Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Phiên họp Ảnh: Đình Nam
Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, việc xây dựng Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm phù hợp, thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội 2014, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm chất lượng, nội dung triển khai xây dựng Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Dự thảo Quy chế gồm 4 chương với 76 điều tập trung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy trình, cách thức tổ chức phiên họp, hội nghị và triển khai các hoạt động khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, quy định cụ thể những cải tiến về cách thức tiến hành phiên họp đã được áp dụng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn thời gian qua, bổ sung một số quy trình còn thiếu hoặc chưa cụ thể. Quy chế bảo đảm phù hợp, không trùng lặp nội dung với các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật tổ chức Quốc hội khác như: Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội…
Cải cách hành chính trong hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Góp ý về các nội dung của dự thảo Quy chế, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước cho rằng việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên đi vào những nhóm nội dung lớn gồm nhóm kinh tế- xã hội và chính sách, nhóm việc về tổ chức nhân sự của nhà nước, nhóm việc về quốc phòng an ninh, nhóm hoạt động đối ngoại, nhóm việc mang tính chất nội bộ của Quốc hội và nhóm việc quan hệ công tác giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với các cơ quan hữu quan.
Về hình thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, hình thức hoạt động thông qua phiên họp vẫn là hình thức hoạt động chủ yếu, cơ bản. Do đó, Quy chế cần quy định cụ thể hơn phạm vi các nội dung, vấn đề lấy ý kiến bằng văn bản; giá trị pháp lý của hình thức lấy ý kiến bằng văn bản; vai trò của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội gửi văn bản xin ý kiến, tổng hợp, tiếp thu chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp
Nhiều ý trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung quy định cụ thể về các hình thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có hình thức hoạt động là cho ý kiến bằng văn bản. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, quy định về việc gửi tài liệu và tổng hợp ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quá phức tạp khi Ủy ban Thường vụ có ý kiến bằng văn bản rồi lại phải gửi lại cho Tổng thư ký tổng hợp để gửi lại cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu chỉnh lý rồi lại trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng quy định như vậy là không thực sự cần thiết, do đó dự thảo Quy chế cần hoàn thiện theo đúng tinh thần của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về vấn đề này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải cải cách hành chính trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa đảm bảo đúng quy trình vừa đơn giản, hiệu quả. Theo Chủ tịch Quốc hội, có những việc cần thiết phải họp bàn, thảo luận nhưng cũng có những loại việc chỉ cần xin ý kiến bằng văn bản.
Cấp phó dự phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quy định về thành phần tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa được quy định một cách đầy đủ. Trên thực tế, nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mời đầy đủ những bên có liên quan. Bên cạnh đó việc dự họp đầy đủ là trách nhiệm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội vắng mặt cử cấp phó dự thay nhưng không nên cử ủy viên thường trực, thành viên khác trong Ủy ban. Cấp phó tham dự phiên họp sẽ trình bày ý kiến bằng văn bản của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vắng mặt và sẽ phát biểu ý kiến cá nhân khi được chủ tọa phiên họp cho phép.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp
Tán thành với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, trước mỗi phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần kiểm tra thành phần tham dự có đủ điều kiện dự họp hay không và các văn bản trình lên thường vụ có đạt tiêu chuẩn theo Luật ban hành văn bản phạm pháp luật. Điều này sẽ nâng cao chất lượng phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm hợp lệ về thể thức, quy trình họp.
Ngoài ra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng Quy chế cần quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc hội. Bởi vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Hiến định và được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội. Do đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Quy chế cần quy định rõ hơn nội dung này, nêu được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan.
Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ có mặt tán thành.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nội dung Quy chế sẽ được tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Dự kiến, Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Luật tổ chức Quốc hội vào ngày 1/1/2016.