo kết quả triển khai thí điểm mô hình dịch vụ cấp nước (báo cáo của từng mô hình và 01 báo cáo chung trong đó đề xuất các giải pháp bền vững về cung cấp dịch vụ cấp nước ăn uống cho người dân tại các khu vực khan hiếm nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.
129. Cử tri tỉnh tĩnh Quảng Ngãi kiến nghị: Hướng dân xây dựng định mức kinh tê - kỹ thuật đôi vói các đơn vị sự nghiệp công lập: Đê nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu ban hành quy định hướng dẫn về định mức kinh tể - kỹ thuật từng ngành để làm cơ sở cho các cơ quan câp tỉnh xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của từng đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó xác định giả dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định ì6/20ỉ5/NĐ-CP ngày ỉ4/02/20í5 của Chỉnh phủ quy định cơ chê tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
Trả lời: (Tại Công văn số 2525/BKHCN-XNT ngày 15/8/2018 của Bộ KHCN)
Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã lấy đổi mới hệ thống, tố chức KH&CN, đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công (KH&CN) nghệ làm trọng tâm thông qua việc chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 về việc quy định cơ chế tự chủ của tố chức KH&CN công lập trong đó có nhiều quy định mới về xác định và phân loại tổ chức KH&CN công lập để giao quyền tự chủ theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư của tổ chức KH&CN công lập; cho phép tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp hoặc chuyển thành doanh nghiệp; điều chỉnh một số quy định để cơ chế tự chủ đồng bộ với các quy định lchác có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Đất đai...Ngày 12/01/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 54/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chú trọng về đầu tư và cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động KH&CN và đã có những đối mới cơ bản, toàn diện từ khâu đề xuất cơ cấu và dự toán chi, nội dung và định mức chi, giao dự toán, cấp phát, thực hiện và giám sát chi đến thủ tục thanh quyết toán theo hướng: Phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN theo hướng căn cứ vào kết quả, hiệu quả sử dụng kinh phí KH&CN của bộ, ngành, địa phương; giao quyền đề xuất CO' cấu chi và dự toán chi cho cơ quan quản lý KH&CN các cấp, giảm bót thủ tục, nâng cao trách nhiệm và quyền tự chủ về tài chính cho đon vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN, bô sung và nâng cao định mức chi, áp dụng phương thức cấp phát kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông qua quỹ phát triển KH&CN, kinh phí chi thưòng xuyên (lương và hoạt động bộ máy) của các tổ chức công lập được giao thông qua các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng do cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng, thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và khoán chi từng phần đối với nhiệm vụ KH&CN; Nhà nước mua kết quả nghiên cứu, hình thành cơ chế đầu tư đặc biệt đối với một số nhiệm vụ KH&CN đặc biệt, khuyến khích các tổ chức và cá nhân trích lập quỳ phát triển KH&CN (băt buộc đối với doanh nghiệp nhà nước) và chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN để tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN... Bên cạnh đó, đã hình thành các kênh tài chính hỗ trợ cho hoạt động KH&CN của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thông qua hệ thống các quỹ quốc gia về KH&CN: Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (2008) tài trợ cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (2011) hồ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Hoạt động quản lý Quỹ phát triển KH&CN quốc gia đã dần tiếp cận được với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Liên quan trực tiếp đến kiến nghị của cử tri về hướng dẫn xây dụng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các đon vị sự nghiệp công lập, Bộ Khoa học có ý kiến như sau:
- Về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ (Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Khoản 3 Điều 2 Quyết định 2099/QĐ-TTg có quy định: “'Ngoài các danh mục dịch vụ sự nghiệp công ban hành kèm theo Quyết định này, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phổ trực thuộc trung ưong quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của địa phươngCăn cứ theo quy định nêu trên, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, An Giang, Bình Định, Sơn La, ... đã ban hành Quyết định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ủy ban nhân dân tỉnh Quãng Ngãi vẫn chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại địa phương mình. Vì vậy, để triển khai các nhiệm vụ khác được giao tại khoản 6 Điều 22 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đon vị sự nghiệp công lập, đê nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi trình Uy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm b khoản 3 Điều 22 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đon vị sự nghiệp công lập “Ban hành theo thấm quyền định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp Công” Bộ Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực khoa học vả công nghệ.
Trong thời gian qua, công tác xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của ngành đều do các đơn vị thuộc Bộ, các Tổng cục, Cục chuyên ngành triển khai xây dựng. Hiện tại, số lượng các định mức đã được ban hành rất ít; định mức đưọ'c xây dựng riêng lẻ, chưa đồng bộ và hệ thống theo ngành, lĩnh vực do Bộ quán lý. Các định mức trước đây được xây dựng nên chưa có một phương pháp chung, nhất quán, chưa bảo đảm được tính thống nhất, tổng thể trong quá trình xây dựng và áp dụng trên thực tiễn.
Để xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ một cách đồng bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tuần tự các bước sau đây trước khi xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng dịch vụ sự nghiệp công gồm: (1) Rà soát, xây dựng danh mục các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cần xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; (2) Thống nhất phương pháp luận về việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng dịch vụ sự nghiệp công; (3) Kế hoạch xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
130. Cử tri Quảng Ngãỉ kiến nghị: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu ban hành quy định hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật từng ngành để làm cơ sở cho các cơ quan cấp tỉnh xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó xác định giá dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghi định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập).
Trả lời: (Tại Công văn số 9884/BTC-HCSN ngày 16/8/2018)
1. Tại Khoản 3, Khoản 6 Điều 22 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định:
Khoản 3: Trong năm 2015, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương có trách nhiệm: (1) Trỉnh Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý; (2) Ban hành theo thẳm quyền đinh mức kinh tế - kỹ thuât áp dung trong các lĩnh vưc dich vu sư nghiêp công do Nhả nưởc quản lỵ, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí và các quy định tại Điều 4 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Khoản 6: Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm ban hành trong năm 2015: Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; dinh mức kinh tế - ky thuât áp dung; trong các lĩnh vưc dich vu sư nghiêp công, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí và các quy định tại Điều 4 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
2. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về Kế hoạch triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, trong đó tại Điểm 3 phần IV Phụ lục quy định giao Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Ban hành, sửa đoi, bo sung đỉnh mức kinh tế - ky thuât áp dung trong các lĩnh vưc dịch vu sư nghiêp cỏm?; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giảm sátf đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp cồng lập, thuộc phạm vi quản lý của địa phương ”
Căn cứ quy định trên, đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương ban hành, sửa đoi, bố sung định mức kinh tê - kỹ thuật áp dụng ừong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của địa phương, do địa phương thực hiện theo quỵ định. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật, các cơ quan chuyên môn của Tỉnh có thể xin ý kiến các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đế xây dựng và ban hành định mức kinh tê- kỹ thuật các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của địa phương cho phù hợp.
131. Cử tri Lai Châu kiến nghị: "Đề nghị Chính phủ xem xét, có chỉnh sách kéo dài thời gian ho trợ gạo hằng tháng cho các hộ tái định cư thủy điện Lai Châu thêm 02 năm để đảm bảo đời sống. Vì hiện nay diện tích đất sản xuất lương thực của các hộ tái định cư cơ bản mới được khai hoang, cải tạo, có độ dốc lớn,..Mãng suất, sản lượng lương thực còn thấp, do đó đời sổng của nhân dân còn nhiều khó khăn",
Trả lời: (Tại Công văn số 9432/BTC-ĐT ngày 7/8/2018)
Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07/6/2010 (dự án sử dụng vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và vốn vay thương mại trong nước, vay thương mại nước ngoài, vay tín dụng ưu đãi đầu tư); tại khoản 5 Điều 2 của Quyết định Thủ tướng Chính phủ giao:
"5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hướng dẫn và kiểm tra ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu thực hiện công tác bồi thường di dân, tái định cư theo quy định hiện hành và Quy hoạch tong thể bồi thường di dân, tái định Cỉf được phê duyệt."
Trong phân giao nhiệm vụ tại Điều 2 của Quyết định không có Bộ Tài chính.
2. Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 31/01/2011; tại khoản 4 Điều 1 Quyết định quy định: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư: chính sách bồi thường, hẵ trợ, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu áp dụng theo chỉnh sách bồi thường, hễ trợ, di dấn, tải định cư Dự án thủy điện Sơn La và theo Quyết định số 34/20ĩ0/OĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 20ỉ0 của Thủ tướng Chỉnh phủ về việc ban hành Quy định về bồi thường, ho trợ và tái định cư các dự án thuỷ lợi, thủy điện.
2.1. Về hỗ trợ lương thực quy định tại chính sách bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La:
Tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 43/2011/QĐ-TTg ngày 10/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổỉ, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định này do Bộ Tài chính chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ) quy định thời gian hỗ trợ lương thực như sau:
"Hỗ trợ lương thực:
a) Mỗi nhân khẩu hợp pháp của hộ tải định cư đã xác định tại Quyết định so 801/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 20ỉ ồ của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thế di dân, tái định cư thủy điện Sơn La được hô trợ lương thực bằng tiền có giá trị tương đương 20 kg gạo/người/tháng trong 03 năm.
b) Hộ không phải di chuyển nhưng bị thu đất sản xuất nếu được giao đất mới thì tùy theo diện tích đất bị thu hồi, mỗi nhân khẩu hợp pháp của hộ được hỗ trợ lương thực bằng tiền, ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào diện tích đất bị thu hồi để quy định cụ thể về mức và thời gian hễ trợ. Mức hễ trợ toi đa không quá 20 kg gạo/người/'tháng với thời gian không quá 03 năm (đối với hộ bị thu hồi 100% đất sản xuất)."
2.2. Về hỗ trợ lương thực quy định tại Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 08/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì trình Thủ tương Chính phủ):
Tại khoản 1 Điều 10 của Quyết định quy định như sau:
7. Hỗ trợ lương thực
Mỗi nhân khẩu hợp pháp thuộc hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất sản xuất phải di chuyển cho ở được hô trợ lương thực trong thời gian 48 tháng.
Hộ bị thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đắt sản xuất nông nghiệp đang sử dụng hợp pháp (được giao hoặc giao khoán) được hỗ trợ lương thực trong thời gian 24 tháng; hộ bị thu hồi trên 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (được giao hoặc giao khoán) được ho trợ lương thực trong thời gian 36 tháng."
3. Tại khoản 1 Điều 9 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện (Quyết định này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định này thay thế Quyết định số 34/2010/QĐ- TTg ngày 08/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ) quy định:
7. Ho trợ lương thực đổi với hộ tái định cư tập trung và xen ghép Het thời gian hễ trợ theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 19 Nghị định sổ 47/2014/NĐ-CP, đối với:
Hộ tái định cư chưa được giao đủ đất sản xuất theo quy hoạch được duyệt thì chủ đầu tư tiếp tục hỗ trợ lương thực đến khi hộ tái định cư được giao đủ đất sản xuất;
Lao động thuộc các hộ tái định cư có nhu cầu chuyển đoi nghề nghiệp theo phương án được duyệt nhưng chưa được tố chức, bố trỉ đào tạo nghe thì chủ đầu tư tiếp tục ho trợ lương thực đến khi người lao động được tể chức, bố trí đào tạo hết một khóa học nghề."
Tại Điểm a Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Nghị định này do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì trình Chính phủ) quy định: ”3. Việc hỗ trợ ổn định đời sống cho các đoi tượng quy định tại các Điểm a, h, c và d Khoản ỉ Điều này thực hiện theo quy định sau:
a) Thu hồỉ từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hễ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chẽ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc cỏ điểu kiện kinh tế - xã hội dặc biệt khó khăn thì thời gian hễ trợ tối đa là 24 tháng.
Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hễ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chẽ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khổ khăn thì thời gian hễ trợ tối đa là 36 tháng;"
132. Cử tri Thanh Hóa kiến nghị: Đề nghị Chính phủ tăng thêm nguồn vốn vay tạo việc làm cho thanh niên từ nguồn vổn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Trả lời: (Tại Công văn số 9603/BTC-TCNH ngày 10/8/2018)
Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, ngày 09/7/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP (thay thế Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm); theo đó người lao động {trong đó bao gồm cả đỗi tượng thanh niên) được xem xét vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm thông qua NHCSXH để: (i) tạo việc làm; duy trì, mở rộng việc làm; và (ii) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài ra, hiện nay, NHCSXH cũng đang triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi {bao gồm cả mục tiêu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm) cho các đối tượng như: Hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; người lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...trong đó bao gồm cả đối tượng là thanh niên.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đấ bố trí nguồn lực lớn để thực hiện các chính sách an sinh xã hội thông qua NHCSXH, trong đó có ưu tiên cho mục tỉêu tạo việc làm cho thanh niên, Thực hiện Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg và Nghị định số 61/2015/NĐ-CP nêu trên, đến nay, Nhà nước đã bố trí 4.483 tỷ đồng cho Quỹ quốc gia về việc làm và cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý để NHCSXH huy động thêm 3.306 tỷ đồng để tạo nguồn vốn cho vay Chương trình này. Theo báo cáo của NHCSXH, đến ngày 30/6/2018, tổng dư nợ của Chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt 13.622 tỷ đồng và đã tạo việc làm cho gần 3,6 triệu lao động, trong đó chủ yếu lao động là thanh niên.
Thời gian tới, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của NHCSXH đã được Quốc hội phê duyệt (7.575 tỷ đồng vốn điều lệ và 13.290 tỷ đồng vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý), Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, bố trí vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, trong đó có thanh niên.
133. Cử tri Tiền Giang kiến nghị: “Kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách phân phối lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn góp của nhà nước hợp lý hơn, nhất là về thu nhập của công nhân viên, cần đặt trong tương quan so sánh giữa mặt bằng lương chung của các cán bộ, công chức, viên chức khác trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước”.
Trả lời: (Tại Công văn số 9813/BTC-TCDN ngày 15/8/2018)
1. Quy định hiện hành về việc phân phối lợi nhuận và cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp:
Việc phân phối lợi nhuận đối với doanh nghiệp nhà nước do cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trên cơ sở nguyên tắc phân phối lợi nhuận theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và hướng dẫn tại Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp).
Việc phân phối lợi nhuận đối với doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước do Đại hội đồng cổ đông (là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần) quyết định theo quy định tại Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Về tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp: Nội dung này đã được hướng dẫn tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Theo đó, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ. Thang lương, bảng lương phải được định kỳ rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế về đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động và bảo đảm các quy định của pháp luật lao động.
2. Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó:
- Nội dung cải cách về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với người lao động trong doanh nghiệp tại điểm b Khoản 3.2 Mục II Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương như sau:
“b) Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập
- Các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.
- Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thoả thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. Doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động thương lượng, thoả thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích khác trong thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Tăng cường vai trò, năng lực của tổ chức công đoàn và công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
- Nội dung cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) tại điểm c Khoản 3.1 Mục II Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương như sau:
“c) Xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới
- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
- Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới”.
3. Tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”, Thủ tướng Chính phủ giao:
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn tới.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tổng kết việc thực hiện Bộ luật Lao động về nội dung liên quan đến người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn tới.
Trong quá trình rà soát, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước và thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp (trong đó có tiền lương) đảm bảo tương quan về mặt bằng tiền lương chung của các cán bộ, công chức, viên chức khác trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương.
134. Cử tri Đà Nẵng kiến nghị: “Cử tri kiến nghị Chính phủ cần tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống các cơ quan nhà nước; nhất là tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm…”
Trả lời: (Tại Công văn số 9984/BTC - TTr ngày 17/8/2018)
1. Trong những năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và xác định rõ phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài mang tính trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21-12-2012 về việc đẩy mạnh THTK,CLP; Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X). Thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của Luật THTK,CLP Chính phủ đã và đang tích cực tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp THTK,CLP trên các lĩnh vực KT-XH. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016); Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP năm 2017 (Quyết định số 398/QĐ-TTg ngày 31/3/2017); Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP năm 2018 (Quyết định số 217/QĐ-TTg ngày 13/02/2018); Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Một số nhiệm vụ, giải pháp THTK,CLP đang triển khai thực hiện có hiệu quả trong hệ thống cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước, như:
- Tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, đúng chế độ, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán NSNN năm sau; giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; triệt để tiết kiệm chi phí điện, nước, văn phòng phẩm,.... Đẩy mạnh thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN và tăng cường kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc nhà nước[22]. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 129/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017 quy định tiêu chí đánh giá kết quả THTK,CLP trong chi thường xuyên, làm cơ sở cho việc thực hiện và kiểm tra, giám sát THTK,CLP.
- Không phân bổ các khoản chi không đủ điều kiện; hủy dự toán đối với những nhiệm vụ chi thường xuyên chậm triển khai, thực hiện[23]. Nhân rộng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công, triển khai thí điểm tại 07 bộ, cơ quan ở Trung ương và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[24], đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tiết kiệm NSNN, được dư luận xã hội, nhân dân đồng tình; góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công, giảm kinh phí sử dụng, vận hành xe, giảm biên chế hành chính, số lượng nhân viên lái xe; tăng hiệu suất sử dụng xe[25].
- Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ ban hành 06 nghị định về cơ chế tự chủ trong các ngành, lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, văn hoá, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông, y tế, lao động - thương binh và xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 6 Bộ (Nội vụ, Ngoại giao, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường); ban hành Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 quy định rõ 03 tiêu chí cổ phần hoá đơn vị sự nghiệp công lập và 20 ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Có 18 đơn vị đã được giao cơ chế tự chủ theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; 04 đơn vị được giao cơ chế tự chủ theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công; rà soát lại các loại phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế do Nhà nước định giá. Việc thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục đại học theo lộ trình quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 -2017 tiếp tục đạt được một số kết quả, góp phần tiết kiệm chi NSNN[26].
- Công tác quản lý trụ sở làm việc, sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà, đất công sản tiếp tục được thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng[27]. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng công sở nhà nước đã được ban hành tương đối đầy đủ, làm cơ sở cho việc THTK,CLP. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 03/4/2017 chỉ đạo tăng cường quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế gây lãng phí.
- Công tác tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt[28], tập trung, nỗ lực triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử; tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế[29]; tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nhân rộng mô hình trung tâm hành chính công hoạt động hiệu quả[30], cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xử lý sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và công khai kết luận, tạo niềm tin trong Nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, nghiêm cấm cán bộ công chức uống bia, rượu trong giờ làm việc, buổi trưa, tặng quà lãnh đạo trong dịp Lễ, Tết, sử dụng xe công đi lễ hội;...
- Công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, với nhiều giải pháp có tính đột phá[31]; 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch để triển khai các nội dung cải cách hành chính theo thẩm quyền[32]; nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính[33]; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các sở, ngành, huyện trực thuộc. Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp Phòng đã được thực hiện tại 14 cơ quan Trung ương và 22 địa phương, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức được tham gia đào tạo sau đại học; thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan trong khu vực nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực cán bộ, công chức, viên chức[34].
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành đã phát hiện tình trạng lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số nơi, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước[35]. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật THTK,CLP, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về THTK,CLP, như: Không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định (không có đánh giá, phân tích, số liệu về kết quả tiết kiệm, tình trạng lãng phí và kết quả thực hiện các chỉ tiêu THTK,CLP đã đề ra trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN, tài sản công, lao động và thời gian lao động,…, cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác THTK,CLP tại bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình hoặc né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện; ... Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Luật THTK,CLP.
2. Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành trong cả nước thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp THTK,CLP trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước như sau:
- Phấn đấu tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước 12% đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào, so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
- Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; sắp xếp, tổ chức lại để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.
- Triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định. Hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; không sử dụng vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vay thương mại để mua xe ô tô công; đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn THTK,CLP với công tác phòng, chống tham nhũng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút được người có năng lực, trình độ; xác định vị trí việc làm một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế.
- Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp, dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao; giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về THTK,CLP.
135. Cử tri Đắk Lắk kiến nghị: Đối với các chính sách về an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cử tri đề nghị không hỗ trợ, đầu tư dàn trải, vì như vậy chính sách sẽ manh mún, khó thực hiện, không hiệu quả, ví dụ như chính sách hỗ trợ người dân dầu hỏa thắp sáng theo Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời: (Tại Công văn số 9789/BTC-NSNN ngày 15/8/2018)
Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, chế độ nhằm thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách hỗ trợ địa phương khó khăn, hướng đến sự phát triển hài hòa, cân đối giữa các địa phương, giữa các vùng, miền và giữa các dân tộc trên phạm vi cả nước. Đồng thời, để tránh tình trạng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, trong đó có các chính sách an sinh xã hội, dàn trải, không tập trung nguồn vốn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương rà soát, tích hợp và lồng ghép các chương trình, chính sách có cùng mục tiêu, địa bàn, đối tượng, tạo điều kiện cho các địa phương tập trung và chủ động lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách trên địa bàn.
Tuy nhiên, do có nhiều chương trình, chính sách, chế độ trong khi nguồn lực có hạn nên dẫn đến dàn trải, manh mún, khó tránh khỏi tình trạng trùng lắp. Chính vì vậy, Chính phủ đã chủ động rà soát để từng bước cơ cấu lại các chương trình, chính sách cho phù hợp, cụ thể:
- Giai đoạn 2016-2020, các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ còn 02 chương trình (giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới), giảm 14 chương trình so với giai đoạn 2012-2015 theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội; đồng thời, sắp xếp lại các chương trình mục tiêu chỉ còn 21 chương trình.
- Đối với các chế độ, chính sách khác: để tập trung nguồn lực, hạn chế tình trạng dàn trải, phân tán, trung ương đã thực hiện lồng ghép, tích hợp, đồng thời cũng đã bãi bỏ một số các chính sách, chương trình hiệu quả chưa cao, như: Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (bãi bỏ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010, Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ,...); Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 (tích hợp các Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013, Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ,...);… Thực hiện bãi bỏ Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người dân dầu hỏa thắp sáng, Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có văn bản số 8552/BTC-NSNN ngày 18/7/2018 trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội do chính sách này là chính sách hỗ trợ cho không, mức hỗ trợ thấp, không gắn với điều kiện để khuyến khích sự tích cực chủ động tham gia sản xuất, tăng thu nhập của người nghèo và không phù hợp với định hướng giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ hướng đến giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tạo sinh kế cho người dân và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 22/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017-2018, hiện nay, các Bộ, ngành trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, tích hợp, sửa đổi chính sách giảm nghèo, sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tập trung nguồn lực, gọn đầu mối, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp, dàn trải; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách; bãi bỏ những chính sách có mức hỗ trợ nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, không còn phù hợp với thực tiễn; đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả tốt hơn.
136. Cử tri Hà Nội kiến nghị: “Nạn lãng phí tràn lan gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, các biện pháp ngăn chặn chưa mang lại hiệu quả cao. Đề nghị có cơ chế, chính sách hợp lý để giải quyết tình trạng này.”
Trả lời: (Tại Công văn số 9985/BTC - TTr ngày 17/8/2018)
1. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Trung Đảng, quy định của Luật THTK,CLP, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang tích cực tăng cường triển khai thực hiện nhiều giải pháp THTK,CLP trên các lĩnh vực[36], như:
- Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm NSNN ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán. Đẩy mạnh mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe chuyên dùng), trang thiết bị đắt tiền. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vốn vay do Chính phủ bảo lãnh, vay của chính quyền địa phương và vay của doanh nghiệp nhà nước; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước (NSNN). Đẩy nhanh thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng không đúng quy định. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, quyết toán các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, tăng cường quản lý để sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên; tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nguồn nước, khoáng sản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Các doanh nghiệp nhà nước triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước; cải tiến quy trình sản xuất, quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong các lĩnh vực. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, công khai kết quả xử lý lãng phí theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ban hành chương trình hành động triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách tiền lương.
2. Một số kết quả THTK,CLP trong các lĩnh vực:
- Trong quản lý NSNN: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi và tổng mức vay của NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép; đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi NSNN; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, tiết kiệm triệt để từ khâu lập, phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện; kiểm soát chặt chẽ nợ công. Ngành Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện quản lý chặt chẽ các khoản thu của NSNN, mở rộng cơ sở thuế cả về đối tượng và căn cứ tính thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, quyết liệt xử lý, thu nợ thuế; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, đa dạng hóa các kênh thu nộp NSNN để rút ngắn thời gian nộp thuế, tập trung kịp thời các khoản thu vào NSNN; mở rộng triển khai hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, kết nối trực tiếp dữ liệu người nộp thuế với cơ quan thuế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách tài chính, thuế phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, đúng chế độ; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán NSNN năm sau. Tiết giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công đảm bảo hợp lý, hiệu quả. Hủy dự toán đối với những nhiệm vụ chi thường xuyên chậm triển khai, thực hiện[37]. Đẩy mạnh thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN, tăng cường kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc nhà nước[38].
- Trong quản lý, sử dụng tài sản công: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, tạo lập cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, chống lãng phí; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung[39], bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ và tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, sắp xếp xe ô tô phục vụ công tác chung theo đúng định mức, tiêu chuẩn; xử lý số xe dôi dư theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện thanh lý xe đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí. Công tác khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công tiếp tục được nhân rộng, triển khai thí điểm tại 07 bộ, cơ quan ở Trung ương và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[40], bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tiết kiệm NSNN[41]
- Trong công tác quản lý đầu tư công: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, thanh toán dứt điểm khối lượng đã thực hiện; xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, các nhà thầu không có năng lực thực hiện dự án[42]; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá độc lập pháp luật về đầu tư công, làm rõ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, kiến nghị các giải pháp khắc phục; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm, làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Công tác quyết toán dự án hoàn thành được chú trọng, tăng cường[43].
- Công tác sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà, đất công sản tiếp tục được thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng[44]. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sắp xếp, xử lý nhà, đất công sản, chống thất thoát, lãng phí. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 03/4/2017 chỉ đạo tăng cường quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các địa phương và chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
- Trong lĩnh vực quản lý đất đai: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, nhằm tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn; tập trung xây dựng và triển khai các Đề án nâng cao hiệu quả sử dụng đất và xử lý vi phạm về đất đai[45], khắc phục tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, gây lãng phí. Nhiều địa phương đã triển khai các mô hình tích tụ, tập trung đất đai để nâng cao hiệu quả sử dụng đất[46]. Chính sách tài chính về đất đai tiếp tục góp phần tạo nguồn thu cho NSNN[47].
- Trong lĩnh vực quản lý khoáng sản: Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản theo hướng minh bạch, bền vững để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản; xây dựng Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi để chấn chỉnh tình trạng khai thác trái phép diễn biến phức tạp trong thời gian qua; chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, xác định cân đối cung cầu cát, sỏi xây dựng và cát san lấp trong nước, đề xuất giải pháp sử dụng các vật liệu thay thế nhằm tiết kiệm tài nguyên; không xuất khẩu mọi loại cát; hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô. Công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khoáng sản, thăm dò, khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường, nạo vét, khơi thông luồng lạch được tăng cường hơn, đã phát hiện và xử lý hành chính 139 tổ chức vi phạm pháp luật về khoáng sản.
- Trong lĩnh vực tài nguyên nước: Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định[48] quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tài nguyên nước, bảo đảm khai thác tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả. Công tác lập quy hoạch tài nguyên nước được chú trọng; công tác cấp giấy phép tài nguyên nước được siết chặt hơn.
- Trong bảo vệ môi trường sinh thái: Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện rà soát toàn bộ 44 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó ưu tiên sửa đổi 17 quy chuẩn theo hướng tham khảo kinh nghiệm, áp dụng tương đương với quy chuẩn của một số nước tiên tiến. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khắc phục vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng[49]; kiểm tra, xử lý hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường.
- Trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng[50]; dừng khai thác, đóng cửa rừng tự nhiên để chống thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
- Công tác tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt[51]; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử; tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế[52]; nhân rộng mô hình trung tâm hành chính công hoạt động hiệu quả[53], cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xử lý sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và công khai kết luận, tạo niềm tin trong Nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, nghiêm cấm cán bộ công chức uống bia, rượu trong giờ làm việc, buổi trưa, tặng quà lãnh đạo trong dịp Lễ, Tết, sử dụng xe công đi lễ hội;... Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ[54]; 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch để triển khai các nội dung cải cách hành chính theo thẩm quyền, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các sở, ngành, huyện trực thuộc. Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp Phòng đã được thực hiện tại 14 cơ quan Trung ương và 22 địa phương, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý.
- Trong quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo giải quyết, khắc phục các tồn tại, hạn chế, vướng mắc về cơ chế chính sách để thúc đẩy công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Về cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu DNNN. Mặc dù số lượng DNNN thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại không nhiều, nhưng các DNNN cổ phần hóa đều có quy mô vốn rất lớn[55]. Các công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp về cơ bản đã xử lý được tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Công tác thoái vốn nhà nước được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp mang tính đột phá như tăng cường công khai minh bạch, để thị trường định giá cổ phiếu, đã góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí vốn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước. Tổng thu từ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước nộp vào NSNN năm 2017 là trên 144.577 tỷ đồng[56], gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Công tác xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém thuộc ngành công thương tiếp tục được thực hiện quyết liệt[57] theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, tập trung tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm[58], Nhà nước không cấp thêm vốn từ NSNN.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành đã phát hiện tình trạng lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số nơi, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước[59]. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định của Luật THTK,CLP, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về THTK,CLP, như: Không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định (không có đánh giá, phân tích kết quả tiết kiệm theo các chỉ tiêu THTK,CLP đã đề ra) trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN, tài sản công và thời gian lao động, cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác THTK,CLP tại bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình hoặc né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện; ... Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Luật THTK,CLP.
3. Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp THTK,CLP như sau:
- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của NSNN 12% đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào, so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành công trình, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
- Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018. Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với số giao năm 2015. Các cơ quan, đơn vị chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn THTK,CLP với công tác phòng, chống tham nhũng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ. Đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức; xác định vị trí việc làm một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế.
- Triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng quy định. Hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; không sử dụng vốn vay nước ngoài, vay thương mại để mua xe ô tô công; đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương.
- Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất. Không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ; không xuất khẩu khoáng sản thô. Thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên và các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để đạt tỷ lệ che phủ rừng 41,6%; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước, trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thực hiện giảm mức tổn thất điện cả năm xuống còn 7,2%.
- Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh. Thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan; phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của 12 dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp kém hiệu quả thuộc ngành công thương và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về THTK,CLP.
137. Cử tri Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị cần quan tâm đổi mới công tác quản lý nền kinh tế vĩ mô: cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài chính; sử dụng các khoản vay hợp lý; đổi mới khoa học công nghệ.
Trả lời: (Tại Công văn số 10189/BTC-TCNH ngày 22/8/2018)
1. Về việc đổi mới công tác quản lý nền kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa:
Ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính luôn quán triệt chủ trương này, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và chủ động phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thể hiện thông qua các hoạt động sau: (i) thường xuyên trao đổi và cung cấp thông tin về tình hình thu - chi và tiền gửi ngân sách nhà nước để điều hành cung ứng tín dụng cho nền kinh tế một cách phù hợp, giúp ổn định thị trường ngoại hối, tăng cường dự trữ ngoại hối Nhà nước (ii) phối hợp điều hành lãi suất trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu ổn định nhằm huy động được vốn cho ngân sách nhà nước với chi phí hợp lý (iii) giữ ổn định tỷ giá để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và NHNN còn phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thuộc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
2. Về việc sử dụng các khoản vay hợp lý
Vấn đề đảm bảo an toàn nợ công là nội dung được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Quốc hội đã đưa ra các nhiệm vụ về kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp tái cơ cấu nợ công; đồng thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp về tái cơ cấu đầu tư công cho đầu tư phát triển, trong đó có giải pháp sử dụng vốn vay một cách hiệu quả.
Về tái cơ cấu nợ công, Bộ Tài chính luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công và 06 Nghị định hướng dẫn để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện. Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nợ công theo hướng (i) tăng tỷ trọng vay trong nước, giảm vay nước ngoài theo Chiến lược vay và trả nợ quốc gia (ii) chủ động thực hiện tái cơ cấu nợ Chính phủ trong nước tập trung vào tái cơ cấu danh mục trái phiếu Chính phủ cả về kỳ hạn, lãi suất để phát triển thị trường trái phiếu (iii) hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ, đổi mới việc cho vay lại.
Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý được hoàn thiện và chủ động thực hiện các giải pháp nêu trên, tỷ trọng vay nợ nước ngoài/tổng vay nợ đã giảm từ 61% vào năm 2011 xuống còn 40% vào cuối năm 2017. Đến ngày 31/12/2017, nợ công giảm xuống còn 61,4%GDP so với mức 63,6%GDP năm 2016, dự kiến đến hết năm 2018 các chỉ tiêu về nợ công đảm bảo trong giới hạn cho phép. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt 12,74 năm vào cuối năm 2017, tăng 4,03 năm so với năm 2016, tăng 5,76 năm so với năm 2015, theo đó kỳ hạn còn lại bình quân danh mục nợ cuối năm 2017 là 6,7 năm (tăng 0,72 năm so với năm 2016 và tăng 2,26 năm so với năm 2015). Từ năm 2015, đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã thực hiện siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu, thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ; đối với cho vay lại, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu hồi nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.
Đối với công tác tái cơ cấu đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm cải cách quản lý đầu tư công.
Trong thời gian tới, để vừa đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển nền kinh tế vừa kiểm soát an toàn nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quốc hội tại Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14.
3. Đối với việc đổi mới khoa học công nghệ
Triển khai thực hiện Luật Khoa học công nghệ và các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về khoa học công nghệ, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách tài chính cho việc phát triển và đổi mới các hoạt động khoa học công nghệ tương đối đầy đủ, đồng bộ, cụ thể :
(i) Về cơ chế khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
(ii) Về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 90/2017/TT-BTC ngày 30/8/2017 quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức khoa học công nghệ công lập hướng dẫn Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công nghệ công lập.
Các cơ chế về huy động nguồn lực và quản lý tài chính trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã được ban hành tương đối đầy đủ. So với các lĩnh vực khác, các quy định quản lý tài chính khoa học công nghệ đã có những ưu đãi đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ. Trong thời gian tới, để thực sự tạo bước đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội, cần phối hợp với các chính sách đổi mới trong tổ chức quản lý hoạt động khoa học công nghệ như: (i) ban hành các tiêu chí đánh giá, phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể, rõ ràng, đổi mới quy trình tuyển chọn nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng cải cách thực hiện của từng cấp quản lý; (ii) đổi mới cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm cao đối với tổ chức khoa học công nghệ công lập; (iii) tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm được xác định trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ, các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách và những lĩnh vực công ích do nhà nước quy định.
138. Cử tri Thừa Thiên Huế kiến nghị: Theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” có quy định về chính sách hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên đại học; xử lý nợ và hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện đến các hộ dân bị ảnh hưởng. Đề nghị Bộ Tài chính rà soát để triển khai thực hiện.
Trả lời: (Tại Công văn số /BTC - TTr ngày 17/8/2018)
Tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” quy định hỗ trợ bảo hiểm y tế; hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em học mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên đại học; hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp; hỗ trợ, cấp bù lãi suất cho khoản vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề và xử lý nợ cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Thực hiện Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7055/BTC-HCSN ngày 30/5/2017 và Công văn số 16568/BTC-TCNH ngày 7/12/2017 hướng dẫn về hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí đào tạo về sử dụng, vận hành tàu cá, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá, hỗ trợ, cấp bù lãi suất cho khoản vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề và khoanh nợ quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1826/TTg-NN ngày 29/11/2017 về xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác trên địa bàn 04 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; Thông báo số 408/TB-VPCP ngày 01/9/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp lần thứ IX Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; căn cứ kết quả rà soát, thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và đề nghị của địa phương, ngày 19/12/2017, Bộ Tài chính đã có Công văn số 17111/BTC-NSNN tạm cấp 50% nhu cầu thực hiện các chính sách trong 2 năm (từ năm 2017-2019) cho tỉnh Thừa Thiên Huế là 153.700 triệu đồng, gồm hỗ trợ học phí là 23.000 triệu đồng (trong đó có hỗ trợ học phí cho trẻ em học mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên đại học); hỗ trợ kinh phí đào tạo, tìm việc làm, xuất khẩu lao động là 109.300 triệu đồng; hỗ trợ bảo hiểm y tế là 21.400 triệu đồng.
Vì vậy, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tình hình triển khai thực hiện.
139. Cử tri Phú Yên kiến nghị: Cử tri phản ánh ngành mía đường trên cả nước nói chung và ở phạm vi tỉnh Phú Yên nói riêng hiện nay rất khó khăn do ảnh hưởng thiên tai, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, người nông dân sản xuất mía còn nghèo chưa có điều kiện để mua sắm thiết bị cơ giới hóa đồng ruộng. Do vậy đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất mía đường, trong đó có chính sách giảm thuế, cụ thể như sau:
+ Gia hạn thời gian hội nhập cho ngành mía đường thêm 5 năm từ năm 2018 đến năm 2023 nhằm bảo vệ ngành mía đường sản xuất trong nước vì nông dân chưa có đủ năng lực để đạt được năng suất và chất lượng mía cao hơn, giá thành sản xuất mía có thể cạnh tranh được với các nước xuất khẩu đường trong khu vực như Thái Lan.
+ Tạm hoãn việc cấp hoặc đấu thầu cô ta nhập khẩu đường của năm 2018 sang năm 2019 do thừa đường trên toàn quốc.
+ Trong lúc chờ Chính phủ thực hiện triệt để việc ngăn chặn nhập lậu đường vào Việt Nam, kiến nghị Chính phủ miễn giảm thuế GTGT từ mức 5% như hiện nay xuống 0% để đường nội địa có đủ lực và cơ hội cạnh tranh với đường Thái Lan và đường lậu.
+ Áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng chất tạo ngọt, đồng thời đề nghị Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng kiến nghị Chính phủ xem xét việc nhập chất tạo ngọt vào Việt Nam để sử dụng sản xuất các sản phẩm thay đường làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, nhằm khuyến khích các công ty nước giải khát tiêu thụ đường mía tại địa phương.
+ Phát triển các giống mía phù hợp với từng vùng; áp dụng cơ giới hóa trong khâu trồng và thu hoạch mía nhằm hạ giá thành sản xuất.
+ Đối với đường tạm nhập tái xuất, đề nghị thực hiện nghiêm theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Thương mại về mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, tránh lợi dụng để gian lận thương mại đưa hàng hóa vào Việt Nam để tiêu thụ.
+ Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường được tiếp cận các nguồn vốn, đồng thời giảm lãi vay vốn lưu động cũng như vốn đầu tư cho các dự án ngành mía đường.
+ Về việc chống đường nhập lậu: Tăng cường công tác chỉ đạo chống buôn lậu đường, đồng thời xử lý nghiêm việc buôn bán đường nhập lậu. Đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương xem xét lại điều kiện kinh doanh và kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh có chức năng “sản xuất”, “chế biến” đường mà không có nhà máy, nhằm ngăn chặn việc tiêu thụ đường lậu chỉ qua công đoạn sang bao, chiết vào túi nhỏ với nhiều các thức sử dụng nhãn mác khác nhau để hợp thức hóa việc tiêu thụ trong nước.
+ Trợ cấp giá tiêu thụ cho các sản phẩm phụ từ các nhà máy đường trong nước như hình thức các nước phát triển bù cho giá đường: Xem xét lại để nâng giá bán điện đồng phát từ nguồn năng lượng tái tạo là 5,8 cent/KWH lên mức 10US cent/KWH tương đương với mức giá Thái Lan áp dụng. Ấn định giá giữa xăng và ethanol nhiên liệu để các công ty xăng dầu tăng giá mua ethanol nhiêu liệu cho các nhà máy đường.
Trả lời: (Tại Công văn số /BTC - TTr ngày 17/8/2018)
1. Về kiến nghị miễn giảm thuế GTGT từ mức thuế suất 5% xuống thuế suất 0% để đường nội địa có đủ lực và cơ hội cạnh tranh với đường Thái Lan và đường lậu:
Khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT quy định về đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% như sau:
“h) Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;”
Luật thuế GTGT quy định 03 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Mức thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Mức thuế suất ưu đãi 5% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hoá, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hoá, dịch vụ thông thường khác. Theo quy định của Luật thuế GTGT thì đường thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất ưu đãi 5%.
- Tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã đưa ra mục tiêu cải cách về thuế GTGT như sau: Sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu).
Hơn nữa, thực hiện cam kết khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với mặt hàng đường sản xuất nội địa thì cũng phải áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với mặt hàng đường nhập khẩu, nên không giải quyết được khó khăn cho ngành sản xuất đường trong nước.
Do vậy đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.
2. Về kiến nghị thuế nhập khẩu đối với mặt hàng chất tạo ngọt:
Chất tạo ngọt gồm nhiều loại khác nhau: có thể từ tự nhiên như ngô, củ cải và có thể có nguồn gốc từ nhân tạo được sử dụng như một chất thay thế đường trong một số thực phẩm và đồ uống. Hiện nay, theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nhóm chất tạo ngọt từ thành phần tự nhiên như mía, ngô, củ cải hoặc loại có nguồn gốc từ nhân tạo đều cơ bản bằng mức cam kết trần WTO và các cam kết song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Do vậy, không thể điều chỉnh tăng thuế đối với nhóm hàng này. Tuy nhiên, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân ngành mía đường, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị Hải quan tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, chống buôn lậu, thẩm lậu đường qua đường tiểu ngạch, phối hợp với các Bộ ngành để kiểm soát các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, môi trường…nhằm kiểm soát hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
3. Về kiến nghị gia hạn thời gian hội nhập cho ngành mía đường thêm 5 năm từ năm 2018 đến năm 2023:
Về áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường đến hết năm 2019. Từ năm 2020, phải thực hiện theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
4. Về việc tạm hoãn việc cấp hoặc đấu thầu quota nhập khẩu đường năm 2018 sang năm 2019:
Theo cam kết gia nhập WTO, đường là một trong những mặt hàng nông sản được quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. Đây là mức độ mở cửa thị trường tối thiểu mà ta phải cam kết khi gia nhập WTO.
Trong những năm gần đây, việc điều hành hạn ngạch thuế quan đường được thực hiện trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính. Hàng năm, sau khi kết thúc vụ sản xuất đường, trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương mới công bố (từ năm 2016 thực hiện thí điểm đấu giá) hạn ngạch thuế quan đường cho các doanh nghiệp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, phù hợp với cam kết gia nhập WTO và không ảnh hưởng đến ngành sản xuất mía đường trong nước. Lượng hạn ngạch thuế quan công bố và đưa ra đấu giá luôn ở mức tối thiểu theo cam kết WTO. Theo đó, thời điểm tổ chức phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan đường thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến là sau khi kết thúc vụ sản xuất đường 2017-2018 để tạo điều kiện tiêu thụ đường sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ ban ngành và chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường, góp phần làm giảm tác động đối với giá đường trong nước.
5. Về việc phát triển các giống mía phù hợp với từng vùng; áp dụng cơ giới hóa trong khâu trồng và thu hoạch mía nhằm hạ giá thành sản xuất:
5.1. Về việc phát triển các giống mía phù hợp với từng vùng:
Để phát triển mía bền vững, cần xây dựng các vùng nguyên liệu mía tập trung phải phù hợp với công suất chế biến của các nhà máy đường; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo điều kiện thực hiện cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía với doanh nghiệp sản xuất đường. Trong giai đoạn hiện nay, định hướng giữ ổn định diện tích mía nguyên liệu tập trung khoảng 300.000 ha; năng suất mía bình quân đạt 75 - 80 tấn/ha; chữ đường bình quân 12 - 13 CCS; sản lượng mía đạt khoảng 24,0 triệu tấn; năng suất đường đạt khoảng 8,5 tấn đường/ha.
Đồng thời mía là loại cây trồng khá mẫn cảm với tiểu vùng khí hậu, đất đai, do vậy cần xây dựng cơ cấu giống mía phù hợp cho từng vùng.
Căn cứ điều kiện khí hậu, đất đai, trình độ đầu tư thâm canh và tổ chức sản xuất, các địa phương lựa chọn bộ giống mía thích hợp và có giải pháp nhân giống, chuyển giao giống có hiệu quả cho người sản xuất.
5.2. Về việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu trồng và thu hoạch mía nhằm hạ giá thành sản xuất:
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Trong đó quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp như: Các loại máy làm đất, trồng, chăm sóc đặc biệt là máy thu hoạch mía; Hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp; Máy, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm nông nghiệp; Các loại máy kéo, động cơ Diezen sử dụng trong nông nghiệp.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương và doanh nghiệp căn cứ điều kiện cụ thể, cần có kế hoạch, lộ trình và giải pháp để triển khai việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu trồng và thu hoạch mía nhằm hạ giá thành sản xuất mía hàng năm.
6. Về đề nghị quản lý đường tạm nhập tái xuất và chống buôn lậu đường:
Hiện nay mặt hàng đường đã thuộc danh mục hàng hóa quản lý theo hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan và đường tạm nhập tái xuất phải có phép kinh doanh của Bộ Công Thương (quy định khoản 1 Điều 13 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ và Điều 11 Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ Công Thương).
Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng đường kinh doanh tạm nhập tái xuất theo giấy phép của Bộ Công Thương và đảm bảo kiểm tra, giám sát từ khi hàng hóa tạm nhập đến khi thực xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy đúng quy định.
Trong những năm qua, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã chủ động, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, trong đó cũng nêu rõ mặt hàng đường là một trong các mặt hàng thiết yếu cần chú trọng cần tăng cường quản lý, không để tình trạng buôn lậu diễn ra phức tạp. Trong 7 tháng đầu năm 2018 đã bắt giữ gần 500 vụ buôn lậu đường với trị giá khoảng 4 tỷ đồng.
Để tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói chung và phòng, chống buôn lậu mặt hàng đường nói riêng, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong đó có mặt hàng đường.
7. Về đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường được tiếp cận các nguồn vốn, đồng thời giảm lãi vay vốn lưu động cũng như vốn đầu tư cho các dự án ngành mía đường:
Nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ phát triển. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã và đang triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành hàng mía đường, cụ thể:
- Ngày 09/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi, trong đó: (i) doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đến 70-80% giá trị phương án, dự án sản xuất kinh doanh; (ii) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, xóa nợ trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, không trả được nợ vay ngân hàng.
Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp (trong đó có ngành mía đường), có chính sách ưu đãi về lãi suất như quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND hiện nay tối đa là 6,5%/năm, thấp hơn 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.
Hiện nay, để tạo điều kiện hơn nữa cho khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
- NHNN cũng đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ, theo đó các khách hàng có dự án, phương án mía đường ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đáp ứng quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được các ngân hàng thương mại xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại.
- Ngày 10/01/2018, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng; đồng thời có văn bản 1881/NHNN-TD ngày 26/3/2018 chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp nông thôn bao gồm cả ngành mía đường); cân đối khả năng tài chính, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động để đưa ra mức lãi suất cho vay hợp lý.
- Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như: (i) Ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ vốn vay, miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của TCTD,...; (ii) Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng; (iii) Đơn giản hóa thủ tục vay vốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; (iv) Cho phép các TCTD được tiếp tục cho vay ngoại tệ đến hết ngày 31/12/2018 để các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu.
Như vậy, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình, chính sách tín dụng, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp (trong đó có ngành mía đường), giúp nhiều hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chương trình, chính sách tín dụng nêu trên.
8. Về việc trợ cấp giá tiêu thụ cho các sản phẩm phụ từ các nhà máy đường trong nước như hình thức các nước phát triển bù cho giá đường: Xem xét lại để nâng giá bán điện đồng phát từ nguồn năng lượng tái tạo là 5,8 cent/KWH lên mức 10US cent/KWH tương đương với mức giá Thái Lan áp dụng. Ấn định giá giữa xăng và ethanol nhiên liệu để các công ty xăng dầu tăng giá mua ethanol nhiêu liệu cho các nhà máy đường:
- Ngày 24 tháng 3 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam (Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg). Ngoài các ưu đãi về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai… theo các quy định hiện hành đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, Quyết định 24/2014/QĐ-TTg còn quy định các dự án điện đồng phát từ nguồn năng lượng tái tạo (trong đó có các dự án điện đồng phát từ bã mía của các nhà máy đường) được hưởng các ưu đãi cụ thể như: (i) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án; (ii) Giá bán điện của dự án là 5,8 UScent/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo tỷ giá đồng/USD); (iii) Được áp dụng hợp đồng mua bán điện mẫu (PPA) không phải đàm phán với EVN với thời hạn hợp đồng là 20 năm.
- Trong quá trình xây dựng giá bán điện của các dự án điện sinh khối đồng phát nhiệt điện, Bộ Công Thương đã được tư vấn quốc tế, tư vấn trong nước khảo sát, tính toán trên cơ sở giá thành sản xuất điện quy dẫn trên cơ sở giá thành sản xuất thực tế của các dự án điện đồng phát và khuyến khích các nhà máy đường nâng cao hiệu suất nhằm tăng sản lượng điện đồng phát.
- Sau khi Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg có hiệu lực, đến nay, đã có 11 nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt điện với tổng công suất khoảng 340 MW chuyển sang ký hợp đồng mua bán điện với EVN theo giá 5,8 UScent/kWh. Giá bán điện theo Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg của các nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt điện đã cao hơn giá bán điện cũ từ 1-1,5 UScent/kWh. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để làm rõ cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh giá mua điện từ các nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt điện.
140. Cử tri Quảng Ngãi kiến nghị: Về công tác giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước: Ngày 20/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2014/NĐ-CP về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh việc trùng lắp nhiệm vụ giám sát của một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét, tổng hợp Nghị định số 49/2014/NĐ-CP và Nghị định số 87/2015/NĐ-CP thành 01 Nghị định quy định chung về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN và DN có vốn Nhà nước.
Trả lời: (Tại Công văn số 10882/BTC-TCDN ngày 7/9/2018)
Nghị định số 49/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là Nghị định số 49) được xây dựng theo phân cấp tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Thanh tra năm 2010. Nội dung giám sát bao gồm các lĩnh vực như Quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước, chế độ tài chính và giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp; Công tác xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch; Công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động; Quy định của pháp luật chuyên ngành và chế độ thông tin, báo cáo, công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nghị định số 49 quy định chi tiết quy trình thanh tra, kiểm tra, giám sát của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ quản lý ngành, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan chủ sở hữu đối với đối tượng bị giám sát.
Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 87) được xây dựng căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014. Nội dung của Nghị định số 87 hướng dẫn về tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động của DNNN và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp; quy định việc giám sát, kiểm tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định việc công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp theo yêu cầu đối với Chính phủ quy định tại Điều 40 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nội dung giám sát của Nghị định số 87 bao gồm giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động sau khi vốn đã được đầu tư vào doanh nghiệp.
Như vậy, phạm vi điều chỉnh của 02 Nghị định nêu trên không hoàn toàn đồng nhất. Nội dung giám sát của Nghị định số 49 rộng hơn, quy định chung về nguyên tắc, nội dung, hình thức giám sát, kiểm tra, thanh tra; thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra; tập trung vào giám sát việc chấp hành, tuân thủ của chủ sở hữu, bao gồm cả nội dung giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả và công khai tài chính doanh nghiệp. Trong khi đó, Nghị định số 87 hướng dẫn chi tiết, kỹ thuật về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Để thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước; chế độ tài chính và giám sát tài chính theo quy định của Nghị định số 49, cần căn cứ các hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 87. Việc thực hiện Nghị định số 87 cũng là một trong những nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra theo Nghị định số 49. Do đó, sẽ có trùng lặp nhất định trong nhiệm vụ giám sát tài chính tại DNNN, vốn Nhà nước tại DN của một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh hoặc tại các Bộ, ngành.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2005 là cơ sở ban hành Nghị định số 49 đã được thay thế bằng Luật Doanh nghiệp năm 2014. Chính phủ đang triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ, theo đó sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giám sát, kiểm tra chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu, làm cơ sở để ban hành một Nghị định thay thế, sửa đổi 02 Nghị định nêu trên.
141. Cử tri Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh để có căn cứ triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực; nhất là cơ chế tài chính để thu hút nhân lực chất lượng cao.
Trả lời: (Tại Công văn số 9788/BTC-NSNN ngày 15/8/2018)
- Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã quy định rõ thẩm quyền của Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực: quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Nghị quyết (Điều 8) không quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn các nội dung của Nghị quyết, nên Bộ Tài chính không có cơ sở để hướng dẫn hoặc trình Chính phủ hướng dẫn Nghị quyết.
Trường hợp, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sự phối hợp của các Bộ, cơ quan Trung ương nói chung và Bộ Tài chính nói riêng, đề nghị Thành phố có văn bản đề xuất cụ thể gửi các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan để xem xét, xử lý theo quy định.
- Đối với cơ chế tài chính để thu hút nhân lực chất lượng cao, tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội quy định: "Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách Thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định".
Thực hiện quy định trên của Nghị quyết số 54/2017/QH14, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các Nghị quyết: (1) Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND Ngày 16/03/2018 về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý; (2) Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 16/03/2018 về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022.
Như vậy, đối với chính sách tài chính để thu hút nhân lực chất lượng cao của Thành phố đã được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố đã thể chế hóa bằng Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND.
142. Cử tri Cần Thơ kiến nghị: Chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ để Thành phố phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực để phát triển các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long
Trả lời: (Tại Công văn số 10048/BTC-NSNN ngày 20/8/2018)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 84/TTr-BTC ngày 27/7/2018 trình Chính phủ dự thảo Nghị định và ngày 07/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2018/NĐ-CP về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ.
143. Cử tri Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn việc tiếp nhận xe ô tô cứu thương của các doanh nghiệp biếu, tặng để phục vụ công tác chuyển viện cấp cứu bệnh nhân; vì theo Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 10/3/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ thì các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chấm dứt việc tiếp nhận xe ô tô của các doanh nghiệp biếu, tặng.
Trả lời: (Tại Công văn số 9537/BTC-QLCS ngày 9/8/2018)
Tại Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức ban hành kèm theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng quà biếu tặng (trong đó có xe ô tô).
Tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản và phương án xử lý đối với tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước (trong đó có xe ô tô).
Tuy nhiên, tại Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 10/3/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chấm dứt việc tiếp nhận xe ô tô (bao gồm cả xe ô tô chuyên dùng) của các doanh nghiệp biếu, tặng. Do đó, trường hợp tiếp nhận xe ô tô cứu thương do doanh nghiệp biếu tặng, đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
144. Cử tri Lạng Sơn kiến nghị: Dự án NSRP đã được Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, được triển khai phù hợp với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025. Tổng mức đầu tư dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư là 9 tỷ USD (theo cam kết của các bên cho vay khoảng 9,237 tỷ USD). Dự án đã triển khai đạt 98% tiến độ tổng thể, nhằm đảm bảo cho việc sản xuất sản phẩm đầu tiên từ tháng 05/2018. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ.
1. Với tính chất của Dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, phức tạp trong khi Việt Nam chưa có đủ khả năng tự triển khai nên đòi hỏi các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm về lọc hóa dầu cùng tham gia, nên Chính phủ Việt Nam đã cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích cho Dự án như thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU) trong đó: (i) Ưu đãi Thuế nhập khẩu sản phẩm; (ii) Bao tiêu sản phẩm nhiên liệu của Dự án. Đề nghị xem xét bố trí từ nguồn khác (từ Quỹ phát triển năng lượng bền vững hoặc từ số tiền chênh lệch Thuế nhập khẩu xăng cao hơn so với mức ưu đãi thuế cho NSRP 13%) để thanh toán khoảng 80%-85% số tiền chênh lệch Thuế nhập khẩu cho NSRP trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022, vừa đảm bảo thu ngân sách nhà nước và giảm gánh nặng phần bù thuế cho PVN.
2. Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ký thỏa thuận bao tiêu sản phẩm (FPOA) dự kiến thực hiện bao tiêu từ năm 2018 bao gồm: PVN chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm nhiên liệu của nhà máy (LPG, xăng, điêzen, JET-A1) trong vòng 10 năm đầu kể từ ngày vận hành thương mại với giá bằng giá nhập khẩu +7% đối với xăng, điêzen và JET –A1; + 5% đối với LPG. Trong khi thuế nhập khẩu xăng dầu và LPG (áp dụng để xác định giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong nước) đã hoặc sẽ giảm xuống 0% theo lộ trình giảm thuế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). PVN phải thay mặt Chính phủ thanh toán chênh lệch thuế cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, do đó, PVN phải mua (bao tiêu) sản phẩm với giá cao và bán với giá thấp hơn (tức là sẽ bị lỗ khi thực hiện FPOA), ước tính âm từ 2-8 nghìn tỷ đồng/năm (tùy theo công suất sản xuất từng năm và biến động giá dầu). Trong trường hợp PVN phải thay mặt Chính phủ trả chênh lệch thuế, đề nghị Chính phủ cho phép PVN được loại trừ chi phí bù thuế Nghi Sơn khi trích lập Quỹ ĐTPT hàng năm để bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư các dự án trọng điểm về dầu khí; cho phép loại trừ khi đánh giá xếp loại doanh nghiệp và loại trừ khi tính toán các chỉ số tài chính của PVN.
3. Theo Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 432/TB-VPCP ngày 14/9/2017, PVN sẽ phải sử dụng nguồn để bù thuế trong bao tiêu sản phẩm dự án Nghi Sơn lấy từ chi phí sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ là PVN. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn các chỉ số tài chính của PVN, đặc biệt trong giai đoạn PVN cần bảo đảm các chỉ số tài chính tốt nhằm triển khai vay vốn đầu tư các dự án trọng điểm về dầu khí và các dự án trọng điểm của Tập đoàn.
Đề nghị có hướng dẫn việc thực hiện chi tiết trong việc tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVN với các khoản thanh toán chi phí bù thuế nhập khẩu, đối với vấn đề phát sinh thuế trên giá sản phẩm do có tính ưu đãi bù thuế theo công thức giá (thuế chồng thuế) các sản phẩm bao tiêu tại Dự án Nghi Sơn để phù hợp với các quy định hiện hành.
Trả lời: (Tại Công văn số 10376/BTC-TCDN ngày 27/8/2018)
Theo quy định tại Điều 1, Phụ lục B, GGU: “Trong 10 năm đầu kể từ ngày vận hành thương mại, NSRP có thể áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với sản phẩm lọc dầu (ngoại trừ 5% cho LPG) và 3% đối với các sản phẩm hóa dầu. Trong thời hạn trên, nếu Nhà nước Việt Nam quy định thuế suất nhập khẩu thấp hơn (căn cứ vào thuế suất Tối huệ quốc được quy định trong biểu thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam), thì Chính phủ đảm bảo rằng Petrovietnam sẽ thanh toán cho NSRP số chênh lệch giữa thuế suất thuế nhập khẩu thực tế và thuế suất 7% đối với sản phẩm lọc dầu (ngoại trừ 5% cho LPG) và 3% đối với các sản phẩm hóa dầu”.
Hiện nay, thuế suất Tối huệ quốc MFN đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 đang được điều hành cao hơn hoặc bằng mức 7/5/3% (20% đối với mặt hàng xăng, 5% đối với LPG, 3% đối với mặt hàng dầu); đồng thời tại công văn số 292/VPCP-KTTH ngày 07/2/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo “…mức thuế MFN không thấp hơn 7% đối với xăng, dầu, 5% đối với LPG và 3% đối với sản phẩm hóa dầu trong giai đoạn từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2027”. Như vậy, do thuế suất nhập khẩu MFN không điều hành thấp hơn mức thuế 7/5/3% trong giai đoạn từ 07/2017-07/2027, Chính phủ không phát sinh nghĩa vụ bù chênh lệch thuế suất cho NSRP theo cam kết tại Điều 1, Phụ lục B.
1. Đối với vấn đề thứ nhất: Xem xét bố trí từ nguồn khác (từ Quỹ phát triển năng lượng bền vững (Quỹ PTNLBV) hoặc từ số tiền chênh lệch Thuế nhập khẩu xăng cao hơn so với mức ưu đãi thuế cho NSRP 13%) để thanh toán khoảng 80%-85% số tiền chênh lệch Thuế nhập khẩu cho NSRP trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022.
1.1. Về Quỹ PTNLBV:
- Bộ Tài chính đã có công văn số 557/BTC-TCDN ngày 29/5/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn thi xây dựng Đề án thành lập Quỹ PTNLBV, bao gồm:
+ Hiện nay, chưa có cơ sở pháp lý để tạo nguồn thu cho Quỹ PTNLBV từ chi phí và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.
+ Việc xây dựng quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước là không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách, quản lý nợ công.
+ Việc không duy trì Quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng dầu là điều kiện cần thiết để tạo nguồn cho Quỹ PTNLBV mà không tạo áp lực tăng giá xăng dầu. Trường hợp xóa bỏ Quỹ BOG xăng dầu cần phải có biện pháp bình ổn giá thay thế khác theo quy định tại Luật Giá. Tuy nhiên, hiện nay chưa rõ hướng sửa Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu có duy trì Quỹ BOG hay không.
- [A1] Ngày 15/6/2018, Văn phòng Chính phủ có công văn số 1717/VPCP-KTTH thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Đồng ý chưa xây dựng đề án thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu do chưa đủ cơ sở pháp lý và các điều kiện về nguồn vốn theo quy định của pháp luật”.
1.2. Bố trí nguồn từ số tiền chênh lệch Thuế nhập khẩu xăng dầu cao hơn so với mức ưu đãi thuế NSRP 13% để thanh toán số tiền chênh lệch Thuế nhập khẩu cho NSRP trong giai đoạn từ năm 2017-2022
- Số tiền thu được từ thuế nhập khẩu xăng dầu thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, vì vậy, không có cơ sở sử dụng số thuế nhập khẩu xăng dầu bù trực tiếp cho doanh nghiệp (PVN). Ưu đãi cho phép NSRP được cộng vào giá bán buôn tại cổng nhà máy thuế nhập khẩu 7%/5%/3% về bản chất là khoản ưu đãi về tài chính cho Dự án (tương tự một khoản trợ cấp về giá) để tăng hiệu quả theo kỳ vọng của chủ đầu tư, đây không phải ưu đãi về thuế nhập khẩu dành cho NSRP.
- “Chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu cao hơn mức ưu đãi thuế NSRP 13%” theo ý kiến của ĐBQH được hiểu là chênh lệch giữa thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng hiện nay (20%) và mức thuế nhập khẩu 7% được cộng trong giá xăng bán buôn tại cổng nhà máy của NSRP. Do thực tế hiện nay, giá cơ sở mặt hàng xăng đang được điều hành trên cơ sở có thuế nhập khẩu bình quân gia quyền (theo quy định mới, khi mức bình quân gia quyền thấp hơn 10% cam kết tại FTAs nên lấy theo mức 10%), vì vậy mức chênh lệch giữa giá bán cơ sở với mức thuế 7% thanh toán cho NSRP không phải là 13%. Mặt khác, để được hưởng toàn bộ mức chênh lệch (nếu có) thì PVN phải tham gia toàn bộ khâu phân phối (bán buôn cho tới bán lẻ tại cây xăng) trong khi đó, PVN chỉ đảm nhận được thị phần bán lẻ dưới 20%.
- Trong giai đoạn từ nay đến năm 2022, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng, dầu sẽ được điều chỉnh theo nguyên tắc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo tại công văn số 292/VPCP-KTTH ngày 07/02/2017: “Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ thực hiện mức thuế nhập khẩu MFN đối với xăng, dầu, LPG, hóa dầu theo đúng Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ. Trường hợp có sửa đổi, bổ sung mức thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu, LPG, hóa dầu, lộ trình đã cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong các Hiệp định thương mại tự do trong và ngoài khu vực theo mức thuế MFN không thấp hơn mức 7% đối với xăng, dầu, 5% đối với LPG và 3% đối với sản phẩm hóa dầu trong giai đoạn từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2027”; thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA) thấp nhất hiện nay là 10% và năm 2022 là 8%. Như vậy, khi PVN bao tiêu sản phẩm của NSRP với mức cộng vào giá tương đương 7% thuế nhập khẩu, nếu bán ngang giá với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng, PVN vẫn sẽ có lợi thế nhất định về giá. Đây là khoản thuộc doanh thu của PVN. Hiện nay, Chính phủ chưa có chính sách điều tiết đối với khoản chênh lệch này. Vì vậy, PVN được phép sử dụng các khoản doanh thu này để bù đắp cho các chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Đối với vấn đề thứ hai: Đề nghị Chính phủ cho phép PVN được loại trừ chi phí bù thuế Nghi Sơn khi trích lập Quỹ ĐTPT hàng năm để bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư các dự án trọng điểm về dầu khí; cho phép loại trừ khi đánh giá xếp loại doanh nghiệp và loại trừ khi tính toán các chỉ số tài chính của PVN.
2.1. Về việc trích Quỹ đầu tư phát triển (Quỹ ĐTPT):
Theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, nhà nước thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ. Đồng thời theo quy định tại pháp luật về ngân sách nhà nước: phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, kiến nghị này không phù hợp với Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, ảnh hưởng số thu nộp ngân sách nhà nước và không có cơ sở kết chuyển chi phí lỗ vào thẳng lợi nhuận sau thuế.
2.2. Về đánh giá xếp loại doanh nghiệp hằng năm:
Theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 hướng dẫn giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN, các DNNN được đánh giá xếp loại căn cứ chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận ... do cơ quan đại diện chủ sở hữu giao đầu năm, không căn cứ vào mức thực hiện của năm trước. Vì vậy, đề nghị PVN căn cứ kế hoạch bao tiêu sản phẩm của NSRP hằng năm để xác định doanh thu, chi phí, lãi/lỗ kế hoạch phát sinh do hoạt động bao tiêu, tổng hợp chung vào chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận kế hoạch của tập đoàn, gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu để giao chỉ tiêu đánh giá xếp loại doanh nghiệp hằng năm. Theo đó, việc thực hiện bao tiêu sản phẩm của NSRP sẽ không ảnh hưởng đến kết quả xếp loại doanh nghiệp.
2.3. Về kiến nghị loại trừ chi phí bù thuế Nghi Sơn khi tính toán các chỉ số tài chính của PVN:
Các chỉ số tài chính được sử dụng bởi các cơ quan quản lý, cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhà đầu tư và các chủ nợ của doanh nghiệp. Vì vậy, các chỉ số tài chính cần phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính, khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Do đó, kiến nghị trên là chưa phù hợp.
3. Đối với vấn đề thứ ba: Đề nghị có hướng dẫn việc thực hiện chi tiết trong việc tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVN với các khoản thanh toán chi phí bù thuế nhập khẩu, đối với vấn đề phát sinh thuế trên giá sản phẩm do có tính ưu đãi bù thuế theo công thức giá (thuế chồng thuế) các sản phẩm bao tiêu tại Dự án Nghi Sơn để phù hợp với các quy định hiện hành.
3.1. Tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVN với các khoản thanh toán chi phí bù thuế nhập khẩu:
Theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí của doanh nghiệp cần gắn với doanh thu của doanh nghiệp. Do chi phí thực hiện cam kết ưu đãi của Chính phủ về thuế nhập khẩu và chi phí thực hiện Hợp đồng bao tiêu sản phẩm lọc dầu đối với Dự án NSRP không trực tiếp gắn với doanh thu của PVN nên không được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của PVN. Do kiến nghị này chưa phù hợp với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nên cần báo cáo Quốc hội/ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để có cơ sở thực hiện. Hiện nay, Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ (thông qua Bộ Công Thương) về các vấn đề vượt thẩm quyền Bộ Tài chính trong đó có nội dung về xử lý chi phí thực hiện cam kết của PVN.
3.2. Đối với vấn đề phát sinh thuế trên giá sản phẩm:
Bộ Tài chính đã có công văn số 581/BTC-CST ngày 16/1/2017 và công văn số 1233/BTC-TCDN ngày 02/11/2017 hướng dẫn PVN về thuế đối với xăng dầu bao tiêu của NSRP. Tại công văn số 581/BTC-CST ngày 16/1/2017 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn:
- Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với sản phẩm xăng mà PVN bao tiêu theo Hợp đồng FPOA là giá bán nêu tại Hợp đồng FPOA chưa có thuế TTĐB, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và bao gồm cả khoản thu thêm tính ngoài giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ (nếu có) mà công ty NSRP được hưởng.
- Giá tính thuế GTGT đối với các sản phẩm mà PVN bao tiêu theo Hợp đồng FPOA là giá bán nêu tại Hợp đồng FPOA và chưa có thuế GTGT, bao gồm cả khoản phụ thu, phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà công ty NSRP được hưởng.
145. Cử tri Long An kiến nghị:
- Kiến nghị 1 (tại văn bản số 6360/VPCP-QHĐP): Cử tri và nhân dân cho rằng tình trạng nợ công và tham nhũng, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm… đang là nỗi lo của đông đảo đồng bào cử tri trong tỉnh, Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và có giải pháp hiệu quả trong thực hiện quản lý nợ công.
- Kiến nghị 2 (tại văn bản số 6852/VPCP-QHĐP): Cử tri tiếp tục phản ánh về tình trạng nợ công thất thoát, lãng phí. Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Trả lời: (Tại Công văn số 10252/BTC-QLN ngày 23/8/2018)
1. Về tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài
Tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn nước ngoài là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nợ công của Chính phủ. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 64/NQ-CP ngày 22/7/2016 về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng XII, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường giám sát và quản lý nợ công hiệu quả. Trong những năm qua cùng với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài luôn được Bộ Tài chính quan tâm triển khai thực hiện và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính về nợ công.
Tính từ năm 2011 đến nay, liên quan đến quản lý, sử dụng nợ công, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra; kiểm tra 17 dự án xi măng sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh; thanh tra công tác quản lý và sử dụng vốn ODA tại các dự án của thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý nợ công và công tác quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài… Bên cạnh công tác thanh tra, Bộ Tài chính từng bước tăng cường công tác thẩm định chặt chẽ các dự án đăng ký sử dụng vốn vay, các dự án vay vốn có bảo lãnh Chính phủ; giám sát các khoản vay lớn và có đánh giá tác động đến nợ công; với mỗi mảng công tác, đều đặt ra nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong hai năm 2016-2017, Bộ Tài chính đã tiến hành 70 đoàn kiểm tra tình hình quản lý tài chính các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi (tập trung vào các dự án cho vay lại, các dự án lớn có vướng mắc trong quá trình triển khai), giám sát tình hình triển khai các dự án, đối chiếu số liệu.
Qua thanh tra và kiểm tra việc sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nợ công, cụ thể:
- Tại một số dự án, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư vượt so với phê duyệt lần đầu, ảnh hưởng tới kế hoạch và phương án trả nợ của các dự án, tác động đến việc tăng nợ công
- Một số dự án sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn hoặc sử dụng vốn vay còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra
Từ kết quả công tác thanh tra, Bộ Tài chính đã kiến nghị các tập thể, cá nhân liên quan chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan đến sai phạm. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có nhiều kiến nghị xử lý về tài chính; sửa đổi, bổ sung chính sách chế độ liên quan đến quản lý nguồn vốn vay nước ngoài.
2. Các biện pháp đảm bảo hiệu quả trong quản lý và sử dụng nợ công
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ văn bản số 464/BC-CP ngày 19/10/2016 báo cáo Quốc hội về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 và trình Bộ Chính trị Đề án chủ trương, giải pháp cơ cấu lại Ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại Ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Bộ Tài chính đang cùng các cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt chủ trương, giải pháp tại 02 Nghị quyết này nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, cụ thể như sau:
- Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công; nghiên cứu điều chỉnh phạm vi nợ công phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
- Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn (các khoản vay mới cho đầu tư phát triển, kể cả vay cho mục tiêu cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên) để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.
- Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Rà soát, thẩm định, đánh giá tác động lên nợ công của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
- Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu hồi nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại, gắn trách nhiệm của người sử dụng vốn vay với trách nhiệm trả nợ.
- Tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, nhất là việc vay ngắn hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đảm bảo các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép (nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ dưới 25%).
- Triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… hoàn chỉnh sửa Luật Đầu tư công, Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quản lý tài chính, Ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được ban hành, thay thế Luật Quản lý nợ công năm 2009 nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công an toàn, bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới; kế thừa những ưu điểm, mặt tích cực của các quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã được áp dụng ổn định, đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời gian qua. Luật mới được ban hành theo hướng tăng cường quản lý chặt chẽ hạn mức nợ công cũng như công tác quản lý, sử dụng vốn vay nợ công từ khâu xây dựng chiến lược, kế hoạch và giám sát thực hiện; đặc biệt công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường. Cụ thể là Luật Quản lý nợ công năm 2017 đã bổ sung quy định về giám sát việc quản lý nợ công theo vai trò của từng cơ quan từ Quốc Hội đến các đơn vị sử dụng vốn; bổ sung nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước và quy định về kiểm toán nợ công; nhấn mạnh trách nhiệm sử dụng đúng mục đích vốn nợ công của các đơn vị sử dụng vốn.
146. Cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị: “Côn Đảo là huyện đảo rất xa đất liền, đi lại khó khăn; đơn giá xây dựng gấp đôi so với đất liền. Đề nghị có cơ chế riêng, đặc thù đối với huyện đảo Côn Đảo”.
Trả lời: (Tại Công văn số 9724/BTC-ĐT ngày 14/8/2018)
Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về giá: giá vật liệu xây dựng không thuộc danh mục nhà nước định giá hoặc bình ổn giá mà thực hiện theo cơ chế giá thị trường.
Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về đơn giá, định mức chi phí xây dựng công trình: Theo quy định tại khoản 3 Điều 162 Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm ban hành và công bố các định mức và giá xây dựng. Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng và công bố định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng quốc gia.
Mặt khác, hiện nay, thực hiện Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng, Bộ Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án.
147. Cử tri Long An kiến nghị: - Kiến nghị 1 (tại văn bản số 6360/VPCP-QHĐP): Cử tri và nhân dân cho rằng tình trạng nợ công và tham nhũng, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm… đang là nỗi lo của đông đảo đồng bào cử tri trong tỉnh, Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và có giải pháp hiệu quả trong thực hiện quản lý nợ công.
- Kiến nghị 2 (tại văn bản số 6852/VPCP-QHĐP): Cử tri tiếp tục phản ánh về tình trạng nợ công thất thoát, lãng phí. Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Trả lời: (Tại Công văn số 10252/BTC-QLN ngày 23/8/2018)
1. Về tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài
Tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn nước ngoài là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nợ công của Chính phủ. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 64/NQ-CP ngày 22/7/2016 về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng XII, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường giám sát và quản lý nợ công hiệu quả. Trong những năm qua cùng với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài luôn được Bộ Tài chính quan tâm triển khai thực hiện và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính về nợ công.
Tính từ năm 2011 đến nay, liên quan đến quản lý, sử dụng nợ công, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra; kiểm tra 17 dự án xi măng sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh; thanh tra công tác quản lý và sử dụng vốn ODA tại các dự án của thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý nợ công và công tác quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài… Bên cạnh công tác thanh tra, Bộ Tài chính từng bước tăng cường công tác thẩm định chặt chẽ các dự án đăng ký sử dụng vốn vay, các dự án vay vốn có bảo lãnh Chính phủ; giám sát các khoản vay lớn và có đánh giá tác động đến nợ công; với mỗi mảng công tác, đều đặt ra nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong hai năm 2016-2017, Bộ Tài chính đã tiến hành 70 đoàn kiểm tra tình hình quản lý tài chính các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi (tập trung vào các dự án cho vay lại, các dự án lớn có vướng mắc trong quá trình triển khai), giám sát tình hình triển khai các dự án, đối chiếu số liệu.
Qua thanh tra và kiểm tra việc sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nợ công, cụ thể:
- Tại một số dự án, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư vượt so với phê duyệt lần đầu, ảnh hưởng tới kế hoạch và phương án trả nợ của các dự án, tác động đến việc tăng nợ công
- Một số dự án sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn hoặc sử dụng vốn vay còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra
Từ kết quả công tác thanh tra, Bộ Tài chính đã kiến nghị các tập thể, cá nhân liên quan chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan đến sai phạm. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có nhiều kiến nghị xử lý về tài chính; sửa đổi, bổ sung chính sách chế độ liên quan đến quản lý nguồn vốn vay nước ngoài.
2. Các biện pháp đảm bảo hiệu quả trong quản lý và sử dụng nợ công
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ văn bản số 464/BC-CP ngày 19/10/2016 báo cáo Quốc hội về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 và trình Bộ Chính trị Đề án chủ trương, giải pháp cơ cấu lại Ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại Ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Bộ Tài chính đang cùng các cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt chủ trương, giải pháp tại 02 Nghị quyết này nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, cụ thể như sau:
- Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công; nghiên cứu điều chỉnh phạm vi nợ công phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
- Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn (các khoản vay mới cho đầu tư phát triển, kể cả vay cho mục tiêu cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên) để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.
- Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Rà soát, thẩm định, đánh giá tác động lên nợ công của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
- Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu hồi nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại, gắn trách nhiệm của người sử dụng vốn vay với trách nhiệm trả nợ.
- Tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, nhất là việc vay ngắn hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đảm bảo các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép (nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ dưới 25%).
- Triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… hoàn chỉnh sửa Luật Đầu tư công, Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quản lý tài chính, Ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được ban hành, thay thế Luật Quản lý nợ công năm 2009 nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công an toàn, bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới; kế thừa những ưu điểm, mặt tích cực của các quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã được áp dụng ổn định, đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời gian qua. Luật mới được ban hành theo hướng tăng cường quản lý chặt chẽ hạn mức nợ công cũng như công tác quản lý, sử dụng vốn vay nợ công từ khâu xây dựng chiến lược, kế hoạch và giám sát thực hiện; đặc biệt công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường. Cụ thể là Luật Quản lý nợ công năm 2017 đã bổ sung quy định về giám sát việc quản lý nợ công theo vai trò của từng cơ quan từ Quốc Hội đến các đơn vị sử dụng vốn; bổ sung nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước và quy định về kiểm toán nợ công; nhấn mạnh trách nhiệm sử dụng đúng mục đích vốn nợ công của các đơn vị sử dụng vốn.
148. Cử tri Phú Thọ kiến nghị: Đề nghị sớm ban hành Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao nhằm tháo gỡ vướng mác trong triển khai dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao ở các địa phương.
Trả lời: (Tại Công văn số 9508/BTC-QLCS ngày 8/8/2018)
Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Tờ trình Chính phủ số 145/TTr-BTC ngày 06/10/2017); tuy nhiên đến nay Chính phủ chưa ban hành Nghị định này.
Vì vậy, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao sẽ được thực hiện khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành.
149. Cử tri Trà Vinh kiến nghị: Tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý tình trạng thất thoát nguồn vốn, tài sản nhà nước với số lượng lớn tại một số công ty, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh không hiệu quả.
Trả lời: (Tại Công văn số 10092/BTC-TCDN ngày 21/8/2018)
A. Về cơ chế, chính sách:
I. Về việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp:
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) ngày 26/11/2014. Luật này quy định về các nội dung: (i) việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; (ii) việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; (iii) việc giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thực hiện quy định của Luật số 69/2014/QH13, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cụ thể như sau:
- Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
- Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo quy định về cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện hành thì DNNN có quyền sử dụng vốn của doanh nghiệp, bao gồm vốn chủ sở hữu (trong đó có vốn từ nguồn ngân sách nhà nước) và vốn từ nguồn doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng huy động để đầu tư các dự án, mua sắm tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc kiểm tra, rà soát đánh giá hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm các dự án đầu tư của doanh nghiệp) được thực hiện thông qua cơ chế quản lý tài chính và cơ chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp theo các quy định nêu trên, cụ thể:
1. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty có trách nhiệm tổ chức tự giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp; định kỳ hàng quý hoặc theo yêu cầu của chủ sở hữu, doanh nghiệp phải báo cáo kết quả công tác giám sát tài chính nội bộ. Doanh nghiệp có trách nhiệm lập và gửi các báo cáo theo quy định đến chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính để phục vụ cho việc giám sát tài chính của chủ sở hữu và các cơ quan có thẩm quyền đã được Chính phủ phân công, phân cấp.
2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động trực tiếp liên quan đến các doanh nghiệp do mình quản lý, trong đó có hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện quyền, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước; việc chấp hành chính sách, pháp luật của doanh nghiệp; đầu tư, thu hồi vốn, thu lợi nhuận, cổ tức được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; thực hiện kiến nghị, cảnh báo của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan đại diện chủ sở hữu về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra theo các nội dung nêu trên, cơ quan đại diện chủ sở hữu: cảnh báo, xử lý kịp thời vấn đề phát hiện trong quá trình giám sát, kiểm tra, thanh tra; yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị, cảnh báo của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước có hành vi vi phạm về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hàng năm, cơ quan đại diện chủ sở hữu tổng hợp gửi Bộ Tài chính kết quả giám sát về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.
3. Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát theo chuyên đề đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu cho xã hội và các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt; trực tiếp giám sát doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ báo cáo kết quả giám sát tài chính của chủ sở hữu và báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về quản lý tài chính doanh nghiệp (do cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước hoặc cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp lập), Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và thực trạng tài chính của các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Trong công tác kiểm tra, thanh tra, Bộ Tài chính kiến nghị, đề xuất giải pháp với cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Hàng năm tổng hợp, kiến nghị, đề xuất giải pháp về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và báo cáo Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
4. Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành nêu trên, hàng năm các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tài chính, Thanh tra Thuế, Kiểm toán nhà nước... lập kế hoạch và tiến hành thanh, kiểm tra các DNNN, các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhằm phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng các doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn của nhà nước làm thất thoát, lãng phí, tham nhũng, kịp thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
II. Về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước:
Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BTC ngày 16/4/2018 hướng dẫn một số nội dung về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ; trong đó, có nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện kê khai, báo cáo đề xuất phương án sắp xếp lại đối với toàn bộ các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (đại diện chủ sở hữu) để tổng hợp lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh) phê duyệt. Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước, xác định diện tích sử dụng phù hợp với quy định, diện tích sử dụng không phù hợp với quy định.
Về hình thức (phương án) xử lý nhà, đất: Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định các hình thức xử lý tài sản, gồm: giữ lại tiếp tục sử dụng, thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích, chuyển giao về địa phương quản lý, sử dụng, tạm giữ lại tiếp tục sử dụng, sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao. Trong đó: (i) Hình thức thu hồi được áp dụng đối với nhà, đất không sử dụng liên tục quá 12 tháng; sử dụng không đúng quy định; nhà, đất đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng. (ii) Hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, sử dụng được áp dụng đối với nhà, đất đã bố trí làm nhà ở trước ngày 19/01/2007 đáp ứng đủ các điều kiện: Có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên, có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền, không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan xung quanh mà doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; trường hợp khác doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng. (iii) Hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được áp dụng đối với nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng khi sắp xếp lại; tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc. Việc bán phải tổ chức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật về đấu giá. Việc bán chỉ định chỉ được thực hiện trong trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
B. Triển khai thực hiện:
Bộ Tài chính thực hiện và phối hợp thực hiện giám sát, theo dõi, kiểm tra, xử lý tồn tại trong tình hình sản xuất kinh doanh của DNNN; cụ thể:
1. Giám sát, theo dõi, kiểm tra tình hình của DNNN thông qua các báo cáo tài chính, thống kê và báo cáo khác theo quy định của pháp luật:
- Thông qua các báo cáo tài chính quý, năm của doanh nghiệp để phân tích, đánh giá kết quả, thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính. Trên cơ sở đó, hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo ra Quốc hội về thực trạng hoạt động của Tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Từ đó, kiến nghị việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tài chính để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; chấn chỉnh tình trạng tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư, mở rộng ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính và đẩy mạnh sắp xếp, xử lý doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ. Đồng thời, đề nghị các Tập đoàn rà soát lại ngành nghề kinh doanh, danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, củng cố năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát rủi ro tài chính, chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu...Cụ thể, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của DNNN, gồm Báo cáo số 108/BTC-TCDN ngày 19/5/2008; số 279/BTC-TCDN ngày 11/11/2008; số 18/BC-BCSĐ ngày 25/11/2008; số 63/BTC-TCDN ngày 04/3/2009; số 22/BC-BCSĐ ngày 19/3/2009; số 9643/BTC-TCDN ngày 07/7/2009; số 222/BTC-TCDN ngày 17/7/2009; số 409/BC-BCSĐ ngày 14/10/2010; số 163/BC-CP ngày 01/11/2010; số 48/BC-BCSĐ ngày 05/10/2011; số 262/BC-CP ngày 23/11/2011; số 336/BC-CP ngày 16/11/2012; số 490/BC-CP ngày 25/11/2013; số 512/BC-CP ngày 25/11/2014; số 620/BC-CP ngày 11/11/2015; số 428/BC-CP ngày 17/10/2016; số 441/BC-CP ngày 16/10/2017.
- Căn cứ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và tổng hợp tình hình trong quá trình quản lý của các cơ quan hữu quan để có ý kiến tham gia với cơ quan đại diện chủ sở hữu đánh giá và xếp loại doanh nghiệp hàng năm đối với DNNN. Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm, 6 tháng gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong đó, kiến nghị các giải pháp liên quan đến trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, làm rõ nghĩa vụ của các cá nhân, đơn vị trong việc lập, gửi báo cáo đánh giá, xếp loại để nâng cao hiệu quả của việc giám sát, đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính đã có các công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng hợp xếp loại DNNN, kết quả giám sát gồm: báo cáo theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ từng năm 2011-2015 (công văn số 4072/BTC-TCDN ngày 03/4/2013, số 3325/BTC-TCDN ngày 14/4/2014, số 2756/BTC-TCDN ngày 02/3/2015, số 16755/BTC-TCDN ngày 11/11/2015, số 15577/BTC-TCDN ngày 01/11/2016); năm 2016- nay (công văn số 2811/BTC-TCDN ngày 03/3/2017, số 13736/BTC-TCDN ngày 13/10/2017, số 2871/BTC-TCDN ngày 14/3/2018).
2. Giám sát thông qua việc theo dõi, xử lý về tài chính đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính hàng năm DNNN, cảnh báo, kiến nghị cấp có thẩm quyền về các nội dung trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN, bổ nhiệm kiểm soát viên tại các Tập đoàn kinh tế, giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua kết quả thanh tra, kiểm toán của các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại DNNN; phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xử lý, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của DNNN.
3. Riêng đối với việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (12 Dự án), từ trước khi Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (12 Dự án), Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, triển khai báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp, dự án.
Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo (theo Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tài chính là thành viên Ban Chỉ đạo đã tham gia tất cả các buổi làm việc thực tế tại 9/12 Dự án (trong thời gian từ ngày 17/12/2016 đến 16/1/2017) và đã có Báo cáo Ban Chỉ đạo tại công văn số 262/BTC-TCDN ngày 21/03/2017 về tình hình tài chính và phương án xử lý các Dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, công văn số 70/BTC-TCDN ngày 23/01/2017 báo cáo Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp, trả lời Văn phòng Trung ương Đảng về báo cáo phương án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số Dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương tại công văn số 836-CV/BCSĐ ngày 05/6/2017.
Ngày 29/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương”.
Về cơ bản các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính được giao tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg đã hoàn thành. Đồng thời, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Tập đoàn liên quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg hoặc theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
150. Cử tri Quảng Ngãi kiến nghị: “Về quản lý an ninh kinh tế: Hiện nay, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang đầu tư, phát triển mạnh mẽ đã góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cử tri cho rằng còn nhiều tập đoàn chủ yếu hoạt động đầu tư trong ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản, nắm giữ những vị trí đất giá cao và xung yếu; nhưng còn số lượng tập đoàn tham gia vào hoạt động sản xuất, tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa và giải quyết nhiều việc làm cho xã hội chưa nhiều. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quản lý chặt chẽ các nguồn lực đầu tư, năng lực hoạt động, quản lý của các công ty, tập đoàn lớn để đảm bảo an ninh kinh tế, ngăn ngừa tình trạng khủng hoảng, đồng thời xem xét định hướng nguồn lực đầu tư theo hướng ưu tiên nhiều hơn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng cường giá trị thặng dư cho xã hội, đảm bảo phát triển bền vững”.
Trả lời: (Tại Công văn số 9985/BTC - TTr ngày 17/8/2018)
1. Thực hiện quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Trong đó:
a) Việc huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước ( Khoản 4 Điều 20):
Tổng mức vốn huy động để phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn của các công ty con do doanh nghiệp nhà nước là Công ty mẹ theo quy định tại Khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014) phải bảo đảm hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn theo thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
b) Việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp ( Khoản 1, Khoản 2 Điều 21):
- Việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.
- Doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vốn ra bên ngoài theo các lĩnh vực quy định nêu trên nhưng không thực hiện cơ cấu lại các khoản đã đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó đề nghị từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng:
“+ Xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng cân đối và giải pháp về vốn đầu tư và năng lực, trình độ quản lý.
+ Rà soát, xác định nhiệm vụ, tập trung vào kinh doanh những ngành nghề kinh doanh chính và những ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính.
+ Xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, triển khai cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực; tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.
+ Tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp trên tất cả các mặt phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
+ Kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường. Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
+ Sắp xếp lại, nâng cao chất lượng lao động trong doanh nghiệp; trọng tâm là đội ngũ lao động kỹ thuật với số lượng hợp lý, cơ cấu ngành nghề và bậc thợ tối ưu đối với từng công nghệ, dây chuyền, công đoạn, công việc, trên cơ sở đó nâng cao năng suất của từng người lao động và năng suất lao động tổng hợp của doanh nghiệp.
+ Tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, dịch vụ; từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; thay thế dần các thiết bị, công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên, vật liệu; từng bước loại bỏ sản phẩm không thân thiện với môi trường để phát triển bền vững.
+ Bổ sung hoặc xây dựng ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các hoạt động của doanh nghiệp làm cơ sở để quản lý, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp.
+ Xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
+ Xây dựng lộ trình để triển khai công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ ban hành và các quy định của pháp luật hiện hành”.
Đồng thời, tại Quyết định nêu trên cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó có giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc rà soát các luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp;….
3. Thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện rà soát, tổng kết và đề xuất việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn tới (dự kiến thời gian trình Quốc hội thông qua trong năm 2020).
151. Cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị: Vừa qua, theo báo cáo của Chính phủ, GDP tăng so với trước đây nhưng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị nghiên cứu, có giải pháp để cuộc sống người dân tốt hơn.
Trả lời: (Tại Công văn số 6302 /BKHĐT-TH ngày 7/9/2018)
Trong giai đoạn vừa qua GDP tăng so với trước đây nhưng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chủ yếu là do dân số sống phụ thuộc vào khu vực nông nghiệp (gồm cả nông, lâm nghiệp và thủy sản) còn khá đông, trong khi mức sinh lời từ hoạt động nông nghiệp lại chưa cao. Hiện nay, lao động nông nghiệp đang chiếm tới 40,2% trong tổng lao động cả nước, trong khi GDP của khu vực nông nghiệp chỉ mới khoảng 15,3% trong tổng GDP cả nước. Giải quyết được thực trạng này cần có thời gian và phải thực hiện từng bước. Trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính như sau:
- Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; đồng thời, nâng cao trình độ, tay nghề cho những người còn tiếp tục làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện giải pháp này, Chính phủ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt một số chính sách, trong đó có chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015).
- Thứ hai, điều chỉnh lại định hướng phát triển nông nghiệp ở từng vùng cho phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước, phù hợp với tín hiệu thị trường quốc tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng để các vùng sẽ phát huy được tối đa lợi thế của mình cho phát triển. Thực hiện giải pháp này, Chính phủ đã điều chỉnh lại định hướng phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu). Trong giai đoạn tới, Chính phủ sẽ tổ chức nghiên cứu và tiếp tục điều chỉnh định hướng phát triển cho một số vùng khác (nếu cần).
- Thứ ba, khuyến khích khu vực doanh nghiệp - một chủ thể được đánh giá là năng động, có vốn lớn, có khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý tốt đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để làm đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trong đó có hình thức nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện giải pháp này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khác nhau, gần đây là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013). Trong giai đoạn tới, Chính phủ sẽ ưu tiên hơn trong việc bố trí ngân sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và điều chỉnh để thực hiện tốt chính sách này.
- Thứ tư, tăng cường mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ và tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Thực hiện giải pháp này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khác nhau, gần đây là Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thay thế cho Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đảm bảo các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai tốt chính sách này; đồng thời sẽ điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ và phạm vi ảnh hưởng cho một số chính sách khác nhằm thúc đẩy hình thành các liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
- Thứ năm, tăng cường xúc tiến thương mại quốc tế. Thực hiện giải pháp này, Đảng và Chính phủ đã có định hướng, bổ sung thêm nhiệm vụ trọng tâm cho ngành ngoại giao đó là ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong đó có vấn đề phải tìm thị trường tiêu thụ cho hàng nông sản Việt Nam. Nội dung này vừa được thống nhất tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 30, tổ chức từ ngày 13-17/8/2018 tại Hà Nội. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có chính sách cụ thể để thể chế hóa định hướng này.
- Thứ sáu, cùng với các giải pháp mang tính trực diện tác động đến kinh tế nông nghiệp như đã nêu, Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì, bổ sung thêm các giải pháp xã hội, giải pháp kết hợp giữa xã hội và kinh tế để nâng cao đời sống người dân nông thôn như: tiếp tục thúc đẩy thực hiện tốt hai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở, tích cực triển khai bảo hiểm y tế toàn dân, giảm mức học phí cho học sinh và nâng mức phụ cấp cho giáo viên ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn./.
152. Cử tri Nghệ an kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm mức hỗ trợ, đầu tư nhất là về cơ sở hạ tầng đối với các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo Chương trình 229 của Chính phủ, vì hiện nay cơ sở vật chất, đời sống của các xã thuộc các vùng đồng bào rất khó khăn.
Trả lời: (Tại Công văn số 5796/BKHĐT-TH ngày 21/8/2018)
Để Chính phủ tiếp tục quan tâm mức hỗ trợ, đầu tư nhất là về cơ sở hạ tầng đối với các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, xã an toàn khu theo Chương trình 229 của Chính phủ thì cần phải xây dựng chính sách trong thời gian dài gắn với nguồn lực thực tế để triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư công đã được phân bổ cho các địa phương triển khai thực hiện, trong đó đã bố trí cho các Chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó có Chương trình 135 cơ sở hạ tầng đối với các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, xã an toàn khu theo Chương trình 229 của Chính phủ) đủ theo định mức số vốn đã được Quốc hội thông qua, các chương trình mục tiêu….
Chính phủ cũng đã có chủ trương trình Quốc hội cho phép sử dụng dự phòng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện một số chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn về hỗ trợ nước sạch, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ tạo việc làm, vay vốn tín dụng, hỗ trợ các dân tộc rất ít người... cụ thể như: Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020...
Trong giai đoạn 2018 - 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Văn bản số 5868/VPCP-QHĐP ngày 20/6/2018 của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp đánh giá, tổng kết chính sách dân tộc, chính sách đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, từ đó định hướng, đề xuất các chính trong giai đoạn 2021 - 2025./.
153. Cử tri Bình Thuận kiến nghị: Qua phổ biến tuyên truyền Dự án Luật Đặc khu, nhiều ý kiến, kiến nghị và băn khoăn cho rằng không nên lập các đặc khu vì không cần thiết và sợ ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, phụ thuộc vào Trung Quốc, qua đó đề nghị Chính phủ cần thận trọng, chặt chẽ, cân nhắc kỹ lưỡng các nội dung để đảm bảo an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.
Trả lời: (Tại Công văn số 5796/BKHĐT-TH ngày 21/8/2018)
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao và chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng các Đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Sau khi Luật được ban hành, các Đề án này sẽ được phê duyệt và thực hiện để đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành Luật nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Các quy định tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã được nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh. Trong đó, một số nội dung của Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý chặt chẽ hơn như:
(1) Quy hoạch đơn vị HCKTĐB phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và có phương án phân bố không gian cho hoạt động quốc phòng, an ninh.
(2) Thu hẹp đối tượng cá nhân người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại đơn vị HCKTĐB so với Luật Nhà ở.
(3) Quy định chặt chẽ về quản lý lao động nước ngoài, nhất là lao động phổ thông, trong đó giao Chủ tịch UBND đơn vị HCKTĐB quy định về tiêu chí cụ thể đối với lao động kỹ thuật là người nước ngoài, nhưng không thấp hơn tiêu chí theo quy định của pháp luật hiện hành và tỷ lệ hoặc số lượng tối đa lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp thuộc đơn vị HCKTĐB theo ngành, nghề.
(4) Quy định về việc tổ chức và hoạt động của cơ quan quân sự, đơn vị biên phòng, cảnh sát biển, các đơn vị quân đội, cơ quan công an trên địa bàn đơn vị HCKTĐB để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh./.
154. Cử tri Bến Tre kiến nghị: Kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan về thời gian công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm của doanh nghiệp theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ và thời gian thẩm định, phê duyệt báo cáo giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại đối với doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ cho phù hợp, đồng bộ trong thực tiễn, nhằm tránh chồng chéo và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.
Trả lời: (Tại Công văn số 5774 /BKHĐT-TH ngày 20/8/2018)
Trong thực tế triển khai 02 Nghị định trên, nội dung về kế hoạch sản xuất tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP và nội dung giám sát tài chính tại 87/2015/NĐ-CP là 02 nội dung khác nhau. Trong quá trình triển khai xây dựng 02 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP và 87/2015/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã có trao đổi để thống nhất mốc thời gian báo cáo của 02 nội dung này. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được ý kiến phản ánh về nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo khi thực hiện. Do vậy, trên cơ sở ý kiến của Bến Tre, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu ý kiến để rà soát và hướng dẫn sửa đổi phù hợp.
155. Cử tri Bến Tre kiến nghị: Kiến nghị Chính phủ xem xét, giao cho địa phương quản lý và sử dụng số tiền thu còn lại từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, sau khi đã thanh toán chi phí chuyển đổi và chi phí giải quyết chính sách lao động dôi dư theo chế độ nhà nước quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển và thành lập Quỹ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre.
Trả lời: (Tại Công văn số 5774 /BKHĐT-TH ngày 20/8/2018)
Điểm a Mục 1 Điều 18 Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg quy định: “Số tiền thu từ chuyển đổi, đơn vị được sử dụng để thanh toán chi phí chuyển đổi và chi phí giải quyết chính sách lao động dôi dư theo chế độ nhà nước quy định như đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần và quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Phần còn lại (bao gồm cả chênh lệch giá bán cổ phần) sau khi trừ các khoản chi nêu trên được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoặc Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (đối với đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)”. Do vậy, số tiền thu còn lại từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, sau khi đã thanh toán chi phí chuyển đổi và chi phí giải quyết chính sách lao động dôi dư theo chế độ nhà nước được thực hiện theo đúng quy định trên.
156. Cử tri Bến Tre kiến nghị: Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 4 Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg, trong đó quy định rõ trường hợp đặc thù thực hiện thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, để đảm bảo thực hiện thống nhất.
Trả lời: (Tại Công văn số 5774 /BKHĐT-TH ngày 20/8/2018)
Khoản 1 Điều 4 Quyết định 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần quy định:
“Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban dân cấp tỉnh có trách nhiệm: rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện quy định tại Điều 2, Điều 3 Quyết định này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chuyển thành công ty cổ phần giai đoạn 2017 - 2020 trong quý IV năm 2017; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với những trường hợp đặc thù thực hiện chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”.
Do vậy, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của địa phương, đặc thù chức năng nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp tỉnh cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định với trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần, nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Ngày 06/4/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn số 2206/BKHĐT-PTDN đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình sản xuất, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tiêu chí danh mục ngành, lĩnh vực chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Ngày 06/7/2018, UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn số 3139/UBND-KT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung này, tuy nhiên, không nêu rõ, cụ thể các trường hợp đặc thù chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, Nhà nước cần nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ tại doanh nghiệp sau cổ phần.
157. Cử tri Điện Biên kiến nghị: Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng kênh mương, điện lưới quốc gia, giao thông nông thôn liên xã phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng cao.
Trả lời: (Tại Công văn số 6204/BKHĐT-TH ngày 20/9/2018)
- Theo quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/8/2016 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các công trình kênh mương, điện, giao thông nông thôn là thuộc đối tượng đầu tư của Chương trình này.
Về tiêu chí phân bổ, tại Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được ưu tiên hệ số 4,0 (riêng các xã đặc biệt khó khăn dưới 5 tiêu chí được ưu tiên hệ số hệ số 5,0) so với các xã thông thường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Điện Biên, sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong quá trình xây dựng và điều hành thực hiện chính sách.
- Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014-2020 do Sở Công Thương tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư, có sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo. Tổng mức đầu tư dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt là 841.000 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương và vốn ODA (85% tổng mức đầu tư) là 714.850 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương (15% tổng mức đầu tư) là 126.150 triệu đồng. Nhu cầu vốn ngân sách trung ương và vốn ODA để đầu tư cấp điện nông thôn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020 khoảng 689.850 triệu đồng. Trên cơ sở phân bổ của tỉnh Điện Biên, kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 (vốn trong nước) mới bố trí cho Dự án là 118.159 triệu đồng.
- Theo Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 đang được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đối với nhu cầu vốn cấp điện nông thôn tỉnh Điện Biên chưa có trong kế hoạch trung hạn: Bộ Công Thương đề xuất thu xếp một phần từ Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do EU tài trợ (Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 27/10/2017 phê duyệt Chủ trương đầu tư), còn lại sẽ tiếp tục vận động từ các nguồn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Đề nghị tỉnh Điện Biên tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương (cơ quan quản lý Chương trình) xác định nhu cầu bố trí nguồn vốn trong các ODA cụ thể để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
158. Cử tri Tuyên Quang kiến nghị: Đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ phát triển kinh tế cho các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Trả lời: (Tại Công văn số 6302 /BKHĐT-TH ngày 7/9/2018)
Trong giai đoạn 2018-2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại văn bản số 5868/VPCP-QHĐP ngày 20 tháng năm 2018 của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp đánh giá, tổng kết chính sách dân tộc, chính sách đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 từ đó định hướng, đề xuất các chính sách thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Trong giai đoạn 2018-2020, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành trong giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ đối với phát triển kinh tế cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình mục tiêu./.
159. Cử tri Yên Bái kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sớm đề ra các chủ trương, chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội để chủ động đón cơ hội, vượt qua thách thức và bắt kịp được đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trả lời: (Tại Công văn số 6302 /BKHĐT-TH ngày 7/9/2018)
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 (Quyết định số 579-TTg ngày 19/4/2011) và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011). Các bộ, ngành địa phương cũng ban hành nhiều Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang ở giai đoạn đầu, giai đoạn chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến theo kịp xu hướng thế giới. Tuy nhiên, nhiều yếu tố mà các nước đang phát triển như Việt Nam coi là ưu thế như lực lượng lao động phổ thông trẻ, chi phí thấp sẽ không còn là thế mạnh nữa, mà ngược lại thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức của Việt Nam trước CMCN 4.0.
Để tận dụng các cơ hội từ CMCN 4.0 mang lại, Chính phủ xác định việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đã giao cho các bộ, ngành triển khai một số công việc như sau:
- Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương triển khai xây dựng chiến lược này và soạn thảo các Đề án liên quan. Trong Chiến lược này, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với CMCN 4.0 là một nội dung được đặc biệt chú trọng.
- Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp xây dựng nguồn nhân lực quốc gia, đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0 (Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 08/3/2018 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2018). Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực triển khai nhiệm vụ này.
- Chính phủ hiện đang xây dựng đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia, trong đó, chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam.
- Chính phủ triển khai xây dựng mạng lưới nhân tài góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, trong đó nhấn mạnh việc thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận các xu thế công nghệ sản xuất mới. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho các bộ, ban ngành, các cơ quan liên quan cần tiếp tục đào tạo và nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng những xu hướng và thành tựu mới của CMCN 4.0./.
160. Cử tri Hải Phòng kiến nghị: Đề nghị Chính phủ quan tâm sớm giải ngân cho thành phố Hải Phòng nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất trong phạm vi thực hiện Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương khác như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa sớm khởi công Dự án để cùng với thành phố Hải Phòng triển khai thi công hoàn thành toàn tuyến nhằm khai thác hiệu quả toàn bộ tuyến đường này, cũng như khai thác hiệu quả Sân bay quốc tế Cát Bi.
Trả lời: (Tại Công văn số 6302 /BKHĐT-TH ngày 7/9/2018)
- Đối với kinh phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hải Phòng: Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 963/QĐ-BKHĐT ngày 28/6/2018 giao cho thành phố Hải Phòng 720 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn Thành phố. Do đó, việc giải ngân nguồn vốn cho UBND Thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm đảm bảo đúng mục tiêu, cơ chế chính sách theo pháp luận hiện hành.
- Đối với tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng: dự kiến hoàn thành dịp 02/9/2018 do đó đảm bảo thông tuyến từ Quảng Ninh đến Hải Phòng.
- Đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương dự án tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018, dự kiến dự án sé khởi công trong tháng 10/2018.
- Đối với đoạn từ Nam Định đến Nghệ An: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 2133/TTKQH-TCNS ngày 30/7/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trước 30/9/2018./.
161. Cử tri Nam Định kiến nghị: Đề nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương tiếp tục có các chính sách phù hợp để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư tại tỉnh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng công nghệ cao … để tăng nguồn thu ngân sách, phát triển cơ sở hạ tầng và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Trả lời: (Tại Công văn số 6302 /BKHĐT-TH ngày 7/9/2018)
Trong những năm gần đây, Chính phủ không ngừng rà soát, hoàn thiện khung chính sách về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển. Một mặt, môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát luôn ở dưới chỉ tiêu do Quốc hội giao, các cân đối lớn được duy trì và củng cố theo hướng bền vững hơn. Mặt khác, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Việc kiên định thực hiện chuỗi Nghị quyết 19 đã mang lại những thành tựu bước đầu đáng khích lệ, đặc biệt trên các lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh, tiếp cận điện năng, nộp thuế và bảo hiểm, v.v. Chính phủ cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Nghị quyết 35 của Chính phủ và Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Khung chính sách cho đổi mới sáng tạo cũng đang được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bắt kịp, đi cùng và vượt lên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh. Bên cạnh đó, Chính phủ không ngừng tiếp xúc, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc đối với hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhờ đó, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của tổng thể nền kinh tế ngày càng được cải thiện. Chỉ số Môi trường kinh doanh của Eurocham (công bố hàng quý) luôn ở trong khoảng từ 77-86 điểm kể từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2017 (trong khi chỉ ở mức 50 điểm vào năm 2013), cho thấy cảm nhận tích cực của doanh nghiệp EU đối với môi trường đầu tư – kinh doanh ở Việt Nam. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo Ngân hàng Thế giới, cũng tăng từ thứ 91 năm 2015 lên thứ 82 năm 2016 và thứ 68 vào năm 2017. Theo số liệu thống kê, tính chung 7 tháng đầu năm, cả nước có 75.793 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 77,1 nghìn tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2017; đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2018 thu hút 1.656 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13.205,4 triệu USD. Lượng vốn đầu tư vào nền kinh tế của khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện các chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp phát triển của Chính phủ trong thời gian gần đây đã phát huy một số kết quả… Những kết quả này càng đáng ghi nhận hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực phải đối mặt với không ít bất định trong những năm gần đây.
Đối với lĩnh vực đầu tư vào sản xuất các mặt hàng công nghệ cao, đây là lĩnh vực đang được Chính phủ định hướng ưu tiên phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sang tạo, phát triển công nghệ, công nghệ cao đã được quy định tại các văn bản Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết 35 và lồng ghép nhiều chương trình quốc gia khác về khoa học và công nghệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0… Bên cạnh đó, Bộ đang tiến hành phổ biến, hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có trọng tâm là hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, những doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tang trưởng nhanh.
Những giải pháp và chuyển biến trên chỉ ở bình diện chung. Để tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, tỉnh Nam Định cần có những giải pháp chính sách và hành động mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thứ nhất, tỉnh cần rà soát, hoàn thiện kế hoạch hành động nhằm nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), so với thứ hạng 41 hiện nay. Những lĩnh vực bị suy giảm trong năm 2017 cần đặc biệt lưu ý là gia nhập thị trường, chi phí không chính thức và tính năng động ở địa bàn tỉnh. Xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính (PAR) của tỉnh đứng ở thứ 40 trong năm 2017 trong khi Mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) nằm ở nhóm xếp cuối, cho thấy đây cũng là một lĩnh vực cần những giải pháp quyết liệt.
Thứ hai, tỉnh cần tiếp tục tham vấn với các cơ quan Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp nhằm có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn, phù hợp với khung chính sách chung, không trái với các cam kết quốc tế.
Thứ ba, tỉnh cần không ngừng phổ biến, tăng cường nhận thức và mức độ sẵn sàng của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tận dụng cơ hội, thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các hiệp định thương mại tự do mới nói riêng.
Thứ tư, tỉnh cần nghiêm túc đánh giá, trên cơ sở tham vấn với các bộ, ngành và hiệp hội doanh nghiệp, khả năng đáp ứng các điều kiện (hạ tầng, nhân lực, v.v.) nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng công nghệ cao. Cần nghiên cứu khả năng phối hợp với các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Hồng nhằm cải thiện liên kết của các doanh nghiệp lớn/có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất mặt hàng công nghệ cao ở các địa phương này với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đây có thể là một hướng đi quan trọng để thu hút và phát triển các doanh nghiệp có khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị hàng công nghệ cao, thay vì chỉ tập trung vào thu hút các doanh nghiệp lớn sản xuất các mặt hàng công nghệ cao.
162. Cử tri Nam Định kiến nghị: Cử tri và nhân dân trong tỉnh kiến nghị Nhà nước chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trả lời: (Tại Công văn số 6302 /BKHĐT-TH ngày 7/9/2018)
Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế (thay thế các Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, số 164/2013/NĐ-CP và số 114/2015/NĐ-CP), trong đó quy định về quy hoạch khu công nghiệp đã chặt chẽ và toàn diện hơn như: quy hoạch KCN phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; có các điều kiện thuận lợi hoặc có khả năng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đảm bảo các yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường./.
163. Cử tri Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ánh, Công ty cổ phần tập đoàn Mường Thanh có nhiều dự án, công trình trên phạm vi cả nước; tuy nhiên ở đâu cũng phát hiện các dự án, công trình của Tập đoàn này có vi phạm. Đề nghị Chính phủ cho biết nguồn gốc, tư cách pháp nhân của Tập đoàn này?
Trả lời: (Tại Công văn số 6302 /BKHĐT-TH ngày 7/9/2018)
Theo dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần tập đoàn Mường Thanh như sau:
- Tên công ty viết bằng tiếng Việt: CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN MƯỜNG THANH.
- Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài: MUONG THANH GROUP JOINT STOCK COMPANY.
- Mã số doanh nghiệp: 0106011932
- Đăng ký lần đầu: ngày 15/10/2012
- Loại hình doanh nghiệp: Công ty cổ phần
- Địa chỉ trụ sở chính: Số nhà 25, Tổ dân phố 21, Phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, Tỉnh Điện Biên, Việt Nam.
- Vốn điều lệ: 2.674.400.000.000 đồng (Hai nghìn, sáu trăm bảy mươi bốn tỷ, bốn trăm triệu đồng).
- Ngành, nghề kinh doanh chính: Dịch vụ lưu trú ngắn ngày (Khách sạn)
- Người đại diện theo pháp luật: Bà Lê Thị Hoàng Yến - Quốc tịch Việt Nam (Chức danh: Tổng giám đốc).
- Chủ tịch Hội đồng quản trị: Ông Lê Thanh Thản - Quốc tịch Việt Nam.
Hiện nay, công ty có 30 chi nhánh tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước./.
[1] Đã 02 lần trình Chính phủ tại Tờ trình số 649/TTr-BGDĐT ngày 31/8/2016 và Tờ trình số 384/TTr-BGDĐT ngày 08/6/2017.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các chuyên gia trong và ngoài nước hoàn thiện Đề án quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên; xây dựng các dự án đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao và ngành trọng điểm để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm các trường, các ngành tiến tới đạt chuẩn khu vực và thế giới; xây dựng chính sách điều chỉnh mạng lưới theo hướng hạn chế thành lập cơ sở giáo dục đại học công, khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học có vốn nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở đào tạo hoạt động không hiệu quả. Riêng đối với mạng lưới các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện quy hoạch theo hướng: các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Dự kiến, cuối năm 2018, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2035 để thay thế Quyết đinh số 37/2013/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020.
[3] Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
[4] Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ.
[5] Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
[6] Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017.
[7] Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 16/01/2018.
[8] Tờ trình số 34/TTr-BTNMT ngày 02/5/2018;
[9] Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2017.
[10] Tờ trình số 48/TTr-BTNMT ngày 9/7/2018;
[11] Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
[12] Tờ trình số 34/TTr-BTNMT ngày 02/5/2018.
[13] Tờ trình số 34/TTr-BTNMT ngày 02/5/2018;
[14] Công văn số 4383/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 08/10/2014; Công văn số 2116/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 28/5/2015.
[15] Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm 9.814 tỷ đồng, 32.627 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.875 tỷ đồng và 357 ha đất (đã thu hồi 1.924 tỷ đồng); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 1.939 tỷ đồng, 32.270 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 563 tập thể, 135 cá nhân; ban hành 51.305 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.889 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 42 vụ, 46 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực
[16] Trong đó gồm: Số tiền Mobifone đã thanh toán cho Nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần khi mua 95% cổ phần AVG là 8.445.324.611.000 đồng; Số tiền các cổ đông AVG tạm trả cho các chi phí liên quan đến Dự án và khoản lãi tạm tính cho số tiền Mobifone đã thanh toán mua cổ phần là 59.710.521.742 đồng.
[17] Khoản 2 Điều 29 Luật Giáo dục đại học quy định: “Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia và các cơ sở GDĐH thành viên; Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên”; Khoản 2 Điều 1 Điều lệ trường đại học quy định các trường đại học thành viên của học vùng áp dụng Điều lệ trường đại học và quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
[18] Quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.
[19] Quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/ 2017của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ..
[20] Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT ngày 15/3/ 2017của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học..
[21] Đã dừng cho vay, hiện nay được thay thế bằng Quyết định 2085/QĐ-TTg.
[22] Năm 2017, qua công tác thanh tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị giảm chi NSNN 72 tỷ đồng; giảm quyết toán, không thanh toán kinh phí NSNN 92,8 tỷ đồng. Hệ thống KBNN thực hiện kiểm soát chi 806,2 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, 335,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; phát hiện trên 20 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng quy định; từ chối thanh toán 60,1 tỷ đồng (Nguồn: KBNN - Bộ Tài chính).
[23] Không phân bổ các khoản chi đã bố trí dự toán ngân sách Trung ương nhưng không đủ điều kiện quy định (chi sự nghiệp môi trường) 110,3 tỷ đồng; hủy dự toán của các bộ, cơ quan ở Trung ương do đến 30/6/2017 chưa triển khai thực hiện 120,2 tỷ đồng (Nguồn: Vụ Tài chính HCSN - Bộ Tài chính).
[24] Gồm: Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, BộTT&TT, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Đài Tiếng nói Việt Nam; Hà Nội, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng.
[25] Điển hình như: Thành phố Hà Nội thực hiện khoán xe ô tô công phục vụ công tác chung tại 08 cơ quan đơn vị, với 52 người có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công tham gia; qua đó đã giảm được 20 lái xe; điều chuyển 32 xe dôi dư của các đơn vị thực hiện khoán cho các đơn vị khác, giảm việc mua xe mới; kết quả tiết kiệm kinh phí sử dụng xe ô tô khoảng 1,7 tỷ đồng, tiết kiệm kinh phí mua mới xe khoảng 23 tỷ đồng. Bộ Tài chính thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác trên địa bàn Hà Nội đối với các chức danh Phó tổng cục trưởng và tương đương, lãnh đạo cấp Vụ, Cục và tương đương có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô; qua đó năm 2017 đã giảm 17 xe ô tô, giảm kinh phí 589 triệu đồng so với năm 2016.
[26] Năm 2017, ngân sách Trung ương giảm cấp phát so với năm 2016 khoảng 530 tỷ đồng chi thường xuyên cho các cơ sở y tế, giảm 415 tỷ đồng chi sự nghiệp GD&ĐT của các Bộ, ngành Trung ương.
[27] Đến tháng 12/2017, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với 164.388 cơ sở nhà, đất với khoảng 2.902,6 triệu m2 đất và 140 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 128.256 cơ sở, với tổng diện tích 1.989,8 triệu m2 đất, 118,2 triệu m2 nhà. Tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và các địa phương trong cả nước là trên 50 nghìn tỷ đồng.
[28] Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII; 21 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 16 nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư; 01 nghị quyết điều chỉnh về một số nội dung liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông 04 nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 về việc đẩy mạnh chủ trương tinh giản biên chế, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Công điện số 156/CĐ-TTg ngày 02/02/2017 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2017 về việc thực hiện nghiêm quy định số lượng, cơ cấu và quy trình thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân các cấp;...
[29] Một số đơn vị làm tốt như: Bộ Nội vụ đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp, 10 phòng thuộc các Vụ; Hà Tĩnh giảm số lượng BQL dự án từ 23 đơn vị xuống còn 04 đơn vị; TP.HCM thành lập BQL An toàn thực phẩm là đầu mối duy nhất quản lý các vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm, trên cơ sở tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận thuộc Sở Công thương, Sở NN&PTNT; Bộ Tài chính đã hợp nhất 10 Chi cục để thành lập 05 Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, sáp nhập Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan vào Trường Đại học Tài chính - Marketing. Các đơn vị làm tốt việc rà soát, kiện toàn bộ máy như: Bộ Công thương, Hà Nội, Cần Thơ, Hòa Bình,... Từ năm 2015 đến ngày 30/11/2017, cả nước thực hiện tinh giản biên chế 32.054 người (Nguồn: Báo cáo số 6790/BC-BNV ngày 22/12/2017 của Bộ Nội vụ).
[30] Tại các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cơ bản các hồ sơ đều được giải quyết trước hạn, đúng hạn như: Quảng Ninh đạt 99,3%; Bình Dương đạt 95,6%; Đà Nẵng đạt 99,99%; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 99,63%,...
[31] Như việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018, chiếm 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, chất lượng bệnh viện hướng tới sự hài lòng của người bệnh...
[32]Một số đơn vị thực hiện tốt công tác cải cách hành chính năm 2017, như các bộ: NN&PTNT, Công Thương, Tư pháp; các tỉnh/thành phố: Cần Thơ, Sóc Trăng, Hòa Bình, Hà Nội, Gia Lai...
[33] Một số đơn vị làm tốt điển hình như: các bộ Tài chính, Tư pháp, TN&MT, NN&PTNT,GD&ĐT; các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Sóc Trăng, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh (Báo cáo của Bộ Nội vụ).
[34] Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
[35] Trong năm 2017 toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính, 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất; kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941 ha đất; loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 24.253 tỷ đồng, 12.645 ha đất; ban hành 148.026 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.924 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng. Đồng thời, có nhiều kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THTK,CLP. Kết quả xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác đạt 11.364 tỷ đồng (bằng 70%), 4.614 ha đất (bằng 97%), đôn đốc xử lý 1.821 tập thể và 6.236 cá nhân có sai phạm, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 34 vụ việc, 52 đối tượng.
[36] Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016); Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP năm 2017 tại Quyết định số 398/QĐ-TTg ngày 31/3/2017; Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP năm 2018 tại Quyết định số 217/QĐ-TTg ngày 13/02/2018; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018.
[37] Không phân bổ các khoản chi đã bố trí dự toán ngân sách Trung ương nhưng không đủ điều kiện quy định 110,3 tỷ đồng; hủy dự toán của các cơ quan ở Trung ương đến 30/6/2017 chưa triển khai thực hiện 120,2 tỷ đồng.
[38] Năm 2017, qua công tác thanh tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị giảm chi NSNN 72 tỷ đồng; giảm quyết toán, không thanh toán kinh phí NSNN 92,8 tỷ đồng. Hệ thống KBNN thực hiện kiểm soát chi 806,2 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, 335,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; phát hiện trên 20 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng quy định; từ chối thanh toán 60,1 tỷ đồng..
[39] Một số bộ, địa phương đạt kết quả tốt, như: Bộ Y tế tiết kiệm được 477 tỷ đồng; Hà Nội tiết kiệm được 50,8 tỷ đồng; Yên Bái tiết kiệm được 918 triệu đồng; Lai Châu tiết kiệm được 12,27 tỷ đồng,...
[40] Gồm: Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, BộTT&TT, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Đài Tiếng nói Việt Nam; Hà Nội, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng.
[41] Điển hình như: Thành phố Hà Nội thực hiện khoán xe ô tô công phục vụ công tác chung tại 08 cơ quan đơn vị, với 52 người có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công tham gia; qua đó đã giảm được 20 lái xe; điều chuyển 32 xe dôi dư của các đơn vị thực hiện khoán cho các đơn vị khác, giảm việc mua xe mới; kết quả tiết kiệm kinh phí sử dụng xe ô tô khoảng 1,7 tỷ đồng, tiết kiệm kinh phí mua mới xe khoảng 23 tỷ đồng. Bộ Tài chính thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác trên địa bàn Hà Nội đối với các chức danh Phó tổng cục trưởng và tương đương, lãnh đạo cấp Vụ, Cục và tương đương có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô; qua đó giảm 17 xe ô tô và giảm kinh phí 589 triệu đồng so với năm 2016.
[42] Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/4/2017 về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước và Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
[43] Năm 2017 có 56.434 dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán, tổng số vốn đầu tư đề nghị quyết toán là 491.262,4 tỷ đồng; qua thẩm tra, phê duyệt đã giảm giá trị quyết toán 2.847,5 tỷ đồng, chủ yếu do tính toán lại đơn giá và khối lượng một số hạng mục của các dự án, công trình.
[44] Đến tháng 12/2017, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với 164.388 cơ sở nhà, đất với khoảng 2.902,6 triệu m2 đất và 140 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 128.256 cơ sở, với tổng diện tích 1.989,8 triệu m2 đất, 118,2 triệu m2 nhà. Tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và các địa phương trong cả nước là trên 50 nghìn tỷ đồng.
[45] Gồm: Đề án hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư; Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020; Đề án thí điểm việc thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài; Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; Đề án nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển KT-XH; Đề án Đổi mới cơ chế tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Đề án các giải pháp phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất.
[46] Hoàn thành việc lập, thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho 63/63 tỉnh, thành phố. Cả nước đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích khoảng 27 nghìn ha, chiếm 81,08% tổng diện tích tự nhiên; khai thác đưa vào sử dụng hơn 10 nghìn ha đất chưa sử dụng; xử lý đưa vào sử dụng gần 78 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai; đo đạc, lập bản đồ địa chính 1.335.637ha/1.723.402 ha (đạt 95,1% khối lượng cần phải đo); thực hiện cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với 96,6% diện tích đất cần cấp, tăng 1,8 triệu giấy so với cuối năm 2016;…. Thái Bình đã tích tụ, tập trung được 3.220 ha với quy mô từ 10ha/mảnh; An Giang xây dựng cánh đồng mẫu lớn liền thửa, liền vùng với quy mô 50 ha trở lên,… (Báo cáo của Bộ TN&MT).
[47] Các khoản thu về thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất,tiền sử dụng đất là 149.975 tỷ đồng.
[48] Gồm: Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
[49] Tính đến hết tháng 11/2017, đã có 400/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý, đạt tỷ lệ 91,1% và 209/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường, đạt tỷ lệ 44%.
[50] Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-01-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%.
[51] Chính phủ đã ban hành 21 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 16 nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư; 01 nghị quyết điều chỉnh về một số nội dung liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông 04 nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 về việc đẩy mạnh chủ trương tinh giản biên chế, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Công điện số 156/CĐ-TTg ngày 02/02/2017 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2017 về việc thực hiện nghiêm quy định số lượng, cơ cấu và quy trình thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân các cấp;...
[52] Một số đơn vị làm tốt như: Bộ Nội vụ đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp, 10 phòng thuộc các Vụ; Hà Tĩnh giảm số lượng BQL dự án từ 23 đơn vị xuống còn 04 đơn vị; TP.HCM thành lập BQL An toàn thực phẩm là đầu mối duy nhất quản lý các vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm, trên cơ sở tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận thuộc Sở Công thương, Sở NN&PTNT; Bộ Tài chính đã hợp nhất 10 Chi cục để thành lập 05 Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, sáp nhập Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan vào Trường Đại học Tài chính - Marketing. Các đơn vị làm tốt việc rà soát, kiện toàn bộ máy như: Bộ Công thương, Hà Nội, Cần Thơ, Hòa Bình,... Từ năm 2015 đến ngày 30/11/2017, cả nước thực hiện tinh giản biên chế 32.054 người (Nguồn: Báo cáo số 6790/BC-BNV ngày 22/12/2017 của Bộ Nội vụ).
[53] Tại các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cơ bản các hồ sơ đều được giải quyết trước hạn, đúng hạn như: Quảng Ninh đạt 99,3%; Bình Dương đạt 95,6%; Đà Nẵng đạt 99,99%; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 99,63%,...
[54] Như việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018, chiếm 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.
[55] Giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2017 được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước cổ phần hóa năm 2016. Cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 69 DNNN, trong đó có các DNNN quy mô vốn nhà nước rất lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam (38.802 tỷ đồng), các Tổng công ty: Phát điện 3 (26.108 tỷ đồng), Dầu Việt Nam (10.342 tỷ đồng), Điện lực Dầu khí (23.418 tỷ đồng), Lọc hóa dầu Bình Sơn (31.044 tỷ đồng), Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex (9.878 tỷ đồng),...
[56] Trong đó Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thoái 53,59% vốn, thu về gần 110.000 tỷ đồng gấp 32 lần giá trị sổ sách và cao hơn nhiều so với định giá ban đầu; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thoái 3,33% vốn, thu về 8.990 tỷ đồng;...
[57] Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 phê duyệt ”Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương”.
[58] Năm 2017, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai có lợi nhuận 423 tỷ đồng, lỗ lũy kế 765 tỷ đồng. Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên lợi nhuận 119 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế. Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng lợi nhuận 15,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế 455 tỷ đồng...
[59] Trong năm 2017 toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính, 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất; kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941 ha đất; ban hành 148.026 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.924 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng.
[A1]E tóm tắt các khó khăn vào đây (1 câu thôi, để dấu “;” giữa các ý) Đây ko phải là công văn giải trình với CP mà là công văn trả lời bên ngoài nên cần nêu tóm tắt nội dung. Việc dẫn chiếu đến số hiệu công văn ko có ý nghĩa vì họ ở ngoài hệ thống chính phủ nên họ ko tra cứu đc công văn này. C hướng dẫn vậy để em nắm cách viết các loại công văn này về sau nhé.