Chưa chú trọng, quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri

05/10/2016

Chiều 5/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Báo cáo về Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp được 2613 kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội phân loại, xử lý các kiến nghị trùng lặp, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, kiến nghị không rõ nội dung, còn 914 kiến nghị ; trong đó, có 49 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, 856 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị- xã hội và 04 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao .

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, tại kỳ họp thứ 11, các cơ quan của Quốc hội, của Ủy Ban thường vụ Quốc hội nhận được tổng số 49 kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Toàn bộ 49/49 kiến nghị này đều đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời bằng văn bản tới cử tri (đạt 100%), cụ thể trong đó có: 14/49 kiến nghị (chiếm 28,6%) liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật, 32/49 kiến nghị (chiếm 65,3%) liên quan đến các hoạt động giám sát, 3/49 kiến nghị (chiếm 6,1%) liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021.  

Đối với 856 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng đều đã trả lời được toàn bộ 856/856 kiến nghị (đạt 100%). Trong đó cơ quan nhận được số kiến nghị nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (128 kiến nghị), cơ quan nhận được số kiến nghị ít nhất là Bộ Ngoại giao (01 kiến nghị). .

Tuy vậy, Báo cáo Giám sát cũng chỉ rõ, vẫn còn hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời cử tri mà chưa chú trọng, quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, một số cơ quan giải quyết và giải trình cung cấp thông tin còn chưa rõ, một số văn bản trả lời còn chung chung hoặc không đúng kiến nghị cần giải quyết…

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trinhf bày báo cáo tại phiên họp                                 Ảnh: Đình Nam

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc tập hợp, tổng hợp giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, Ban Dân nguyện đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cần quan tâm xem xét, khai thác các ý kiến, kiến nghị của cử tri, cần lấy đó làm cơ sở, căn cứ xây dựng luật, pháp lệnh cũng như xây dựng nội dung, kế hoạch đối với các hoạt động giám sát chuyên đề; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt quy trình lập pháp, trong đó, xác định rõ trách nhiệm các cơ quan trong việc trình, thẩm tra dự án luật đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo đúng quy định pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri, bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, bám sát tình hình thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền tập trung xem xét, giải quyết; tăng cường công tác ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc tập hợp, tổng hợp, phân loại các kiến nghị của cử tri cũng như các trả lời kiến nghị của cử tri...

Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến việc tiếp thu, nghiên cứu và đặc biệt là việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri; khẩn trương nghiên cứu, thực hiện các kiến nghị mà Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã nêu trong các Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; sớm hoàn thiện và ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Xem xét tiếp thu kiến nghị cử tri để xây dựng, điều chỉnh và ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của cử tri.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao sự chuẩn bị công phu và các chuyến giám sát của Ban Dân nguyện để có đưa ra những số liệu cụ thể ở trong báo cáo. Các đại biểu cho rằng, Báo cáo năm nay đã tiến bộ hơn các năm trước khi cung cấp được nhiều địa chỉ cụ thể, chỉ rõ được đơn vị nào làm tốt hay chưa tốt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, khi đã đưa ra được những địa chỉ cụ thể như thế thì Báo cáo càng cần phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra những đánh giá chính xác, khen đúng và phê bình cũng phải đúng. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, đối với mỗi nội dung trong báo cáo đều cần có chủ thể đánh giá rõ ràng, đảm bảo tính cụ thể, tin cậy hơn cho Báo cáo.

Đánh giá Báo cáo của Ban Dân nguyện đã thể hiện có chiều sâu khi phân loại, sắp xếp các nội dung kiến nghị của cử tri ra thành 8 lĩnh vực cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, nếu Báo cáo tiếp thục triển khai theo hướng này, và vạch rõ ra vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong từng lĩnh vực là gì thì sẽ rất thuận lợi cho Quốc hội khi xây dựng chính sách và pháp luật, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của cử tri.

Nguyễn Phương