Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Hiện nay, việc dạy nghề ở các trường phổ thông không có giáo viên được đào tạo chuyên môn (thường là giáo viên dạy kiêm nhiệm), ít có cơ sở để thực hành, thiết bị không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng; có chương trình nghề lại trùng lắp với một số môn học. Vì vậy, đề nghị xem xét hiệu quả của việc dạy nghề ở các trường phổ thông THCS và THPT để có quy định cho phù hợp; cần có chính sách cụ thể về việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ bậc THCS và THPT.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Thái Bình    Ninh Bình   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chất lượng giáo dục   

Trả lời:

Tại công văn số 6160/BGDĐT-VP ngày 09/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Việc“dạy nghề ở trường phổ thông” được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với tên gọi là Hoạt động giáo dục nghề phổ thông.

Mục tiêu của chương trình đáp ứng những yêu cầu về kiến thức, về kỹ năng và về thái độ, bảo đảm cho học sinh được phát triển toàn diện phù hợp với năng lực bản thân, biết vận dụng, củng cố kiến thức vào thực tiễn sản xuất và đời sống, hình thành phẩm chất của người lao động có kế hoạch, kỷ luật …

Theo quy định, hoạt động này được dạy ở trường trung học phổ thông có điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất để dạy nghề. Bên cạnh đó, ở những nơi chưa đủ điều kiện thì việc dạy nghề phổ thông được dạy trong các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên là những nơi có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên dạy nghề, về cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng quá trình dạy học của giáo viên và học sinh.

Bên cạnh việc thực hiện hoạt động giáo dục nghề phổ thông, học sinh được định hướng nghề nghiệp thông qua Hoạt động giáo dục hướng nghiệp từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông. Học sinh trong quá trình học được tư vấn về nghề nghiệp, trên cơ sở đó, định hướng nghề nghiệp tương lai cho bản thân.

Trong thực tế, do công tác quản lý ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ, một số trường trung học chưa đủ các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên dạy nghề mà phải sử dụng giáo viên dạy văn hóa sang dạy nghề, làm giảm chất lượng hoạt động dạy nghề phổ thông. Do những khó khăn khách quan như cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, thông tin về thế giới nghề nghiệp, năng lực của một số giáo viên còn hạn chế nên hiệu quả của công tác  hướng nghiệp ở một số trường chưa cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai nhiều giải pháp phù hợp nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông tại các trường, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; Khuyến khích việc dạy nghề truyền thống của địa phương; Đa dạng các hình thức tư vấn, hướng nghiệp.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: