KẾ HOẠCH SỐ 555-KH/ĐĐQH15 CỦA ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ ĐƯỢC BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC GIAO

04/03/2022

Ngày 03/3/2022, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 về “triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội”

 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI

*

Số 555-KH/ĐĐQH15

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

-------------------------------

                                           Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2022

 

 

KẾ HOẠCH

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội trong năm 2022

----------------------

 

Thực hiện Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW ngày 26/01/2022 về “Triển khai thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII” (sau đây gọi là Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW) và Chương trình công tác số 14-Ctr/BCĐTW ngày 28/01/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo), Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Bảo đảm triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW và Chương trình công tác số 14-Ctr/BCĐTW của Ban Chỉ đạo nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá".

2. Việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công phải góp phần đánh giá đúng thực trạng cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ chế giám sát về phòng, chống tiêu cực; việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Qua đó kiến nghị, đề xuất khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

3. Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội phải được tiến hành nghiêm túc, thiết thực. Nội dung Kế hoạch bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bám sát nội dung và yêu cầu công việc được giao, có sự kết hợp chặt chẽ với Kế hoạch số 527-KH/ĐĐQH15 ngày 9/02/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về “Triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá”; phải phân công trách nhiệm và xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

II. NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

Tại Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW ngày 26/01/2022 và Chương trình công tác số 14-Ctr/BCĐTW ngày 28/01/2022 của Ban Chỉ đạo, Đảng đoàn Quốc hội và Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo được phân công chủ trì, phối hợp với các Thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện 04 nhiệm vụ, cụ thể là:

(1) Nhiệm vụ 1: Chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Đối với nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo phân công Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách gồm Đồng chí Nguyễn Khắc Định chủ trì, các Đồng chí Tô Lâm, Lương Cường, Nguyễn Hòa Bình, Đỗ Văn Chiến, Lê Minh Trí, Lê Thị Nga, Lê Thành Long, Đoàn Hồng Phong, Trần Sỹ Thanh phối hợp.

(2) Nhiệm vụ 2: Chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đối với nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo phân công Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách gồm Đồng chí Nguyễn Khắc Định chủ trì, các Đồng chí Lê Thị Nga, Võ Văn Dũng, Lê Thành Long phối hợp.

(3) Nhiệm vụ 3: Chỉ đạo hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để phòng, chống tiêu cực. Đối với nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo phân công Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách gồm Đồng chí Nguyễn Khắc Định chủ trì, các Đồng chí Trần Cẩm Tú, Đỗ Văn Chiến, Lê Thị Nga, Võ Văn Dũng phối hợp.

(4) Nhiệm vụ 4: Chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán, …; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo phân công Đồng chí Nguyễn Khắc Định chủ trì; các Đồng chí Tô Lâm, Lương Cường, Đỗ Văn Chiến, Lê Minh Trí, Lê Thị Nga, Lê Thành Long, Đoàn Hồng Phong, Trần Sỹ Thanh phối hợp chỉ đạo thực hiện[1].

Để triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ nêu trên, Đảng đoàn Quốc hội phân công nhiệm vụ thành viên Đảng đoàn Quốc hội và cơ quan chủ trì, phối hợp, cơ quan thường trực; nội dung và tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Nhiệm vụ 1: Chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

a) Cơ quan chủ trì: Đảng đoàn Quốc hội.

b) Chịu trách nhiệm chỉ đạo:

- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội.

- Các Đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giúp Đồng chí Nguyễn Khắc Định chỉ đạo tổ chức thực hiện.

c) Cơ quan thường trực: Thường trực Ủy ban Tư pháp.

d) Cơ quan phối hợp:  

- Các cơ quan được phân công phối hợp thực hiện theo Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW, bao gồm: Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ban cán sự đảng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Cơ quan do Đảng đoàn Quốc hội đề nghị phối hợp thực hiện: Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước.

- Các cơ quan do Đảng đoàn Quốc hội phân công thực hiện, bao gồm: Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.

đ) Nội dung thực hiện:

- Tập trung rà soát các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực, “trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị” (theo Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị); trên cơ sở đó sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

- Trên cơ sở kế thừa kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua tiến hành rà soát tổng thể, toàn diện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung ưu tiên rà soát những lĩnh vực đột phá trong phòng, chống tiêu cực, những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều tiêu cực; đồng thời báo cáo kết quả sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được thực hiện.

e) Tiến độ thực hiện:

- Xây dựng văn bản của Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực (Các Ban cán sự đảng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc lĩnh vực của mình; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực phụ trách): Chậm nhất là 10/03/2022.

- Các cơ quan hữu quan chủ động thực hiện theo Kế hoạch và bước đầu gửi báo cáo tiến độ rà soát đến Thường trực Ủy ban Tư pháp: Thời gian 30/6/2022.

- Các cơ quan hữu quan gửi báo cáo kết quả rà soát đến Thường trực Ủy ban Tư pháp để tổng hợp, xây dựng báo cáo chung: Chậm nhất là 31/8/2022.

- Dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát: Chậm nhất là 31/10/2022.

- Tổ chức xin ý kiến của các Thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phối hợp, các cơ quan hữu quan về dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát: Chậm nhất là 30/11/2022.

- Tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội: Chậm nhất là 15/12/2022.

- Tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo: Chậm nhất là 25/12/2022.

2. Nhiệm vụ 2: Chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

a) Cơ quan chủ trì: Đảng đoàn Quốc hội.

b) Chịu trách nhiệm chỉ đạo:

 - Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội.

- Các Đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giúp Đồng chí Nguyễn Khắc Định chỉ đạo tổ chức thực hiện.

c) Cơ quan thường trực: Thường trực Ủy ban Tư pháp.

d) Cơ quan phối hợp:

- Các cơ quan được phân công phối hợp thực hiện theo Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW, bao gồm: Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.

- Các cơ quan do Đảng đoàn Quốc hội đề nghị phối hợp thực hiện: Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

- Các cơ quan do Đảng đoàn Quốc hội phân công thực hiện, bao gồm: Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp.

 đ) Nội dung, tiến độ thực hiện:

(1) Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Đảng đoàn Quốc hội thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”. Thành phần Ban soạn thảo (có Quyết định riêng của Đảng đoàn Quốc hội thành lập Ban soạn thảo) bao gồm:

- Trưởng ban: Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội.

- Các Phó Trưởng ban: Đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (là Phó Trưởng ban thường trực); Đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Đồng chí Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương.

- Các thành viên: Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Đồng chí Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Đồng chí Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh; Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu; Đồng chí Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện; Đồng chí Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và một số thành viên khác do Đảng đoàn Quốc hội quyết định.

- Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo: Thường trực Ủy ban Tư pháp.

(2) Ban soạn thảo có trách nhiệm:

+ Ban hành Kế hoạch triển khai việc xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” (sau đây gọi là dự thảo Quy định); phân công nhiệm vụ các thành viên Ban soạn thảo; thành lập Tổ biên tập (Theo Kế hoạch riêng của Ban soạn thảo).

+ Xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quy định (Kèm theo là Báo cáo kết quả nghiên cứu tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; Tờ trình về dự thảo Quy định); dự kiến Kế hoạch của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Quy định: Hoàn thành trong tháng 9/2022.

+ Trình Đảng đoàn Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Quy định: Hoàn thành trong tháng 10/2022.

+ Tiếp thu ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Quy định: Hoàn thành trong tháng 11/2022.

(3) Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về dự thảo Quy định: Trong tháng 12/2022.

3. Nhiệm vụ 3: Chỉ đạo hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để phòng, chống tiêu cực.

a) Cơ quan chủ trì: Đảng đoàn Quốc hội.

b) Chịu trách nhiệm chỉ đạo:

- Đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội.

- Đồng chí Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Đồng chí Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Đồng chí Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện giúp Đồng chí Trần Quang Phương chỉ đạo tổ chức thực hiện.

- Các Đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội khác chịu trách nhiệm chỉ đạo theo lĩnh vực được phân công.

c) Cơ quan thường trực: Văn phòng Quốc hội.

d) Cơ quan phối hợp:

- Các cơ quan được phân công phối hợp thực hiện theo Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW, bao gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Các cơ quan do Đảng đoàn Quốc hội phân công thực hiện, bao gồm: Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

đ) Nội dung, tiến độ thực hiện:

- Lồng ghép nội dung hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để phòng, chống tiêu cực trong quá trình xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và qua việc thực hiện nhiệm vụ giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Thời gian thực hiện: Theo tiến độ Kế hoạch xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội đã được Đảng đoàn Quốc hội thông qua.

- Các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao khi tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát có trách nhiệm lồng ghép nội dung giám sát về phòng, chống tiêu cực.

Thời gian thực hiện: Tiến hành thường xuyên.

- Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện hoạt động giám sát khi được Ban Chỉ đạo yêu cầu.

4. Nhiệm vụ 4: Chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán, …; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

a) Chịu trách nhiệm chỉ đạo:

- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội.

- Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giúp Đồng chí Nguyễn Khắc Định chỉ đạo tổ chức thực hiện.

b) Phối hợp chỉ đạo thực hiện:

Các Đồng chí Tô Lâm, Lương Cường, Đỗ Văn Chiến, Lê Minh Trí, Lê Thị Nga, Lê Thành Long, Đoàn Hồng Phong, Trần Sỹ Thanh (Theo sự phân công của Ban Chỉ đạo tại Chương trình công tác số 14-Ctr/BCĐTW).

c) Cơ quan thường trực: Thường trực Ủy ban Pháp luật.

d) Cơ quan phối hợp:  

- Các cơ quan do Đảng đoàn Quốc hội đề nghị phối hợp thực hiện, bao gồm: Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ban cán sự đảng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước;

- Các cơ quan do Đảng đoàn Quốc hội phân công thực hiện, bao gồm: Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Thường trực Ủy ban Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp.

đ) Nội dung thực hiện:

- Tập trung rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán…

- Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

e) Tiến độ thực hiện:

- Đối với nội dung rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán…:

+ Xây dựng văn bản của Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán,… nhằm phát hiện những sơ hở, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung: Chậm nhất là 10/03/2022.

+ Các cơ quan hữu quan chủ động thực hiện theo Kế hoạch và bước đầu gửi báo cáo tiến độ rà soát đến Thường trực Ủy ban Pháp luật: Thời gian 30/6/2022.

+ Các cơ quan hữu quan gửi báo cáo kết quả rà soát đến Thường trực Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, xây dựng báo cáo chung: Chậm nhất là 31/8/2022.

+ Dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát: Chậm nhất là 31/10/2022.

+ Tổ chức xin ý kiến của các Thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phối hợp, các cơ quan hữu quan về Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát: Chậm nhất là 30/11/2022.

+ Tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo: Chậm nhất là 25/12/2022.

- Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

Các cơ quan hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động thực hiện hoặc phối hợp thực hiện việc soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật khác có liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, các Đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội được phân công chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan hữu quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ thường trực có trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các công việc đã được xác định trong Kế hoạch; theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đúng tiến độ để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

3. Kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kinh phí tiến hành các hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng báo cáo chuyên đề của các cơ quan, tổ chức ngoài các cơ quan của Quốc hội do các cơ quan, tổ chức đó bảo đảm./.

 

Nơi nhận:

- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC (để b/c),

- Các Đ/c thành viên BCĐTW về PCTN, TC  được phân công chỉ đạo, phối hợp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch (để p/h chỉ đạo t/h),

- Các Đ/c thành viên Đảng đoàn QH,

- Đảng đoàn MTTQVN,

- Ủy ban Kiểm tra TƯ, Ban Nội chính TƯ,

- Các Ban cán sự đảng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp,

- Thường trực HĐDT, các Ủy ban của QH,

các cơ quan thuộc UBTVQH, VPQH,

- Lưu VPĐĐ, UBTP.

 Số e-PAS: 15363      

T/M ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI

BÍ THƯ 

 

(Đã ký)

 

Vương Đình Huệ

 

 

 

 

 

 

 

 ----------------------------------------------------                                                              

[1] Đây là nhiệm vụ Ban Chỉ đạo giao cho Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì thực hiện. Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị và khoản 8 Điều 8 Quy chế làm việc số 09-QC/BCĐTW ngày 10/01/2022 của Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo “được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của cơ quan, tổ chức do mình trực tiếp quản lý, phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công”. Vì vậy, nhiệm vụ này cần được Đảng đoàn Quốc hội phân công triển khai thực hiện.

Các bài viết khác