CHUYẾN THĂM ẤN ĐỘ CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: SÂU SẮC QUAN HỆ ĐỐI TÁC – KHAI THÁC TIỀM NĂNG ĐẦU TƯ

22/12/2021

Đánh giá về chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định chuyến thăm đã đạt được thành công trên nhiều phương diện và hơn cả mong đợi…

 

Nối lại việc duy trì hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao giữa hai nước sau các giai đoạn căng thẳng của đại dịch COVID- 19, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thể hiện sự coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước nói riêng, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trên cơ sở trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới của lãnh đạo hai nước; đồng thời, hai bên trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục, y tế, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, đóng góp thiết thực vào công cuộc chống đại dịch và phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19; tìm hiểu rõ hơn tình hình, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của mỗi nước trong thời gian tới. Thành công của chuyến thăm đã tạo động lực mới cho quan hệ giữa hai nước.

Về quan hệ 2 nước

Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có lịch sử bắt nguồn từ những giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru gây dựng, vun đắp từ thập niên 50 của thế kỷ 20. Hai nước luôn giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng, phát triển đất nước. Cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 1978 đã từng nói “Mối quan hệ giữa hai nước trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến dâng hoa tại Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi

Trong thời gian qua, bất chấp những ảnh hưởng do dịch COVID-19, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam vẫn phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực quan hệ kinh tế, thương mại. Bên cạnh đó, hai bên đã thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới như quản lý nguồn nước, công nghệ thông tin hay các dự án ngắn, đầu tư nhỏ tại các địa phương về bảo tồn văn hóa di sản Việt Nam. Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước cũng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng lực quốc phòng của mỗi nước.

Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ và vui mừng khi Ấn Độ cũng ưu tiên thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong chính sách “Hành động hướng Đông” của mình.

Kể từ khi hai nước thiết lập Đối tác Chiến lược toàn diện đến nay, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều trụ cột hợp tác. Hai nước đang phối hợp chặt chẽ triển khai Chương trình hành động 2021 - 2023 nhằm đưa quan hệ ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực cho chính phủ và nhân dân hai nước; duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp và đã thông qua Tầm nhìn chung về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân (tháng 12/2020).

Hội nghị trực tuyến về Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hoà bình, thịnh vượng và người dân (tháng 12/2000)

Quốc phòng và an ninh đã trở thành trụ cột quan trọng của mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể, phong phú giữa các quân, binh chủng của hai nước.

Một trụ cột khác trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ là thương mại và đầu tư. Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và thứ 4 ở Đông Nam Á. Nông nghiệp, thủy sản, dệt may, dược phẩm, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, năng lượng là động lực chính trong các mối quan hệ kinh tế. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng trưởng mạnh mẽ từ mức 5,5 tỷ USD năm 2016 lên 11,2 tỷ USD trong năm 2020 và kỳ vọng sẽ đạt hơn 13 tỷ USD trong năm 2021, mức cao nhất từ trước tới nay.

Các lĩnh vực hợp tác truyền thống khác như giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân đã có những phát triển thực chất.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, đào tạo, Ấn Độ tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại và các khoản tín dụng ưu đãi trên cơ sở phát triển lâu dài với việc thành lập Trung tâm Văn hóa Ấn Độ, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi.

Tiềm năng hợp tác

Hợp tác về năng lượng và dầu khí, về cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng hàng không được nhìn nhận là những điểm sáng và có nhiều tiềm năng để tạo ra đột phá trong tương lai của hai nước, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như dệt may, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô... Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc đẩy mạnh hợp tác về y tế và dược phẩm sẽ là điểm mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Bởi Ấn Độ là cường quốc về dược phẩm, cung cấp đến hơn 50% tổng lượng vaccine cho toàn thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ

Hợp tác về công nghệ thông tin và start up cũng hy vọng mang lại các đột phá mới, Ấn Độ là một trong những cường quốc về công nghệ thông tin, chỉ riêng năm 2020 đã có gần 40 start up của Ấn Độ trở thành kỳ lân (Unicorn) với tổng giá trị trên 1 tỷ USD.

Lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hứa hẹn sẽ là lĩnh vực rất tiềm năng thời gian tới khi Việt Nam đang kêu gọi những làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp, tập đoàn của Ấn Độ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo…

Trong đó, hợp tác về công nghệ thông tin (CNTT) là lĩnh vực hợp tác quan trọng thuộc  quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam- Ấn Độ. Vào năm 2020, khi mà cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 làm gián đoạn mọi hoạt động, CNTT đã trỗi dậy và trở thành công cụ có tính ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực như: quản trị, công nghệ tài chính, giáo dục, kinh doanh, công việc văn phòng và kết nối xã hội. Tầm quan trọng ngày càng tăng của hệ sinh thái kỹ thuật số trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, tầm nhìn của cả Ấn Độ và Việt Nam trong việc phát triển ngành CNTT và cuộc cách mạng 4.0, tạo cơ hội hợp tác mới giữa hai nước.

Từ năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai chương trình chủ lực mang tên "Chiến lược chuyển đổi số Ấn Độ" với tầm nhìn hướng tới việc chuyển đổi Ấn Độ thành một xã hội số hóa và một nền kinh tế tri thức. Chương trình này tập trung vào tầm nhìn chiến lược đưa cơ sở vật chất số hóa trở thành một tiện ích chính cho mọi công dân. Bên cạnh việc hỗ trợ các dự án, chương trình khởi nghiệp, Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để chuyển đổi cơ cấu với mục tiêu cung cấp thông tin và dịch vụ tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (đứng giữa) cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây thực hiện nghi thức phát động chiến dịch đẩy mạnh chuyển đổi số (tháng 6/2020)

Trong khi đó, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia phát triển mạnh về ngành công nghệ thông tin trong khu vực ASEAN. Cụ thể, tháng 6/2020, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việt Nam đặt mục tiêu nâng đóng góp của nền kinh tế số vào GDP lên 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, đồng thời xác định đưa Việt Nam vào top 3 các quốc gia hàng đầu ASEAN về Chính phủ số (năm 2030). Việt Nam cũng lên kế hoạch khởi động Mạng di động 5G trong thời gian tới, trong đó ưu tiên chú trọng tới sản xuất thông minh, Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Công nghệ Blockchain, Dữ liệu trực tuyến, An ninh mạng, Công nghệ Tài chính, Công nghệ in 3D, Hệ sinh thái 5G, Thành phố Thông minh. Do đó, công nghệ thông tin đang trở thành một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa hai nước. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực nói chung và trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 nói riêng.

Trong lĩnh vực y tế, tác động của đại dịch COVID-19 khiến việc các nước tự sản xuất một số loại thiết bị như cấp cứu ICU, máy thở chi phí thấp, bộ PPE và các công nghệ khử trùng,... là cần thiết. Điều này khiến Ấn Độ nổi lên như một trong những nhà sản xuất lớn nhất của các loại thiết bị trên. Ấn Độ hiện là thị trường thiết bị y tế lớn thứ 4 ở Châu Á và nằm trong top 20 thị trường thiết bị y tế hàng đầu thế giới.

Là "Nhà thuốc của thế giới", ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đóng góp lớn vào hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu. Ấn Độ cung cấp hơn 60% các loại vaccine khác nhau trên toàn cầu, chiếm 20% lượng thuốc gốc xuất khẩu trên thế giới. Tổng quy mô của ngành dược phẩm Ấn Độ ước tính vào khoảng 43 tỷ USD vào năm 2019 và có khả năng đạt 55 tỷ USD năm 2022. Ấn Độ cũng đi đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19 khi cung cấp các loại thuốc hỗ trợ để đối phó với đại dịch ở gần 150 quốc gia; khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới từ trước đến nay trong lịch sử nhân loại với hai loại vaccine "sản xuất tại Ấn Độ" để chống lại đại dịch.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ

Những cơ hội mà ngành dược phẩm mang lại cho hai nước đã được ghi nhận trong "Tầm nhìn chung Ấn Độ - Việt Nam vì hòa bình, thịnh vượng và người dân" mà Thủ tướng Chính phủ hai nước đã thông qua tại Hội đàm cấp cao trực tuyến diễn ra vào ngày 21/12/2020.

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung vào khuyến khích sản xuất thuốc trong nước cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm từ hai phía hiện nay còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Do đó, cần kích thích để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tìm hiểu cơ hội đầu tư tại hai nước bằng cách tận dụng các chế độ tự do hóa đầu tư.

Hoạt động phong phú, trao đổi thực chất

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Ấn Độ đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 2022).

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind  và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi nhiều nội dung mà hai Bên cùng quan tâm

Điểm lại các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội với lịch trình dày đặc các cuộc tiếp, hội đàm cấp cao, gặp gỡ lãnh đạo địa phương, các cuộc gặp với đại diện các doanh nghiệp nước sở tại và cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ, các tổ chức hữu nghị Việt - Ấn và những người bạn Ấn Độ cho thấy sự toàn diện của chuyến thăm về ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế…:

Ngay sau khi đến Thủ đô New Delhi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới thăm trụ sở Đại sứ quán và gặp gỡ thân mật đại diện cộng đồng người Việt Nam tại nhiều địa phương ở Ấn Độ...

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Tòa nhà Nghị viện, Thư viện Quốc hội Ấn Độ, có cuộc gặp nhanh với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty công nghệ HCL Roshni Nadar Malhotra; tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Bharat Biotech Suchitra Ella và Tỷ phú Prakash Hinduja, Chủ tịch khu vực châu Âu của Tập đoàn Hinduja.

* Chủ tịch Quốc hội đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) D. Raja; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Marxist (CPI-M) Sitaram Yechury; lãnh đạo Đảng Quốc đại Ấn Độ.

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla. 

* Chủ tịch Quốc hội tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Ấn Độ.

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu.

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ hiến bang Kerala (Ấn Độ) Pinarayi Vijayan

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm bang Karnatak, Chủ tịch Quốc hội đã gặp Thống đốc bang Thawar Chand Gehlot và lãnh đạo bang Karnataka.

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có cuộc gặp gỡ với Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Ấn – Việt Kusum Jain, Chủ tịch Hội Hữu nghị Ấn – Việt K.L. Malhotra, thành viên các hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam và đông đảo bạn bè Ấn Độ.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đến thăm Viện Chuyển đổi quốc gia Ấn Độ và có cuộc làm việc với Phó Chủ tịch Rajiv Kumar và lãnh đạo của viện; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có buổi làm việc với Bộ trưởng Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ Anurag Singh Thakur; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Khoa học Trái đất Ấn Độ Jitendra Singh về hợp tác trong lĩnh vực biển và sinh thái biển; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa kiêm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Meenakashi Lekhi; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Tổng Thư ký Văn phòng Hạ viện Ấn Độ Utpal Kumar Singh ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Hạ viện Ấn Độ trong lĩnh vực thư viện và truyền hình Quốc hội.

 Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.

Trong các cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của nhà nước Ấn Độ, hai bên khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp. Đồng thời, mong muốn hai nước tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, tham gia vào chuỗi cung ứng, góp phần bổ trợ cho sự phát triển kinh tế ở mỗi nước.

Chủ tịch Hạ viên Om Birla khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chính sách "Hành động hướng Đông" cũng như một đối tác trọng yếu trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Om Birla nhất trí phối hợp tổ chức tốt các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022 nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau của người dân hai nước; đánh giá cao hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện sự tin cậy cao giữa hai nước; bày tỏ vui mừng khi thương mại hai chiều giữa hai nước tăng nhanh trung bình gần 20% mỗi năm trong 5 năm qua, đạt hơn 12 tỷ trong năm nay, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD/năm trong những năm tới trên cơ sở những biện pháp và phương hướng cụ thể đã đề ra. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển bền vững, kinh tế xanh, ứng phó biến đổi khí hậu. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam gặp Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu   

Tại cuộc gặp Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu, hai bên đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa các Cơ quan lập pháp hai bên trong thời gian qua và nhất trí tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và trên các kênh Đảng, địa phương và giao lưu Nghị sĩ hữu nghị, giao lưu nhân dân; Nhất trí tăng cường các hoạt động phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá có thế mạnh của nhau. Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ ô tô, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác văn hóa, bảo tồn di sản, giao lưu nhân dân và du lịch trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác về chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.

Hội kiến Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai nước trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt Chương trình hành động 2021-2023, triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và Tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và người dân, đã được thông qua tháng 12/2020, để không ngừng tăng cường hơn nữa quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa hai nước. Hai bên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên và còn nhiều tiềm năng như kinh tế-thương mại-đầu tư, quốc phòng-an ninh, năng lượng, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, y tế, giáo dục-đào tạo, văn hóa, tôn giáo, du lịch, giao lưu nhân dân trong thời gian tới. Hai bên nhất trí cần có kế hoạch tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch trong giai đoạn “hậu COVID-19”.

Trong khi đó, tại các buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và ủng hộ các hoạt động kinh doanh của các Tập đoàn tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chi phí thuê và sử dụng đất.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Tập đoàn Essar

Khẳng định, Việt Nam khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán COVID-19, thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19; đồng thời cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, lâu dài tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hy vọng chuyến thăm chính thức Ấn Độ lần này với sự tham gia của các thành viên Chính phủ, bộ, ngành và doanh nghiệp sẽ tạo làn sóng đầu tư mới từ Ấn Độ vào Việt Nam.

Dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, đồng thời chứng kiến Lễ trao 12 thoả thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực y tế, hợp tác sản xuất thuốc và vaccine, cung cấp nguyên liệu dược phẩm, chế biến dấu khí và năng lượng, xử lý chất thải... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều dư địa để phát triển và hy vọng, quan hệ đầu tư giữa hai nước sẽ bùng nổ như là thương mại mà hai bên đã đạt được. 

Sự cởi mở, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn và những cam kết rõ ràng về hoàn thiện hệ thống pháp luật của Chủ tịch Quốc hội đã góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư Ấn Độ, từ đó cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư hoặc mong muốn đầu tư mới tại Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Ấn Độ từ 15 - 19/12

Chuyến thăm với các hoạt động phong phú, nhiều cấp độ, trao đổi thực chất và đã thành công tốt đẹp, đạt kết quả toàn diện về chính trị, đối ngoại, ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao vaccine, đối ngoại đảng, ngoại giao nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần quan trọng mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội được coi là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, là dịp để lãnh đạo hai bên trao đổi các biện pháp nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như quốc phòng, an ninh, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số./.

Bảo Yến