PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ HAI CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

20/02/2023

Sáng 20/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI CDC LÂM ĐỒNG

Toàn cảnh phiên họp

Chuyên đề giám sát được cử tri quan tâm, gửi gắm kỳ vọng

Dự Phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Kiểm toán nhà nước cùng một số cơ quan hữu quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chuyên đề giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được dư luận xã hội, nhân dân rất quan tâm. Mục tiêu của giám sát chuyên đề là chỉ ra được những mặt tốt, tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, vướng mắc để kịp thời khắc phục, tháo gỡ. Việc lựa chọn chuyên đề giám sát này đã đáp ứng kỳ vọng của cử tri, nhân dân, để góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng việc đổi mới sách giáo khoa trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Thực hiện Kế hoạch số 59 ngày 11/10/2022 của Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Đoàn giám sát tổ chức Phiên họp lần thứ 2 để nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo, làm rõ một số vấn đề về Chương trình giáo dục phổ thông 2018; báo cáo tiến độ triển khai công việc của Đoàn giám sát từ sau phiên họp lần thứ nhất và thảo luận một số nội dung, hoạt động của Đoàn trong các tháng tiếp theo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến về các nội dung, phát biểu thẳng thắn, nêu rõ quan điểm và đề xuất cụ thể để tạo điều kiện cho Tổ giúp việc tiếp thu, hoàn thiện các văn bản.

Tại phiên họp, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, về việc ban hành chính sách, pháp luật, Bộ đã ban hành Quyết định số 2632/QĐ-BGDĐT ngày 24/7/2015 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành 24 văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các nhiệm vụ giải pháp thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa; các địa phương tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương trình; thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa, phê duyệt tài liệu giáo dục của địa phương, kịp thời triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.

Đối với công tác quán triệt, triển khai các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt và tuyên truyền trên phạm vi cả nước về mục tiêu, nguyên tắc, định hướng và các giải pháp chủ yếu xây dựng, biên soạn và thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo yêu cầu của Nghị quyết 88 thông qua các hội nghị, hội thảo, hệ thống văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện từ trung ương đến các đại phương. Các nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa được quán triệt, triển khai thông qua kế hoạch công tác hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo

Đối với việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã chuẩn bị điều kiện để xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa: Thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thành lập Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Ban Phát triển chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; thành lập Hội quốc gia thẩm định các chương trình môn học; Ban hành kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 và Quyết định 404 và kế hoạch hằng năm để triển khai các nhiệm vụ đối mới chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 40/2000/QH10; xác định những ưu điểm, hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và công tác chỉ đạo, tổ chức, chuẩn bị điều kiện xây dựng, biên soạn, triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông, chỉ ra nguyên nhân của tru điểm, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm từ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trong xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tổ chức triển khai thực hiện 28 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp thiết phục vụ xây dựng, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Ban Phát triển chương trình tổng thể và Ban Phát triển các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, về mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với cách tiếp cận khác biệt căn bản so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng giáo dục phổ thông, đó là chuyển từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Cần đẩy mạnh truyền thông, thống nhất cách hiểu trong việc sử dụng sách giáo khoa

Tham gia thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chuẩn bị tài liệu của tương đối đầy đủ, toàn diện, đồng thời bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong khối giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề. Một số ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án khả thi để giúp giáo viên tiếp cận sớm hơn với tài liệu giảng dạy, nhất là đối với những khối lớp đang tiến hành đổi mới chương trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, một điểm mới quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ truyền tải kiến thức sang phát triển năng lực, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực theo quan điểm này, để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng định hướng đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, hiện nay các trường học đang triển khai việc chuyển đổi chương trình cũ sang chương trình mới theo trình tự cuốn chiếu, gây ra sự đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên, gây khó khăn cho các em học sinh phải học một chương trình học mới khi lên cấp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ các giải pháp để giúp học sinh bổ trợ kiến thức, đồng thời giúp các giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp để tháo gỡ vướng mắc này.

Cùng tham gia thảo luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện nay các địa phương đang có những cách hiểu khác nhau trong việc sử dụng sách giáo khoa, do vậy, cần có sự đẩy mạnh về công tác thông tin, truyền thông để thống nhất cách hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với vấn đề này. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo rà soát để cung cấp số liệu đầy đủ hơn về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các bộ môn tích hợp trên phạm vi cả nước.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát đã thảo luận đánh giá kết quả hoạt động thời gian qua và định hướng những việc cần làm trong thời gian tới. Theo đó, công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị đã bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, đúng quy định của pháp luật. Cho ý kiến về Chương trình chi tiết, dự kiến phân công thành phần tham gia các Đoàn công tác trực tiếp tại địa phương, cơ quan trong tháng 3 – 4/2023, các đại biểu đề nghị cần đảm bảo việc xác định đối tượng, địa bàn để khảo sát trực tiếp phù hợp; lịch trình, thời gian khoa học, hợp lý, tiết kiệm; phân công hợp lý, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các thành viên, đảm bảo các thành viên tham gia đầy đủ, chất lượng theo kế hoạch, yêu cầu đã đề ra.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Tổ giúp việc đã tích cực, chủ động triển khai nội dung hoạt động theo kế hoạch; chuẩn bị các tài liệu của Phiên họp đầy đủ, nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Tổ giúp việc tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp để hoàn thiện các văn bản. Lưu ý về lịch trình đi các tỉnh/thành phố để giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Tổ giúp việc, rà soát kỹ tiêu chí lựa chọn các cơ sở giáo dục nơi Đoàn đến làm việc, bảo đảm đủ các loại hình, tiêu chí. Chương trình giám sát chi tiết và các hoạt động cụ thể cần sắp xếp khoa học, hợp lý, bảo đảm tiết kiệm thời gian, hiệu quả và cần thông báo sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên Đoàn giám sát tham gia đầy đủ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan phối hợp gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi báo cáo tổng hợp các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát theo yêu cầu của Đoàn giám sát bảo đảm đúng tiến độ. Tổ giúp việc tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương, cơ quan chưa gửi báo cáo khẩn trương hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát gửi Đoàn giám sát bảo đảm đúng tiến độ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu của Đoàn giám sát đặt ra là phải hoàn thành việc tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố (Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo giám sát và chuẩn bị dự kiến các nội dung làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương vào ngày 28/3/2023; tài liệu gửi đến các thành viên Đoàn giám sát trước ngày 20/3/2023.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chuyên đề giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được dư luận xã hội, nhân dân rất quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, một điểm mới quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ truyền tải kiến thức sang phát triển năng lực, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực theo quan điểm này

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ các giải pháp để giúp học sinh bổ trợ kiến thức, khắc phục hạn chế của việc triển khai chuyển đổi chương trình cũ sang chương trình mới theo trình tự cuốn chiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông, thống nhất cách hiểu trong việc sử dụng sách giáo khoa để thực hiện đồng bộ, hiệu quả

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Tổ giúp việc đã tích cực, chủ động triển khai nội dung hoạt động theo kế hoạch; chuẩn bị các tài liệu của Phiên họp đầy đủ, nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi báo cáo tổng hợp các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát theo yêu cầu của Đoàn giám sát bảo đảm đúng tiến độ./.

Minh Hùng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác