Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới...

08/01/2014

Ngày 8.1, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

 

Báo cáo tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, để phòng, chống buôn lậu qua biên giới, từ năm 2010 đến nay, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban chỉ đạo 127) đã ban hành khoảng 200 kế hoạch, phương án, văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng; các Ban chỉ đạo ở địa phương và lực lượng chức năng đã có hàng nghìn đề án, phương án, kế hoạch chi tiết cho từng thời điểm, từng nhóm mặt hàng trên từng tuyến cụ thể. Từ năm 2010 đến nay, đã xử lý được 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, từ đó thẩm lậu vào thị trường nội địa nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Các ĐBQH ghi nhận sự nỗ lực phòng, chống buôn lậu của các cơ quan chức năng trong thời gian qua, nhất là việc triển khai thành công một số chuyên đề phối hợp, góp phần kịp thời chấn chỉnh các hành vi nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa trái phép. Song, nhiều ĐBQH đã đề nghị Bộ Công thương, Ban chỉ đạo 127 làm rõ: nguyên nhân chủ yếu khiến công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa đạt yêu cầu là do cơ chế, chính sách chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế hay do sự tiêu cực trong một bộ phận cán bộ làm công tác này? Tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm được bày bán công khai thể hiện sự thờ ơ hay sự bất lực của cơ quan chức năng? Một số đại biểu cho rằng, các lực lượng chức năng hiện mới đi rượt đuổi các đối tượng vận chuyển hàng hóa thuê qua biên giới chứ chưa truy bắt được các đầu nậu. Nếu chỉ giải quyết phần ngọn mà không đi từ gốc thì vẫn khó có chuyển biến rõ nét trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn buôn lậu, thẩm lậu các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vào thị trường nội địa.

Kết luận Phiên giải trình, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao việc Ủy ban Kinh tế đã tích cực, chủ động tổ chức phiên giải trình. Những năm qua, tình hình buôn lậu qua biên giới diễn biến phức tạp đã tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh trong nước, cũng như sức khỏe và việc làm của người dân. Ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống buôn lậu, các Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT - XH hàng năm của QH luôn đề cập đến vấn đề này; Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo 127 Trung ương, các bộ, ngành và các địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch, phương án phòng, chống buôn lậu, trong đó một số chuyên đề thực hiện thành công, tạo ra hiệu ứng tốt, tạo dựng lòng tin với người dân. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Ban chỉ đạo 127/TW, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần kiên quyết ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong lực lượng phòng, chống buôn lậu; nâng cao năng lực sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; có chính sách xây dựng và bảo vệ thương hiệu, phát triển thương mại miền núi kết hợp với phòng, chống buôn lậu tại khu vực biên giới. Bên cạnh đó, cần đánh giá, tổng kết việc thực hiện các quy định liên quan đến phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thu gọn đầu mối quản lý để khắc phục tình trạng vừa bỏ trống, vừa chồng chéo; tăng cường tuyên truyền kiến thức pháp luật đến doanh nghiệp và người dân, phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng tham gia phòng, chống buôn lậu...

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)