Toàn cảnh phiên họp
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có các thành viên Ban Dân nguyện, đại diện các Ủy ban, cơ quan, đơn vị của Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, Ban dân vận Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Báo cáo Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội; và Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội là 02 báo cáo rất quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến cử tri, nhân dân và toàn bộ đời sống, xã hội. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết, đây còn chính là cơ sở để các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu ra. Do vậy, đề nghị các đại biểu tham dự tích cực nghiên cứu và thảo luận về các nội dung trong dự thảo báo cáo để Ban Dân nguyện tiếp tục cập nhật và hoàn thiện 02 Báo cáo chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.
Tại kỳ họp thứ 5, qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.106 kiến nghị của cử tri. Tất cả các kiến nghị của cử tri gửi đến đều đã được cá bộ, ngành có văn bản trả lời tới cử tri (đạt 100%), có 1.118 kiến nghị được giải quyết xong (chiếm 11,2%). Có 6.926 kiến nghị (chiếm 69,4%) đã được trả lời bằng việc trích dẫn các quy định của pháp luật để trả lời cử tri. Còn lại 369 kiến nghị (chiếm 3,7%) đang được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Hầu hết các kiến nghị đều đã có lộ trình giải quyết (334 kiến nghị). Các kiến nghị này đều thuộc nhóm các vấn đề cần nhiều thời gian để giải quyết, cần bố trí nguồn lực để thực hiện.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho biết, khối Quốc hội đã giải quyết, trả lời 100%, không tồn đọng kiến nghị nào. Tuy nhiên, 02 kiến nghị của cử tri vẫn đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm đó là chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri và giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp thu kiến nghị của cử tri qua nhiều kỳ họp Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã quan tâm giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trong đó Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề về “Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII do Ủy ban chủ trì thẩm tra”; Ủy ban về Các vấn đề xã hội, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Đối ngoại đã giám sát việc ban hành văn bản pháp luật về lĩnh vực phụ trách.... Đặc biệt, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, một số vấn đề được cử tri, dư luận xã hội quan tâm đã được một số cơ quan của Quốc hội kịp thời khảo sát, tổ chức phiên giải trình để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết như: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tiến hành khảo sát việc xây dựng ga tàu điện (C9) có vị trí cạnh Hồ gươm; khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017; tổ chức phiên giải trình về thi trung học phổ thông quốc gia và có văn bản gửiỦy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức khảo sát việc thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông,...
Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương trình bày Báo cáo
Bên cạnh đó, việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành cũng đã có sự chuyển biến tích cực rõ rệt qua từng kỳ họp. Cụ thể, trước đây, tại các kỳ họp thứ 2, thứ 3, 100% các kiến nghị đang trong quá trình xem xét, giải quyết đều không nêu rõ lộ trình và thời hạn hoàn thành (Tại kỳ họp thứ 4, 5 là gần 80%) tạo sự yên tâm và tin tưởng hơn của cử tri đối với công tác giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành; trước đây, rất ít các Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo và ký ban hành văn bản trả lời cho cử tri (tại kỳ họp thứ 4, thứ 5 là 20/22 Bộ trưởng trực tiếp ký văn bản).
Điểm nổi bật trong công tác tiếp nhận, giải quyết, trả lời cử tri của các bộ, ngành trong kỳ họp này là việc quản lý, theo dõi, giải quyết kiến nghị của cử tri đã có chuyển biến căn bản, các bộ, ngành đã tập hợp, tổng hợp, thống kê nội dung, số lượng kiến nghị của cử tri gắn với số lượng văn bản cần ban hành để điều chỉnh những nội dung cử tri kiến nghị, làm cơ sở cho việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri được thuận lợi, kịp thời, đầy đủ. Các kiến nghị tồn đọng, đang giải quyết đều đã được bộ, ngành xây dựng lộ trình và xác định thời hạn giải quyết xong. Chất lượng giải quyết cũng như nội dung, thời hạn trả lời của các bộ, ngành đã được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao; một số bộ ngành mặc dù có số lượng kiến nghị cử tri gửi đến rất nhiều, nhưng các Bộ trưởng, trưởng ngành đã dành thời gian trực tiếp chỉ đạo, giải quyết và ký toàn bộ văn bản trả lời cử tri đáp ứng nguyện vọng cử tri; một số bộ, ngành không còn kiến nghị tồn đọng hoặc số lượng kiến nghị nhiều nhưng tồn đọng ít.
Việc giải quyết kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đã được bộ, ngành tiếp thu khắc. Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đã được nhiều bộ ngành quan tâm thực hiện, đặc biệt: Bộ Công an đã bỏ 06 Tổng cục, sáp nhập, giảm từ 125 đơn vị cấp Cục xuống còn 60, giảm 20 Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy; Bộ Chính trị đã cắt giảm 05 đầu mối, từ 35 vụ, cục và tương đương xuống còn 30 đầu mối (26 đơn vị hành chính và 04 đơn vị sự nghiệp; các đơn vị cấp cục cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng); Bộ Tài chính đã quyết định giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và giảm 50% tổng số các Chi cục thuế hiện có; tỉnh Lào Cai đã sáp nhập Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải thành một cơ quan; tỉnh Hà Giang sáp nhập Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng; Thanh tra và Ủy ban kiểm tra; Sở Nội vụ với Ban tổ chức tỉnh ủy,... Việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến mở rộng thị trường xuất khẩu, bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm sản xuất trong nước, đã được Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao); cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp... Việc giải quyết kiến nghị của cử tri về các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân đã dành được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao; nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp; chính sách phát triển thủy sản; phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đã được ban hành. Vì vậy, đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tăng trưởng 6 tháng đầu năm tăng 3,93%, cao nhất trong kể từ năm 2012.
Đại biểu phát biểu tại phiên họp
Đặc biệt, trước tình hình bạo hành trẻ em xảy ra ở một số nơi, tiếp thu kiến nghị cử tri, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em với 675 điểm cầu, khoảng 18.000 đại biểu dự. Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quẩn chúng, tổ chức xã hội, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương thực hiện ngay việc quán triệt, tiếp tục nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành ở địa phương, cơ sở giáo dục trong việc bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Báo cáo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội khóa XIV cũng nêu rõ: vẫn còn một số văn bản trả lời cử tri có nội dung rất chung chung, chưa rõ, thiếu thống nhất nên không biết triển khai thực hiện cụ thể ra sao. Một số văn bản ban hành chậm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân cũng như nguồn thu của ngân sách nhà nước, gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quá trình triển khai một số chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân chưa được giám sát, kiểm tra kịp thời và hiệu quả...
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu
Qua thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình với các nội dung chính và đánh giá của Báo cáo. Đại diện các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan khẳng định, sẽ tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của Ban Dân nguyện để tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết các kiến nghị của cử tri trong thời gian tới. Có ý kiến đại biểu đề nghị Ban Dân nguyện xem xét, cân nhắc nội dung kiến nghị về đất đai; chính sách hỗ trợ người có đất thu hồi; dự án nhà ở vùng ngập lũ tại đồng bằng sông Cửu Long; việc sử dụng sách giáo khoa…
Phát biểu kết thúc phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên họp hôm nay, Ban Dân nguyện sẽ tổng hợp đầy đủ, cập nhật thêm những kết quả đã đạt được của các bộ, ngành, cơ quan liên quan; xem xét, chỉnh sửa các số liệu, vụ việc và các đánh giá, nhận định cụ thể, đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất để hoàn thiện nội dung Báo cáo dự kiến gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội vào ngày 5/10 và chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tới.
Tại phiên họp, các nội dung trong Báo cáo Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội cũng được các đại biểu quan tâm, thảo luận.