Hội thảo giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào về "Kinh nghiệm quản lý nợ công"

27/09/2016

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước và nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, sáng 27/9, tại Thủ đô Vientiane- Lào, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã phối hợp tổ chức Hội thảo về "Kinh nghiệm quản lý nợ công". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou đồng chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou đồng chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo: về phía Việt Nam có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Về phía Lào có: Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Sổm-đi Đuông- đi; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Kikeo Chăn- tha- bun; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào Sỏn- xay Xit- pha- xay và hơn 100 đại biểu đại diện đến từ các cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan của hai nước.

Phát biểu khai mạc, bày tỏ vui mừng được cùng Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Pany Yathotou cho rằng, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nợ công đang là thách thức lớn của toàn cầu. Nội dung của cuộc Hội thảo rất rộng, do đó đề nghị các đại biểu phát biểu trên tinh thần thẳng thắn, thắm tình hữu nghị anh em, cùng nhau phân tích để làm rõ nguyên nhân dẫn tới sự tăng cao của nợ công, từ đó đề xuất giải pháp trong việc quản lý nền tài chính ổn định, bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường; chia sẻ kinh nghiệm về thành công trong việc giải quyết những vấn đề về nợ công để bảo đảm cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước với hệ thống pháp lý đồng bộ.

Dẫn câu nói của Bác Hồ về quan hệ giữa hai nước: “Hạt muối cắn đôi, cọng rau sẻ nửa”, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou bày tỏ hy vọng Việt Nam- Lào sẽ tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, đánh giá nợ công là một vấn đề lớn đối với rất nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Lào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Kinh nghiệm quản lý nợ công” để bàn về thực trạng và tìm ra nguyên nhân, giải pháp quản lý nợ công hiệu quả nhất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an toàn tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thông báo tình hình nợ công ở Việt Nam hiện nay là vấn đề hệ trọng và đang được kiểm soát chặt chẽ, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, có nhiều cách tính và con số khác nhau về nợ công nhưng đều kết luận là nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, tiệm cận giới hạn theo quy định của Luật Quản lý nợ công và xếp hàng cao trong các nước khu vực. Qua các cuộc trao đổi, làm việc, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức tài chính quốc gia và quốc tế đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc quản lý nợ công.

Để giải quyết vấn đề hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, theo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ các nước cần có chiến lược kiểm soát đầu tư trong khu vực công, giảm thâm hụt ngân sách, kiểm soát được nợ vay nước ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các nhân tố như tốc độ tăng GDP, lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của quốc gia cần được kiểm soát tốt. Việc quản lý hiệu quả nợ công cần có sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan dưới sự điều hành chung của Chính phủ và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội các nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội thảo

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn tại Hội thảo này, các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý kinh tế của Chính phủ, các chuyên gia của hai nước sẽ trao đổi, làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến khái niệm, phân loại, đánh giá nợ công; phương thức và biện pháp quản lý nợ công, đặc biệt làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc phân bổ ngân sách; lập pháp và giám sát thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của mỗi nước.

Hội thảo giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào về Kinh nghiệm quản lý nợ công nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội hai nước đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước trong quản lý kinh tế và là biểu hiện sinh động hợp tác ngày càng bền chặt, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ hai nước. Đối với Việt Nam, tình hình nợ công hiện nay là vấn đề bức xúc cần phải giải quyết. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3%, vượt trần quy định là 50%; nợ nước ngoài của Quốc gia 43,1%. Đối với Lào, tình hình tài chính, ngân sách vẫn đang gặp khó khăn. Nợ công ở mức cao 69% GDP, nợ nước ngoài khoảng 4,7 tỷ USD, nợ trong nước 2,25 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm chỉ đạt 74,52% kế hoạch do Quốc hội phê duyệt và sẽ tiếp tục không đạt kế hoạch khi kết thúc năm tài khóa vào 30/9/2016.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ts. Hồ Đức Phớc, đối với mỗi quốc gia trên thế giới, nợ công vừa là một công cụ kinh tế vĩ mô thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, vừa là một trong những thước đo quan trọng giúp phản ánh thực trạng tài chính và tính bền vững trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, quản lý nợ công đã được Quốc hội và các cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra như một vấn đề trọng yếu trong quản lý tài chính - ngân sách quốc gia. Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cũng đã có nhiều giải pháp, biện pháp quan trọng để tăng cường công tác quản lý, giám sát nhằm quản lý nợ công một cách hiệu quả, bền vững, an toàn; theo đó nhiều chính sách, quy định quản lý đã được xây dựng và triển khai thực hiện, từ Luật Quản lý nợ công đến các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, nợ công chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Việc quản lý nợ công một cách hiệu quả, có hệ thống đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn về tài chính, cũng như tính bền vững trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Kiểm toán nợ công chính là một công cụ trọng yếu trong việc hỗ trợ giám sát và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nợ công. Các cơ quan Kiểm toán Nhà nước cần xác định rõ thách thức, cũng như vai trò, trách nhiệm trong nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nợ công. Và để thực hiện tốt vai trò kiểm toán nợ công, Kiểm toán Nhà nước cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, phối kết hợp từ Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ban ngành và cơ quan hữu quan trong quyết tâm đẩy mạnh công tác kiểm toán nợ công cho phù hợp với vai trò và vị thế của một hoạt động kiểm soát tài chính- ngân sách quốc gia thường niên.

Về nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội Việt Nam về quản lý nợ công theo quy định của pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang nêu rõ, Hiến pháp năm 2013, tại Điều 69 và Điều 70 đã quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; Quốc hội có thẩm quyền “quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước”. Cùng với đó, tại Điều 7 Luật quản lý nợ công cũng đã quy định thẩm quyền của Quốc hội trong vấn đề này. Vì vậy, có thể nói, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công và giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công.

Ngoài ra, đưa một số phân tích về thực trạng nợ công của Việt Nam và vai trò của Quốc hội trong việc xem xét, quyết định và giám sát tình hình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Quang nhận định, nợ công luôn luôn là một nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước nhưng đi kèm nó là nguy cơ đe dọa an ninh tài chính của mỗi quốc gia nếu không được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển (như Việt Nam, Lào, Campuchia...). Do đó đòi hỏi các quốc gia phải cân nhắc, tính toán thận trọng trong việc vay nợ, và quan trọng hơn là quản lý sử dụng nợ công phải thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Mỗi quyết định của chúng ta trong việc vay, quản lý và sử dụng nợ công sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ chúng ta mà còn ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.

Từ thực trạng tình hình nợ công và công tác quản lý nợ của Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ một số bài học rút ra trong quản lý nợ công như:

Một là, chính sách quản lý nợ công có mối quan hệ chặt chẽ với chính sách đầu tư công, chính sách tài khóa, tiền tệ, gắn với mô hình tăng trưởng kinh tế của mối quốc gia. Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng việc mở rộng đầu tư công, thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng và duy trì mô hình tăng trưởng cao dựa vào vốn vay sẽ tạo ra áp lực lên nợ công vượt quá khả năng trả nợ của nền kinh tế, có thể dẫn đến khủng hoảng nợ công.

Hai là, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, vốn vay công là yếu tố quyết định tính an toàn, bền vững nợ công. Kinh nghiệm quốc tế cũng đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản và trực tiếp dẫn đến khủng hoảng nợ công là mục đích sử dụng vốn vay không phù hợp, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp và không tạo ra được thu nhập để trả nợ trong tương lai.

Ba là, kiểm soát trần nợ là điều kiện cần để đảm bảo an toàn nợ công. Đây là căn cứ để xác định quy mô, phương án vay phù hợp, tránh việc đi vay quá mức, vượt quá khả năng trả nợ của nền kinh tế cũng như khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn phát triển.

Bốn là, chủ động điều chỉnh chính sách quản lý nợ kịp thời, phù hợp với diễn biến thực trạng của nền kinh tế cũng như biến động quốc tế. Thường xuyên cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP, biến động tỷ giá, điều kiện huy động vốn trong nước và nước ngoài để chủ động xây dựng phương án quản lý nợ tương ứng. Khi thị trường thuận lợi, linh hoạt áp dụng các nghiệp vụ phái sinh, hoán đổi nợ và mua lại nợ để tái cơ cấu lại nợ công, xử lý rủi ro tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng nhằm tối ưu hóa cơ cấu nợ công với chi phí hợp lý, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.

Năm là, hoàn thiện chính sách và tổ chức quản lý nợ công. Trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế, cần thiết phải điều chỉnh kịp thời hệ thống chính sách quản lý nợ theo hướng xác định rõ mục tiêu, phạm vi, công cụ, thẩm quyển và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Sáu là, tăng cường thông tin về kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để đánh giá chính xác mức độ an toàn nợ công. Tăng cường minh bạch hóa thông tin, số liệu về nợ công, chính sách, pháp luật có liên quan. Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc huy động, sử dụng và trả nợ công để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân.

Ngoài ra, Hội thảo cũng được lắng nghe các bài tham luận, những ý kiến chia sẻ trong vấn đề quản lý nợ công của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về quan hệ trong hoạt động ngân hàng với nợ công; Bộ trưởng Bộ tài chính Lào Sổm-đi Đuông- đi; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Kikeo Chăn- tha- bun; Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào Sỏn- xay Xit- pha- xay về tình hình diễn biến về nợ công của Lào, hệ thống pháp luật điều chỉnh, cơ cấu nợ công; hạn chế, rủi ro, bất cập trong sử dụng nợ công...

Tin và ảnh: Đức Hiếu

Các bài viết khác