Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ảnh: Báo Công lý
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã chủ trì xây dựng để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trên 1.000 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó trình Quốc hội thông qua 27 dự án luật; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã ban hành trên 3.200 VBQPPL. Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 bộ luật, luật lớn, quan trọng Bộ luật dân sự (sửa đổi) (BLDS), Bộ luật hình sự (sửa đổi) (BLHS), Luật ban hành VBQPPL và cho ý kiến đối với 2 luật khác. Trong đó, lần đầu tiên trong vòng một năm đã tổ chức 2 đợt lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi), BLHS (sửa đổi); hoàn thành 09/09 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đạt tỷ lệ 100%.
Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có chuyển biến tích cực với nhiều giải pháp cụ thể, tình trạng nợ đọng nghị định của Chính phủ từng bước được khắc phục, chỉ còn nợ 4 nghị định, thấp nhất từ trước đến nay. Công tác thẩm định VBQPPL ngày càng được quan tâm, chú trọng về chất lượng thông qua những giải pháp đột phá, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong quá trình soạn thảo, góp ý, thẩm định VBQPPL, kết hợp thẩm định VBQPPL với kiểm soát thủ tục hành chính. Năm 2015, toàn Ngành đã thẩm định 9.529 văn bản (tăng 230 văn bản so với năm 2014). Công tác kiểm tra VBQPPL được các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện thường xuyên hơn, đã kiểm tra theo thẩm quyền gần trên 42.300 văn bản, bước đầu phát hiện 1.181 văn bản có dấu hiệu trái luật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; một số định hướng của nhiệm kỳ 2011-2015 chưa đạt được kết quả như mong muốn; thậm chí, có những hạn chế trong nhiều năm liền, kể cả từ nhiệm kỳ trước nhưng chưa khắc phục hiệu quả, cụ thể là: Chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa cao, một số VBQPPL chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu ổn định, tình trạng chậm ban hành VBQPPL, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn phổ biến; hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn thấp, pháp luật chậm đi vào cuộc sống; thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, việc công bố, công khai còn chậm, việc thực thi chưa nghiêm, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; tình trạng vi phạm trong công tác thi hành án dân sự còn nhiều; việc triển khai một số nhiệm vụ mới của Ngành (quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật) còn lúng túng, nhất là ở các địa phương; công tác hành chính tư pháp còn chậm được đổi mới; công tác nghiên cứu khoa học pháp lý chưa thực sự đi vào chiều sâu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác tư pháp năm 2015 và nhất là so với đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã góp phần ngày càng tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ đó, vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định, tăng cường, từng bước tạo được niềm tin của cấp ủy, chính quyền các cấp và của Nhân dân. Ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội nghị tập trung bàn biện pháp tháo gỡ nhưng hạn chế, tiếp tục đổi mới để công tác tư pháp đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Tư pháp, các Bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình lập pháp của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến, nhất là các dự án luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân như Luật về hội, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật báo chí (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin...; Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm tính khả thi, hợp lý, khắc phục tình trạng chính sách, pháp luật được ban hành nhưng khó đi vào cuộc sống, phải tạm dừng hoặc sửa đổi sau một thời gian ngắn có hiệu lực.
Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016, trong đó quyết liệt thực hiện tốt những quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật tạo bước chuyển cơ bản về quy trình và chất lượng soạn thảo, ban hành VBQPPL; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật hình sự 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành các luật, bộ luật về tố tụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2015; Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả một số giải pháp tăng cường triển khai thi hành luật, pháp lệnh đã được xác định tại Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội, kiểm tra, đôn đốc, giám sát sát sao việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, tiến tới chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản, đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh. Tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các công cụ phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, góp phần cụ thể hóa một bước chuyển hướng chiến lược sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật.
Đối với công tác thi hành án dân sự, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, mặc dù những hạn chế, yếu kém trong công tác này đã dần được khắc phục vẫn còn một số tồn tại, bất cập, nhất là vấn đề giải quyết tình trạng án tồn đọng, giải quyết khiếu nại tố cáo. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết của Quốc hội, triển khai hiệu quả chế định thừa phát lại; tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác hành chính tư pháp gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào những lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hộ tịch theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, bảo đảm đồng bộ với Luật căn cước công dân, xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử làm nền tảng cho việc xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển về số lượng cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý, công chứng viên và các tổ chức hành nghề, bảo đảm ổn định, bền vững, phù hợp với yêu cầu và bước phát triển mới của thực tiễn; đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực ngành tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy cơ quan tư pháp; tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, có các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác tư pháp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện Pháp lệnh đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; thực hiện có kết quả Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, đồng thời, tham gia tích cực với Tòa án nhân dân tối cao trong việc tuyển chọn thẩm phán./.