Cần có sự nghiên cứu thấu đáo cả lý luận, thực tế về vấn đề cán bộ nữ

03/02/2015

Phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Hội thảo khu vực Bắc Trung bộ với chủ đề Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Thưa các đồng chí chủ trì Hội nghị
Thưa các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị” khu vực Bắc Trung bộ do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh tươi đẹp và giàu lòng mến khách.

Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu đã tham dự Hội thảo. Chúc sức khỏe các đồng chí, chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Thưa các quý vị đại biểu,

Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong các chính sách của Nhà nước, các văn bản pháp luật như Hiến pháp và các đạo luật: Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật thanh niên, Luật lao động, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật giáo dục… Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW). Đây chính là các chính sách, khung pháp lý cơ bản về bình đẳng giới để bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới, đồng thời cùng với xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng cải thiện, nhiều phụ nữ đã không ngừng học tập nâng cao trình độ pháp luật, quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp và đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bình đẳng giới của Việt Nam đã được Liên hợåp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế thì công tác bình đẳng giới vẫn còn có những mặt hạn chế: tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng hụt, ở một số lĩnh vực tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm; do trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp còn thấp nên phụ nữ còn bị hạn chế hơn nam giới về cơ hội có việc làm và thu nhập… Điều này là do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế; chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt, thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ; việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; hoạt động của các cấp hội liên hiệp phụ nữ cũng chưa giải quyết tốt một số vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là những vấn đề xã hội bức xúc liên quan tới phụ nữ, việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ trong từng thời kỳ còn hạn chế; một bộ phận phụ nữ chưa thực sự phấn đấu vươn lên... Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải có nhiều nỗ lực cả trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, cũng như tìm ra các cơ chế thích hợp để phụ nữ, trẻ em gái được tham gia, thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại, trong đó có việc tham gia ở các vị trí quyết định để phát huy vai trò của mình trong xã hội.

Thưa các quý vị đại biểu,

Năm 2015 và năm 2016 sẽ diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 thì vấn đề tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là vấn đề cần đặc biệt quan tâm để thực hiện được mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới” mà Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27.4.2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra.

Nhằm góp phần cùng chăm lo nguồn cán bộ nữ, có kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cấp ủy các cấp thì cần có sự nghiên cứu thấu đáo cả lý luận, thực tiễn, có cơ sở khoa học gắn với yêu cầu giải quyết thực tiễn đặt ra về vấn đề cán bộ nữ. Chính vì vậy, tôi đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thống nhất phối hợp cùng Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức các hội thảo khu vực Bắc Trung bộ với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”. Tôi tin rằng, cùng với thành công của bốn Hội thảo khu vực tổ chức trước đó, Hội thảo này sẽ là diễn đàn để các đại biểu tham luận, thảo luận sôi nổi và có kết quả về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; tình hình phụ nữ tham gia trong các cấp ủy Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam, những khó khăn, thách thức và nguyên nhân; chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; đưa ra kiến nghị, đề xuất giải pháp hoặc vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện của địa phương mình để tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; kiến nghị với Đảng, Nhà nước về việc tăng cường các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia lĩnh vực chính trị kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời Hội thảo cũng là dịp để tôi và đồng chí Trương Thị Mai, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trực tiếp tiếp nhận được ý kiến đóng góp từ các vị đại biểu tham dự Hội thảo này về các nội dung liên quan đối với dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Thưa các quý vị đại biểu,

Hôm nay, đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Hội thảo của chúng ta được tổ chức tại Hà Tĩnh, một mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, quê hương của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, đã có nhiều cố gắng đang vươn lên trong đổi mới, trong công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, đội ngũ cán bộ có nhiều trưởng thành, nhiều kinh nghiệm qúy của tỉnh Hà Tĩnh sẽ được trao đổi trong Hội thảo, góp phần vào thành công chung của Hội nghị này. Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của đảng bộ tỉnh, đồng bào, đồng chí tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta ngày một giàu mạnh, tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Xin cảm ơn sự phối hợp và quan tâm của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện để tổ chức Hội nghị quan trọng này tại đây.

Với tấm lòng yêu qúy của tôi với đồng bào, đồng chí tỉnh Hà Tĩnh và nhân dịp năm mới 2015, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, xin chúc đồng bào, đồng chí tỉnh Hà Tĩnh và toàn thể các qúy vị đại biểu một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên cương vị cao qúy của mình!

Xin trân trọng cảm ơn!

(Theo Đại biểu Nhân dân)