Nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện quy định tại các điều 45, khoản 4 Điều 52, điều 54, khoản 2 điều 92 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 3 chương gồm: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đới với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; Hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.
Tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri bảo đảm dân chủ và thiết thực
Theo báo cáo của Mặt trận tổ quốc Việt Nam vướng mắc lớn nhất trong các cuộc bầu cử trước đây trong việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác đó là số lượng cử tri tham dự các hội nghị, nhất là ở những cơ quan, tổ chức, đơn vị có số lượng cử tri lớn. Kế thừa các quy định hiện hành, rút kinh nghiệm của các cuộc bầu cử trước, để bảo đảm phát huy dân chủ, vừa thuận tiện trong tổ chức thực hiện, dự thảo đã quy định các trường hợp cụ thể nhằm đáp ứng vấn đề thực tiễn đặt ra trong tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc liên quan đến số lượng cử tri.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Phiên họp
Cụ thể, nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 đến 200 cử tri thì mời đại diện cử tri tham dự, nhưng phải bảo đảm trên 50% tổng số cử tri tham dự. Nơi có trên 200 cử tri thì tùy vào tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể tổ chức thành nhiều hội nghị lấy ý kiến đại diện cử tri, sau đó tổng hợp kết quả chung, nhưng vẫn phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri của cơ quan tổ chức, đơn vị đó tham dự.
Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là cần thiết trong bối cảnh tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa nhưng công tác tổ chức lấy ý kiến cần thiết thực, tránh hình thức, lãng phí. Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật việc phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc 50% tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham dự hội nghị cũng là yêu cầu khá cao, nhất là đối với những nơi có số lượng cử tri lớn. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành để có hướng dẫn linh hoạt, mềm dẻo hơn, phù hợp với tình hình thực tế ở nông thôn, miền núi, hải đảo…
Trên tinh thần đó, dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Đối với hội nghị cử tri nơi công tác, số lượng cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến về những người ứng cử đại biểu Quốc hội, những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải đảm bảo ít nhất là 2/3 tổng số cử tri tham dự. Nơi nào có từ 100 cử tri trở lên thì không nhất thiết tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải đảm bảo ít nhất là 70 cử tri tham dự. Đối với hội nghị cử tri nơi cư trú, dự thảo Nghị quyết quy định, số lượng cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến về những người ứng cử đại biểu Quốc hội, những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nơi có dưới 50 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải đảm bảo trên 50% số cử tri tham dự; nơi nào có số cử tri từ 50 cử tri trở lên thì không nhất thiết tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải đảm bảo ít nhất 40 cử tri tham dự.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Tuy nhiên, với quy định trên của dự thảo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần xem xét lại quy định về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú sao cho phù hợp, nên thống nhất sử dụng đơn vị tính như % để đảm bảo khách quan, không nên quy định cứng như Dự thảo nơi có ít cử tri thì quy định tỷ lệ %, nơi có nhiều cử tri lại ấn định số cứng tuyệt đối.Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị đối với những đơn vị càng đông cử tri, cần phải quy định tỷ lệ % số lượng cử tri có mặt.
Không để người không đủ tiêu chuẩn vào danh sách ứng cử viên
Cho ý kiến về nội dung Dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Nghị quyết phải thể hiện rõ nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong hoạt động chuẩn bị, tổ chức bầu cử. Với người được giới thiệu thêm, người tự ứng cử cần xem xét, kiểm tra nhân thân thật kỹ càng; không để người không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu lọt vào danh sách ứng cử.
Để làm được điều này, cần phải có quy trình hiệp thương chặt chẽ để xem xét điều kiện của những người ứng cử. Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc để người tự ứng cử được kiểm tra, xác minh đầy đủ các thông tin, khi ra Hội nghị cử tri có thông tin để trao đổi, giải đáp khi cử tri hỏi. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những người khi hiệp thương phải bảo đảm tiêu chuẩn để ít nhất là 896 người chúng ta giới thiệu với đồng bào, cử tri để bỏ phiếu là những người đủ tiêu chuẩn. Căn cứ danh sách đó, cử tri sẽ yên tâm lựa chọn những người ưu tú vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Nghị quyết cũng cần phải tính đến sự khác biệt trong tổ chức tại một số địa phương khi không có Hội đồng nhân dân, từ đó có hướng dẫn phù hợp, thuận lợi cho tiến hành bầu cử. Đồng thời, Nghị quyết cần làm rõ vai trò của người chủ trì hội nghị, định hướng nội dung thảo luận hội nghị, không để Hội nghị trở thành nơi phản ánh, khiếu nại tố cáo…