Trong phần trình bày của mình, ông John Hyde, Cố vấn về lĩnh vực Nghị viện của Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP nhận định, để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cần sự quan tâm vào cuộc của nhiều thành phần, trong đó vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện SDGs là vô cùng quan trọng. Điều này đã được khẳng định rõ ràng trong chính văn kiện Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Theo đó, các nghị viện có thể tham gia vào việc hiện thực hóa SDGs qua 4 công việc chính là: giám sát – lập pháp – đại diện – thông qua ngân sách.
Ông John Hyde - Cố vấn về lĩnh vực Nghị viện của UNDP cho biết, để có thể phát huy vai trò quan trọng của Quốc hội đối với việc triển khai SDGs trong tương lai, chúng ta có thể cân nhắc một số nội dung như xây dựng một kế hoạch công việc cụ thể để hiện thực hóa SDGs, tạo cơ hội để người dân, các tổ chức dân sự, các nhà nghiên cứu và các đối tác phát triển quốc tế tham gia vào quá trình thực hiện SDGs...
Phần trình bày của các diễn giả tại Hội nghị
Vài trò của Quốc hội còn được khẳng định trong việc xây dựng pháp luật, chính sách cho phép thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; bên cạnh đó, thực hiện giám sát các chiến lược, kế hoạch, chính sách liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững. Vai trò giám sát của Quốc hội sẽ được tăng cường thông qua việc áp dụng Bộ công cụ tự đánh giá Nghị viện, thể hiện qua các khía cạnh như: tăng cường năng lực của đại biểu quốc hội về các mục tiêu phát triển bền vững và vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở tầm quốc gia; tăng cường vai trò lập pháp của Quốc hội liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia và địa phương.
Theo ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng cường vai trò giám sát chi tiêu nhằm đảm bảo nguồn lực công được sử dụng hiệu quả cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là cho những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội; tạo điều kiện hơn nữa cho mọi người dân và cộng đồng có tiếng nói trong quy trình xây dựng pháp luật và chính sách liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Cũng theo đánh giá của chuyên gia tại hội nghị, Việt Nam là một trong những nước đi đầu tại khu vực châu Á –Thái Bình Dương trong việc thực hiện bảng tiêu chuẩn 17 cam kết của các mục tiêu SDGs, trong đó nổi bật là những kết quả đạt được các mặt y tế, giáo dục. Điều này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của Quốc Hội trong việc điều phối cũng như đưa ra những chính sách hợp lý để Việt Nam có thể thực hiện, hoàn thành tốt hơn nữa các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai /.