Xem xét, làm rõ vấn đề an ninh, an toàn, trật tự xã hội trong việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

18/10/2016

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 4, sáng 18/10, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều khiển phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp                                                  Ảnh: Đình Nam

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh… Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ- CP ngày 14/10/2015 với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, trong đó có việc xây dựng và triển khai cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Theo đó, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Đồng thời, người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực sẽ được cung cấp mã khóa để truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực để nhận kết quả xin thị thực điện tử, thanh toán lệ phí thị thực qua tài khoản và tự in thị thực điện tử. Quy định cấp thị thực điện tử như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh.

Tuy nhiên, việc cho phép người nước ngoài tự in thị thực điện tử không phù hợp với quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm chủ trương này là cần thiết.

Thay mặt Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày Báo cáo thẩm tra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thanh Hồng nêu rõ, Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết của ban hành Nghị quyết của Quốc hội như nội dung Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng, nội dung Tờ trình cũng như các văn bản trong Hồ sơ dự án Chính phủ trình chưa nêu bật được thực trạng khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay trong việc cấp thị thực theo quy định của pháp luật hiện hành để làm căn cứ cho sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Về tên gọi, Ủy ban cơ bản tán thành với tên gọi Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bỏ từ “việc” để thống nhất với tên gọi của các Nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Ủy ban đề nghị trước mắt chỉ thí điểm áp dụng việc cấp thị thực điện tử đối với người nước ngoài ở một số quốc gia cso quan hệ truyền thống với Việt nam và các quốc gia đã ký các công ước về ngoại giao liên quan đến vấn đề này trên cơ sở có đi có lại. Sau một ghời gian thực hiện sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá để kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành.

Về tính phù họp giữa nội dung dự thảo Nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, Ủy ban đề nghị dự thảo Nghị quyết quy định thị thực điện tử là thị thực được cấp thông qua giao dịch điện tử, không quy định thị thực điện tử là thị thực rời; đề nghị không giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam như tại Điều 3 của Dự thảo mà phải được quy định cụ thể trong Nghị quyết này của Quốc hội.

Về hồ sơ Nghị quyết và thời hạn Chính phủ trình, Ủy ban đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ bổ sung đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu cần thiết có liên quan để trình Quốc hội thảo luận, xem xét cho ý kiến và thông qua Nghị quyết vào thời gian cuối Chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp                                Ảnh: Đình Nam

Phát biểu tại Phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị xem xét, làm rõ vấn đề an ninh, an toàn, trật tự xã hội trong việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; báo cáo rõ việc các trang thiết bị, máy móc, hệ thống máy tính đã đảm bảo hay chưa? Kinh phí để bảo đảm triển khai thực hiện Nghị quyết như thế nào?...

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị xem xét lại quy định “Phí cấp thị thực không được hoàn trả đối với trường hợp không được cấp thị thực” vì cho rằng quy định này còn chung chung, thiếu sự minh bạch; đồng thời ảnh hưởng đến lợi ích và quyền của người nước ngoài xin cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị xem xét lại đối tượng áp dụng tại Điều 2 của Dự thảo, bởi nếu thị thực điện tử là một loại thị thực rời sẽ không thực sự có tác dụng nhiều, còn nếu không phải là thị thực rời thì đối tượng áp dụng sẽ rất rộng, ảnh hưởng đến vấn đề về an ninh. Ngoài ra, cũng cần làm rõ thêm việc cấp thị thực điện tử có thực sự thúc đẩy hoạt động du lịch hay không?; cần hoàn thiện, bổ sung đầy đủ Hồ sơ dự án, có ý kiến của một số bộ, ngành và kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh của nước ta. Do đó, đề nghị các cơ quan hữu quan tiến hành chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để trình xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Chính phủ, Ban soạn thảo cần bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ dự án Nghị quyết theo quy định; làm rõ phạm vi, nội dung của dự thảo để gửi lại Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và trình xin ý kiến Bộ Chính trị; đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để xin ý kiến Quốc hội bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 2 tới đây.

Quang Minh