Tham dự Phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cùng các Phó Chủ nhiệm, thành viên Ủy ban; đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và các chuyên gia.
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Phiên họp.
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển Giao dịch điện tử hiện nay. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng Giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai 3 các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các Giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.
Thứ hai, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong Giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy... Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.
Thứ ba, các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động.
Thứ tư, các quy định về Giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã có, tuy nhiên cần phải bổ sung các quy định cụ thể như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước… để bảo đảm các hoạt động của cơ quan nhà nước được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm công tác: quản trị nội bộ, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công, giám sát, kiểm tra, thanh tra.
Thứ năm, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 và chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử, do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo Luật.
Thứ sáu, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… Việc quản lý, phát triển hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là không thể thiếu, vì đây là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế số; là trung gian giao dịch giữa người dùng cuối và người dùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn và rất lớn nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nêu trên, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng bảm bảo thích ứng được với sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần thiết phải xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn thay mặt Ủy ban thẩm tra đề cập về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Thay mặt cơ quan thẩm tra về dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết: Tiểu ban Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi toàn diện dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về chuyển đổi số, giao dịch điện tử, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành.
Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp đã được nêu ra tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 15/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Tiểu ban Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cơ bản nhất trí về thủ tục, hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật do đã tuân thủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, qua rà soát, Tiểu ban nhận thấy: Tờ trình dự án Luật chưa phân tích đầy đủ, làm rõ những nội dung của luật hiện hành còn phù hợp cần kế thừa, những vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng trong tình hình mới, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau.
Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật còn khá mờ nhạt về một số nội dung đánh giá tác động kinh tế - xã hội đối với một số chính sách, cơ quan soạn thảo mới chỉ đưa ra những nhận định mà chưa có số liệu cụ thể minh chứng cho các nhận định, đánh giá; chưa có số liệu cụ thể về chi phí sử dụng chữ ký điện tử; chi phí thực hiện thủ tục hành chính; chi phí bình quân người dân và doanh nghiệp phải bỏ ra khi sử dụng giao dịch điện tử theo quy định hiện hành; chi phí tiết kiệm mà người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi khi áp dụng chính sách mới. Còn thiếu các dự thảo văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, bổ sung thêm tài liệu để cung cấp thêm thông tin trong quá trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật.
Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân bày tỏ ý kiến tại Phiên họp.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về tính thống nhất về hệ thống pháp luật đối với an toàn, an ninh bảo mật trong giao dịch điện tử; sự tương thích của dự án Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, khi sửa đổi Luật cần chú trọng đến tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế-xã hội, góp phần giảm chi phí cho công dân và các thủ tục hành chính cũng như triển khai tốt hơn chính sách phát triển giao dịch điện tử.
Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân nhất trí với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và cho rằng, khi sửa đổi Luật, Ban soạn thảo cần tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực để tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực... cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là với các vấn đề liên quan cần phối hợp giữa nhiều Bộ, ngành. Ngoài ra, việc triển khai giao dịch điện tử với tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội cần góp phần tiết kiệm các chi phí trực tiếp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch dân sự.
Đề cập về chính sách phát triển giao dịch điện tử, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương nêu ý kiến: Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn nhằm khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ, phát triển thương mại, dịch vụ, lưu thông, phân phối hàng hóa, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các vùng ngày. Đây là chính sách quan trọng nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, nhất là các vùng khó khăn. Đồng thời, các nghị định, quyết định của Chính phủ hoặc văn bản thi hành luật cần cụ thể hóa chính sách này để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và yêu cầu Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra dự án Luật làm rõ hơn những vấn đề trong giao dịch điện tử dịch vụ công trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau để làm rõ hơn những nội dung về dịch vụ liên quan trong giao dịch điện tử; làm rõ những thách thức trong quản lý an ninh, an toàn thông tin, chống gian lận thương mại cũng như hội nhập quốc tế trong giao dịch điện tử.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các cơ quan bổ sung báo cáo đánh giá tác động về chi phí chuyển đổi trong các giao dịch lớn; đánh giá tác động, hiệu quả đầu tư thông qua các giao dịch điện tử, qua đó, có thể biết doanh nghiệp, các cơ quan cần thực hiện những nhiệm vụ gì; nghiên cứu chính sách về giao dịch điện tử; phân định rõ vai trò của các cơ quan hữu quan trong triển khai thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sao cho phù hợp với các luật lệ và điều ước quốc tế.
Trên tinh thần, yêu cầu như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan hữu quan cũng như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Phiên họp để hoàn thiện dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp.
Tiếp thu quan điểm chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các đại biểu tham dự Phiên họp; đồng thời yêu cầu cơ quan soạn thảo dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tập trung rà soát để các nội dung của dự án Luật đồng bộ với các luật khác cũng như các quy định, điều ước quốc tế.
Về phía Tiểu ban Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần có thêm những đánh giá về 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử; bám sát thẩm tra vào 9 nhóm chính sách đã được đưa ra để trình Ủy ban Thường Thường vụ Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến trong Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề cập về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) phải thống nhất, tránh chồng chéo với các luật khác.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đề cập về việc thanh tra, giám sát để tránh giao dịch điện tử chồng chéo, lộ lọt thông tin của khách hàng.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho ý kiến về đảm bảo an toàn khi giao dịch điện tử xuyên biên giới.
Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương nêu ý kiến về nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Đăng Lực nói về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động giao dịch điện tử.
Nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội Nghiêm Xuân Bạch cho rằng, khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử phải không phát sinh các loại giấy tờ, tránh tình trạng "xin cho" trong quá trình làm thủ tục hành chính.