Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” họp phiên toàn thể lần thứ 2
Tại phiên họp các đại biểu đã nghe và thảo luận về các báo cáo kết quả giám sát của các đoàn công tác của Đoàn giám sát, kết quả triển khai hoạt động của Đoàn giám sát và các nội dung triển khai trong thời gian tới.
Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật
Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn công tác số 01, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trong giai đoạn từ 2014-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, 7.706 ha rừng; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ động và 5,3ha rừng.
Dự báo trong thời gian tới, kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh, số lượng dự án công trình xây dựng, phương tiện giao thông, nhu cầu sử dụng năng lượng, khí đốt, hóa chất sẽ tiếp tục tăng cao. Nguy cơ mất an toàn trong sử dụng điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh nhất là loại hình nhà dân vừa để ở vừa kết hợp sản xuất kinh doanh vẫn là nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy.
Thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy, giai đoạn 2014-2018, Chính phủ đã ban hành 09 nghị định và 02 nghị quyết liên quan đến phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 quyết định, 03 chỉ thị, 11 công điện, văn bản chỉ đạo. Các bộ ngành trong phạm vi quản lý của mình đã xây dựng ban hành 24 Thông tư để hướng dẫn thi hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Tại các địa phương, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn ban theo thẩm quyền để tổ chức triển khai thực hiện.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn công tác số 01
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Hải Hưng, qua giám sát tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương như: Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ninh cho thấy tại hầu hết địa phương, đơn vị chủ yếu tập trung phổ biến, nắm bắt chủ trương, chính sách, pháp luật mới cơ bản đáp ứng một phần yêu cầu nhiệm vụ mà chưa chuyển hóa trong các hoạt động cụ thể nên kết quả còn hạn chế. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tổ chức thực hiện chưa được thường xuyên. Một số địa phương chưa có giải pháp kịp thời để xử lý những vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật.
Cùng với đó, tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hầu hết các cơ quan, đơn vị Đoàn giám sát đến làm việc đều cho rằng nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng cháy, chữa cháy không đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều địa phương mới chỉ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng cháy chữa cháy, các trang thiết bị chuyên dùng không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh, những quy định của Luật chưa được chấp hành một cách nghiêm túc cả về quản lý nhà nước cũng như cơ sở người dân thực hiện. Nếu như Luật Phòng cháy chữa cháy cùng với các văn bản dưới luật được chấp hành tốt thì thực trạng cháy nổ đã không nghiêm trọng như thời gian qua. Do đó, qua giám sát cần đưa ra được những kiến nghị cụ thể, thiết thực để sau giám sát có được Nghị quyết của Quốc hội gây chuyển biến thực sự.
Giám sát nắm toàn diện tình hình để có phản ánh khách quan
Báo cáo về kết quả triển khai hoạt động của Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, thực hiện Nghị quyết số 62/2018/QH14 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” và kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát, thời gian qua Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với 11 bộ ngành như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng…và 04 tập đoàn gồm Tập đoàn Than –Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; khảo sát thực tế tại Tập đoạn Vingroup. Đoàn giám sát cũng đã tổ chức khảo sát và làm việc tại 13 tỉnh, thành phố, 08 khu công nghiệp, 05 cảng biển, 03 khu đô thi, 02 chợ và khảo sát tại các bến xe, nhà máy hóa chất, rừng, công ty may mặc.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn giám sát
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội - Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, đánh giá cao sự tích cực chủ động của các đoàn công tác đã bám sát kế hoạch làm việc, triển khai công việc với các địa phương, đơn vị một cách hiệu quả và cho rằng, thời gian qua các đoàn công tác thực hiện khối lượng công việc tương đối lớn để nắm bắt tìm hiểu khái quát tình hình.
Tán thành với nội dung báo cáo của các đoàn công tác phản ánh tình hình chung, đánh giá khách quan toàn diện về công tác phòng cháy chữa cháy ở địa phương, đơn vị nơi đoàn đến giám sát và có các đề xuất cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị các đoàn công tác hoàn thiện thêm báo cáo kết quả giám sát theo hướng khái quát được đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị nơi đến giám sát thực tế, đánh giá những mặt được và chưa được và những vấn đề cần kiến nghị phải đưa vào báo cáo kết quả giám sát chung
Về dự kiến kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 7, Đoàn giám sát sẽ tổ chức làm việc sâu với các bộ ngành liên quan về một số nội dung lớn như phòng chống cháy rừng; phòng cháy chữa cháy ở các khu công nghiệp tập trung, khu vực làng nghề, xưởng kinh doanh, khu chung cư cao tầng; phòng cháy chữa cháy đối với kho xăng dầu, khí hóa lỏng các nhà máy hóa chất, điện; tiếp tục giám sát tại một số cơ sở vui chơi, giải trí, kinh doanh karaoke; bố trí thời gian giám sát trực tiếp tại Cục Cảnh sát phòng cháy cháy chữa cháy, Bộ Công an.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận phiên họp
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên đoàn giám sát, các đoàn công tác triển khai giám sát theo đúng tinh thần của Nghị quyết của Quốc hội; Tổ giúp việc bắt tay ngay vào tổng hợp báo cáo kết quả giám sát. Lưu ý, dự thảo Báo cáo kết quả giám sát cần bao quát, phản ánh khách quan, trung thực các mặt được, chưa được, có số liệu dẫn chứng minh họa, chỉ rõ địa chỉ các cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt, chưa hiệu quả, nêu cụ thể trách nhiệm; cùng với đó các kiến nghị, đề xuất phải cụ thể, rõ ràng, khả thi. Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ kỳ vọng thông qua giám sát tình hình cháy nổ sẽ được hạn chế, hậu quả của cháy nổ sẽ bớt nặng nề.../.