Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và Tổng thư ký IPU Martin Chungong |
Sáng 30.11, tại trụ sở VPQH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã tiếp thân mật Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong và Nhóm tư vấn IPU về phòng chống HIV/AIDS đang có chuyến thăm và làm việc tại nước ta.
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng bày tỏ vui mừng được gặp lại Tổng thư ký Martin Chungong; cám ơn Tổng thư ký đã nhận lời mời sang Việt Nam hỗ trợ Ban Tổ chức IPU - 132 rà soát, tham vấn về công tác chuẩn bị cho IPU - 132 và tham dự Hội thảo ĐBQH và công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Việt Nam rất vinh dự được IPU tiếp tục lựa chọn tham gia chương trình hợp tác ba bên về HIV/AIDS giữa IPU, Cơ quan Liên Hợp Quốc về phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS) với một Nghị viện thành viên IPU. Kết quả hợp tác sẽ trở thành ví dụ điển hình để giới thiệu với bạn bè quốc tế về vai trò của QH Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ nhân dịp IPU - 132 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3.2015. Phó chủ tịch QH tin tưởng, Hội thảo ĐBQH và công tác phòng, chống HIV/AIDS do IPU, QH Việt Nam và UNAIDS phối hợp tổ chức sẽ thành công tốt đẹp, giúp nâng cao nhận thức, năng lực của các nghị sỹ trong công tác lập pháp và giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Về công tác chuẩn bị và tổ chức cho IPU - 132, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nêu rõ, Việt Nam đang gấp rút triển khai thực hiện theo đúng tiến độ và các cam kết giữa QH Việt Nam và IPU. Theo đó, đầu tháng 1.2015, sẽ tiến hành tổng diễn tập tổ chức IPU – 132. Phó chủ tịch QH mong muốn, Tổng thư ký IPU Martin Chungong và Ban Thư ký IPU sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức và Ban Thư ký Quốc gia IPU - 132 hoàn tất các công việc chuẩn bị cho IPU - 132, cũng như việc chuẩn bị Tuyên bố Hà Nội, thể hiện quyết tâm của nghị sỹ toàn cầu góp phần xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, dân chủ và phát triển.
Tổng thư ký IPU Martin Chungong cám ơn những tình cảm nồng hậu mà Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã dành cho Tổng thư ký; đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức IPU - 132 của Việt Nam. Tổng thư ký IPU Martin Chungong khẳng định, Liên minh Nghị viện Thế giới sẽ phối hợp chặt chẽ với QH Việt Nam trong việc chuẩn bị Tuyên bố Hà Nội.
Tổng thư ký Martin Chungong cũng bày tỏ đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống và đẩy lùi HIV/AIDS; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong công tác phòng, chống đại dịch này.
Tiếp đó, Phó chủ tịch QH và Tổng thư ký IPU Martin Chungong đã dự Hội thảo ĐBQH và công tác phòng, chống HIV/AIDS do QH Việt Nam, IPU và UNAIDS phối hợp tổ chức.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai; Giám đốc quốc gia của Cơ quan phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS) Việt Nam Kristan Schoultz…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết, năm 2006 QH Việt Nam đã thông qua Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người với những quy định được các tổ chức quốc tế đánh giá là tiến bộ, phù hợp với Tuyên bố cam kết phòng chống HIV/AIDS năm 2001 của Liên Hợp Quốc. Năm 2011, Việt Nam tiếp tục khẳng định quyết tâm phòng, chống HIV/AIDS thông qua việc ký kết Tuyên bố Chính trị về HIV/AIDS của Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Nhấn mạnh, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài hay có đủ khả năng tự mình đối phó với những thách thức và hậu quả nặng nề của HIV/AIDS, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, cần nhận thức vấn đề sâu sắc hơn, chia sẻ trách nhiệm, tăng cường vai trò và sự hợp tác chặt chẽ giữa Nghị viện và Nghị sỹ các nước khu vực và trên thế giới trong công tác xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng thư ký IPU Martin Chungong nêu rõ, từ năm 2006, IPU đã có các hoạt động nhằm giúp nghị viện các nước thành viên đương đầu với những vấn đề liên quan đến HIV/AIDS. Nhìn chung, số lượng các nghị viện xây dựng và thông qua các văn bản luật pháp nhằm phòng, chống HIV ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn còn tồn tại các bộ luật, quy định hoặc các chính sách gây cản trở cho việc thực thi các biện pháp can thiệp có hiệu quả về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ cho những nhóm người có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV. Do đó, cần hủy bỏ hoặc sửa đổi các bộ luật này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS. Tổng Thư ký Martin Chungong đánh giá cao vai trò của QH trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS; cho rằng, Hội thảo lần này là minh chứng sinh động cho những cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường hơn nữa tiếng nói và hành động của QH Việt Nam trong công cuộc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch này.
Đề cập đến vai trò tiên phong của các nghị sỹ trong công cuộc phòng chống HIV, Giám đốc quốc gia của UNAIDS Việt Nam Kristan Schoultz nhấn mạnh, QH Việt Nam đã nêu một hình mẫu về vai trò lãnh đạo trong công cuộc phòng chống HIV cho các quốc gia khác. Đặc biệt, mới đây Việt Nam đã công bố cam kết thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 về điều trị HIV, nỗ lực hướng tới Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Đây là cam kết rất lớn đối với bất cứ quốc gia nào. Với cam kết này, Việt Nam đang đi tiên phong, dành toàn bộ tâm huyết để bảo vệ mọi công dân Việt Nam tránh khỏi nguy cơ đe dọa của HIV và nỗ lực bảo đảm cho một thế hệ mới của Việt Nam không còn bị HIV/AIDS đe dọa.
+ Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về thực trạng HIV/AIDS trong khu vực và trên thế giới; chính sách và khung pháp lý về phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam; kinh nghiệm các quốc gia trong tiếp cận điều trị HIV, kinh nghiệm của các nhóm tự lực trong tăng cường tiếp cận chăm sóc và điều trị HIV…