Tội phạm sử dụng súng, vật liệu nổ vẫn diễn ra nghiêm trọng
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2014, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhất là lực lượng Công an, hoạt động của các loại tội phạm đã được kiềm chế.
Số vụ án khởi tố mới là hơn 77.910 vụ với gần 121.040 bị can, tăng 2% về số vụ, nhưng giảm gần 2,2% về số bị can so với năm 2013. Cơ quan điều tra cả nước đã khởi tố điều tra hơn 25.930 vụ với hơn 55.940 bị can liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, giảm gần 1,6% về số vụ.
Một số tội phạm nghiêm trọng như giết người, chống người thi hành công vụ giảm. Tuy nhiên, hoạt động của các băng, nhóm tội phạm còn tiềm ẩn phức tạp tại các thành phố và các khu vực giáp ranh, chủ yếu dưới dạng bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá…
Lực lượng Công an đã phát hiện, triệt phá hơn 4.900 băng, nhóm tội phạm, trong đó có hơn 160 băng, nhóm tội phạm nguy hiểm.
Thủ đoạn hoạt động của các băng, nhóm tội phạm ngày càng tinh vi, núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp, đối tượng cầm đầu không trực tiếp gây án nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Tội phạm sử dụng súng, vật liệu nổ vẫn diễn ra nghiêm trọng. Tội phạm mua bán người phát hiện 220 vụ (tăng 10% so với năm 2013); tội phạm đánh bạc xảy ra khá phổ biến.
Tội phạm xâm phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế phát hiện, khởi tố điều tra gần 1.320 vụ (tăng 1,62%). Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính diễn biến phức tạp, phát hiện nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tác động xấu đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính.
Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng giả diễn ra phổ biến, nhất là các tuyến biên giới. Toàn quốc phát hiện, khởi tố điều tra hơn 300 vụ tội phạm về tham nhũng. Ngoài những vụ tham nhũng lớn, có tổ chức được phát hiện thì tình trạng sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công diễn ra khá phổ biến, song khó phát hiện, do người dân ngại tố cáo, tố giác và thiếu chứng cứ để xử lý. Tội phạm ma túy, môi trường tiếp tục xảy ra gây nhức nhối trong nhân dân…
Công tác phát hiện, điều tra khám phá tội phạm vẫn còn hạn chế
Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và việc xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội trên toàn quốc.
Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chưa phân tích rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao chưa đánh giá một số nội dung như tỷ lệ tăng số vụ án xét xử có tranh tụng tại phiên tòa, chất lượng tranh tụng, việc áp dụng hình phạt đối với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản; về tình hình hoạt động và chất lượng của đội ngũ hội thẩm nhân dân…
Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng công tác phát hiện, điều tra khám phá tội phạm vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ khám phá tội phạm trộm cắp tài sản, còn nhiều ổ nhóm trộm cắp chuyên nghiệp gây án ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Việc chấp hành pháp luật trong xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, điều tra, thu thập chứng cứ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn còn nhiều vi phạm.
Số vụ Viện Kiểm sát hủy các quyết định tố tụng tăng, số vụ phải tạm đình chỉ tăng… Đáng chú ý còn để xảy ra một số vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận; chậm phát hiện, xử lý băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen có tính chuyên nghiệp, trong đó có cả những trường hợp tội phạm núp bóng doanh nghiệp./.