Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; đại diện lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ban Công tác đại biểu và đại diện các Tiểu ban giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Tại phiên họp này, Hội đồng bầu cử quốc gia tập trung nghe báo cáo tiến độ triển khai công tác chuẩn bị bầu cử kể từ sau phiên họp thứ 2 của Hội đồng bầu cử Quốc gia đến nay, bao gồm các nội dung sau: Kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; tình hình các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương chuẩn bị Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; kế hoạch tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; kế hoạch triển khai công tác giám sát bầu cử ở các địa phương; báo cáo tình hình hoạt động của các Tiểu ban giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trình bày Báo cáo tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ phiên họp thứ 2 đến nay các Tiểu ban chuyên môn, các ngành, các cấp, địa phương đã và đang tích cực, khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các công việc về bầu cử đúng quy trình, bảo đảm đúng pháp luật, đúng tiến độ.
Báo cáo cũng nêu rõ nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới để công tác bầu cử đảm bảo tiến độ theo quy định của pháp luật về bầu cử. Cụ thể, trong thời gian tới Hội đồng bầu cử quốc gia cần sát sao chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan thực hiện hiệu quả các công việc chủ yếu sau:
Thứ nhất, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội; người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử.
Thứ hai, thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử; thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; Thành lập Tổ bầu cử.
Thứ ba, tiếp nhận Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Hướng dẫn rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban bầu cử ở tỉnh trong việc tiếp nhận, thẩm định và xem xét Hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Thứ tư, Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo việc dự kiến phân bổ ứng cử ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương đảm bảo đúng nguyên tắc và tiêu chí phân bổ; Thứ năm, chỉ đạo tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương; người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thứ sáu, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Thứ bảy, tiếp tục triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội cho cuộc bầu cử; Thứ tám, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương theo 3 đợt.
Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp
Ngoài ra, tại phiên họp lần này, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tiến hành xem xét, thông qua Nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị quyết nguyên tắc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại địa phương.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu để hoàn thiện các Báo cáo cho chặt chẽ; khẩn trương lên kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động bầu cử trong thời gian tới…
Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này để giúp cử tri, nhân dân hiểu rõ hơn nữa về ý nghĩa của bầu cử; Đối với công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội, cần có sự quan tâm đặc biệt, phải nhận định chính xác, khẩn trương đánh giá tình hình của các địa phương để kịp thời chỉ đạo; Đối với các tổ chức chính trị- xã hội như Công đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên… cần tự ban hành văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn công tác về bầu cử cho hệ thống tổ chức của mình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia tổng hợp, ban hành văn bản chỉ đạo một số nội dung của cuộc họp hôm nay, thống nhất về hệ thống mẫu dấu cho các địa phương, các đơn vị bầu cử; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm, chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác bầu cử của các địa phương trong thời gian tới; đề nghị các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử Quôc gia, Ban Công tác đại biểu tiếp tục rà soát lại các văn bản hướng dẫn về bầu cử. Đối với công tác nhân sự, giới thiệu các đại biểu ở Trung ương, đại biểu là Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ứng cử tại các địa phương cần tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo sự hợp lý, có sự phối hợp chặt chẽ và cần trình xin ý kiến Bộ Chính trị.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban, các cơ quan, tổ chức, ban, ngành bám sát 8 nội dung công việc như trong Báo cáo đã nêu; tiếp tục phát huy tinh thần tận tụy, trách nhiệm để triển khai công tác bầu cử trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao.