Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành 04 nội dung giám sát chuyên đề

12/07/2016

Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 50, sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 4 nội dung chuyên đề giám sát trong năm 2017.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày về dự kiến chương trình giám sát           Ảnh: Đình Nam

Trình bày báo cáo về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chương trình giám sát đề ra cho năm 2016 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hộiđã được các cơ quan của Quốc hội triển khai tích cực và theo đúng kế hoạch. Chương trình giám sát đề ra phù hợp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội, mong đợi của cử tri, bám sát tình hình thực tế. Các chuyên đề được lựa chọn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều là những vấn đề bức xúc, được cử tri quan tâm, thiết thực đối với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, từ thực tiễn giám sát cho thấy, nguồn lực thực hiện chưa được tăng lên tương xứng với yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu về nhiệm vụ giám sát phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giám sát nói chung, sự tham gia giám sát của các đại biểu còn chưa được nhiều và chưa đầy đủ; do đó, cần có sự điều hòa, phối hợp sát sao hơn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ về giám sát, cần có quy định cụ thể hơn nữa về trình tự, thủ tục, công tác phối hợp để hoạt động giám sát được thực hiện nghiêm túc, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Về dự kiến chương trình giám sát 2017, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết từ 187 nội dung đề xuất của các cơ quan, trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan và xem xét tình hình thực tế tổng hợp lại còn sáu nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn bốn nội dung để giám sát. Sáu nội dung này gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011- 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển; việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất các tiêu chí lựa chọn giám sát. Theo đó, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề phải là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế- xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với công tác xây dựng pháp luật; không trùng với các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong khoảng từ 3 đến 5 năm tính đến thời điểm đề xuất; đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Nhấn mạnh là cơ quan bảo đảm quyền lực mà nhân dân giao phó, Quốc hội cần phải tăng cường việc giám sát, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, với chuyên đề đã có nghị quyết thì nên cân nhắc, vì có những vấn đề vẫn đang trong quá trình thực hiện như giám sát về giáo dục đại học và sau đại học hay Quốc hội khóa trước đã có một chuyên đề và nghị quyết của Quốc hội về xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, các làng nghề nên cần cân nhắc nội dung giám sát này.

Tán thành đề xuất thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiệc chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm vì đây là vấn đề rất bức xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề xuất nên có giám sát chuyên đề về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, trong Khóa XIII và các khóa trước, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã giám sát rất nhiều nội dung, ra nhiều nghị quyết của giám sát, đến nay các nghị quyết đó vẫn còn giá trị. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị các các cơ quan chuyên môn cần rà soát lại tất cả các nghị quyết giám sát để báo cáo Quốc hội những nội dung nào đã được thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện, lý do vì sao chưa thực hiện để báo cáo Quốc hội, qua đó theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện các nội dung nghị quyết giám sát đã ban hành.

Tán thành đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ tịch Quốc Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, năm 2017, Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp trong năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề đồng thời phải tiến hành đánh giá việc thực hiện các nghị quyết giám sát của Quốc hội. Về nội dung chuyên đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên chọn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề cải cách hành chính, bộ máy công vụ để Quốc hội giám sát tối cao và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh giám sát phải tránh chồng chéo, thiết thực, thành phần đoàn giám sát phải gọn nhẹ, các thành viên đoàn giám sát phải làm tròn trách nhiệm được phân công, chú trọng vai trò điều phối của Tổng thư ký Quốc hội để tránh việc cùng một địa phương có hai đoàn giám sát đến làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp

Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ các cơ quan hữu quan của Quốc hội cần rà soát tổng thể các nghị quyết giám sát đã được ban hành được thực hiện đến đâu và báo cáo Quốc hội. Trên cơ sở phân tích sự cần thiết dựa trên các tiêu chí lựa chọn Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất dự kiến nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 trình Quốc hội, cụ thể giám sát của Quốc hội gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011- 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020. Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển. Còn các chuyên đề khác thì Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn.

Bảo Yến