Khai mạc phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

09/12/2015

Chiều 9/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 43.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp                                    Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phiên họp lần này diễn ra trong vòng 2,5 ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung xem xét, cho ý kiến về các văn bản thi hành Luật tổ chức Quốc hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, xem xét công việc liên quan đến đề nghị của Chính phủ về ban hành cơ chế tài chính, vấn đề phong hàm cấp tướng ở một số đơn vị mới được thành lập. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành thời gian để đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10, chuẩn bị kỳ họp thứ 11- kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cuối năm là khoảng thời gian bận rộn với nhiều sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng, tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tổng kết nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên toàn quốc, tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam… Bên cạnh đó, thời gian chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11 vào thàng 3 và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 5 là không còn nhiều. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực tập trung trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cánh tay nối dài của Văn phòng Quốc hội

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ đồng tình với quan điểm về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; nhất trí quán triệt quan điểm, mục đích, yêu cầu về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội cần có 1 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm tham mưu, giúp việc và phục vụ cho đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thống nhất; khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng tham mưu, giúp việc đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Về mối quan hệ giữa Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ lo ngại quy định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vừa chịu sự hướng dẫn về chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, do Văn phòng Quốc hội cấp kinh phí thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội, vừa chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do cơ quan này quyết định số lượng biên chế cụ thể, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu Văn phòng và là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về công tác tổ chức cán bộ của Văn phòng, sẽ làm giảm hiệu quả trong hoạt động Văn phòng Đoàn trong phục vụ hoạt động giám sát đối với chính quyền địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng về bản chất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là một phần của Văn phòng Quốc hội. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bày tỏ đồng tình với quan điểm Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và là cơ quan thụ hưởng kinh phí từ Văn phòng Quốc hội, công chức, người lao động làm việc trong Văn phòng Đoàn sẽ do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, khen thưởng và xử lý kỷ luật trên cơ sở thống nhất ý kiến với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, tương tự như cơ chế áp dụng đối với các vụ phục vụ Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng về mặt tổ chức cần phải được tập trung, xác định rõ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội phải là cánh tay nối dài của Văn phòng Quốc hội tại địa phương để quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế.

Tinh gọn bộ máy biên chế

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết về tổng số biên chế hành chính và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội gồm Chánh văn phòng và 1 Phó chánh văn phòng (riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 2 Phó chánh văn phòng) và 2 đơn vị cấp phòng là Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính, tổ chức, quản trị.

Tán thành quan điểm tinh gọn bộ máy nhân sự của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước cho rằng, ban soạn thảo đã đi đúng hướng, song phải cân nhắc số lượng biên chế tại sao là ở các mức 8, 10, 12... Con số này phải được cân nhắc xây dựng dựa vào nội dung hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hoá có thể bố trí 2 Phó chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, còn lại toàn bộ các tỉnh thành khác chỉ nên có 1 Chánh văn phòng và 1 Phó chánh văn phòng. Về số lượng biên chế, nếu Đoàn đại biểu Quốc hội không quá 10 đại biểu thì số lượng chuyên viên biên chế gồm cả Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Phó chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như 2 chức danh kế toán và thủ quỹ không quá 8 người; nếu từ 10- 20 đại biểu thì số lượng chuyên viên biên chế không quá 10 người; từ 20 đại biểu trở lên thì con số này không quá 12.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, không tổ chức đơn vị cấp phòng ở các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội mà tổ chức theo nhóm chuyên viên do Chánh văn phòng và Phó chánh văn phòng điều hành cho hợp lý. Việc thành lập đơn vị cấp phòng sẽ gây phình bộ máy do có thêm các chức danh Trưởng phòng, Phó phòng… Theo đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chỉ cần các chức danh Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Phó chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và các chuyên viên. Chuyên viên giỏi sẽ được nâng lên mức chuyên viên chính, những chuyên viên còn lại sắp xếp theo năng lực làm việc gọi là chuyên viên 1, chuyên viên 2, chuyên viên 3…

Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về cấp bậc hàm cao cấp là cấp tướng đối với chức vụ sĩ quan ở đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Công an.

Bảo Yến