Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự Hội thảo Từ các Mục tiêu Thiên niên kỷ 2000-2015 đến các Mục tiêu phát triển bền vững sau 2015: Vai trò của Nghị viện

17/03/2015

Sáng 17/3, tại Hà Nội, Tiểu ban nội dung - Ban Tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Từ các Mục tiêu Thiên niên kỷ 2000 -2015 đến các Mục tiêu phát triển bền vững sau 2015: Vai trò của Nghị viện. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 Tòng Thị Phóng đến dự.

Tham dự Hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - Bà Pratibha Mehta, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam là thành viên có trách nhiệm nỗ lực trong việc thực hiện 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ nên đã đạt được những kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận, nhất là đối với các mục tiêu giảm nghèo, bình đẳng giới và giáo dục. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu về xóa đói giảm nghèo cùng cực và thiếu đói từ năm 2002; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và tiến tới những mục tiêu cao hơn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; thành công trong việc kiểm soát bệnh sốt rét, một số dịch bệnh nguy hiểm, bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và đang ở trước ngưỡng hoàn thành mục tiêu giảm tử vong trẻ em.

Mục tiêu Thiên niên kỷ là vấn đề lớn, phức tạp, mang tính toàn cầu, do đó Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu cần làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc đề xuất cơ chế, chính sách, hình thành và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, giải pháp để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Điều đó góp phần giúp Việt Nam hoàn thành tốt nhất Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như xây dựng, đàm phán và tiến tới thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững nếu được thông qua; khuyến nghị một số định hướng, nội dung lớn mà Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 cần hướng tới khi xem xét thảo luận về chủ đề Các Mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động.

Phó chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Hội thảo sẽ có những trao đổi, thảo luận thiết thực về các nội dung liên quan tới quá trình thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam và các khía cạnh liên quan tới các Mục tiêu phát triển bền vững, góp phần cung cấp thông tin hữu ích cho các đại biểu Quốc hội Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tham gia ý kiến vào các Nghị quyết của Đại hội đồng IPU 132 cũng như Tuyên bố Hà Nội.

Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Bà Pratibha Mehta cho biết, Liên Hợp Quốc ghi nhận sự đóng góp to lớn trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) ở toàn cầu cũng như ở các quốc gia như Việt Nam. Ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong vấn đề về xóa đói giảm nghèo, về môi trường, nước sạch, vệ sinh hay dinh dưỡng cho trẻ em, Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh, Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam các điều kiện nhằm đảm bảo thực hiện, giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các bài tham luận và cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá thực tiễn quá trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ; đánh giá về 17 mục tiêu được đề xuất SDGs sau năm 2015, khả năng đáp ứng của Việt Nam, là nước đang phát triển cần có các hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu. Các đại biểu cũng đã thảo luận về vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện MDGs và SDGs, kết quả thực hiện MDGs và khả năng thực hiện SDGs trong lĩnh vực ngoại giao, tư pháp, công thương, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.

Theo ông Nick Booth, Cố vấn khu vực, Nhóm Quản trị và Xây dựng hòa bình, Văn phòng khu vực của UNDP tại Bangkok, vai trò chính của Quốc hội trong việc thực hiện các mục tiêu MDGs và SDGs trong hoạt động lập pháp là việc đảm bảo pháp luật hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc gia liên quan đến MDGs/SDGs; trong hoạt động giám sát là việc giám sát thực hiện các chính sách của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực của MDGs/SDGs về giảm nghèo, môi trường, giáo dục, y tế, HIV/AIDS, bình đẳng giới…, giám sát việc thực hiện các chiến lược phát triển quốc gia; trong vai trò đại diện là việc tạo diễn đàn đối thoại với người dân về các mục tiêu MDGs và SDGs, một phần trong các ưu tiên phát triển quốc gia. Ông Nick Booth cũng đưa ra một số ví dụ trên thế giới về vai trò của Quốc hội đối với việc thực hiện MDGs như Philippines, Pakistan, Mông Cổ đã thành lập các Ủy ban/ Tiểu ban của Quốc hội về MDGs; thành lập Diễn đàn Nghị viện đặc biệt của Nhóm Nghị sĩ Ấn Độ về các mục tiêu MDGs.

Những nội dung này sẽ cung cấp thêm thông tin phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 do Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28/3 đến ngày 1/4/2015.

Tin và ảnh Đức Phương