Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Các cuộc cách mạng công nghiệp đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, nhưng cũng để lại những hệ quả vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường toàn cầu. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt; biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng kéo theo đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan... đang tàn phá hệ sinh thái đa dạng của Trái đất, thách thức nghiêm trọng hành tinh của chúng ta. Thực trạng này đòi hỏi mọi quốc gia lớn, nhỏ đoàn kết, hành động có trách nhiệm vì một hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Chủ tịch Nguyến Thị Kim Ngân hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia trong giải quyết và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; đặc biệt là Thỏa thuận Paris tại Hội nghị COP 21 năm 2015. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một thỏa thuận lịch sử, là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm trong ứng phó với Biến đổi khí hậu. Cùng với Thỏa thuận Paris, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) liên quan đến môi trường của Liên Hợp Quốc trong Chương trình Nghị sự phát triển 2030 sẽ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu; đó là phát triển phát thải các bon thấp với các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường; hạn chế, tiến tới xóa bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp về “Đoàn kết bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh”
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, ảnh hưởng tới môi trường và an ninh quốc gia. Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris ngày 3/11/2016, trước khi Thỏa thuận có hiệu lực. Với tinh thần trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó có chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu (2014), Luật Phòng chống thiên tai (2013), Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (2010), giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó biến đổi khí hậu của các cơ quan Chính phủ.
Trong hơn 10 năm qua, từ một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới, chúng ta đã hình thành được cơ chế gặp mặt thường niên của các nữ Chủ tịch Quốc hội, tạo cơ hội để chúng ta gặp gỡ, trao đổi và cùng chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các vấn đề cùng quan tâm. Tôi hoan nghênh chủ đề của Hội nghị lần này đó là Đoàn kết để định hình tương lai, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh trên toàn thế giới trong đó có vấn đề Đoàn kết để đảm bảo một hành tinh khỏe mạnh.
Trong tất cả những vấn đề lớn lao của thế giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phụ nữ là chủ thể quan trọng vì tri thức, năng lực của phụ nữ là nguồn lực quý giá, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, bảo vệ môi trường ở bất kỳ một quốc gia nào..
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; giám sát việc thực thi và tạo điều kiện phân bổ ngân sách thỏa đáng cho việc triển khai các chính sách liên quan đến việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó đẩy mạnh lồng ghép giới, khuyến khích phụ nữ tham gia vào hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển và thực thi chính sách về biến đổi khí hậu ở các quốc gia; các cơ quan lập pháp các nước, trong nhiệm vụ quyền hạn của mình, thúc đẩy lồng ghép SDG vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên thực hiện bình đẳng giới, việc làm bền vững và môi trường bền vững; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn và nâng cao kỹ năng cho phụ nữ để có thể tham gia giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, và tiếp cận các nguồn tài chính để cùng nhau xây dựng những chương trình, dự án tiến tới một nền kinh tế các-bon thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu có tính đầy đủ đến thực hiện bình đẳng giới.
Chủ tịch cũng đề nghị, hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội chúng ta tiến hành rà soát thường xuyên việc thực hiện các đề xuất mà chúng ta đã thông qua hàng năm, đánh giá kết quả đạt được và các hạn chế tồn tại để đưa ra phương hướng giải quyết.
Tại phiên họp về “Đoàn kết bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh”, Hội nghị cũng đã nghe các nữ Chủ tịch Quốc hội nước khác phát biểu về cách tiếp cận mới, hiệu quả trong hoạt động của Nghị viện và vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy thực thi Hiệp định Paris và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)
Các nữ Chủ tịch Quốc hội chia sẻ công tác bảo vệ môi trường, trong đó có hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường, nguồn nước; đề xuất các sáng kiến thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững cũng như Thỏa thuận Paris tại Hội nghị COP 21 năm 2015; thực hiện chính sách về tái tạo đất, ban hành pháp luật về đất đai; ký kết các thỏa thuận sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; công tác làm thế nào để “bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh”. Các nữ Chủ tịch cũng đề cập cần có hành động quyết liệt, thiết thực hơn nữa trong sản xuất thực phẩm an toàn, tiêu dùng thực phẩm hợp lý vì lợi ích, sức khỏe của cộng đồng. Các đại biểu cho rằng, Quốc hội đại diện cho ý chí của người dân, có vai trò quan trọng trong hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, cần giáo dục nâng cao nhận thức thế hệ trẻ để phát triển bền vững nền kinh tế cũng như bảo vệ lợi ích tương lai của thế hệ trẻ; cần phải đoàn kết để đối phó với những thách thức trong tương lai…
+ Tối cùng ngày, Hoàng hậu Fatima đã tổ chức Gala Dinner dành cho các nữ Chủ tịch Quốc hội và các nữ đại biểu.