Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ ngành kiểm sát

25/02/2016

Sáng 25/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 45. Trong buổi làm việc này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Đẩy mạnh xử lý nghiêm án tham nhũng, kinh tế trọng điểm, phức tạp

Trình bày báo cáo tóm tắt về công tác của ngành kiểm sát nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong bối cảnh kinh tế- xã hội trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, thì các cơ quan tư pháp trong đó có ngành kiểm sát đã phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội, công tác đầu tranh, phòng chống tội phạm thu được nhiều kết quả tích cực.

Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp                                        Ảnh: Đình Nam

Ngành kiểm sát đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự từ khi khởi tố, truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 99,99%, vượt 9,99%; truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,9%, vượt 4,9%, kháng nghị các loại được tòa án chấp nhận đạt 81,8%, vượt 11,8%. 

Kết quả của ngành còn được thể hiện qua trách nhiệm công tố được chủ động thực hiện sớm hơn, gắn chặt hơn với hoạt động điều tra góp phần quan trọng chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự. Chất lượng, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên theo các năm được nâng lên. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp hiệu quả hơn.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp hoạt động hiệu quả hơn; đã ban hành 41.461 kiến nghị, kháng nghị. Số lượng, chất lượng và hiệu lực các bản kiến nghị, kháng nghị ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp. 

Đồng thời, nhiệm kỳ 2011- 2016 đã phát hiện nhiều vụ án lớn về tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các dự án có vốn đầu tư của nước ngoài, nhiều vụ làm thất thoát tài sản Nhà nước số lượng rất lớn, gây bức xúc dư luận xã hội, tác động xấu đến môi trường đầu tư phát triển kinh tế- xã hội... Cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án về tham nhũng, thiết thực góp phần xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Báo cáo nêu rõ, nhiệm kỳ qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tăng cường đôn đốc, chỉ đạo viện kiểm sát cấp dưới đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Điển hình như các vụ xảy ra tại: Vinashin, Công ty Cho thuê tài chính 2, ngân hàng ACB…

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thì tiến độ và chất lượng nhiều vụ án kinh tế, chức vụ tham những còn hạn chế, thời gian giải quyết kéo dài. Chưa khắc phục cơ bản tình trạng lạm dụng quy định tại khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự để đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can; số trường hợp đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với các bị can phạm tội về chức vụ, tham nhũng còn nhiều.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp

Quyết tâm giải quyết oan sai

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, bên cạnh việc chủ động thực hiện nhiệm vụ theo Hiến pháp và pháp luật quy định, ngành kiểm sát đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, điển hình như vụ: Nguyễn Thanh Chấn- Bắc Giang, Huỳnh Văn Nén- Bình Thuận, Vũ Ngọc Dương- Hà Nội,…

Ngành đã phát hiện nhiều vụ án oan, sai, đã kiến nghị với Chính phủ, một số bộ, ngành nhiều giải pháp thiết thực nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm và được tiếp thu, thực hiện nghiêm túc.

Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá, nhiệm kỳ qua, Viện kiểm sát các cấp đã quan tâm giải quyết đơn yêu cầu bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự với số tiền trên 13,3 tỷ đồng.

Về vấn đề này Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá cao việc thực hành quyền công tố, kiểm sát, phối hợp với Tòa án nhằm giải quyết những vấn đề Quốc hội đề ra như xử lý án tồn đọng; đánh giá cao quyết tâm của ngành kiểm sát trong việc xử lý, khắc phục và giải quyết bồi thường cho các vụ án oan sai. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định, Viện kiểm sát đã mạnh dạn trong việc nhận trách nhiệm để giải oan cho người dân, bảo đảm thực thi công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: Viện kiểm sát các cấp đã có những nỗ lực vượt bậc trong thực hiện nhiệm vụ

Ngoài ra, tại phiên họp, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Viện kiểm sát trong xây dựng báo cáo công tác nhiệm kỳ. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định, thời gian qua Viện kiểm sát các cấp đã có những nỗ lực vượt bậc trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật trong bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người. Ngành kiểm sát đã phối hợp công tác tốt với Tòa án, cơ quan điều tra, thi hành án trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, đẩy mạnh xử lý án tốn đọng. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đội ngũ cán bộ ngành.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần bổ sung nội dung đánh giá chung thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo luật định, sau đó phân tích sâu vào từng lĩnh vực; bổ sung phân tích vai trò của Viện kiểm sát trong thực hành tranh tụng, đẩy mạnh cải cách tư pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, báo cáo phải đi sâu vào đánh giá, thông qua thực hiện nhiệm vụ suốt nhiệm kỳ, ngành kiểm sát rút ra được bài học gì đển ngành tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng, tạo được lòng tin của người dân vào cơ quan tư pháp.

Bảo Yến