Bế mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

26/04/2016

Sau một ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, sáng 26/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 47.

Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV; thông qua Nghị quyết về chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân; cho ý kiến vào các Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trang phục và chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; bổ sung tạm thời biên chế, số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016- 2019; xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định về phân loại đô thị và dự thảo Nghị quyết tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính.

Ảnh: Đình Nam

Phát biểu bế mạc, trên cơ sở các nội dung của phiên họp thứ 47, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 1, Quốc hội khoá XIV, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau; đề nghị Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khẩn trương phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý các tờ trình, dự thảo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra, trên cơ sở đó sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào phiên họp sau.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan có liên quan để xem xét, hoàn thiện Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016- 2019 trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành; đề nghị Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết quy định về phân loại đô thị để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào phiên họp sau.

+ Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết quy định về phân loại đô thị và dự thảo Nghị quyết tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính.

Phân loại đô thị phải kết hợp hài hoà nhiều yếu tố

Theo Báo cáo của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về phân loại đô thị, hiện nay, công tác phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/5/2009 về phân loại đô thị. Sau hơn 6 năm thi hành Nghị định 42, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 đô thị loại I; 25 đô thị loại II. Bộ Xây dựng đã thẩm định và công nhận trên 95 đô thị loại III và VI; các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương đã thẩm định và công nhận trên 85 đô thị loại V.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho rằng, việc thực hiện triển khai Nghị định số 42 đã bộ lộ một số bất cập như tiêu chuẩn và chỉ tiêu phân loại không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của các đô thị; việc kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu và chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về phân loại đô thị là cần thiết.

PCT QH Phùng Quốc Hiển: Việc phân loại đô thị thì tiêu chí dân số và mật độ dân số phải là yếu tố đầu tiên

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong việc phân loại đô thị thì tiêu chí dân số và mật độ dân số phải là yếu tố đầu tiên, không phải tiêu chí về diện tích. Tiếp đó là quy mô của nền kinh tế được xác định bằng số thu ngân sách bởi “thu ngân sách chính là công tơ mét phản ánh sự phát triển của nền kinh tế”. Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, nếu với những tiêu chí như việc phổ cập giáo dục tiểu học, tiêu chí về nước sạch nông thôn….thì các địa phương sẽ mãi “nợ tiêu chuẩn”.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, việc phân loại đô thị phải kết hợp hài hoà nhiều yếu tố. Phải xác định được mục tiêu phân loại đô thị từ đó tập trung vào các tiêu chí quan trọng, mũi nhọn và phù hợp với điều kiện của các vùng trên cơ sở quy hoạch. Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền cũng đề nghị Ban soạn thảo cần có sự xem xét, hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về phân loại đô thị và cần chỉ ra những điểm mới trong Nghị quyết so với Nghị định 42/2009/NĐ-CP.

Còn theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cần có điều khoản quy định việc xem xét lại toàn bộ các tiêu chí sau 5 năm hoặc 10 năm nhằm tạo động lực phấn đấu cho các đô thị. Ngoài ra, cần xem xét, bổ sung các tiêu chí về môi trường trong đó có tiêu chí về thoát nước thải; bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí đối với các đô thị loại đặc biệt…

Phải làm rõ các tiêu chí để phân loại đơn vị hành chính

Theo Báo cáo nội dung Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính: đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã trong đơn vị hành chính nông thôn được phân thành 03 loại: loại I, loại II và loại III. Việc phân loại tỉnh, huyện loại I, loại II căn cứ theo tiêu chuẩn của 05 tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế- xã hội và các yếu tố đặc thù. Phân loại xã loại I, loại II căn cứ theo tiêu chuẩn của 04 tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế- xã hội và các yếu tố đặc thù. Tỉnh, huyện, xã không đạt loại I, loại II thì được phân loại III.

Đối với việc phân loại đơn vị hành chính đô thị, Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các thành phố trực thuộc trung ương còn lại được phân thành 02 loại: loại I và loại II. Việc phân loại thành phố trực thuộc trung ương loại I căn cứ theo tiêu chuẩn của 05 tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế- xã hội và các yếu tố đặc thù; thành phố trực thuộc trung ương còn lại không đạt các tiêu chuẩn loại I thì dược phân loại II.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát triển tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các tiêu chuẩn, tiêu chí để phân loại đơn vị hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét duyệt về sau. Các đại biểu cũng cho rằng, cần đối chiếu tiêu chí giữa Nghị quyết tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết quy định về phân loại đô thị để tạo sự đồng nhất trong việc quy định…

Kết luận nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan khác tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; rà soát, bổ sung, hoàn thiện 2 dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thông qua tại phiên họp sau./.

Quang Minh