Khai mạc phiên họp thứ 45 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

17/02/2016

Sáng 17/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành khai mạc phiên họp thứ 45. Đây là phiên họp có nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 sẽ diễn ra vào tháng 3/2016 sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 45                                       Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 45, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, trong khoảng thời gian 5 ngày, phiên họp sẽ nhằm chuẩn bị những nội dung quan trọng cho kỳ họp thứ 11- kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII. Đây là kỳ họp có tính chất rất quan trọng, với việc tổng kết công tác khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao… nhằm đánh giá tình hình, kết quả đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, để làm cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới.

Tại kỳ họp thứ 11 sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành hoàn tất cơ bản công tác triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với việc xây dựng, ban hanh các bộ luật, luật và các văn bản pháp luật khác; sẽ quyết định các vấn đề về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… của nước ta trong 5 năm tới. Đồng thời cố gắng hoàn thành việc thông qua phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) qua đó mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước, góp phần thiết thực cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 cũng rất quan trọng và có ý nghĩa với việc rà soát lại toàn bộ nội dung công việc, giám sát hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia, thúc đẩy công tác bầu cử trên toàn quốc nhằm bầu ra những đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân- những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng, sức mạnh của nhân dân.

Với tính chất quan trọng đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm, ý chí, đồng tâm, đồng lòng, tiếp tục có những đóng góp quan trọng tại phiên họp này qua đó góp phần vào thành công của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sắp tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào Tờ trình số 288/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao về đề nghị bổ sung dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và thông qua tại kỳ họp thứ 3; Tờ trình của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đề nghị bổ sung dự án Luật Hành chính công vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và kỳ họp lần thứ 11; Tờ trình số 691/TTr-CP của Chính phủ về đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội Khóa XIII thông qua dự án Luật đấu giá tài sản và Tờ trình lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình tại kỳ họp thứ 11 và Báo cáo số 3631/BC-UBPL13 của Ủy ban Pháp luật ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Về đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội khóa XIII thông qua dự án Luật đấu giá tài sản, thay mặt Ủy ban Pháp luật trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ thời gian trình dự án Luật này theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 nhằm bảo đảm tính khả thi của Chương trình kỳ họp thứ 11. Theo đó, Dự án Luật đấu giá tài sản đã được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, dự án Luật đấu giá tài sản có liên quan mật thiết tới các Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đã được thông qua. Do đó, cần sớm thông qua để tạo sự đồng bộ trong thực thi pháp luật. Cùng với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng đề nghị cần khẩn trương thông qua dự án Luật này.

Về đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình tại kỳ họp thứ 11, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, dự án Luật biểu tình qua thảo luận tại Chính phủ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về những nội dung lớn trong dự án luật.  Do đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật biểu tình tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng, do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện chương trình của Quốc hội để đảm bảo tiến độ chung, cụ thể hoá quy định của Hiến pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu rõ, việc ban hành Luật biểu tình là rất bức thiết, nhằm 2 mục tiêu lớn là thực hiện quyền tự do biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp và cũng nhằm góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến và bày tỏ tán thành với sự cần thiết xây dựng, ban hành dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, tuy nhiên đề nghị Tòa án nhân dân tối cao gửi xin ý kiến chính thức của Chính phủ và hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm cơ sở xem xét, đưa dự án vào Chương trình.

Các đại biểu cũng đánh giá cao sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh khi trình dự án Luật Hành chính công. Nhiều ý kiến cho rằng, đại biểu đã có một quá trình chuẩn bị rất công phu với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp. Dự thảo Luật cũng đã đưa ra xin ý kiến tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học và tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về hành chính công. Về cơ bản các đại biểu tán thành việc đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến…

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đối với dự án Luật đấu giá tài sản, đề nghị bảo đảm tiến độ sẽ thông qua vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV theo đúng Nghị quyết số 89/2015/QH13 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016;

Đối với dự án Luật biểu tình, tiếp tục giữ đúng tiến độ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII vào tháng 3/2016; Đối với dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, đề nghị khẩn trương xin ý kiến bằng văn bản của Chính phủ, các cơ quan tổ chức hữu quan sau đó bổ sung vào Hồ sơ dự án Luật trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình; Đối với dự án Luật Hành chính công, cần tiếp tục làm rõ một số nội dung trong dự thảo, đặc biệt về phạm vi điều chỉnh, tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện trong thời gian tới…

+ Cũng trong sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí cao và thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về việc cho ý kiến đối với nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Australia về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ.

Phát biểu kết luận nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao và đề nghị Chính phủ sớm ký phê duyệt thỏa thuận này. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi tiến hành đàm phán đối với những thỏa thuận tiếp theo.

Quang Minh