Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

17/09/2024

Chiều tối 17/9, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Phiên họp Thường trực Ủy ban Xã hội mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh gặp mặt Đoàn học sinh tiêu biểu là trẻ khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Toàn cảnh Phiên họp

Theo Tờ trình số 410/TTr-CP của Chính phủ, phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Đăng ký và quản lý lao động; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm. 

Mục tiêu sửa đổi Luật Việc làm nhằm thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15. Tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực việc làm. Rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan. Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh chủ trì phiên họp.

So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như: Sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; Bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động; Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; Sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, dự án Luật cũng bổ sung các quy định hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. Bổ sung quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử; quy định về sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia. Sửa đổi quy định về hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công theo hướng thu gọn đầu mối và chuyên nghiệp hóa. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp nhằm phù hợp với chủ trương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Đại biểu tham dự Phiên họp đã đóng góp nhiều ý kiến về sự cần thiết sửa đổi luật, phạm vi điều chỉnh, các chính sách mới của dự thảo luật, quy định về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thực hiện Luật; tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật; chế độ thất nghiệp; các quy định về hỗ trợ học nghề; về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; về chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên; chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi...

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ trong 11 chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế, chính sách nào tạo điểm nhấn, bước tiến mới trong lĩnh vực việc làm. Những nội dung nào đã chín, đã rõ cần quy định cụ thể trong dự thảo luật, những nội dung nào dự lường trong 10 -15 năm tiếp theo cần quy định về nguyên tắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật cần dự báo những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới; đặc biệt những điểm mới của dự thảo luật phải giải quyết được những bức xúc, bất cập, điểm nghẽn hiện hành như thị trường lao động, chất lượng việc làm, năng suất lao động, quan hệ lao động, lao động trong lĩnh vực chính thức và phi chính thức, môi trường làm việc của người lao động…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu; ghi nhận các ý kiến phát biểu góp ý xác đáng, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm cao; đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chủ động tổ chức nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật, bảo đảm chất lượng và đồng thuận cao.

Lan Hương

Các bài viết khác