PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 11 CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP

28/11/2023

Chiều tối 28/11, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi kết thúc phiên họp toàn thể tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 11 thẩm tra dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự phiên họp.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 19 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đồng chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan.

Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào phiên họp thường kỳ tháng 12/2023 tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp

Tại phiên họp thẩm tra, trình bày Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối Nguyễn Văn Tiến cho biết: Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 370 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều quy định: “Căn cứ vào quy định của Bộ luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án”. Tuy nhiên, đến nay văn bản quy định cụ thể về chi phí tố tụng; về việc miễn, giảm các loại chi phí tố tụng nêu trên vẫn chưa được ban hành. Điều 135 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các chi phí tố tụng trong tố tụng hình sự nhưng quy định chưa cụ thể.

Điều 7 Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Điều 7 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp  xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đều có quy định về chi phí trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp  xử lý hành chính. Đây là những chi phí phát sinh trong quá trình tố tụng tại tòa án nhưng chưa có quy định cụ thể.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại phiên họp

Mặt khác, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khă, vướng mắc như: Mức chi cho Hội thẩm còn thấp (90.000 đồng/ngày thực tế tham gia phiên tòa), không khuyến khích được Hội thẩm tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử; Việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ còn chưa thống nhất; Một số chi phí phát sinh trong hoạt động giám định chưa được pháp luật điều chỉnh…

Do đó, việc ban hành văn bản quy định cụ thể về các chi phí tố tụng nêu trên là phù hợp và cần thiết, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ.

Dự thảo Pháp lệnh gồm 92 điều, 13 chương, quy định về: Những quy định chung; Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; Chi phí định giá tài sản; Chi phí giám định; Chi phí cho Hội thẩm; Chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân trong trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện do Tòa án chỉ định; Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến; Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật; Chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài; Chi phí tố tụng khác; Kinh phí chi trả chi phí tố tụng và Điều khoản thi hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trao đổi làm rõ một số nội dung 

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh; nhấn mạnh việc ban hành Pháp lệnh nhằm thực hiện quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 370 Luật Tố tụng hành chính; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sau hơn 11 năm thực hiện Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng; góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tố tụng được tiến hành kịp thời, chính xác và hiệu quả.

Ghi nhận dự thảo Pháp lệnh đã bám sát và phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và cơ bản thống nhất với các luật, pháp lệnh có liên quan. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định về chi phí thu lao để phân biệt đối tượng hưởng hương và đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà hoạt động tố tụng gắn với vị trí việc làm và đối tượng tuy hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng hoạt động tố tụng không gắn với vị trí việc làm.

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu cũng đánh giá cao Tòa án nhân dân tối cao trong việc chuẩn bị Hồ sơ dự án Pháp lệnh công phu, nghiêm túc; có tổng hợp, tiếp thu nhiều ý kiến của Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Các tài liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động để đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng hơn về các chính sách mới, đặc biệt là nguồn lực thực hiện và điều kiện bảo đảm thi hành các quy định mới làm gia tăng mức chi từ nguồn chi ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao cách làm bài bàn, kỹ lưỡng của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc xây dựng Pháp lệnh Chi phí nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, do đó các cơ quan cần rà soát để bảo đảm bám sát, tuân thủ đúng tinh thần nhiệm vụ Quốc hội giao trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ những điểm mới của Pháp lệnh so với các quy định có trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; một số nội dung cần được tiếp tục làm rõ như phân biệt chi phí tố tụng với chi phí hành chính; tiếp tục rà soát để hệ thống hóa các khoản chi phí tố tụng; các trường hợp được miễn, giảm; đối tượng áp dụng…để bảo đảm khắc phục những tồn tại, hạn chế, có được cơ sở pháp lý đầy đủ và khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo đó, đối với những khoản chi đã có chế độ,  tiêu chuẩn, định mức chi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì mức chi căn cứ vào văn đó đó. Đối với khoản chi chưa có thì áp dụng theo pháp lệnh này và theo thực tế phát sinh, hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Một số hình ảnh tại phiên họp: 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Cao Mạnh Linh trình bày báo cáo 

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu

Đại biểu Trần Công Phàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai - Ủy viên Ủy ban Tư pháp phát biểu

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh 

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác