Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Lễ báo cáo kết quả trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội

19/05/2016

Chiều 19/5, đúng vào ngày kỷ niệm 126 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ra sức chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam long trọng tổ chức Lễ báo cáo kết quả và trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất nhà Quốc hội tại chính tòa nhà Quốc hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự buổi Lễ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày

Tham dự buổi Lễ còn có GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy viên trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, cách đây gần 8 năm, trước khi triển khai xây dựng công trình Nhà Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện dự án “Khai quật khảo cổ học và xử lý di dời di tích, di vật khu vực xây dựng Nhà Quốc hội.” Sau 7 tháng thực hiện, đến nay công tác thi công trưng bày đã hoàn thành, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng của Dự án.

Đây là cuộc khai quật có quy mô lớn trong diện tích 14.200m2. Kết quả đã phát hiện được 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, minh chứng sinh động lịch sử phát triển sâu rộng liên tục, lâu dài của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua 1300 năm, từ thời tiền Thăng Long (thế kỷ 7- 10) đến thời kỳ Thăng Long (thế kỷ 11- 18). Đồng thời xác định rõ, khu vực xây dựng Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam cấm thành của Kinh đô Thăng Long xưa.

Tại buổi Lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cùng với các đại biểu tham dự đi tham quan khu trưng bày di vật tại Nhà Quốc hội. Khu trưng bày được cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ, theo diễn biến từ xưa lại gần và nội dung được thể hiện lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó, di tích là “hồn cốt”.

Các di tích nền móng kiến trúc cùng giếng nước, mộ ngựa, xâu tiền của các thời kỳ được tái tạo trưng bày dưới mặt sàn giống như công trường khai quật và bên trên là các loại hình di vật được trưng bày kết hợp với hình ảnh, ánh sáng và media. Các hiện vật được trưng bày tại hai tầng hầm phía Đông Nhà Quốc hội với diện tích 3.700m2. Đó là những di tích, di vật gốc, tiêu biểu, đặc sắc nhất, được khai quật và lấy lên từ lòng đất tại chính khu vực xây dựng Nhà Quốc hội từ những năm 2008-2009.

Đây là dự án có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị và khoa học. Dự án đem lại một hình ảnh mới cho tòa Nhà Quốc hội Việt Nam, tạo nên hình ảnh biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối, tôn vinh giá trị truyền thống và góp phần quan trọng trong việc minh chứng sâu hơn giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Việc trưng bày phục vụ thiết thực cho công tác quảng bá di sản, đáp ứng yêu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế tại Nhà Quốc hội.

Nhà Quốc hội, trụ sở làm việc của Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nằm trong không gian chính trị Ba Đình, không gian di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội. Nhà Quốc hội không chỉ là biểu tượng quyền lực của quốc gia mà còn là gạch nối truyền thống của trung tâm quyền lực lâu đời trong lịch sử dân tộc. Việc trưng bày những di vật này tạo nên hình ảnh độc đáo của sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp Nhà Quốc hội trở thành điểm nhấn quan trọng trong không gian Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và quảng trường Ba Đình lịch sử, để Nhà Quốc hội trở thành nơi phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Cũng từ đó, những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản Văn hóa thế giới - Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long tiếp tục được giới thiệu đến với nhân dân và bạn bè quốc tế, kết nối nhân dân với Nhà Quốc hội, để mỗi người dân có thể hiểu hơn, gần gũi hơn với Quốc hội- nơi biểu trưng cho quyền lực và ý chí của nhân dân.

Đặng Mai