Bế mạc phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

25/09/2015

Chiều 25/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 41.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu bế mạc Phiên họp 41                            Ảnh: Đình Nam

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, sau 10 ngày làm việc khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 41. Ủy ban Thường vụ đã cho ý kiến về 7 dự án Luật, trong đó có 3 dự án luật trình Quốc hội thông qua và 4 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến; cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,...

Ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tổ chức có liên quan khẩn trương rà soát lại nội dung, đảm bảo tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, dự kiến sẽ khai mạc và ngày 20/10 tới.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Cho ý kiến về Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước về việc thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trên cơ sở Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ Kiểm toán Nhà nước.

Qua xem xét Tờ trình và Đề án kèm theo, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với đánh giá của Kiểm toán Nhà nước về việc cấu trúc, mô hình tổ chức của Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ Kiểm toán Nhà nước không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên.

Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trên cơ sở Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ Kiểm toán Nhà nước và cho rằng đây là yêu cầu cần thiết nhằm tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho Kiểm toán Nhà nước, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý trình bày trình báy báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành việc thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trên cơ sở Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ Kiểm toán nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm chức năng của Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán như được đề cập trong Tờ trình và Đề án thì Kiểm toán Nhà nước cần phải chú ý đến các vấn đề liên quan tới tổ chức bộ máy, nhân sự và các điều kiện bảo đảm cho việc thành lập và hoạt động của Trường.

Về nhân sự, theo số liệu được thể hiện trong Tờ trình thì đội ngũ nhân sự của Trung tâm hiện có 48 người, trong đó đội ngũ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng còn rất mỏng, cụ thể là chỉ có 5 giảng viên cơ hữu nhưng 2 giảng viên trong số này là giảng viên tập sự, đồng thời lại “chưa được đào tạo, bồi dưỡng nhiều về kiến thức kiểm toán” nên “công tác đào tạo, bồi dưỡng hầu như phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm”. Hơn nữa, theo giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên được trình bày trong Đề án thì dự kiến trong năm 2015, Trường có khoảng 15- 20 giảng viên cơ hữu, nhưng hiện nay đã gần hết năm 2015 nên giải pháp này thiếu tính khả thi.

Đội ngũ nhân sự này cần phải có bước kiện toàn một cách cơ bản cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Do đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần có giải pháp và lộ trình khả thi để xây dựng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và viên chức khác bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trường.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Văn Vạn trình bày tờ trình tại phiên họp

Về tổ chức bộ máy, theo Đề án, giai đoạn 2015- 2017, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán sẽ gồm 11 phòng, khoa, trung tâm và chi nhánh, trong đó, Khoa bổ trợ chuyên ngành gồm rất nhiều bộ môn như kinh tế học, quản lý kinh tế, lý thuyết kế toán, kế toán tài chính, quản lý tài chính công, quản trị tài chính doanh nghiệp, quản trị ngân hàng thương mại, ngoại ngữ…

Để bảo đảm hiệu quả, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, phải cân nhắc kỹ việc mở rộng thêm nhiều phân môn đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với những bộ môn không liên quan trực tiếp tới chuyên ngành đào tạo chính của trường, những ngành hiện đang có hiện tượng dư thừa lao động trong xã hội do có quá nhiều cơ sở đào tạo, đồng thời khả năng đội ngũ cán bộ của Kiểm toán Nhà nước cũng không đáp ứng được, ví dụ như quản trị tài chính doanh nghiệp, quản trị ngân hàng thương mại, ngoại ngữ…

Kết luận nội dung thảo luận về việc thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các thành viên Ủy ban Thường vụ đều tán thành việc thành lập Trường trên cơ sở Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Chức năng của trường là tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động của Kiểm toán Nhà nước và nghiên cứu khoa học; thực hiện các dịch  vụ về đào tạo, bồi dưỡng cho các tổ chức và cá nhân ngoài Kiểm toán Nhà nước có nhu cầu.

Vân Ngọc