Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc với Ủy ban Dân tộc

19/01/2017

Chiều 18/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã làm việc với Ủy ban Dân tộc.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu cuộc làm việc Ủy ban Dân tộc

Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội về kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, thời gian qua Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương đã chủ động, tích cực tham mưu trình Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ ban hành nhiều chính sách dân tộc nhằm tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm từ 35% năm 2011 xuống còn 16,8% cuối năm 2015 và ước cuối năm 2016 giảm xuống còn khoảng 13,3%. Đến nay, đã có 48.364 thôn có đường đến trung tâm xã, trong đó có 34.825 thôn có đường nhựa và bê tông; tỷ lệ thôn được sử dụng điện đạt 97%. Công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều tiến bộ. 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Mạng lưới y tế phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư, 100% số xã có trạm y tế xã, trong đó 45,8% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 755 Phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013 - 2015. Đến nay, đã hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho trên 18 nghìn hộ với diện tích 7 nghìn ha, kinh phí trên 160 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 190 nghìn hộ, kinh phí trên 250 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và duy tu bảo dưỡng 330 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí trên 360 tỷ đồng. Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc vẫn còn một số hạn chế. Kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt. Chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số rất thấp, đa số lao động chưa qua đào tạo. Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng người dân tộc thiểu số trên một vạn dân chỉ bằng ¼ so với tỷ lệ ở vùng phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn còn thiếu cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh và cán bộ y tế. Theo số liệu điều tra về kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số do Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện, tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 23,1%, cận nghèo 13,6%, cao gấp 4 lần so với mức bình quân chung của cả nước; tỷ lệ tảo hôn dân tộc thiểu số 26,6%; tỷ lệ dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết chữ phổ thông là 20,8%...

Về mục tiêu năm 2017, Ủy ban Dân tộc xác định tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc, vùng miền; từng bước tiến tới hoàn thành các mục tiêu chung trong Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, một số chỉ tiêu thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 và Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trò chuyện với các đại biểu

Ủy ban Dân tộc kiến nghị Quốc hội đồng ý chủ trương xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2018 của Quốc hội; bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nhất là các chính sách nhằm giải quyết các nhu cầu bức xúc của đồng bào nghèo như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề… Tăng cường giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách có liên quan đến chính sách dân tộc, phát huy vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đối với các chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ghi nhận và biểu dương các thành tích của Ủy ban Dân tộc trong việc triển khai, thực hiện các chính sách dân tộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành sự ưu tiên, quan tâm đối với đồng bào dân tộc trên cả nước. Điều này được thể hiện qua sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và Ủy ban Dân tộc đã thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ; triển khai tốt cac Nghị quyết của Quốc hội về công tác dân tộc. Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan liên quan đã có nhiều ý kiến, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như: đất đai, vệ sinh môi trường, không gian văn hóa… Đặc biệt, đã trình Chính phủ các chính sách đặc thù cho các vùng đặc biệt khó khăn. Vừa qua, Quốc hội đã có giám sát việc thực thi các chính sách dân tộc. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc thực hiện, triển khai các chính sách dân tộc vẫn còn nhiều mặt hạn chế và chưa đạt được kết qua như mong muốn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Dân tộc thời gian tới cần quan tâm rà soát lại các vấn đề về phân bổ ngân sách trong thực hiện các chính sách dân tộc, nâng cao chất lượng việc nghiên cứu tham mưu với Quốc hội, Chính phủ theo hướng nhanh nhạy, nhất quán, kiên trì. Việc chăm lo bồi dưỡng, biểu dương các cán bộ, điển hình tiên tiến cần được thực hiện tốt; quan tâm săn sóc đồng bào một cách tận tâm, tận lực. Phó Chủ tịch Thương trực Quốc hội nêu rõ, việc giữ gìn bản sắc văn hóa là một trong những chiến lược phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, mất bản sắc văn hóa dân tộc là mất tất cả. Do đó, Ủy ban Dân tộc cần phối hợp cùng các ngành văn hóa, giáo dục tham mưu việc sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn và hướng dẫn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chia sẻ với những khó khăn và tiếp thu các kiến nghị của Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, Ủy ban Dân tộc tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước các vấn đề xây dựng, triển khai thực hiện chính sách dân tộc phù hợp, thiết thực hiệu quả nhất. Qua đó, từng bước ổn định và cải thiện nâng cao chất lượng sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng.

 

Đặng Mai