Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần thứ 21

28/03/2015

Ngày 28/3, trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132, Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần thứ 21 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với sự tham dự của đông đảo các Nữ Nghị sĩ đến từ Nghị viện các nước thành viên. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Tổng thư ký IPU Martin Chungong tham dự Hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần thứ 21 chủ trì Hội nghị.

Ảnh: TTXVN

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng các vị Nghị sĩ đã có mặt tại Hà Nội tham gia Hội nghị Nữ Nghị sĩ trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132. Hội nghị cùng nhau nhìn lại những thành tựu  đã đạt được, những đóng góp quan trọng của Hội nghị Nữ Nghị sĩ. Trải qua ba thập kỷ với nhiều phương diện, cơ chế này đã và đang phát triển từng ngày cùng với Liên minh Nghị viện Thế giới. Số lượng các nữ Nghị sĩ tham gia với tư cách đại biểu tham gia Liên minh Nghị viện Thế giới tăng lên đáng kể và các nữ Nghị sĩ tham gia tích cực hơn ở các vị trí cấp cao của Liên minh Nghị viện Thế giới, hình thành mạng lưới và các mối quan hệ rộng khắp với nữ Nghị sĩ của các Nghị viện thành viên trên toàn cầu. Ngày càng nhiều và thường xuyên hơn các vấn đề liên quan đến phụ nữ được được đưa vào chương trình nghị sự của IPU. Các hoạt động trong khuôn khổ cơ chế này đã thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới và quan hệ đối tác giữa các nam và nữ Nghị sĩ trong IPU.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Quốc hội Việt Nam đánh giá cao khi Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần thứ 21 lựa chọn chủ đề thảo luận về 20 năm thực hiện Tuyên bố chung và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, các cam kết về bình đẳng hòa bình và phát triển với 12 mục tiêu chiến lược nhằm tăng cường tiềm năng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trên toàn cầu. Tuyên bố về Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh đã phản ánh khá đầy đủ các mối quan hệ và sự quan tâm của phụ nữ và những cam kết đối với phụ nữ của các Nghị viện và các quốc gia. Hội nghị này là cơ hội của các quốc gia đánh giá 20 năm thực hiện các cam kết, vai trò của Nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết, thể chế hóa khung pháp luật quốc gia tạo cơ chế giám sát hiệu quả và phân bổ nguồn lực để thực hiện. Việc thảo luận của Hội nghị lần này càng có ý nghĩa hơn khi gắn với chủ đề chung của Đại hội đồng đó là Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động để đề xuất các kiến nghị cũng như xây dựng các mục tiêu trong phát triển tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bày tỏ tin tưởng Hội nghị Nữ Nghị sĩ phát huy hiệu quả cơ chế hoạt động của mình để đóng góp tích cực vào các Nghị quyết của Đại hội đồng, bảo đảm các Nghị quyết được thông qua đều đã được xem xét qua lăng kính giới, phản ánh được tiếng nói của các nữ Nghị sĩ.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khẳng định: bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam và các luật bình đẳng giới đều đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và công dân nữ. Phụ nữ tham gia trong Quốc hội Việt Nam tại các khóa gần đây đều đạt khoảng 25% và Quốc hội Việt Nam phấn đấu nâng cao hơn nữa tỷ lệ này. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam cũng như mục tiêu bình đẳng giới của IPU.

Dù có nhiều cố gắng và nỗ lực song vẫn còn nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng hy vọng trong thời gian diễn ra Hội nghị các vị đại biểu sẽ trao đổi nhiều thông tin và đưa ra nhiều đề xuất sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy bình đẳng giới tại mỗi quốc gia và toàn thế giới.

Chúc mừng Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Hội nghị lần này, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho biết, thời gian qua IPU đã không ngừng khuyến khích Hội nghị Nữ Nghị sĩ nỗ lực thúc đẩy, nâng cao vị thế của phụ nữ. Năm nay kỷ niệm 30 năm Hội nghị Nữ Nghị sĩ và IPU-132 là cơ hội để đưa ra những sáng kiến, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị. Chủ tịch IPU khẳng định: vấn đề bình đẳng giới không phải là vấn đề của riêng nữ giới mà là của tất cả mọi người. Vì vậy, mong muốn rằng các nữ Nghị sĩ tham gia Hội nghị sẽ phát huy vai trò của mình, sử dụng sức mạnh chính trị để thay đổi tư duy của mọi người.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần thứ 21, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vinh dự khi được Hội nghị tin tưởng, giao phó trọng trách quan trọng này.

Các nữ Nghị sĩ tham dự Hội nghị                                                                                                                 Ảnh: TTXVN

Đánh giá Hội nghị Nữ Nghị sĩ là không gian để các Nghị sĩ gặp gỡ, trao đổi tại các kỳ Đại hội đồng và giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nữ Nghị sĩ và các Nhóm nữ Nghị sĩ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là diễn đàn để tất cả các nữ Nghị sĩ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về các chủ đề mà mình quan tâm và thúc đẩy bình đẳng hợp tác nam nữ trong tất cả các lĩnh vực. Hội nghị Nữ Nghị sĩ đóng vai trò quan trọng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của nữ giới trong các hoạt động và trong các tổ chức của IPU cũng như tại các Nghị viện thành viên.

Quốc hội Việt Nam hiện nay có 122 nữ đại biểu và đều là thành viên của Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. Các đại biểu nữ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để triển khai các hoạt động trong đó có vấn đề lồng ghép giới, bình đẳng giới trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong nhiều năm liền đại diện của Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự tích cực tất cả các hoạt động của Hội nghị Nữ Nghị sĩ IPU. Hội nghị Nữ Nghị sĩ IPU đã cho các đại biểu nữ Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc triển khai các hoạt động của mình.

Chủ tịch Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn tại Hội nghị lần này, từ các chủ đề trong chương trình nghị sự, Hội nghị sẽ có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của tất các các vị đại biểu trong việc biến các cam kết tự nguyện trở thành các quy định pháp lý mang tính bắt buộc và biến các quy định pháp luật thành thực tiễn sinh động, biến lời nói thành hành động và nữ đều có thể tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng các kết quả của sự phát triển.

Trước sự hiện diện của nhiều Nghị sĩ nam trong Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần này, Chủ tịch Hội nghị Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng các vị Nghị sĩ này sẽ là tác nhân quan trọng trong việc hiện thực hóa pháp luật quốc gia về bình đẳng giới về Công ước CEDAW, Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, biến Mục tiêu phát triển bền vững thành hành động trong thời gian tới.

Hội nghĩ Nữ Nghị sĩ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1921 chỉ với 2 thành viên tham gia cho đến Hội nghị Nữ Nghị sĩ tại Hà Nội lần này đã có hơn 200 thành viên tham dự là kết quả đáng mừng cho những nỗ lực hoạt động của Hội nghị Nữ Nghị sĩ.

Tại các phiên thảo luận, Chủ tịch Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần thứ 21 đã thúc đẩy đối thoại, trao đổi tích cực các nội dung: hoạt động về giới tại các Đại hội đồng IPU của Hội nghị Nữ Nghị sĩ và Ủy ban Điều phối; báo cáo về hoạt động và khuyến nghị của Nhóm Đối tác về Giới; thảo luận về nội dung của Bản đồ Chính trị Nữ giới 2015 - tài liệu đồng xuất bản bởi IPU và UN Women - một nghiên cứu về phụ nữ trong Nghị viện từ năm 1995 đến năm 2015...

Các báo cáo tại Hội nghị và ý kiến các đại biểu tại phiên toàn thể và thảo luận nhóm cho thấy vị thế của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể ở nhiều quốc gia, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia Nghị viện và Chính phủ; cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái được cải thiện đáng kể; nhiều vấn đề về phụ nữ và bình đẳng giới được đưa vào các chương trình nghị sự của IPU, chương trình nghị sự của các Nghị viện thành viên. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như vấn đề nghèo đói, phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các nguồn lực, tỷ lệ tham gia chính trị của phụ nữ còn thấp...

Hội nghị đã đưa ra nhiều khuyến nghị về việc thực hiện đồng bộ chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu; sự hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho người phụ nữ, đánh giá những vấn đề mang yếu tố giới phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế; tiếp tục tăng tỷ lệ nữ tham gia chính trị, sự tham gia của phụ nữ trong các vấn đề tài chính; kiến nghị sửa đổi các dự thảo Nghị quyết nhằm hoàn thiện khía cạnh bình đẳng giới cho các văn kiện của Đại hội đồng IPU-132.

Hội nghị cũng đã tổ chức kỷ niệm 30 năm Hội nghị Nữ Nghị sĩ để nhìn lại chặng đường đã qua, nghe Tổng thư ký IPU Martin Chungong trình bày Báo cáo về Lịch sử của Hội nghị Nữ Nghị sĩ, những mốc thành công trong quá khứ cũng như những ưu tiên trong tương lai. Năm 1921 tại phiên họp đầu tiên của IPU có sự tham dự của đại diện cả hai giới, mới chỉ có 2 Nữ Nghị sĩ tham gia Đại hội đồng. Tại Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần đầu tiên vào năm 1985 tại Lome, Togo, các nữ Nghị sĩ chỉ chiếm 7,5% tổng số các Nghị sĩ thành viên IPU. Ngày hôm nay, có hơn 200 nữ Nghị sĩ chiếm gần 30% Nghị sĩ tham dự IPU-132 tại Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban Điều phối Nữ nghị sĩ, Bà Margaret Mensha Williams kêu gọi vì phụ nữ và bình đẳng giới. Chủ tịch Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân là người đầu tiên ký vào lời kêu gọi. 

+ Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần thứ 22 sẽ diễn ra tại Đại hội đồng IPU-133, được tổ chức tại Colombia vào tháng 10/2015.

Bảo Yến

Các bài viết khác