Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9

15/04/2015

Sáng 15/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã khai mạc tại Hà Nội, thảo luận về một số dự án luật quan trọng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.

Ảnh: Đình Nam

Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật: Luật ban hành văn bản pháp luật, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi). Đây là 4 dự án Luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng của đất nước, được đông đảo cử tri cả nước và dư luận quan tâm theo dõi.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9 sắp tới có thành công tốt đẹp và đáp ứng được lòng mong đợi của đông đảo cử tri cả nước hay không là tùy thuộc vào công tác chuẩn bị của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu quốc hội chuyên trách. Do đó, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cần nghiên cứu sâu, thảo luận thẳng thắn, đóng góp tích cực các ý kiến trên nhiều khía cạnh để tháo gỡ những vướng mắc, những vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự thảo Luật.

Ngay sau khi khai mạc, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật ban hành văn bản pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành Luật và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Đa số các đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh Luật là điều chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; và đổi tên thành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh.

Liên quan đến các quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương, có ý kiến cho rằng chỉ nên giữ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp huyện. Bởi trong thực tế, nhiều văn bản pháp luật ở cấp xã chỉ sao chép lại của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản của cơ quan cấp trên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị giữ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp huyện và cấp xã. Bởi chính quyền cấp xã là đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại cơ sở, vì vậy vẫn cần có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM), việc hủy bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã sẽ triệt tiêu năng lực tự quản của chính quyền ở cấp cơ sở. Do đó, việc giữ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã là cần thiết để nâng cao năng lực tự quản ở cấp chính quyền địa phương.

Đại biểu QH Trần Du Lịch phát biểu tại Hội nghị                                                                      Ảnh: Đình Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với việc giữ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp huyện và cho rằng việc giữ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp huyện là nhằm bảo đảm cấp huyện thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhưng phải xác định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; đồng thời, quy định chặt chẽ quy trình ban hành nhằm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản pháp luật nhưng nội dung có ít quy định mới, hiệu lực, hiệu quả không cao.

Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu góp ý cần cân nhắc để thống nhất trình tự thứ bậc của các văn bản trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (từ văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp cho đến các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nhằm đảm bảo hiệu lực của các văn bản này; đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận, dễ thực hiện.

Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu chuyên trách tại Hội nghị; cho rằng đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng và thiết thực để chuẩn bị cho các nội dung sẽ trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9. Ghi nhận sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo cùng những ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân thành của các đại biểu, Phó Chủ tịch mong muốn dự án Luật ban hành văn bản pháp luật sẽ có tính khả thi cao, sớm được thông qua và khắc phục được những tồn tại hạn chế của Luật hiện hành.

+ Chiều 15/4, Hội nghị sẽ thảo luận về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Nguyễn Phương-Hồ Hương